Người "mổ bụng" thủy lôi bằng... dụng cụ sửa xe đạp

08:59 08/08/2013

Chỉ với chiếc mỏ lết và thanh gỗ, những quả thủy lôi, bom từ trường hiện đại của đế quốc Mỹ đã bị "mổ bụng", tạo "đột phá khẩu" giúp nghiên cứu ra nguyên lý hoạt động và chế tạo nên những thiết bị phá lôi đầu tiên của quân dân ta. Người làm nên "kỳ tích" đó là Đại tá Trương Thế Hùng, nguyên Đại đội trưởng Đại đội 8 Công binh Hải quân nhân dân Việt Nam.

Trong suốt hơn 20 năm xâm lược Việt Nam, đế quốc Mỹ đã hai lần leo thang phá hoại miền Bắc. Cùng với việc đánh phá các mục tiêu trên đất liền bằng không quân và hải quân, Mỹ còn tiến hành hai chiến dịch lớn (từ năm 1967 - 1968 và 1972 - 1973), thả trên 74.700 quả thủy lôi, bom từ trường nhằm phong tỏa tất cả cửa sông, biển từ Cửa Tùng (Vĩnh Linh-Quảng Trị), đến cửa sông Văn Úc (Hải Phòng) hòng phá hoại tiềm lực kinh tế, quốc phòng của ta. Đây cũng là hành động để ngăn cản sự viện trợ của bạn bè quốc tế cho Việt Nam, ngăn chặn việc huy động sức người, sức của từ hậu phương lớn miền Bắc chi viện cho chiến trường miền Nam, làm nhụt ý chí giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước của quân và dân ta. Hành động này cũng đẩy quân dân ta vào một cuộc chiến tranh mới mẻ chưa từng có.

Từ "mổ bụng" thủy lôi bằng mỏ lết…

Đại tá Trương Thế Hùng nay đã 83 tuổi, sống tại một con ngõ nhỏ trên đường Trần Phú, Hải Phòng. Ông vẫn còn tráng kiện và minh mẫn. Ông nhớ rất rõ đêm 26 rạng 27/2/1967, Mỹ bắt đầu chiến dịch thả thủy lôi xuống các cửa sông, cửa biển miền Bắc, trọng điểm là 4 cửa sông lớn thuộc Quân khu 4 là sông Mã (Thanh Hóa), sông Gianh (Quảng Bình), cửa Hội (Nghệ An), sông Nhật Lệ (Quảng Bình). Ngoài ra, địch còn thả thủy lôi ở 20 cửa sông khác ở miền Bắc, nhằm làm tê liệt đường vận chuyển trên sông biển của ta.

Nhiệm vụ của công binh bấy giờ là phải "giáp mặt" với những vũ khí sát thương dưới nước đó, tìm ra nguyên lý hoạt động của nó để khống chế, rà phá, quét sạch nhằm khai thông tuyến đường thủy huyết mạch vận chuyển hàng hóa lương thực bạn bè quốc tế chi viện cho ta, đồng thời cũng là tuyến đường để ta chi viện cho miền Nam ruột thịt. Muốn vậy thì không còn cách nào khác là phải trục vớt, phải tháo ra nghiên cứu.

Lúc này, Bộ Tư lệnh Hải quân đã thành lập Đại đội 8 công binh chuyên làm nhiệm vụ nghiên cứu, rà phá thủy lôi. Khi đó ông Trương Thế Hùng giữ cấp bậc đại úy, được cử làm Đại đội phó, còn đồng chí Hoàng Lưu là Đại đội trưởng. Ông Hùng đã được Hải quân Việt Nam cử đi học chuyên ngành vũ khí dưới nước ở Trung Quốc từ năm 1955 nên đã có kiến thức về lĩnh vực này.

Khi có thông tin bộ đội Quảng Bình vớt được hai quả thủy lôi ở bãi sông ở gần bến phà Gianh, Bộ Tư lệnh Hải quân đã chỉ thị Đại đội 8 công binh cử ngay một tổ vào phối hợp với lực lượng tại chỗ để tìm cách tháo gỡ, rà phá. Cùng tổ công tác với ông Hùng lúc bấy giờ có ông Trần Thanh Hoài và ông Đào Kỳ (hiện đã mất). Lúc đó chiến trường Quảng Bình đang rất khốc liệt, nếu để hai quả thủy lôi ở đó có thể không an toàn, vì thế đã được chuyển lên xe tải chở ra Nam Đàn – Nghệ An, dù đây cũng là việc hết sức nguy hiểm, vì thủy lôi có thể nổ bất cứ lúc nào.

Ông Trương Thế Hùng đang tháo gỡ quả thủy lôi đầu tiên của Mỹ, 3/1967.

Ông Hùng nhớ lại: “Ngày 3/3/1967, chúng tôi bắt đầu đi bằng xe đạp, vượt quãng đường 400 - 500 cây số từ Hải Phòng vào Nghệ An dưới bom đạn thời chiến. Chúng tôi đã xác định đây là loại thủy lôi chìm đáy, không chạm nổ, trong đó một quả là MK-50 (thủy lôi cảm ứng từ trường), MK-52 (thủy lôi cảm ứng âm thanh)”.

Ông Hùng kể rằng khi đó ba ông không ai bàn lùi cả mà chỉ mong sao tháo cho bằng được. Ngay từ đầu, các ông được xác định là làm nhiệm vụ của người lính cảm tử. Nhưng có điều, khi đi làm nhiệm vụ, không ai dám nói với gia đình vì sợ gia đình sẽ lo lắng, sẽ gàn. Mọi người đều mang một tâm trạng rạo rực, quyết tâm. Tuy vậy, đó không phải là “điếc không sợ súng”. Là người được đào tạo, các ông đều biết rõ thủy lôi hết sức nguy hiểm nhưng không ai sợ.

Ngày 16/3/1967, hai quả thủy lôi được đặt cách xa nhau ở cánh đồng Nam Đàn đề phòng bất trắc có thể gây nổ “dây chuyền” sẽ ảnh hưởng đến công tác nghiên cứu. Trước khi từng người một luân phiên vào tháo gỡ, ông Hùng đã cẩn thận chụp ảnh thuỷ lôi đề phòng có nổ cũng còn hình ảnh lưu lại. Công cuộc "mổ bụng" hai quả thủy lôi này được tiến hành bằng một chiếc... mỏ lết thô sơ là dụng cụ sửa xe đạp. Bởi ít ai biết rằng, ngay cả các chuyên gia nước bạn được cử sang giúp đỡ chúng ta cũng chỉ "dạy chay" mà... chưa hề biết hình thù quả thủy lôi Mỹ nó ra làm sao.

Đó là một hành động khá liều lĩnh, bởi như ông Hùng nói: "Về mặt chuyên môn, chúng tôi cũng biết khi tháo thủy lôi phải sử dụng dụng cụ không nhiễm từ thì mới an toàn. Nhưng trong hoàn cảnh đó, không còn phương án khác. Chúng tôi xác định phải liều, phải mạo hiểm. Nhưng là cái “liều” dựa trên cơ sở khoa học. Vì thứ nhất, thủy lôi được vận chuyển từ Quảng Bình ra bằng xe ôtô nhưng không hề kích nổ. Thứ hai, thủy lôi không chịu áp lực nước nên chứng tỏ chúng đang ở trạng thái bình thường. Đấy chính là cơ sở để chúng tôi quyết định... “liều”.

 Ông Hùng là người đầu tiên vào tháo, còn hai ông Kỳ và Hoài đứng nấp cách xa vài chục mét. Ông Hùng nhấn mạnh: "Quan trọng nhất là cái ngòi nổ. May là cái ốc đó lại là ốc 6 cạnh nên dùng cái mỏ lết này được. Chúng tôi thống nhất đánh số thứ tự 8 con ốc ở ngòi nổ và quy ước khi tháo ốc nào thì phải hô to cho hai người bên ngoài biết thứ tự từng ốc đang tháo. Làm như vậy thuỷ lôi có nổ còn biết nổ ở ốc thứ mấy".

Đó là một cuộc đấu trí căng thẳng, hồi hộp. Dù đã xác định tư tưởng cả rồi, nhưng khi đặt chiếc mỏ lết lên chiếc ốc ngòi nổ đầu tiên, ai nấy đều nín thở. Những con ốc dính đầy bùn đất, dụng cụ thì chỉ là chiếc mỏ lết bình thường, ông Hùng phải nhẹ nhàng nhích từng tí một. Vặn đến ốc nào, ông đều hô to để ở ngoài biết và đánh dấu. Cho tới con ốc số 8 - con ốc vít cuối cùng ở ngòi nổ rời khỏi khối thuốc, ông thở phào. Tuy vậy, ông Hùng vẫn nhớ rất rõ rất có thể kẻ địch xảo quyệt cài bẫy bằng hơi độc, ông ấn chặt tay và từ từ tháo ngòi nổ ra. Lúc này đồng chí Đào Kỳ và Thanh Hoài ở ngoài đã vui mừng khôn xiết chạy lại, cả ba ôm chầm lấy nhau, ai cũng rơm rớm nước mắt...

"Giải quyết" được quả đầu tiên, quả thứ hai cũng tiến hành tương tự. Sau khi các ông Trương Thế Hùng, Trần Thanh Hoài, Đào Kỳ tháo được hai quả thủy lôi về, cán bộ, công nhân Xưởng 56 đã mổ xẻ, tìm hiểu tất cả những tính năng, kỹ chiến thuật của nó. Gần một tháng sau, sơ đồ mạch điện, nguyên lý nổ của thủy lôi được hoàn thành, chuyển về cho Nhà máy X46 Hải quân nghiên cứu sản xuất ra phương tiện rà phá thủy lôi.

Đến khống chế bom từ trường bằng thanh gỗ

Đến cuối năm 1968, ông Trương Thế Hùng cùng ông Trần Thanh Hoài và ông Đào Ngọc Tấn lại tiếp tục được giao nhiệm vụ tháo gỡ quả bom từ trường đầu tiên mà Mỹ thả xuống bến phà An Dương (Hải Phòng), đó là DST-36 mang đầu nổ MK-42.

Ông Hùng cho biết DST-36 là loại vũ khí hết sức nguy hiểm, có tác dụng chiến đấu cả trên cạn và dưới nước. Đặc biệt, khi được thả từ trên máy bay xuống, bom từ trường chui sâu xuống đất, nước nên rất khó phát hiện và nếu phát hiện được cũng rất khó đưa lên khi nằm dưới nước nên mức độ nguy hiểm vô cùng lớn. Hơn nữa, đây là quả bom từ trường đầu tiên mà các ông được... sờ đến.

Lần này, nhóm của ông Hùng lại "sáng chế" ra một dụng cụ vô cùng đặc biệt, đấy là những thanh gỗ tốt được gọt đẽo vừa khít với các ốc chìm trên thân quả bom rồi vặn tháo. Từ việc này, những thiết bị rà phá thủy lôi được chế tạo như HDL-9, HT-5, HT-6 và PĐ-67. Kết quả trong 2 năm (1967-1968), chúng ta đã rà phá được 8.851 quả thủy lôi và bom từ trường. Khi Mỹ tuyên bố chấm dứt ném bom đánh phá miền Bắc Việt Nam (31/10/1968) thì 2 ngày sau lực lượng rà phá của Quân chủng Hải quân kiêm Quân khu khu Đông Bắc làm nòng cốt đã hoàn thành thông luồng để dẫn tàu 300 tấn chở hàng vào các cảng Bến Thủy, sông Gianh, Đồng Hới an toàn, đánh dấu sự thất bại hoàn toàn của đế quốc Mỹ trong phong tỏa bằng thủy lôi và bom từ trường lần thứ nhất trên sông biển miền Bắc nước ta.

Ông Trương Thế Hùng và chiếc mỏ lết tháo gỡ thủy lôi.

Chưa chịu dừng lại, Mỹ tiếp tục tiến hành leo thang bắn phá miền Bắc lần thứ 2, bắt đầu từ ngày 27/8/1972. Khoảng 17.080 quả bom, mìn các loại, trong đó có 7.963 quả thủy lôi và bom từ trường phong tỏa các khu vực cảng, cửa sông, ven biển thuộc 10 tỉnh duyên hải từ Quảng Ninh đến Quảng Trị. Thường vụ Đảng ủy Quân chủng Hải quân đã lại một lần nữa tin tưởng giao nhiệm vụ cho ông Trương Thế Hùng chỉ huy và hai cộng sự là ông Nguyễn Văn Huấn và Vũ Ngọc Vê tiến hành tổ chức lực lượng lặn mò tìm và tháo thủy lôi.

Các ông đã gặp "người quen cũ"- quả thủy lôi MK-52. Tuy vậy, ngay lập tức ông Hùng đặt ra trong đầu câu hỏi không biết sau 5 năm, loại thủy lôi này địch cải tiến như thế nào? Ông kể lại: "Nhìn bề ngoài tôi đã thấy ngay 8 chiếc ốc ở ngòi nổ ở quả thuỷ lôi MK-52 lần trước là ốc nổi, nay đã được địch “cải tiến” làm ốc chìm". Dù đã có được những thiết bị tháo thủy lôi chuyên dụng hơn, nhưng ba ông vẫn tiến hành thận trọng những bước bắt buộc như chụp ảnh, tháo ốc nào hô to ốc đó...

Khi quả thuỷ lôi được tháo thành công và đưa về đất liền, Tư lệnh Hải quân Nguyễn Bá Phát, Bí thư Thành uỷ Hải Phòng Trần Kiên đã đến tận Tràng Cát để nghe báo cáo. Sau đó đích thân Đại tướng Võ Nguyên Giáp gọi điện khen ngợi. Quả thủy lôi MK-52 đầu tiên tháo gỡ được trong giai đoạn 2 (1972-1973) tại cửa Nam Triệu (Hải Phòng) đã là cơ sở để ta nghiên cứu đưa vào sử dụng phương tiện rà quét như ống phóng từ 480, xuồng phóng từ 311, tàu phóng từ V412… để chúng ta rà phá hầu như toàn bộ số thủy lôi, bom từ trường Mỹ ném xuống sông biển miền Bắc.

Với đóng góp đặc biệt này, năm 1976 Đại đội 8 công binh vinh dự được nhận danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Riêng ông Trương Thế Hùng cũng được nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt I, và Huân chương Chiến công hạng ba

Hoàng Thu

Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) Trần Hồng Minh vừa công điện gửi Cục Đường cao tốc Việt Nam, Cục Đường bộ Việt Nam, các ban quản lý dự án, nhà đầu tư về việc đẩy nhanh tiến độ thực hiện 8 dự án đầu tư kinh doanh công trình trạm dừng nghỉ trên tuyến cao tốc Bắc-Nam phía Đông.

Quyết tâm duy trì mô hình "Ngã tư an toàn giao thông" hiệu quả, thay đổi bộ mặt giao thông Thủ đô, lực lượng CSGT xử lý nghiêm tất cả những tài xế xe máy và ô tô có thói quen đứng đè vạch dừng hoặc đè vạch sang đường của người đi bộ, khi bị xử lý lại đổ lỗi do đường đông và đi vội.

46,15% cơ quan, doanh nghiệp bị tấn công mạng trong năm 2024; Số vụ tấn công mạng ước tính lên tới hơn 659.000 vụ; Việt Nam thiếu hụt nghiêm trọng nhân lực chuyên trách về an ninh mạng; Tấn công có chủ đích, tấn công gián điệp và tấn công mã hoá dữ liệu là những hình thức tấn công phổ biến nhất; Tỷ lệ sử dụng sản phẩm, dịch vụ “Make in Vietnam” còn rất khiêm tốn, chỉ 24,77%; Tình trạng lộ lọt dữ liệu cá nhân đáng báo động nhưng công tác đảm bảo an ninh còn nhiều lúng túng.

Dự án xây dựng, mở rộng Quốc lộ 50 (QL50) đoạn qua địa bàn huyện Bình Chánh, TP Hồ Chí Minh với chiều dài hơn 6,9km, tổng mức đầu tư gần 1.500 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách Trung ương và TP Hồ Chí Minh với mục tiêu giảm ùn tắc giao thông nghiêm trọng trên tuyến nối từ TP Hồ Chí Minh đi Long An, Tiền Giang dù đã được HĐND thành phố thông qua chủ trương đầu tư từ tháng 6/2021, nhưng đến nay nhiều gói thầu xây lắp chính mới đạt tỷ lệ rất thấp…

Sáng mai (24/12), TAND TP Hà Nội sẽ mở phiên tòa hình sự sơ thẩm xét xử 17 bị cáo trong vụ án chuyến bay giải cứu (giai đoạn 2) về các tội: “Đưa hối lộ”, “Nhận hối lộ”, “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ” và “Che giấu tội phạm”.

Ngày 23/12, Phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh Quảng Ngãi cho biết, liên quan vụ án "Đưa hối lộ" và "Nhận hối lộ" xảy ra tại tại Ban Quản lý Khu Kinh tế Dung Quất và các KCN tỉnh Quảng Ngãi đã khởi tố thêm tội “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản” đối với một số đối tượng.

Ngày 23/12, Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cho biết đã nắm thông tin phản ánh của người thân một nữ bệnh nhân trẻ trên mạng xã hội Facebook về hành vi thiếu chuẩn mực của bác sĩ nam khi siêu âm tuyến giáp, tim và bụng. Sự việc xảy ra tại Phòng khám Đa khoa thuộc Công ty cổ phần Đầu tư Tư vấn dịch vụ y tế Y Đạo (địa chỉ 46-48 Ngô Quyền, phường 5, quận 10).

Có thể khẳng định rằng, với Đề án 06 và ứng dụng VNeID do Bộ Công an chủ công xây dựng đã được phát triển mạnh mẽ, trở nên quen thuộc, thiết yếu trong công cuộc chuyển đổi số của người dân Việt Nam nói chung và Thủ đô Hà Nội nói riêng. Năm 2024, thành phố đã triển khai ứng dụng hiệu quả VNeID trong chuyển đổi số, góp phần phát triển nhanh, bền vững kinh tế - xã hội của Thủ đô.

Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam 2024 (Vietnam Defence Expo 2024) là một sự kiện quy mô lớn, thu hút sự quan tâm mạnh mẽ từ giới chuyên gia và truyền thông quốc tế. Đây không chỉ là cơ hội để Việt Nam khẳng định vị thế trong hợp tác quốc phòng toàn cầu mà còn là dịp để giới thiệu các thành tựu quốc phòng cũng như thúc đẩy hợp tác quốc tế.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文