Nguy cơ cho hàng Việt từ hàng giả mạo "Made in Vietnam"

16:21 10/11/2019
Thời gian gần đây rộ lên thực trạng các loại hàng nhập khẩu từ các nước khác, sau đó giả mạo, trà trộn vào hàng xuất khẩu của Việt Nam để xuất khẩu ra nước ngoài hoặc để dễ tiêu thụ trong nước. Cơ quan chức năng cho rằng thực trạng này đang ngày càng diễn biến phức tạp, nhất là trong bối cảnh diễn ra cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung.


Bởi phần lớn hàng hóa xuất xứ Việt Nam được hưởng miễn, giảm thuế nhập khẩu khi xuất khẩu sang các nước có ký kết Hiệp định Thương mại tự do (FTA). Vì vậy, nhiều doanh nghiệp đang tìm cách gian lận xuất xứ hàng hóa Việt Nam để được ưu đãi, lợi thế thương mại một cách bất hợp pháp.

Liên tiếp phát hiện hàng giả mạo xuất xứ Việt Nam

Ngày 2-11-2019, Phòng Cảnh sát ĐTTP về tham nhũng, kinh tế và buôn lậu (Công an TP Hồ Chí Minh) cho hay, đơn vị đang phối hợp cùng Cục Hải quan TP Hồ Chí Minh và các cơ quan liên quan điều tra về lô hàng nhập khẩu từ Trung Quốc giả mạo xuất xứ Việt Nam. Theo đó, cơ quan chức năng TP Hồ Chí Minh kiểm tra phát hiện một container hàng giả mạo xuất xứ Việt Nam được nhập khẩu từ Trung Quốc (về cảng Cát Lái, quận 2) với trị giá hơn nửa tỷ đồng.

Lô hàng chăn, màn, gối, nệm nhập khẩu từ Trung Quốc giả mạo xuất xứ Việt Nam về cảng Cát Lái.

Toàn bộ 2.780 sản phẩm gồm chăn, màn, gối, nệm với tổng số lượng 317 kiện carton, trọng lượng hơn 7 tấn, trị giá 591 triệu đồng đều được Công ty TNHH Cao su Talalay Vietnam khai báo và cung cấp giấy chứng nhận là xuất xứ từ Trung Quốc để hưởng thuế suất ưu đãi.

Qua thực tế kiểm tra, bên ngoài các kiện hàng carton đều có dán giấy "Made in China" (xuất xứ từ Trung Quốc) để qua mặt cơ quan hải quan. Tuy nhiên, thực tế bên trong toàn bộ nhãn mác đi liền với sản phẩm đều ghi tên và địa chỉ đơn vị sản xuất là Việt Nam.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, Công ty TNHH Cao su Talalay Vietnam có địa chỉ tại số 42 Cao Thắng, phường Phước Long, TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa. Doanh nghiệp này mới được cấp phép thành lập vào đầu tháng 8-2019, với ngành nghề kinh doanh như: vận tải hành khách đường bộ trong nội thành, ngoại thành (trừ vận tải bằng xe buýt); đại lý, môi giới, đấu giá hàng hóa; bán lẻ đồ điện  gia dụng, giường, tủ, bàn, ghế  và đồ nội thất; vận tải hành khách đường bộ khác…

Như vậy, dù chỉ mới hơn 3 tháng thành lập, nhưng công ty này đã lợi dụng để vi phạm pháp luật và bị Hải quan TP Hồ Chí Minh ngăn chặn kịp thời ngay tại cửa khẩu.

Theo Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực 1, ngoài việc khai báo hải quan, trong hồ sơ lô hàng, doanh nghiệp xuất trình cả C/O form E của Trung Quốc để được hưởng thuế suất 0%, trong khi mặt hàng này phải chịu thuế suất từ 20-25%. Ước tính lô hàng gian lận khoảng trên 100 triệu đồng tiền thuế.

Với thủ đoạn tương tự, một lô quần áo, vải có nguồn gốc Trung Quốc nhưng ghi nhãn mác "Made in Vietnam" cũng bị cơ quan Công an và Hải quan TP Hồ Chí Minh (Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực 1) kiểm tra và phát hiện chiều 9-10-2019 tại cảng Cát Lái.

Lô hàng quần áo thời trang này do Công ty TNHH Thịnh Hòa (quận 10) đứng tên trên tờ khai hải quan nhập khẩu. Theo khai báo của doanh nghiệp, hàng hóa nhập khẩu gồm quần, áo các loại, xuất xứ Trung Quốc (trong hồ sơ nhập khẩu của doanh nghiệp có cả C/O form E của Trung Quốc), trong một container 20 feet. Tuy nhiên, thấy có dấu hiệu nghi vấn, cơ quan chức năng đã mời doanh nghiệp lên làm việc để khui container kiểm tra nhưng đơn vị này không đến.

Qua kiểm tra bước đầu, cơ quan chức năng phát hiện, lô hàng gồm 47 kiện quần áo, xuất xứ từ Trung Quốc, nhưng trên sản phẩm ghi rõ xuất xứ Việt Nam, xuất xứ Hàn Quốc… Trong đó, có 3.000 mẫu quần, áo được gắn sẵn nhãn "Made in Vietnam", khoảng hơn 2.000 mẫu là "Made in Korea" hoặc chưa gắn nhãn. Trị giá tính thuế lô hàng ban đầu được doanh nghiệp khai báo là hơn 49.000 USD. Theo cơ quan Hải quan, đánh giá bước đầu đơn vị này đã giả xuất xứ hàng hóa, nhãn mác ghi "Made in Vietnam", có dấu hiệu vi phạm hình sự.

Lãnh đạo Cục Hải quan TP Hồ Chí Minh cho rằng trong diễn biến căng thẳng kinh tế Mỹ - Trung hiện nay, không loại trừ khả năng doanh nghiệp lợi dụng Việt Nam làm nơi chuyển tải bất hợp pháp hàng nhập khẩu từ Trung Quốc mang nhãn Việt Nam để xuất khẩu đi nước thứ ba. Hiện các vụ việc này đang được tiếp tục điều tra xử lý theo quy định.

Tại địa bàn tỉnh Bình Dương, gần đây (21-10), Cục Hải quan tỉnh Bình Dương phối hợp với Cục Kiểm tra sau thông quan - Tổng cục Hải quan kịp thời ngăn chặn lô hàng 313 chiếc xe đạp Trung Quốc ghi "Made in Vietnam" của Công ty TNHH xe đạp E. chuẩn bị xuất khẩu sang Mỹ, với trị giá trên 600 triệu đồng.

Công ty này mở tờ khai hải quan tại Chi cục Hải quan Khu công nghiệp Sóng Thần (Cục Hải quan tỉnh Bình Dương). Theo khai báo ban đầu của doanh nghiệp, số xe đạp này được lắp ráp tại Việt Nam, có xuất xứ Trung Quốc và tờ khai được hệ thống tự động phân luồng vàng (kiểm tra hồ sơ). Thế nhưng qua soi chiếu, kiểm tra thực tế, cơ quan Hải quan phát hiện trên bao bì đóng gói sản phẩm và thân xe có ghi "Made in Vietnam".

Ghi nhận bước đầu cho thấy Công ty TNHH xe đạp E. là một doanh nghiệp của Trung Quốc, đã nhập toàn bộ sản phẩm linh kiện từ Trung Quốc về Việt Nam và chỉ thực hiện công đoạn lắp ráp giản đơn cuối cùng của sản phẩm tại Việt Nam.

Theo lãnh đạo Cục Hải quan tỉnh Bình Dương, đây là vụ tráo xuất xứ đầu tiên liên quan mặt hàng xe đạp được Cục Hải quan tỉnh Bình Dương phát hiện và ngăn chặn…

Phải có chế tài xử lý thật nghiêm khắc

Theo báo cáo của Ban chỉ đạo 389 quốc gia, từ đầu năm đến nay tình hình gian lận thương mại và hàng giả vẫn diễn biến phức tạp trên cả nước, trong đó có hai thị trường lớn là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Nhiều loại hàng hóa được sản xuất tại nước ngoài khi nhập khẩu về Việt Nam đã ghi sẵn dòng chữ "Made in Vietnam", "Sản xuất tại Việt Nam", "Xuất xứ Việt Nam"… hoặc trên sản phẩm, bao bì sản phẩm, phiếu bảo hành thể hiện bằng tiếng Việt các thông tin về nhãn hiệu, địa chỉ trụ sở doanh nghiệp, trang web, trung tâm bảo hành tại Việt Nam để tiêu thụ nội địa hoặc xuất khẩu.

Đặc biệt, khi Việt Nam tham gia hàng loạt các Hiệp định Thương mại tự do (FTA) và được hưởng nhiều chính sách ưu đãi về thuế quan thì tình hình giả mạo xuất xứ càng trở nên phổ biến. Có hai hình thức gian lận xuất xứ hàng hóa, gồm nhóm hành vi gian lận, giả mạo giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) Việt Nam, ghi nhãn hàng hóa tại nước ngoài trước khi nhập khẩu về Việt Nam để tiêu thụ và nhóm hành vi gian lận, giả mạo C/O Việt Nam, chuyển tải bất hợp pháp để xuất khẩu.

Khung xe và hộp đựng xe đạp Trung Quốc nhưng đều có ghi xuất xứ Việt Nam.

Thời gian qua, Tổng cục Hải quan đã phát hiện rất nhiều vụ việc gian lận xuất xứ hàng hóa, giả mạo hàng Việt Nam để tiêu thụ trong nước và xuất khẩu. Đặc biệt có không ít vụ việc đã và đang bị điều tra về hành vi giả mạo xuất xứ xuất khẩu với số lượng lớn sang các thị trường như Mỹ, EU…

Điển hình như vụ việc "nổi đình nổi đám" thời gian qua cơ quan Hải quan Việt Nam mới đây đã phối hợp với Hải quan Mỹ ngăn chặn 1,8 triệu tấn nhôm có trị giá khoảng 4,3 tỷ USD có dấu hiệu gian lận xuất xứ Việt Nam (hiện do Hải quan Bà Rịa Vũng Tàu tạm giữ), trước khi số nhôm này được xuất sang Mỹ và một số nước khác với xuất xứ hàng Việt Nam…

Theo Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Nguyễn Văn Cẩn, lô hàng do một tập đoàn có công nghệ, dây chuyền, nhưng lại nhập khẩu nhôm thỏi, nhôm thanh, nhôm bán thành phẩm nhằm đưa ra các sản phẩm để xuất khẩu đi Mỹ và một số nước khác. Do chênh lệch thuế suất vì nếu nhôm của Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ chỉ phải chịu thuế khoảng 15%, nhưng nhôm của Trung Quốc xuất khẩu vào Mỹ phải chịu thuế lên đến 374%. Khi phát hiện dấu hiệu nghi vấn, Tổng cục Hải quan đã chủ trì, phối hợp với Bộ Công an, Bộ Công thương, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam và các cơ quan khác kiểm tra, xác định và ngăn chặn kịp thời.

Để xác minh làm rõ vụ việc, Tổng cục Hải quan đã phối hợp với Hải quan Mỹ thực hiện. Đặc biệt, các đặc vụ của Bộ An ninh nội địa Mỹ đã đến Việt Nam để phối hợp điều tra. Theo thông tin từ Hải quan Mỹ, kể cả khi doanh nghiệp dùng thủ đoạn nhập khẩu nhôm thanh, nhôm thỏi, nhôm thành phẩm về đưa vào lò nấu thành nhôm thỏi rồi cán thành nhôm thanh cũng không đủ điều kiện có xuất xứ Việt Nam để hưởng ưu đãi.

Theo lãnh đạo Tổng cục Hải quan, cơ quan Hải quan đã và đang tiếp tục đấu tranh mạnh mẽ với các hành vi gian lận xuất xứ. Ngoài vụ việc nêu trên, thời gian qua, cơ quan Hải quan đã đấu tranh ngăn chặn nhiều vụ việc có dấu hiệu nhập khẩu hàng hóa thành phẩm, bán thành phẩm từ nước ngoài về Việt Nam để giả mạo xuất xứ. Thực trạng này đã gây ảnh hưởng không nhỏ tới các ngành hàng xuất khẩu, nhất là ngành hàng chủ lực của Việt Nam. Khi xảy ra tình trạng này sẽ dẫn tới nguy cơ hàng Việt Nam xuất khẩu bị điều tra lẩn tránh thuế, kéo theo những thiệt hại lớn về kinh tế.

Riêng địa bàn TP Hồ Chí Minh, để phòng chống thực trạng này, gần đây UBND TP Hồ Chí Minh đã ban hành kế hoạch tăng cường phòng, chống buôn lậu, sản xuất, kinh doanh hàng hóa giả mạo nhãn mác, xuất xứ Việt Nam (thời gian thực hiện kế hoạch này là 1 năm, từ tháng 8-2019 đến tháng 8-2020).

UBND TP Hồ Chí Minh yêu cầu các sở, ngành, lực lượng chức năng địa phương nói không với tiêu cực, không bao che, tiếp tay, làm ngơ trước những hành vi sản xuất, buôn bán hàng hóa giả mạo nhãn mác, nguồn gốc, xuất xứ Việt Nam để tiêu thụ trong nước và xuất khẩu.

Trong đó, Công an TP Hồ Chí Minh có trách nhiệm tăng cường nắm tình hình, điều tra, phát hiện, ngăn chặn, triệt phá các đường dây, ổ nhóm sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, kinh doanh hàng hóa giả mạo nhãn mác, xuất xứ Việt Nam.

Theo các chuyên gia kinh tế, nguyên nhân khiến gian lận xuất xứ hàng hóa ngày càng diễn ra phức tạp là phần lớn hàng hóa xuất xứ Việt Nam được hưởng miễn, giảm thuế nhập khẩu khi xuất khẩu sang các nước có ký kết FTA. Vì vậy, nhiều doanh nghiệp đang tìm cách gian lận xuất xứ hàng hóa Việt Nam để được ưu đãi, lợi thế thương mại một cách bất hợp pháp.

Ánh Xuân

Thời gian gần đây, một số người tham gia giao thông ở TP Hồ Chí Minh có hành vi sử dụng vũ lực, côn đồ hung hãn sau khi xảy ra va chạm giao thông, thậm chí gây án mạng. Từ những ứng xử thiếu văn hóa như trên đã dẫn đến những hậu quả đáng tiếc, hệ lụy lâu dài cho bản thân họ, gia đình và xã hội.

Liên quan đến vụ tai nạn xe chở rác BKS 75C-044.83 khi đi qua cầu treo Bình Thành (xã Bình Thành, thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế) bất ngờ gặp tai nạn rơi xuống sông làm 2 người mất tích như Báo CAND đã thông tin, sáng nay (23/11), lực lượng cứu nạn cứu hộ (CNCH) đã tìm thấy được 2 thi thể trên sông.

Thanh tra Chính phủ vừa ban hành Thông báo số 2414/TB-TTCP thông báo kết luận thanh tra việc tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp cổ phần hóa sang kinh doanh đất, xây dựng nhà ở giai đoạn 2011-2021 tại Bộ Giao thông vận tải (GTVT).

Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) vừa công bố Dự thảo quy chế tuyển sinh đại học năm 2025, trong đó có nhiều điểm mới về xét tuyển sớm như quy định các trường đại học không được dành quá 20% chỉ tiêu để xét tuyển sớm, riêng xét học bạ phải dùng điểm cả năm lớp 12 thay vì dùng điểm 3-5 kỳ như hiện nay.

Ngày 23/11, Công an thị xã Bỉm Sơn, tỉnh Thanh Hoá thông tin, đã ra Quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam đối tượng Vũ Minh Dương (SN 2006), trú tại xã Hoạt Giang, huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hoá để điều tra tội “Chống người thi hành công vụ”.

Ngày 23/11, Viện KSND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cho biết đã phê chuẩn Quyết định khởi tố vụ án “Điều khiền phương tiện hàng hải vi phạm quy định về hàng hải của Nước CHXHCN Việt Nam” của Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu để tiến hành điều tra theo quy định pháp luật. Đồng thời, các cơ chức năng, đại lý hàng hải được chủ tàu ủy quyền, công ty bảo hiểm cũng đang phối hợp chặt chẽ trong công tác tìm kiếm, cứu hộ, bảo đảm môi trường và khắc phục hậu quả vụ tai nạn.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文