Cục Xuất bản tạm dừng cấp phép xuất bản sách ngôn tình

Nguy hại từ nhập khẩu ‘sách rác’

20:00 27/05/2015
Bộ Thông tin và Truyền thông vừa có công văn gửi các Nhà xuất bản, theo đó sẽ tạm dừng đăng ký, rà soát, xử lý các đầu sách thuộc dòng văn học ngôn tình, đam mỹ. Những cuốn sách thuộc dòng văn học này được đánh giá phần lớn là "vô bổ, tuyên truyền lối sống trái với thuần phong mỹ tục của Việt Nam".

Đây là một quyết định hợp lý, cho thấy công tác quản lý xuất bản đã vào cuộc đúng lúc.  Nếu không có động thái này, dòng sách ngôn tình sẽ tiếp tục làm mưa làm gió trên thị trường sách Việt Nam, nuông chiều thị hiếu đọc nguy hại của một bộ phận không nhỏ độc giả, mà đa phần là độc giả trẻ, độc giả tuổi teen.

Nếu dành thời gian để vòng quanh các nhà sách, có thể thấy thời gian gần đây, các giá sách được bày bán có một tỷ lệ lớn sách ngôn tình. Những cuốn sách được trình bày bìa lòe loẹt, tên sách nhạy cảm, mướt mát chuyện yêu đương, vừa sến vừa khêu gợi. Ngôn tình là trào lưu văn học giải trí nở rộ ở Trung Quốc và một số nước Phương Tây trong khoảng dăm năm trở lại đây. Nó chính xác là dòng văn học thời trang, chiều chuộng nhu cầu đọc của một bộ phận độc giả. Nội dung các cuốn sách thường viết về chuyện tình yêu của các đôi nam nữ, thậm chí là tình yêu đồng tính nam, đồng tính nữ.

Sách ngôn tình lan tràn trong các tiệm sách.

Điều đáng nói là ở nhiều cuốn, người viết (phần lớn là chưa có tên tuổi) tập trung miêu tả thái quá chuyện giường chiếu, chuyện tình dục của các nhân vật. Một phụ nữ trong tiệm sách sau khi lướt vào cuốn truyện ngôn tình (cuốn này đã bị Cục Xuất bản cấm phát hành, không hiểu sao vẫn có mặt ở một vài nhà sách trên phố Nguyễn Xí), hoảng hốt nói: "Sợ quá, tôi không thể hình dung là con gái tôi hàng ngày đọc những cuốn sách như thế này. Nó có khác gì văn hóa phẩm đồi trụy, toàn cảnh yêu đương người lớn đọc còn đỏ mặt. Tôi không hiểu sao người ta có thể cấp phép cho xuất bản, in ấn, bán công khai cho bạn đọc những cuốn sách không chứa đựng giá trị gì về mặt tri thức hay thẩm mỹ như vậy. Phải có sự chọn lọc chứ".

Bên cạnh sự sôi động của thị trường sách ngôn tình, các tác phẩm văn học thực sự khác thì lác đác, thưa thớt người mua. Tất nhiên không thể phủ nhận sách ngôn tình đáp ứng một nhu cầu có thật của độc giả, là đọc để giải trí. Và trong dòng văn học này, ở một chừng mực nào đó, cũng có những tác phẩm có giá trị về nội dung và nghệ thuật. Nhưng việc cấp phép xuất bản ồ ạt như thời gian qua rõ ràng là thiếu một sự chọn lọc.

Việc tạm dừng cấp phép xuất bản sách ngôn tình cho thấy Cục Xuất bản đã không kiểm soát được nội dung các cuốn sách, mà lẽ ra phải làm việc này ngay từ khâu đầu tiên. Tuy nhiên, muộn còn hơn không, và sự can thiệp này của phía Cục là cần thiết, để bảo vệ môi trường văn hóa đọc lành mạnh trong nước.

Bạn đọc tuổi teen đang chọn sách ngôn tình trong hiệu sách.

Chắc chắn là cái gì thuộc về trào lưu rồi nó cũng qua đi. Văn học ngôn tình thì cũng chỉ là một trong vô vàn các dòng sách giải trí khác. Trước đây chúng ta đã chứng kiến dòng văn học linglei của Trung Quốc, cũng viết truyện tình khai thác ở khía cạnh trần trụi, bạo liệt, tạo nên một cơn sốt đọc trong giới trẻ. Nhưng rồi những cuốn sách thuộc dòng này nhanh chóng chìm vào quên lãng. Sách ngôn tình có lẽ cũng sẽ có một kết thúc như vậy. Trào lưu đọc ngôn tình, "mốt" đọc ngôn tình rồi cũng sẽ được thay thế bằng một trào lưu giải trí khác. Có ý kiến cho rằng, không cần phải cấm, nó sẽ tự mất tích trên thị trường, vấn đề là thời gian thôi.

Nhưng sự thật thì một trào lưu đọc biến mất, nó có "vô can" với việc hình thành thẩm mỹ, hiểu biết của người đọc nó không, nhất là những cuốn sách yêu đương nhảm nhí, lấy chuyện tình dục làm yếu tố câu khách như phần đa sách ngôn tình đang bày bán trên thị trường.

Thiết nghĩ là chúng không "vô can" đâu. Vì bạn đọc của dòng sách ngôn tình đa số là các bạn trẻ, các em học sinh đang tuổi cắp sách tới trường. Những cuốn sách kể chuyện tình phù phiếm, ảo mộng với nhiều trang viết về tình dục trụi trần sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến tư duy các em, đến hành vi sống và lựa chọn bạn bè, lựa chọn tình yêu. Trên mạng xã hội, có bạn trẻ kể chuyện, một vài bạn đọc sách ngôn tình xong thì trở thành những người mắc chứng hoang tưởng. Các em chán ngắt cuộc sống thực ngoài đời, và hay buồn sầu ảo não.

Những cuốn sách ngôn tình thường được trình bày bìa lòe loẹt, khiêu khích.

Nhìn một cách chính xác, thì nhiều cuốn ngôn tình thực sự là "sách rác". Công tác kiểm duyệt xuất bản lỏng lẻo, chúng ta vô tình đã tiếp tay cho những loại sách rác này được nhập khẩu vào thị trường sách trong nước, gây ảnh hưởng không nhỏ tới một bộ phận bạn đọc trẻ đang ở tuổi hình thành tư duy và nhân cách.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, sách ngôn tình phần lớn được các nhà xuất bản bán giấy phép cho các đơn vị tư nhân làm. Vì lợi nhuận, các nhà sách tư nhân đã mải mốt chạy theo trào lưu đọc của độc giả, họ ít đặt trách nhiệm về tính thẩm mỹ trong các cuốn sách vì đã có các nhà xuất bản chịu trách nhiệm. Trong khi đó các nhà xuất bản thì mục tiêu chính vẫn là bán được càng nhiều giấy  phép càng tốt. Còn Cục Xuất bản thì kêu, vì số cán bộ biên chế cho việc đọc quá mỏng nên không thể kiểm soát hết nội dung các cuốn ngôn tình.

Thôi thì chữa cháy. Và chữa cháy bằng việc tạm dừng cấp phép xuất bản sách ngôn tình ở thời điểm này là cần thiết, trước khi những cuốn sách như vậy tăng thêm số lượng trong các tiệm bán sách, tiềm ẩn nguy cơ không nhỏ đến tư duy và thẩm mỹ của bạn đọc trẻ.

Ông Chu Văn Hòa, Cục trưởng Cục Xuất bản - In và phát hành

Về xuất bản sách ngôn tình, tôi muốn kể lại một câu chuyện cách đây vài thập niên, các bộ phim nước ngoài được đưa vào Việt Nam với giá bản quyền tượng trưng chỉ có 1 USD. Tất cả các đài truyền hình đều thấy đó là một món hời nên đua nhau phát sóng mà không biết rằng mình đang tiếp tay cho văn hóa ngoại lai. Từ đó liên hệ sang lĩnh vực xuất bản cũng vậy.

Ngay sau công văn tạm dừng đăng ký xuất bản truyện ngôn tình, Cục sẽ cho tổng kiểm tra xem toàn bộ những truyện ngôn tình, đam mỹ đã từng xuất bản ở Việt Nam từ trước đến nay. Mà muốn làm như thế, chúng tôi phải có thời gian. Nếu chúng tôi không tạm dừng đăng ký xuất bản, những tác phẩm ngôn tình, đam mỹ cứ đầy thêm lên, tích tụ nhiều vào, rất khó khăn cho công tác phân loại, xử lý.

Sắp tới, chúng tôi mời tất cả các nhà xuất bản đã xuất bản truyện ngôn tình đến, lấy tất cả các hồ sơ xuất bản truyện ngôn tình ra để Cục kiểm tra về mặt thủ tục xuất bản, bản quyền. Bởi vì tôi đồ rằng, có một số nhà xuất bản cứ tổ chức dịch thôi, không hề mua bản quyền. Họ tải từ trên mạng xuống để dịch, bởi có nhiều tác phẩm không hề bị đòi bản quyền.

Hai cuốn sách ngôn tình đã được Cục Xuất bản nhắc nhở, xử phạt.

Độc giả Trần Thúy Lan, Phó trưởng ban Quản lý Phố cổ Hà Nội:

Với tư cách một bạn đọc, một phụ huynh học sinh, tôi thấy, việc Cục Xuất bản cho tạm dừng cấp phép xuất bản sách ngôn tình là hoàn toàn chính xác. Hiện nay trào lưu đọc sách ngôn tình đang có xu hướng nở rộ quá. Bạn đọc sách này phần lớn là các em học sinh tuổi mới lớn. Điều này rất nguy, vì tuổi các em, những định hướng trong cuộc sống chưa tốt, dễ bị ảnh hưởng lẫn nhau. Em này đọc, bàn luận về cuốn sách, em khác sẽ mua đọc, thành một xu hướng a dua. Mà sách ngôn tình thì phần lớn kể những câu chuyện tình ủy mị, có nhiều chi tiết tình dục thái quá. Nhiều em đọc xong thì mắc chứng hoang tưởng, cứ mơ mộng những chuyện yêu đương như trong sách, dễ sinh cảm giác chán nản, chán ghét cuộc sống thực của mình.

Vào các tiệm bán sách, vô số là sách ngôn tình chiếm diện tích trưng bày lớn gấp nhiều lần những tác phẩm văn học khác, như thế là bất bình thường. Văn học ngôn tình thực chất là dòng văn học giải trí, nó cũng không được đánh giá cao ở Trung Quốc hay một số nước khác. Vậy chúng ta cho phép xuất bản quá nhiều sách thuộc dòng này, lại không kiểm soát chặt chẽ về nội dung cuốn sách, thì nguy cho thế hệ trẻ. Các em đắm đuối những loại sách này sẽ không có thời gian để đọc những cuốn sách khác phục vụ cho học tập, bồi dưỡng trí tuệ, kỹ năng sống. Thực sự nếu không có sách ngôn tình, các em cũng có bao nhiêu lựa chọn khác mà giải trí, thậm chí là lành mạnh và bổ ích hơn.

Hội Quân

Đến hôm nay, ông Đạt vẫn nhớ như in từng giây phút của ngày lịch sử 49 năm về trước. Hôm ấy, ông ôm máy ảnh lao ra đường phố Sài Gòn với bầu máu nóng của chàng trai vừa 19 tuổi, chụp những tấm ảnh về thời khắc giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Các giám sát viên của Liên hợp quốc (LHQ) nhận định trong một báo cáo rằng các mảnh vỡ từ một tên lửa rơi xuống thành phố Kharkiv của Ukraine hôm 2/1 là từ tên lửa đạn đạo dòng Hwasong-11 của Triều Tiên, Reuters đưa tin.

Hết quý I/2024, thị trường bất động sản đã có thêm những tín hiệu tích cực khi sự quan tâm của người dân dành cho nhà ở đã tăng lên so với giai đoạn quý IV/2023. Theo đại diện Bộ Xây dựng, nguồn cung cũng đã tăng khi số lượng dự án hoàn thành và được cấp phép tăng lên. Tuy nhiên, nhận định về thị trường bất động sản, đại diện Bộ Xây dựng cho biết, dù đã có những chuyển động tích cực nhưng cơ bản thị trường vẫn chưa hết khó khăn. Những bất cập, vướng mắc dù đã được nhận diện nhưng vẫn cần thời gian để tháo gỡ.

Hơn 14 năm công tác trong lực lượng Công an, trong đó có hơn 10 năm gắn bó với công tác an ninh, Thiếu tá Trần Xuân Hoàng, Đội trưởng Đội An ninh Công an huyện Krông Pa, tỉnh Gia Lai đã vận động, giúp đỡ hàng trăm trường hợp lầm lỡ trót tin lời kẻ xấu, vượt biên trái phép, theo "Tin lành Đêga"… trở về hòa nhập với cộng đồng.

Cuối tháng 10/2020, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã long trọng tổ chức buổi gặp mặt các đồng chí cán bộ thuộc Quỹ đặc biệt (Tiền thân là Quỹ ngoại tệ đặc biệt) chi viện chiến trường miền Nam, gọi tắt là Quỹ hoặc Ban B29.

Qua công tác năm địa bàn, đối tượng, Đội Cảnh sát hình sự Công an thị xã Tịnh Biên (An Giang) phát hiện có một nhóm đối tượng từ phía Bắc đến khu vực tổ 16, khóm Xuân Hoà, phường Tịnh Biên cho người dân vay tiền trả góp với lãi suất cao 10-30%/tháng. Nếu người vay không góp đúng hạn thì bị đối tượng đe dọa… 

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文