Người đàn bà tật nguyền đổi đời từ kẻ làm thuê

15:00 19/11/2015
Trong căn nhà ba gian khá kiên cố là cơ sở sản xuất nước rửa chén Mỹ Hoa. Mấy ai biết được chủ nhân cơ sở này là một phụ nữ tật nguyền, từng bị trường Đại học Tổng hợp Huế thông báo nghỉ học vì không đủ sức khỏe.

Chúng tôi đến thăm nhà của bà Nguyễn Thị Mai Hoa (SN 1962 tại khối 14, phường Hà Huy Tập, TP Vinh, trong một ngày mưa phùn lất phất khi bà đang tất bật ghi sổ sách cho những lô hàng chuẩn bị xuất đi. Chiều xế bóng, bà mới có thời gian pha trà mời khách và tâm sự về cuộc đời không mấy yên ả của mình.

Vượt lên số phận

Bà Nguyễn Thị Mai Hoa sinh ra trong một gia đình có 5 anh chị em. Ông cụ thân sinh của bà quê ở Huế, còn mẹ người Hà Tĩnh, cả 2 đều làm việc trong quân đội, gặp nhau rồi kết duyên tại thành phố Vinh.

Cô bé Nguyễn Thị Mai Hoa khi được sinh ra rất trắng trẻo, xinh xắn. Nhưng thật không may, năm Mai Hoa tròn 2 tuổi cũng là lúc số phận trớ trêu ập xuống. Cô bé bị sốt rồi bại liệt và hậu quả để lại là đôi chân không còn vận động được bình thường. Thế là bỗng chốc, Hoa trở thành một người tàn tật, sớm chịu nỗi đau khi đôi chân không lành lặn, mang trong mình mặc cảm, tự ti vì bị bạn bè tò mò trêu chọc... Những lúc nhìn các bạn chơi đùa, Hoa cũng ước ao lắm, nhưng nhìn xuống đôi chân yếu ớt của mình, cô bé đành âm thầm khóc...

Tuy vậy, Nguyễn Thị Mai Hoa đã vượt lên trên tất cả nỗi đau thể xác và sự tự ti, mặc cảm của bản thân để rèn luyện và học tập với thành tích xuất sắc. Cứ đều đặn ngày này qua ngày khác, mỗi sáng sớm người dân trong xóm nhỏ đã quá quen thuộc với hình ảnh một cô bé nhỏ nhắn, xinh xắn với đôi chân không lành lặn nhưng vẫn tự đến trường. Tuy đi lại, sinh hoạt khó khăn nhưng bù lại, Mai Hoa học rất giỏi và nhất là các môn khoa học tự nhiên. 

Hết lớp 12, Hoa đăng ký thi vào khoa Sinh hóa - Vi sinh trường Đại học Tổng hợp Huế và trúng tuyển. Học được gần một năm, nhà trường có thông báo nghỉ học đối với những sinh viên bị khuyết tật vì cho rằng những sinh viên đó không có đủ sức khỏe để học tập, rèn luyện. Trở về nhà với tâm lý buồn chán, Hoa có ý từ bỏ con đường học vấn, tìm kiếm một công việc để làm. Tuy nhiên, niềm đam mê học tập vẫn âm ỉ cháy trong lòng và thôi thúc Mai Hoa tiếp tục ôn thi lại.

Ngày đi làm, tối về Hoa lại chong đèn ôn thi. Cuối cùng, nỗ lực của Hoa cũng được đền đáp. Năm 1984, một lần nữa Hoa thi đậu vào Trường Đại học Tổng hợp Huế. Những năm trên giảng đường, Hoa luôn là một trong những sinh viên ưu tú của khoa Sinh - Hóa. Nhưng nỗi đắng cay, thua thiệt dường như chỉ mới bắt đầu với nữ cử nhân tật nguyền này.

Ngày cầm tấm bằng tốt nghiệp đại học ra trường, Hoa đi xin việc khắp nơi mà chẳng nơi nào muốn nhận một người tàn tật vào làm việc. Nhớ lại ngày đó, bà Hoa vẫn còn hờn tủi: "Tôi vốn là chị cả của 4 đứa em nên chỉ mong học rồi ra trường có công việc để tự lo cho cuộc sống của mình và phụ giúp được bố mẹ phần nào, vậy mà bị người ta kỳ thị, bị xa lánh".

Công việc hằng ngày của bà Hoa.

Đổi đời từ kẻ làm thuê

Không xin được việc làm, Mai Hoa đành quay trở về thành phố Vinh, nơi mình được sinh ra và lớn lên để bắt đầu cuộc sống mới bằng hai bàn tay trắng. Khi ấy, bà đã làm thuê làm mướn đủ mọi nghề từ dệt may, thêu ren... Bất kì công việc gì phù hợp với sức khỏe của mình Hoa đều không nề hà, miễn làm sao có thể kiếm được đồng tiền trang trải cuộc sống.

Sau một thời gian làm thuê, làm mướn, Mai Hoa nghĩ nếu cứ quẩn quanh thế này, đời mình sẽ khổ. Nghĩ vậy, với những kiến thức hóa thực phẩm đã học được khi còn ngồi trên giảng đường, bà mày mò nghiên cứu, tìm tòi rồi tự mở lò sản xuất nước giải khát có ga lấy tên là nước giải khát Hương Lúa. Khi đó, bà lấy nguyên liệu từ Huế ra rồi mới làm thành phẩm ở Nghệ An. Làm được mẻ nào, bà một mình vừa làm công nhân vận chuyển, vừa làm "bà chủ" tìm mối giao dịch bán hàng trên đôi chân không đi lại được như người bình thường.

Cứ thế, gần chục năm trời, ngày nào bà cũng thức dậy từ 3 giờ sáng rồi đạp xe đi lấy đá lạnh từ Bệnh viện Quân khu 4 về đường Lê Hồng Phong. Không ít lần, bà Hoa phải thức trắng đêm trước cổng bệnh viện đợi xe từ trong Huế ra để lấy nguyên liệu. Bao khó khăn, vất vả cuối cùng bà cũng có thành quả. Sản phẩm nước giải khát lên men Hương Lúa cũng dần dần chinh phục được người tiêu dùng gần xa. Chỉ sau 3 năm, bà Hoa đã gom góp được đủ tiền ra đến Viện 108 (Hà Nội) để phẫu thuật chỉnh hình đôi chân của mình. Sau ca phẫu thuật đó, đôi chân của bà đi lại có phần dễ dàng hơn.

Nhiều năm qua, cơ sở nước rửa chén Mỹ Hoa đã tạo việc làm thêm cho nhiều lao động.

Hạnh phúc nở hoa

Thời con gái, tuy bị tật ở chân nhưng Hoa trắng trẻo và xinh gái, tính tình vui vẻ, lại hiểu biết nên có khá nhiều người theo đuổi. Khi ấy, Hoa cũng từng có một tình yêu đẹp "như mơ" với một chàng trai suốt 7 năm trời, nhưng có lẽ vì có duyên không có phận nên hai người không đến được với nhau.

Bẵng đi ít lâu, có chàng trai trong làng vì cảm phục nghị lực của cô gái với đôi chân không lành lặn mà đem lòng yêu mến. Cả hai đã tính chuyện trăm năm nhưng thật không may, gia đình chàng trai phản đối nên thêm một lần, đường tình duyên lỗi hẹn với người con gái vốn đã không may mắn.

Mãi đến năm 1997, lúc Mai Hoa 35 tuổi, bà mới gặp và không lâu sau thì kết duyên với Thái Bá Mỹ - người đàn ông đã qua một đời vợ và có hai người con riêng, lớn thì lớp 6, nhỏ lớp 4. Tình yêu đã đến với 2 người dù muộn màng nhưng sâu sắc, chân thành. Nhưng lần này, họ vẫn không tránh khỏi sự phản đối quyết liệt của hai bên gia đình.

Gia đình bà Hoa sợ con gái sẽ khổ nên ra sức ngăn cản. Gia đình ông Mỹ cũng phản đối đến cùng, vì dù sao, cũng là người thành đạt, không quá khó để tìm một người vợ thứ 2 "lành lặn". Không lâu sau, công ty của ông Thái Bá Mỹ phá sản, bà Hoa vẫn một lòng quyết tâm đến với người đàn ông đã một lần đò. Vượt qua mọi khó khăn, trắc trở, hai cuộc đời đã gắn kết lại với nhau để từ đây xây dựng một gia đình dù còn nhiều thử thách phía trước...

Ngày mới về nhà chồng cũng nhiều cái phức tạp và trăm việc bộn bề khiến bà Hoa phải lo lắng. Khi ấy, bà tự nhủ cứ sống với lương tâm của mình cho tốt. Bà không nói nhiều mà lo cho các con từng bữa ăn giấc ngủ, kèm cặp, theo sát việc học hành của mỗi đứa... Chính những hành động ân cần, chu đáo đó khiến hai đứa con chồng dần dần cũng hiểu được những quan tâm, yêu thương chân thành của bà và càng kính phục, không còn chuyện "dì ghẻ, con chồng" như trước.

Bà Hoa bên lô hàng chuẩn bị đưa đi tiêu thụ.

Hạnh phúc gia đình càng được nâng lên gấp bội phần khi cùng năm đó, bà sinh được cô con gái Thái Thị Mỹ Linh xinh xắn trong niềm vui vỡ òa vì lần đầu tiên được làm mẹ. Đến năm 2006, sau nhiều năm nghiên cứu, mày mò cùng với sự quyết đoán, dám nghĩ dám làm, bà Hoa bắt đầu làm nước rửa chén và chọn nước bạn Lào làm thị trường ưu tiên số 1. Nhiều lần gặp khó khăn và có lúc tưởng chừng phải dừng sản xuất vì thị trường tiêu thụ nhưng đến nay thương hiệu nước rửa chén mang tên hai vợ chồng Mỹ Hoa đã có mặt rộng rãi trong tỉnh và nước bạn Lào. Nhân công của bà chủ yếu là sinh viên làm thêm theo ca ngoài giờ học và tiền công được trả theo sản phẩm.

Giờ đây hai đứa con lớn của vợ chồng bà đã có gia đình riêng, con gái út của bà hiện đang là học sinh lớp 11 chuyên Hóa của Trường THPT chuyên Phan Bội Châu. Khi gia đình yên ấm, có của ăn, của để, bà Hoa mong muốn được làm một việc gì đó có ích để giúp đỡ những người khuyết tật. Với những nỗ lực của bản thân, bà đã từng là đại biểu của tỉnh Nghệ An tham dự Hội nghị biểu dương người tàn tật, trẻ mồ côi và người bảo trợ tiêu biểu toàn quốc lần thứ 2; được nhận Bằng khen của Hội bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi Việt Nam "Vì đã có thành tích xuất sắc trong lao động, sản xuất, công tác và học tập tốt năm 2004 đến năm 2006".

Thạch Văn

Gần đây, sau khi đánh giá tác động môi trường và các thủ tục pháp lý, một số doanh nghiệp đã được các bộ, ngành liên quan và tỉnh Quảng Bình cấp phép khai thác cát để thi công Dự án cao tốc Bắc - Nam. Tuy nhiên, gần đây xuất hiện một số đối tượng lấy lý do doanh nghiệp khai thác cát sẽ làm sạt lở bờ sông, gây ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân…

Quán triệt chủ trương chính quy hóa lực lượng Công an xã, những năm qua, trên địa bàn tỉnh Ninh Bình, lực lượng Công an đã tranh thủ sự ủng hộ mạnh mẽ của cấp ủy, chính quyền các cấp với phương châm “trên dưới đồng lòng” triển khai bài bản, khoa học việc bố trí con người, trụ sở, điều kiện cơ sở vật chất, xây dựng cấp Công an thứ tư đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới. Qua đó, đã có rất nhiều sự đổi thay tích cực về an ninh trật tự, vun đắp nghĩa tình quân dân và sự trưởng thành từ chính những chiến sĩ Công an bám cơ sở.

Ngày 21/5, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy Công an tỉnh Thái Bình cho biết, vừa bắt giữ Trương Tất Hảo (SN 1971), là đối tượng có nhiều tiền án, tiền sự về các tội mua bán trái phép chất ma túy, đánh bạc và cố ý gây thương tích.

Hôm nay (21/5), Lễ bốc thăm ASEAN Mitsubishi Electric Cup (tiền thân là AFF Cup) năm 2024 sẽ được tổ chức tại Hà Nội. Đội tuyển Việt Nam cũng sẽ khởi động cho chiến dịch này dưới thời huấn luyện viên Kim Sang Sik.

Quá trình thi công móng cột xảy ra sạt lở làm nhiều người thương vong, mở đường công vụ trái phép trên đất rừng phòng hộ, tự ý chặt hạ cây gỗ rừng tự nhiên và tại nhiều vị trí móng cột vẫn còn vướng mắc đền bù giải phóng mặt bằng (GPMB)... là những tồn tại, vướng mắc liên quan đến quá trình thi công dự án đường dây 500kV mạch 3 đoạn qua tỉnh Hà Tĩnh.

Chiều 20/5, Cơ quan CSĐT Công an huyện Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, đã khởi tố bổ sung vụ án hình sự, khởi tố bị can và lệnh bắt bị can để tạm giam đối với Lê Thị Chung (SN 1978, Trưởng phòng Quản lý nhân sự Công ty TNHH Dịch vụ bảo vệ Hoàng Kim Giáp) để điều tra về tội “Làm giả tài liệu của cơ quan tổ chức”.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文