Người cựu binh Pháp lưu giữ bức chân dung Bác Hồ suốt 70 năm

18:44 01/09/2019
Ngày 4-9-2019 tới, Bảo tàng Hồ Chí Minh sẽ tổ chức lễ tiếp nhận hiện vật do nhà văn Hiệu Constant, một Việt kiều đang sinh sống tại Paris (Pháp) chuyển tặng. Đó là bức tranh chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh in trên giấy dó do một cựu chiến binh Pháp đã lấy được ở chiến trường Tây Bắc từ khoảng năm 1950 và mang về Pháp cất giữ suốt gần 70 năm qua. 


Bức tranh Hồ Chủ tịch trong ngôi nhà của một cựu binh Pháp

Nhân dịp kỷ niệm 65 năm chiến thắng Điện Biên Phủ và kết thúc cuộc chiến tranh Đông Dương, Đài Truyền hình Việt Nam (VTV) có dự án thực hiện bộ phim tài liệu dài mang tên "Vòng vây lửa", tái hiện cuộc chiến đấu khắc nghiệt 56 ngày đêm tại chiến trường Điện Biên Phủ. VTV liên hệ với tôi, do tôi đã cộng tác với chương trình "Người Việt bốn phương" của Đài từ lâu nên tôi vui vẻ nhận lời, mặc dù để thực hiện công việc này tại Pháp, tôi biết trước sẽ gặp không ít khó khăn.

Tôi đã mất khá nhiều thời gian để tìm gặp những cựu chiến binh từng tham gia trận Điện Biên Phủ. Trong số những nhân chứng tìm được, có một cựu chiến binh khá đặc biệt, đó là ông Pierre Flamen, hiện sinh sống tại Montreuil, một thành phố khá lớn ở ngoại ô Paris.

Tác giả bài viết, ông Pierre Flamen (bên trái) và ông Claude Constant trong buổi bàn giao bức tranh Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Năm 1948, Pierre Flamen sang Việt Nam và đã đi khắp miền Bắc, trong đó thời gian đóng quân lâu nhất tại vùng Tây Bắc, từ Yên Bái,  Nghĩa Lộ đến Điện Biên. Trong trận Điện Biên Phủ, Pierre Flamen là Trung đội trưởng thuộc Tiểu đoàn 6 lính Dù và chỉ huy 35 quân.

 Ông Pierre Flamen có một trí nhớ siêu phàm. Nhắc lại những câu chuyện cách đây gần 70 năm, ông vẫn nhớ những địa danh từng đóng quân và tham gia vào các trận đánh, thậm chí ông còn có một cuốn sổ tay ghi lại những tổn thất mỗi trận của cả hai phía Việt Minh và Pháp.

Rồi trong một lần trò chuyện, ông Pierre Flamen nói muốn cho tôi xem một kỷ vật mà ông đem về từ Việt Nam và cất giữ 70 năm rồi, đó là bức tranh vẽ chân dung Hồ Chủ tịch.

Pierre Flamen kể rằng những năm đóng quân ở Tây Bắc Việt Nam, ông đã từng "liều lĩnh" đến sinh sống nhiều tuần liền trong một ngôi làng của người Thái, ăn những thức ăn của họ và chứng kiến cảnh sinh hoạt của người Thái. Trong một lần đi trinh sát vào khoảng năm 1949 hoặc 1950 ở khu vực Nghĩa Lộ, không thuộc địa phận quân Pháp quản lý, ông đã thấy bức tranh này được dán trong một cái lán dựng trong rừng. Ông vẫn nhớ đó là cái lán sơ sài, lợp rơm nằm giữa một khu rừng nứa, ngoài bức tranh này còn có vài tờ giấy khác mà ông không hiểu.

Riêng bức tranh dán trên vách, in trên giấy dó khổ A3 được vẽ theo kiểu họa hình, đơn giản, chỉ vài nét chấm phá nhưng rất có hồn đã thu hút ông bằng cả tính nghệ thuật và ý nghĩa của nó. "Tôi đã phải gỡ rất cẩn thận để không làm rách vì nó được dán trên một tấm phên làm bằng tre", ông nói.

"Ngày ấy, tôi biết trong vùng Việt Minh thường dựng cái lán gọi là Lán Tin Tức. Tôi muốn biết xem cán bộ Việt Minh trong vùng trưng bày những gì cho dân chúng biết, đâu là những vấn đề thời sự của họ.

Tôi vốn say mê các tác phẩm nghệ thuật, tôi thấy bức tranh rất đẹp được họa bằng bút lông, chắc phải do một nghệ sỹ thực hiện. Hơn nữa, đó chính là chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh, mình phải giữ lại. Với thời tiết khí hậu lúc đó, nếu để đó chỉ vài ngày là bức tranh có thể sẽ bị ẩm mốc và tự mủn đi", Pierre Flamen nói.

Bức tranh được in rập trên giấy dó mỏng dính, được Pierre Flamen gọi là "giấy lá chuối". Lấy được bức tranh, Pierre Flamen mang về cất giữ cẩn thận và tháng 7-1951, trong lần về phép, ông đã mang theo bức tranh về Pháp.

Trong ngôi nhà Pierre Flamen đang sinh sống, có rất nhiều đồ lưu niệm của châu Á và các quốc gia mà ông từng đi qua, chỉ có điều tôi tìm mãi mà không thấy chút bóng dáng gì của các đồ lưu niệm Việt Nam được bày hay treo trên tường.

Như hiểu ý tôi, Pierre Flamen kể rằng: "Tôi rất thích một số đồ ở Hà Nội và đã để dành tiền để trước khi về Pháp sẽ mua. Nhưng số phận đã muốn khác đi, tôi bị bắt làm tù binh trong trận Điện Biên Phủ, tháng 11- 1954, khi quay về Pháp thì tôi đã chẳng còn gì…". Bù lại, ông có một số đồ vật nho nhỏ của người dân tộc Thái mà ông rất yêu thích, nhưng chúng quá nhỏ, được ông đựng trong một chiếc hộp.

Sau năm 1954, ông chưa trở lại Việt Nam lần nào. Bởi sau khi rời Đông Dương, ông vẫn làm lính trong quân đội Pháp và tiếp tục đi đến những chiến trường khác trên thế giới.

"Khi tôi về hưu thì vợ tôi lại ốm rất nặng suốt nhiều năm liền, tôi phải ở bên bà ấy, bây giờ, bà ấy qua đời thì tôi không còn muốn đi du lịch nữa. Nhưng tôi vẫn rất yêu Việt Nam, cho dù thế nào, tôi luôn luôn giữ những hồi ức đẹp về con người và đất nước này. Tôi sẽ không bao giờ quên những con người đã giúp tôi trong những lúc tôi bị bắt làm tù binh".

Nói về việc lưu giữ bức tranh, Pierre Flamen kể những năm còn làm lính đi khắp nơi, ông giao bức tranh cho bà mẹ cất giữ. Mãi tới khi nghỉ hưu, Pierre Flamen lấy lại và mang về nhà riêng của mình, "Bức tranh này đã ở tại nhà tôi từ ngày ấy và không bao giờ chuyển đi đâu nữa. Thi thoảng tôi mở ra xem để kiểm tra có bị mối mọt không, nó vẫn gần như nguyên trạng kể từ khi tôi tìm được". Là người đam mê vẽ nên mặc dù hiện đã ngoài 90 tuổi, ông vẫn dành thời gian để vẽ. Ông vẽ theo trí nhớ, vẽ theo những bức ảnh cũ xưa, hoặc những tấm bưu thiếp; và theo trí nhớ ông đã vẽ lại quang cảnh nơi ông đã tìm thấy bức tranh ấy.

Theo lời Pierre Flamen, cách đây khoảng 7 năm, có một đoàn cán bộ của Việt Nam gồm năm người sang Pháp thu thập thông tin và hình ảnh về Hồ Chủ tịch và họ đã đến gặp ông để xin lại bức tranh này, nhưng khi đó ông không đồng ý "vì còn lưỡng lự chưa muốn rời xa bức tranh nghệ thuật này".

"Đã đến lúc bức tranh Hồ Chủ tịch phải được trở về Việt Nam"

Hôm tôi đến thăm Pierre Flamen, lúc đầu tôi chỉ nghĩ rằng sẽ nói chuyện với ông về bức tranh để có thêm tư liệu cho bộ phim. Nhưng cuối buổi nói chuyện ấy, bất ngờ Pierre Flamen nói với tôi: "Giờ gặp cô thì tôi nghĩ đã đến lúc bức tranh Hồ Chủ tịch phải được trở về Việt Nam", và ông muốn qua tôi trao tặng bức tranh này cho Việt Nam.

Gần 70 năm qua, bức chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh đã được ông Pierre Flamen lưu giữ cẩn thận.

"Tôi cũng hơi tiếc, vì tôi thực sự thích và lưu luyến bức tranh, nhưng tôi nghĩ nó xứng đáng được ở nơi nó cần ở, với lịch sử. Bức tranh xứng đáng một vị trí trong một nhà bảo tàng. Tôi nghĩ rằng có thể người dân Việt Nam rất ngạc nhiên khi thấy một người lính Pháp đem bức tranh này theo mình, nhưng với tôi, đây là một kỷ niệm, một kỷ niệm quí báu.

Đây dù sao cũng là một bức tranh được thực hiện rất tỉ mỉ và tài năng, một dạng thủ pháp, hình ảnh rất giống, đơn giản nhưng hiệu quả. Đó chính là vị Chủ tịch của các bạn, ông đã qua đời nhưng mãi vẫn là Chủ tịch của các bạn. Và cô làm ơn sao lại cho tôi một bản, tôi muốn giữ lại bản sao ấy làm kỷ niệm", ông nói.

Thoạt đầu nghe ông nói sẽ trao tặng lại bức tranh cho Việt Nam và tôi là người đại diện nhận nó thì tôi đã hơi run. Tôi sợ mình sẽ không biết bảo quản, tôi sợ bức tranh quá mỏng manh, và có lẽ ông nên trao cho một đoàn cán bộ nào đó của Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp.

Nhưng tôi lại nghĩ đây không chỉ là một trách nhiệm mà còn là một vinh dự đối với mỗi công dân Việt Nam. Qua một người bạn, tôi đã liên hệ được với Bảo tàng Hồ Chí Minh. Tôi đã lấy được sự tự tin. Tôi đã đến nhà ông để nhận bức tranh.

Hôm tôi đến nhà Pierre Flamen nhận bức tranh, có một người bạn của Pierre Flamen cũng đến dự, đó là ông Claude Constant. Trong câu chuyện với tôi, ông Claude Constant nói rằng: "Tôi đã rất xúc động trước câu chuyện của ông Flamen khi gặp ông ấy. Ông ấy là một nhà quân sự, nhưng ngoài chuyện đó, đây là một người đầy tình nhân ái và đánh giá rất cao Việt Nam. Sau đó là niềm đam mê của ông dành cho nghệ thuật và những bức tranh đã theo ông suốt cuộc đời.

Và tôi thấy hết sức kỳ diệu, đó là trong cuộc chiến tranh khắc nghiệt là thế nhưng ông vẫn nhận ra giá trị hiển nhiên của tấm áp phích và ông đã lấy và cất giữ từ cuối những năm 1940. Điều mà tôi có cùng suy nghĩ với ông Flamen, đó chính là giá trị của bức tranh mà ông ấy đã hiểu và đã lưu giữ.

Thứ hai là việc ông ấy đã tặng lại cho Việt Nam, là một người Pháp, tôi chỉ thấy vui mà thôi. Tại sao? Tại vì chúng ta đang ở thời kỳ cách cuộc chiến hơn 60 năm, đã đến lúc hai nước chúng ta cần trao đổi những giá trị văn hóa của chúng ta, thay đổi tất cả những gì mà chúng ta đã có trong lịch sử trước đây để xây dựng một tương tai.

Tôi thấy quả là kỳ diệu khi một người lính Pháp lưu giữ một bức tranh, mà tuy nhiên, đó là một kẻ thù không đội trời chung ở giai đoạn ấy, hiện giờ lại là người mang đến niềm hi vọng nhiều nhất giữa hai quốc gia.

Việc một cựu binh Pháp tặng lại bức tranh này cho Việt Nam, theo tôi là biểu tượng của sự hòa giải và sự tái tạo cần thiết giữa nước Pháp và Việt Nam, hai quốc gia đã có rất nhiều chuyện liên hệ với nhau và hiện tại, điều hiển nhiên sẽ là hợp tác với nhau để cùng phát triển tiến tới tương lai". 

Thực hiện mong muốn của ông Pierre Flamen, tôi đã liên hệ với Bảo tàng Hồ Chí Minh để trao tặng kỷ vật này cho Bảo tàng. Ông nói  muốn tôi thay ông viết đôi lời. Và ngày 4-9 tới, tôi sẽ thay mặt ông để trao bức tranh này cho Bảo tàng Hồ Chí Minh tại Hà Nội. Khi làm việc này, tôi thực sự cảm thấy vinh dự và tự hào được ông Pierre Flamen tin tưởng. Paris, 26-8-2019

Hiệu Constant

Liên quan đến vụ tai nạn xe chở rác BKS 75C-044.83 khi đi qua cầu treo Bình Thành (xã Bình Thành, thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế) bất ngờ gặp tai nạn rơi xuống sông làm 2 người mất tích như Báo CAND đã thông tin, vào khoảng 7h45 sáng nay (23/11), lực lượng cứu nạn cứu hộ (CNCH) đã tìm thấy được 1 thi thể trên sông.

Hỏi: Cháu tôi bị bạn bè lôi kéo, tụ tập tham gia đua xe máy và bị Công an quận tạm giữ cả xe và người để xử lý theo quy định pháp luật. Xin hỏi hành vi của cháu tôi có bị truy cứu trách nhiệm hình sự không? (Trần Văn Hải, TP Hồ Chí Minh)

Sau nhiều ngày đưa ra xét xử sơ thẩm, ngày 21/11, TAND tỉnh Thừa Thiên Huế tuyên án đối với 2 bị cáo Nguyễn Vĩnh Linh (SN 1961) và Nguyễn Như Quỳnh (SN 1975, đều trú tại TP Huế) trong vụ án "Tham ô tài sản" và "Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng" xảy ra ở Trung tâm Công nghệ thông tin Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) thuộc Sở TN&MT tỉnh Thừa Thiên Huế.

Trong bối cảnh Mỹ ngày càng thờ ơ với khu vực Mỹ Latinh, Trung Quốc đã nhanh chóng tận dụng khoảng trống này để mở rộng ảnh hưởng. Với chiến lược đầu tư mạnh mẽ và cam kết lâu dài, Bắc Kinh đang tạo ra một sự thay đổi đáng kể tại Mỹ Latinh, khiến Washington phải đối mặt với thách thức lớn về địa chính trị ngay tại “sân sau” của mình.

Ngày 22/11, Đoàn kiểm tra số 4 của Bộ Công an do Trung tướng Nguyễn Văn Long, Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy Công an Trung ương, Thứ trưởng Bộ Công an, làm trưởng đoàn, kiểm tra các mặt công tác Công an năm 2024 tại Công an tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. Tham gia đoàn công tác có đại diện lãnh đạo Văn phòng Bộ Công an và các Cục nghiệp vụ Bộ Công an…

Sau nhiều năm chờ đợi, tuyến Metro đầu tiên của TP Hồ Chí Minh với tên gọi Bến Thành - Suối Tiên (tuyến Metro số 1) cũng đã bước vào giai đoạn gấp rút hoàn thành những công đoạn còn lại để có thể chính thức đưa vào khai thác ngay trong năm nay. Nhưng thời điểm này gánh nặng chi phí hoạt động cũng đã bắt đầu xuất hiện...

Sau một thời gian theo dõi, Công an huyện Đức Thọ, Hà Tĩnh đã phối hợp với Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm Công nghệ cao Công an Hà Tĩnh, Công Thành phố Hà Nội, Quãng Ngãi, Gia Lai phá thành công chuyên án buôn bán, vận chuyển hàng cấm (pháo) với quy mô lớn, bắt giữ 6 đối tượng, thu giữ trên 2,2 tấn pháo các loại cùng nhiều tang vật liên quan đến vụ án.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文