Người thương binh già và câu lạc bộ bóng đá đặc biệt

08:00 20/08/2015
Có một thương binh già cần mẫn dạy đá bóng miễn phí gần 20 năm qua cho các em gái nhỏ. Ông là Dương Khắc Kiểm, người dân quen gọi "bầu Kiểm" hiện sống ở làng Nghiêm Xá, xã Nghiêm Xuyên, huyện Phú Xuyên, Hà Nội.
Những cô gái "quần đùi, áo số"

Lịch học bình thường đúng hai giờ chiều, khi "bầu Kiểm" thổi hồi còi báo hiệu là các cầu thủ nhí đã tập trung sẵn, hăng hái vào sân. Sau khi khởi động là bắt đầu tập luyện, theo đúng chế độ khoa học. Học trò của ông Kiểm có độ tuổi từ 8 đến 15 tuổi, là những bé gái nhà quê đang độ tuổi đến trường nhưng có niềm đam mê bóng đá, được tham gia đội hình và được uốn nắn theo cách của người huấn luyện viên (HLV) già.

Việc thành lập và dìu dắt Câu lạc bộ (CLB) Bóng đá của ông Kiểm không chỉ giúp trẻ em trong vùng có một sân chơi lành mạnh mà còn rèn luyện kỷ luật, đạo đức con người, góp phần tạo ra những nhân tố tích cực, những cầu thủ xuất sắc cho nước nhà.

Em Nguyễn Thanh Yến - thủ môn xuất sắc nhất của CLB cho biết: "Khi vào tập, chúng em được mặc quần áo như cầu thủ trên sân cỏ thật, được dạy dỗ và chính thầy Kiểm đã nhìn ra khả năng của từng người. Nói chung, tham gia luyện tập ở đây chúng em rất vui!". Còn em Nguyễn Phương Thảo, một "chân sút" cừ, cười nói: "Ông Kiểm rất hiền nhưng nghiêm khắc. Ông đề ra kỷ luật là học ra học, chơi ra chơi và vì thế chúng em rất yêu quý ông. Ông lại còn rất nhân hậu, dìu dắt chúng em dù chẳng được đồng tiền công nào".

Chuẩn bị vào trận.

Dân trong vùng luôn kính trọng và biết ơn người thương binh già Dương Khắc Kiểm vì ông đã dìu dắt nhiều lớp con cháu họ trở thành học trò chăm ngoan, người có ích cho tương lai. Có gia đình ông dạy chị rồi dạy em, lần lượt ba người trở thành cầu thủ, thậm chí có gia đình ông dạy mẹ rồi tiếp tục dạy con. Hết ngày này qua ngày khác, ông cần mẫn làm việc chỉ bởi yêu bóng đá và muốn bóng đã nữ "nói được tiếng nói của mình".

Vào những đợt tổ chức thi đấu giao hữu tại sân xã nhà, bà con cổ vũ, động viên, ủng hộ rất nhiệt tình. Khoảng 300 học trò nữ đã qua tay HLV Kiểm dạy dỗ, trong số đó gần 40 cầu thủ đã và đang là những gương mặt sáng giá của đội tuyển bóng đá nữ Hà Nội và quốc gia. Đó là những gương mặt quen thuộc như Phạm Thu Trang, Nguyễn Thị Thành - vua phá lưới giải VĐQG; Nguyễn Thị Lý, Lê Thị Oanh, Nguyễn Thanh Hường, Hồng Loan, Phạm Hải Yến….

Mới đây, từ "lò" của thầy Kiểm, nhiều học trò bổ sung vào đội tuyển bóng đá nữ Hà Nội và quốc gia đang từng ngày phát huy được tài năng. CLB Tuổi trẻ cũng đã đoạt gần 80 huy chương ở các cấp huyện, thành phố, toàn quốc và khu vực.

Nhớ thời kinh phí hoạt động bằng… thóc

Có được thành quả như vậy là nhờ tâm huyết dạy dỗ của "bầu Kiểm". Ông là lính vận tải ở Binh đoàn 559 (Binh đoàn Trường Sơn) chiến đấu gần 10 năm trong chiến trường Quảng Trị, Quảng Bình... Năm 1973, ông bị thương nặng trong một trận bom B52 và năm 1984 thì xuất ngũ. Trở về quê làm ruộng, mò cua bắt ốc cùng vợ nuôi con. Sau đó ông đi buôn bánh kẹo, một lần tình cờ đọc được tờ báo Thể thao có đưa tin đội bóng đá nữ Na Uy giành chức vô địch thế giới. Ông nghĩ, con gái làng mình cũng có thể đá bóng được. Ý tưởng thành lập đội bóng đá nữ xuất phát từ đó.

Đúng ngày 16/8/1993, được sự đồng ý của UBND xã Nghiêm Xuyên, ông thành lập CLB Bóng đá Tuổi trẻ với sự tham gia của 30 em, tuổi từ 13 đến 20. Cứ chiều đến là đám học trò lại tự động tụ tập dưới gốc đa cạnh sân cỏ, luyện tập. Thế nhưng để CLB hoạt động được thì phải có kinh phí, thầy Kiểm cùng học trò đi vận động, lúc đó UBND xã ủng hộ ba sào ruộng, cho thầu để gây dựng quỹ.

Những "bông hoa" trên sân cỏ.

Thầy Kiểm lại dẫn các em mang thúng đến từng nhà dân, ai cho thóc lấy thóc, ai cho tiền xin tiền. Số tiền thu được 300 nghìn và sáu tạ thóc, thầy trò đem bán được sáu trăm nghìn đưa vào quỹ hoạt động. Cũng phải nói rằng, lúc đó có một luồng dư luận trái chiều, họ cho rằng ông Kiểm bị hâm. Nhiều người nói: "Đến cơm còn chả có mà ăn, nhà thì nghèo mà một ông già cùng với đám con gái mặc quần đùi cứ chạy nhông nhông trên sân, tranh nhau quả bóng, lại còn hão huyền mơ giải mới chả rút!".

Sau này, hiểu ra, những người phản đối lại ủng hộ nhiều nhất. "Có tiền, tôi lên Hà Nội mua bóng về cho đội tập, còn áo quần lúc đó các em tự sắm. Đội bóng sau hai tháng tập luyện đã chơi rất hay. Trong ngày làng Nghiêm Xuyên đón bằng Di tích lịch sử văn hóa, đội chia làm hai và thi đấu, tưởng chẳng ai đến xem, nào ngờ trận đấu đã thu hút hơn bốn nghìn người cổ vũ. Đó là trận đấu để lại nhiều ấn tượng tốt. Trận đấu có nhiều niềm vui đó đã kích thích tôi, khiến tâm hồn tôi như trẻ lại", ông Kiểm tâm sự.

Sau trận đấu đầu tiên, CLB Bóng đá Tuổi trẻ đã gây được sự chú ý của Trung tâm Thể dục thể thao (TDTT) Thường Tín. Tiếng tăm đến tai lãnh đạo Sở TDTT Hà Tây (cũ), họ cử người về xem tình hình thực tế, sau khi thấy đây là địa chỉ hoạt động tích cực nên đã nhận bảo hộ. Từ đó CLB cứ thế hoạt động, phát triển và "bầu Kiểm" kiêm HLV làm việc không công.

Hai năm nay, hằng tháng ông Kiểm mới được trợ cấp một triệu đồng cho việc giảng dạy các em nhỏ, nhằm phát hiện và bồi dưỡng những mần non tài năng bóng đá, cung cấp cho các CLB và đội tuyển quốc gia. Cuộc sống riêng tư cũng như đội bóng không còn khó khăn như trước, nhưng lúc nào ông Kiểm cũng nhớ thời gian khó, được bà con cưu mang để CLB tồn tại.

"Chúng em muốn là cầu thủ giỏi"

Đó là mơ ước của các nữ cầu thủ nhí, bởi thấy các chị đi trước đã từng và đang tỏa sáng trên sân cỏ, các em rất ngưỡng mộ. Vì thế, các em đều cố gắng khắc phục khó khăn để đảm bảo cả việc học văn hóa lẫn học bóng đá, rèn luyện sức khỏe. Nhiều em đã học được tính nhẫn nại, kiên cường, dù có ngã, bị đau hay trầy xước trong khi luyện tập cũng không nề hà. Em Nguyễn Thanh Yến tâm sự: "Nhiều bạn như em có hoài bão là được trở thành những cầu thủ giỏi như các chị đi trước, thi đỗ vào Trường Thể dục thể thao Từ Sơn (Bắc Ninh) để có tương lai rộng mở.

Thầy Kiểm hết lòng vì học trò.

Vì thế, chúng em ai cũng hăng say luyện tập, dù biết là vất vả. Thầy Kiểm vẫn bảo chúng em, muốn là một cầu thủ tốt thì phải xông xáo và gan dạ, có cả chút liều lĩnh nữa. Sau này nó sẽ thành bản lĩnh, mà đá bóng thì cần nhiều tố chất này. Ai mà sợ bóng coi như hỏng". Hiện tại, CLB đang đào tạo một lớp gồm 22 em sinh năm 2001-2002 để tham gia giải "Vui chơi mùa hè" Đông Nam Á.

Ước mơ của ông Kiểm là có sức khỏe để đào tạo ra nhiều học trò, từ đó có thể đi thi đấu, vươn lên tầm thi đấu quốc tế. Một điều khiến "bầu Kiểm" băn khoăn là thể lực và vóc dáng các cầu thủ nữ của chúng ta quá bé nhỏ, rất ít có khả năng thi thố với những đội có thể lực tốt. Làm sao để khắc phục điểm yếu này, biến thành điểm mạnh thì còn mất rất nhiều thời gian và tâm huyết của ông HLV già.

"Bầu Kiểm" có cách "cầm quân" nghiêm túc, khoa học. Em lớn sẽ hỗ trợ, giúp đỡ em nhỏ. Tất cả những em có năng khiếu, tố chất vượt trội đều có chế độ luyện tập riêng. Ông cũng luôn động viên học trò, lấy mục tiêu quốc tế để làm mục đích cho toàn CLB hướng đến. Đó là điều khiến ông và các học trò vượt khó và đã gặt hái được những thành quả như ngày nay.
Nhóm PV

Một thỏa thuận ngừng bắn nhằm chấm dứt hơn một năm giao tranh xuyên biên giới giữa Israel và nhóm chiến binh Hezbollah đã giành được sự ủng hộ từ các nhà lãnh đạo Israel, làm dấy lên cả hy vọng lẫn những câu hỏi tại một khu vực đang bị chiến tranh tàn phá.

Cuối năm là thời điểm nhu cầu tuyển dụng việc làm tăng cao, cùng với đó nhu cầu tìm việc làm cũng tăng, nhất là đối với những lao động muốn tìm kiếm việc làm thời vụ để có thêm tiền trang trải dịp Tết. Nắm bắt được tâm lý của người lao động, các đối tượng lừa đảo đã dùng nhiều hình thức tinh vi để lôi kéo, dụ dỗ.

Đội tuyển Việt Nam đang trong quá trình chuẩn bị cho AFF Cup 2024. Nhiệm vụ của ông Kim Sang-sik và ban huấn luyện không chỉ xây dựng đội hình mà còn phải tìm ra một đội trưởng mới.

Tính từ đầu năm đến nay, nhờ xử lý quyết liệt, tình hình trật tự an toàn giao thông (ATGT), trật tự xã hội trên địa bàn Hà Tĩnh cơ bản được giữ vững ổn định, hoạt động giao thông thông suốt. Không xảy ra ùn tắc, đua xe trái phép, gây mất trật tự công cộng. Thế nhưng, Trưởng phòng CSGT Hà Tĩnh bày tỏ: “Xử lý vi phạm nhiều mà tai nạn vẫn diễn biến phức tạp, chúng tôi còn trăn trở lắm”.

Mặc dù việc vỡ hụi diễn ra ở nhiều nơi đã được cơ quan Công an và báo đài đăng tải thông tin cảnh báo, nhưng không ít người vẫn mất cảnh giác, đặt lòng tin quá mức vào chủ hụi, khiến không ít người rơi vào tình cảnh khó khăn, mất tiền.

Là người nước ngoài duy nhất đoạt giải trong cuộc thi "Tìm kiếm sứ giả tiếng Việt ở nước ngoài" năm 2024 do Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao phát động, Lanny Phetnion đã gắn bó với tiếng Việt hơn 10 năm. Hành trình đến với ngôn ngữ này bắt đầu khi Lanny Phetnion nhận được học bổng theo học Khoa Tiếng Việt, Đại học Quốc gia Lào. Cũng từ đây, tiếng Việt đã trở thành bệ đỡ giúp cô gái miền Bắc Lào gặt hái không ít thành công. 

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文