Nguy cơ mất khách du lịch vì nạn hàng rong, "chặt chém"

08:00 06/09/2019
Đội quân bán hàng rong tại trung tâm TP HCM và các điểm mua sắm, tham quan, với đủ kiểu chèo kéo, chèn ép, “móc túi” du khách, nhất là du khách nước ngoài vẫn diễn ra hàng ngày; cùng với đó, các kiểu “chặt chém” của một số tài xế taxi, xích lô xảy ra mới đây đã gây ảnh hưởng tiêu cực đến hình ảnh du lịch TP HCM...


Hàng rong, xích lô "bao vây" du khách

Khu vực công viên trước Hội trường Thống Nhất và Nhà thờ Đức Bà (quận 1) luôn có một “đội quân” bán hàng rong như bán đồ lưu niệm, nước giải khát, kính mát… túc trực. Ngoài những người buôn bán đàng hoàng, theo quan sát của chúng tôi trong buổi sáng 28-8, có một số người bán hàng rong, nhất là bán dừa giải khát luôn đi theo chèo kéo du khách hoặc người đi đường.

Với những du khách nước ngoài, những người bán hàng rong này thường níu kéo, đi theo một đoạn khá dài, chỉ khi du khách tỏ ý bực bội thật sự, những người này mới dừng lại không đi theo và chèo kéo nữa.

 Không chỉ thế, những người bán hàng rong này còn “làm khó” du khách bằng cách cố tình tự đặt gánh hàng lên vai khách chụp hình; lúc đầu các du khách chỉ nghĩ là người bán hàng vui tính đùa giỡn, nhưng khi họ bị yêu cầu trả phí, nhiều du khách phải ngậm đắng nuốt cay móc túi từ 30 ngàn đồng đến vài trăm ngàn đồng với “dịch vụ” cho thuê gánh dừa chụp hình…

Một đôi du khách, nam quốc tịch Canada và nữ Việt kiều cho biết, khi họ đi bộ qua đoạn ngã ba Huyền Trân Công Chúa - Nguyễn Thị Minh Khai, đã bị một người bán dừa gánh đi theo mời mua; dù họ đã đưa tay từ chối nhưng người này vẫn đi theo níu kéo khiến họ rất khó chịu vì cảm giác bị làm phiền.

Nhưng cũng có những du khách đồng ý mua dừa của người này, chỉ chờ có thế, giá bán một trái dừa có khi khách phải trả gấp nhiều lần giá trị thật. Bình thường, một trái dừa được bán với giá khoảng 20 – 30 ngàn đồng thì khi bán cho du khách nước ngoài, họ thường lấy 50 – 75 ngàn đồng/trái, thậm chí có người còn “chém” đến 200 ngàn đồng/trái… 

Có thể có khách sẽ không để ý hoặc nhận ra điều này, nhưng cũng có những khách hiểu mình đã bị “chém đẹp” nhưng đành ngậm bồ hòn làm ngọt và dĩ nhiên thiện cảm về thành phố, về con người nơi đây sẽ phần nào bị ảnh hưởng ít nhiều…

Một người bán kính dạo ở chợ Bến Thành đã chèo kéo khiến du khách khó chịu.

Đường Phạm Ngũ Lão (quận 1) được ví là phố Tây ở TP HCM vì nơi đây nhiều du khách nước ngoài chọn lưu trú khi đến thành phố tham quan, du lịch. Tuy vậy, nơi đây cũng là nơi dịch vụ bán hàng rong nở rộ. Trong buổi sáng 28-8, theo quan sát của chúng tôi, những người bán kính mát dạo có kiểu bán hàng khiến nhiều du khách khó chịu, bực tức. Cứ thấy du khách nào đi tới là họ theo mời kiểu muốn bỏ hẳn chiếc kính vào tay khách dù cho khách có đồng ý hay không…

Khu vực xung quanh chợ Bến Thành cũng tương tự, nhiều người bán dừa, bán kính, quạt giấy, đồ lưu niệm… dường như là nỗi ám ảnh của du khách khi đi qua khu vực này, bởi họ bị chào mời một cách… đáng sợ khi người bán tự ý bỏ lên người khách rồi đòi tiền nên họ phải tìm cách tránh né cho nhanh…

Dù vẫn biết những người buôn bán ở những khu vực này đa phần là người lao động nghèo, có người đã bị lực lượng chức năng đẩy đuổi, phạt hành chính, bị tịch thu hàng, nhưng họ vẫn quay trở lại buôn bán và tái diễn hành vi không đẹp của mình với du khách…

Đáng nói, không chỉ gánh hàng rong tham gia chèo kéo, “chặt chém” du khách, mới đây, cơ quan chức năng TP HCM còn liên tiếp tiếp nhận vụ việc các tài xế taxi, xích lô “chém đẹp” du khách nước ngoài đã khiến cho hình ảnh du lịch thân thiện của TP HCM bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Mới đây nhất, vào chiều tối ngày 25-8-2019, một du khách Ấn Độ phản ánh mình bắt xe taxi đi từ sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất (quận Tân Bình) về khách sạn trên đường Nguyễn Huệ (quận 1), với đoạn đường trên dưới 8km, nhưng đã bị tài xế “dù” mạo danh taxi Mai Linh yêu cầu trả số tiền 1,2 triệu đồng. Bên cạnh đó, tài xế còn không đưa khách về đúng địa chỉ mà thả khách cách đó 100m với thái độ bất nhã.

Vụ việc này đã gây xôn xao dư luận, bởi đầu tháng 8 vừa qua đã xảy ra tình trạng tài xế xích lô “chặt chém” du khách người Nhật 2,9 triệu đồng cho một cuốc xe kéo dài khoảng 5 phút trên đoạn đường chưa tới 1km đã gây nên làn sóng phẫn nộ trong cộng đồng. Tài xế xích lô này đã bị Công an quận 1 tạm giữ để điều tra về hành vi cướp giật tài sản…

Người bán hàng rong ở các khu vực trung tâm quận 1.

Không xử lý nghiêm tệ nạn sẽ mất khách

Theo Sở Du lịch TP HCM, trong 6 tháng đầu năm, Sở phối hợp với lực lượng Thanh niên xung phong thành phố đã phát hiện 2.652 trường hợp taxi, xích lô, hàng rong, ăn xin chèo kéo, đeo bám, làm phiền du khách hoặc thu quá giá quy định; các vụ việc mất cắp liên quan đến tài sản, tính mạng của khách...

Theo bà Nguyễn Thị Ánh Hoa, Phó Giám đốc Sở Du lịch TP HCM, việc chèo kéo, “chặt chém” du khách không phải chuyện mới, nhưng rất khó bắt quả tang. Bởi các hành động chèo kéo, “chặt chém” du khách thường diễn ra khá nhanh, không có chứng cứ; chưa kể một số du khách nước ngoài vì không hiểu tiếng Việt và không muốn rắc rối nên đã cho qua, không trình báo nên cơ quan chức năng không có cơ sở để xử lý… 

Và chính những hành động không đẹp này là một trong những nguyên nhân làm ảnh hưởng không nhỏ đến hình ảnh đất nước - con người Việt Nam nói chung và TP HCM nói riêng; gây tâm lý lo lắng và cảm giác không an toàn cho du khách khi đến du lịch tại thành phố.

“Để chấn chỉnh tình trạng này, nhiều năm qua, Sở Du lịch đã phối hợp với lực lượng Thanh niên xung phong tăng cường tại các điểm có đông khách du lịch tham quan nhằm hướng dẫn, hỗ trợ và bảo vệ du khách, góp phần giữ gìn an ninh trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn; tạo môi trường thân thiện, lành mạnh và đem lại sự yên tâm cho du khách khi đến thành phố”, bà Nguyễn Thị Ánh Hoa cho biết.

Một số người bán dừa ở quanh khu vực Hội trường Thống Nhất.

Mới đây, để góp phần chấn chỉnh tình trạng “chặt chém” du khách sau những vụ việc vừa qua, UBND TP HCM cũng đã chỉ đạo Sở Du lịch phối hợp với Sở Giao thông vận tải và các đơn vị liên quan tăng cường công tác kiểm tra, nâng mức xử phạt đối với tình trạng xe taxi “dù”, xe nhái nhãn hiệu… xuất hiện tại các khu vực trung tâm thành phố, các điểm du lịch, khu vực sân bay Tân Sơn Nhất, các bến xe khách, nhà ga Sài Gòn…; đồng thời phối hợp với Hiệp hội Taxi, Cảng hàng không Tân Sơn Nhất, lãnh đạo các bến xe, nhà ga để đưa ra một số tiêu chí lựa chọn các hãng taxi có uy tín vào hoạt động tại sân bay, các bến xe và nhà ga; thành lập hàng loạt trạm đón, trả khách taxi có phát phiếu kiểm soát... để ngăn chặn việc lừa đảo, ăn chặn tiền của du khách.

Ngoài ra, UBND TP HCM cũng yêu cầu các quận trung tâm lắp đặt các biển báo cấm buôn bán hàng rong tại các điểm tham quan, du lịch làm cơ sở hỗ trợ các lực lượng chức năng thực hiện nhiệm vụ; khuyến khích các quận, huyện lắp đặt camera giám sát; thành lập lực lượng tình nguyện viên, tổ phản ứng nhanh để hỗ trợ cho du khách và phối hợp giải quyết các vấn đề về an ninh trật tự xảy ra trên địa bàn.

Cùng với đó, Nghị định số 45/2019/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực du lịch có hiệu lực từ 1-8-2019 đã siết nhiều quy định liên quan đến hoạt động du lịch. Trong đó quy định rõ tranh giành khách du lịch hoặc nài ép khách du lịch mua hàng hóa, dịch vụ... bị phạt tiền từ 1 triệu đồng đến 3 triệu đồng. 

Đáng chú ý, Nghị định quy định mức phạt tiền tối đa đối với mỗi hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực du lịch đối với cá nhân là 50 triệu đồng, đối với tổ chức là 100 triệu đồng…

Hy vọng rằng các động thái tích cực của thành phố cùng các chế tài mạnh tay xử lý các sai phạm, TP HCM sẽ tạo được những hình ảnh đẹp hơn nhằm thu hút du khách.

Phú Lữ

Lúc 14h ngày 15/4/2025, Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình lên chuyên cơ, kết thúc tốt đẹp chuyến thăm cấp Nhà nước lần thứ tư đến Việt Nam. Trong số những người tiễn ông ở sân bay quốc tế Nội Bài, có Thượng tá Hoàng Văn Tú, cán bộ Đội bảo vệ khách quốc tế, Phòng Bảo vệ sự kiện đặc biệt quan trọng và khách quốc tế, Bộ Tư lệnh Cảnh vệ, Bộ Công an. Đây là lần thứ ba, anh có vinh dự làm nhiệm vụ bảo vệ vị khách đặc biệt này.

Để có được những chiếc VinFast VF 9 hoàn hảo làm nhiệm vụ dẫn đoàn diễu binh, diễu hành kỷ niệm đại lễ 30/4, đội ngũ kĩ sư, kĩ thuật viên từ nhiều bộ phận của VinFast đã làm việc trong hàng nghìn giờ với sự giám sát nghiêm ngặt để đảm bảo an ninh, an toàn tuyệt đối.

Dự án Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân do Bộ Công an chủ trì xây dựng là một dự án luật quan trọng nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn trong công tác bảo vệ dữ liệu cá nhân đồng thời cũng là bước đi thận trọng, kỹ lưỡng, có quá trình và sự chuẩn bị công phu của Chính phủ. Báo CAND đã có cuộc trò chuyện với Thượng tá Nguyễn Bá Sơn, Phó Cục trưởng Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Bộ Công an, đơn vị được giao chủ trì tham mưu xây dựng dự án Luật xoay quanh những nội dung của dự án Luật.

Ngày 27/4, Công an tỉnh Trà Vinh cho biết, Cơ quan CSĐT đã khởi tố bị can và ra lệnh bắt tạm giam đối với Nguyễn Văn Tây (SN 1997), Nguyễn Minh Điền (SN 1986, cùng huyện Càng Long), Nguyễn Phương Đông (SN 1999), Triệu Văn Đạt (SN 1997, cùng ngụ huyện Châu Thành) và Nguyễn Hoàng Chánh (SN 2001, ngụ huyện Cầu Kè) để điều tra về hành vi đánh bạc.

Tháng Tư về, khi những cơn gió đầu hè mơn man qua từng tán cây xà cừ trên đường phố Hà Nội cũng là thời điểm bà Elisabeth Dahlin - cựu Tổng Thư ký Tổ chức Cứu trợ trẻ em Thụy Điển (Save The Children), nhà ngoại giao kỳ cựu, người bạn của Việt Nam - trở lại mảnh đất bà từng gọi là “mái nhà thứ hai” sau hơn hai thập kỷ gắn bó.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.