Nhà triệu phú với tấm lòng nhân hậu

14:00 01/09/2015
Không nhà, không tiền bạc và thậm chí phải chạy ăn từng bữa, đó là những lời diễn tả về một thời nghèo nàn khốn khó của bà Luyện Thị Măng - một triệu phú trong nghề thủ công mỹ nghệ của huyện Mỹ Hào (Hưng Yên). Không ai có thể ngờ rằng, từ hai bàn tay trắng, người phụ nữ ấy đã quyết tâm vượt lên bằng sức lực và khối óc của mình. Để rồi giờ đây, ngoài cơ ngơi đồ sộ, bà Măng còn tạo công ăn việc làm cho hàng trăm cảnh đời bất hạnh...
Những bi kịch cuộc đời

Sinh ra trong một gia đình thuần nông, từ khi còn nhỏ, bà Luyện Thị Măng đã phải quen với cảnh sống cơ cực, quanh năm chỉ biết có khoai với sắn độn. Cho đến khi trưởng thành lập gia đình, cuộc sống của bà cũng không dễ dàng hơn.

Chồng bà là ông Ứng Văn Bàn trở về từ chiến trường miền Nam với thương tật nặng. Do đau ốm triền miên từ các vết thương cũ, ông Bàn không thể lao động và thường xuyên phải nằm viện. Vì thế một tay bà Măng gánh vác nuôi cả gia đình với bốn đứa con nhỏ. Khi đó, bà đang là giáo viên của một trường mầm non ở địa phương với đồng lương ít ỏi.

Nhìn đàn con nheo nhóc và người chồng xanh xao vì bệnh tật, sau nhiều đêm không ngủ, cuối cùng bà Măng quyết định từ bỏ công việc vốn là niềm yêu thích từ thời còn trẻ để dành thời gian nhiều hơn cho chồng, con. Thôi việc đồng nghĩa với mất đi một phần tiền sinh hoạt. Việc đồng áng lại không đủ nuôi cả nhà nên có những hôm đói, hai vợ chồng phải chia nhau củ khoai, củ sắn để cho qua bữa, gạo thì phần các con. 

Cuộc sống gia đình đã khổ cực lại càng cùng quẫn hơn khi vào năm 2000, đứa con út của bà Măng bị ngất lúc đang học ở trường cấp 1. Khi đưa đến bệnh viện cấp cứu, phát hiện ra cháu bị mắc bệnh hở van tim, bác sĩ yêu cầu phải phẫu thuật ngay mới cứu sống được. Quá trình phẫu thuật đòi hỏi phải thay tới 3 chiếc van tim mới cứu được tính mạng. Số tiền phẫu thuật lên đến 150 triệu đồng.

Bà Măng tự tay nấu cơm trưa cho các em.

Khi đó, lục tung cả nhà không có nổi 100 nghìn, đồ đạc đáng giá thì chẳng có gì, bà Măng chỉ biết ôm mặt khóc khi nghĩ đến đứa con tội nghiệp. Cho đến lúc quá túng quẫn, không thể vay thêm được ai tiền để chữa trị cho con, bà Măng bàn với chồng bán nhà, bán đất để lấy tiền. Ca phẫu thuật thành công tốt đẹp, nhưng lúc đó cũng là lúc hai vợ chồng họ trở thành những kẻ không nhà.

Bắt đầu từ con số không

Không còn tài sản nào trong tay, công việc cũng không có, bà Măng phải đi làm thuê, làm mướn cho người dân trong làng. Những lúc khốn khó nhất của cuộc đời, bà vẫn tâm niệm rằng "phải bám lấy nơi này mà sống và nếu có làm lại từ đầu thì cũng phải ở trên mảnh đất này". Nghĩ như thế nên hai vợ chồng dựng một túp lều nhỏ ngay cạnh ao làng để lấy chỗ chui ra chui vào. Ngày ngày, chồng bà lại vác bộ đồ nghề sửa xe đạp ra đường ngồi, bà Măng thì đi làm thuê và chăm lo mẫu ruộng của gia đình, con trai bà cũng mở hiệu cắt tóc để phụ giúp bố mẹ. Đều đặn như thế, cả nhà cùng nhau cố gắng rồi cuộc sống cũng đỡ vất vả hơn trước.

Biết được hoàn cảnh khó khăn của gia đình bà, chính quyền địa phương đã đặc biệt quan tâm, cấp cho hai vợ chồng 100m2 đất ở rìa làng và còn tạo điều kiện cho vay vốn từ ngân hàng chính sách. Từ số tiền vốn 50 triệu đồng ấy, sau nhiều đêm trăn trở, bà Măng liền đầu tư cho hai cậu con trai đầu của mình đi học nghề khảm bạc tại Kiêu Kỵ (Gia Lâm, Hà Nội).

Sau khi thành tài, họ trở về mở cơ sở sản xuất đồ thủ công mỹ nghệ ngay trên mảnh đất được cấp của gia đình mình và được sự đón nhận ủng hộ rất nhiệt tình của bà con địa phương. Nhớ lại giai đoạn khó khăn ấy, bà Măng chia sẻ: "Ban đầu do thiếu vốn, lại không có thợ lành nghề nên hàng hỏng nhiều, phải bỏ đi nên rất khó khăn. Cơ sở vẫn chưa tìm được đầu ra nên nhiều lúc làm ra sản phẩm mà chưa thể tiêu thụ...".

Năm 2003, thời điểm khó khăn nhất của cơ sở khi bà Măng phải cầm cố nốt 100m2 đất để duy trì sản xuất. Bà tâm sự: "Lúc đó tưởng như phải ngừng sản xuất giữa chừng, gia đình lại đối mặt với cảnh ra lều lần nữa. Nhưng tôi lại tiếp tục động viên các con cố gắng để vượt qua giai đoạn này". Không chỉ động viên các con, bà Măng còn tự mình nghiên cứu, tìm tòi những chỗ khiếm khuyết để sửa chữa và đi học hỏi kinh nghiệm từ nhiều nơi.

Có những hôm mệt lả vì đói trong khi trong túi không có đồng nào nhưng bà vẫn quyết tâm tìm bằng được hướng thoát cho gia đình mình. "Trời không phụ người có lòng", theo sự chỉ dẫn của một số người quen, bà Măng đã tìm được đến nhà một số cơ sở sản xuất chế tác vàng bạc có uy tín ở Hà Nội và Bắc Ninh, sau đó nhờ họ về chỉ dẫn và thuê một số thợ lành nghề về làm giúp và dạy thêm cho các con mình. Vì thế, chỉ sau một năm, cơ sở sản xuất của gia đình bà đã đi vào hoạt động ổn định, thu hút được gần 40 lao động là những người có tay nghề cao do bà mời về, cùng các cháu trong gia đình, họ hàng và hàng xóm lân cận.

Hiện tại, cơ sở đã thu hút được gần 100 lượt công nhân tới làm việc, một năm thu được từ 1 đến 1,2 tỷ đồng. Kinh tế gia đình không chỉ thoát hẳn cái nghèo đeo bám mà còn vững mạnh, có nguồn thu cao và ổn định.

Cái tên cơ sở sản xuất vàng bạc Doanh Tính của gia đình bà dường như đã trở thành thương hiệu khi sản xuất ra được nhiều sản phẩm có uy tín chất lượng, nhiều loại mẫu mã đa dạng, phong phú, phù hợp với thị hiếu của người dân. Chủ yếu tập trung vào việc chuyên dát vàng, bạc vào các vật dụng đồ thờ, cúng ở các đình chùa và làm bạc trang sức cho người dân. Thị trường tiêu thụ ở nhiều địa phương như: Hưng Yên, Điện Biên, Hòa Bình, Nam Định, Phú Thọ, Bắc Ninh…

Mở lòng với những người bất hạnh

Tự nhận thấy rằng, có được cơ ngơi như ngày hôm nay, ngoài nghị lực vươn lên thì bà Măng còn nhận được sự giúp đỡ nhiệt thành của nhiều người. Vì thế đến khi thoát nghèo, bà luôn mong muốn được làm điều gì đó cho xã hội. Sau khi cơ sở sản xuất của gia đình đi vào ổn định, bà Măng đã quyết định hỗ trợ những người có hoàn cảnh khó khăn, khuyết tật bằng cách tạo điều kiện, dạy nghề cho họ để họ có công ăn việc làm ngay tại chính cơ sở của mình. Hiện nay 2/3 nhân công trong cơ sở của bà hầu hết là người có hoàn cảnh khó khăn, tàn tật, cơ nhỡ, người già từ 60 đến 70 tuổi, học sinh tranh thủ trong giờ nghỉ, ngày nghỉ, dịp hè…

Đối với những người ở xa, bà còn nuôi ăn nghỉ tại chỗ và trả cho lương tháng từ 2 đến 3,5 triệu đồng/tháng tùy theo sức lao động. Không chỉ vậy, mỗi dịp cuối năm, cơ sở của bà Măng còn tạo điều kiện đưa công nhân về tận nhà, bàn giao lương cho bố, mẹ của họ. Nói về việc này, bà Măng chia sẻ: "Tôi không có nhiều tiền để mang cho từng người mà chỉ biết giúp họ có một công việc, kiếm tiền chính đáng từ sức lao động của bản thân thôi. Tôi chỉ mong cơ sở làm ăn thuận lợi, ngày càng được mở rộng để có cơ hội giúp đỡ nhiều người hơn".

Các bạn có hoàn cảnh khó khăn tìm đến nhà bà Măng để xin việc.

"Tấm lòng vàng" của bà chủ từng đi lên từ hai bàn tay trắng được người dân nhắc đến rất nhiều. Vì thế đã có không ít mảnh đời bất hạnh từ các địa phương khác tìm đến bà để mong giúp đỡ. Như trường hợp của Lê Ngọc Mừng (25 tuổi, quê ở Hoàng Đại, TP Thanh Hóa) một người đã làm nhiều năm tại cơ sở cho biết: "Bác Măng không chỉ giúp đỡ em mà còn giúp cả gia đình em ở quê. Nhà em có 3 anh chị em, mẹ mất sớm, chỉ có mình bố vất vả làm ruộng nuôi cả nhà. Học hết lớp 8 em bị tai nạn xe máy, đi lại khó khăn, không làm được việc nặng. Nhờ bác Măng em mới có công việc như hiện giờ, nếu không thì không biết phải sống như thế nào nữa".

Một trường hợp khác là Phạm Văn Lưu (26 tuổi, quê ở TP Việt Trì, Phú Thọ) bị teo cơ không đi lại được, hoàn cảnh gia đình cũng rất khó khăn. Trong một lần tình cờ, Lưu tìm đến cơ sở sản xuất để xin việc làm nhưng vô cùng bất ngờ khi được nhận ngay và còn được giúp đỡ rất nhiệt tình. Ngoài hai trường hợp của Lưu và Mừng, hầu hết những người làm ở cơ sở của bà Măng đều đến từ các địa phương nghèo của Thanh Hóa, Phú Thọ và các em khuyết tật ở tại địa phương. Họ đều được bà Măng và cơ sở sản xuất giúp đỡ một cách nhiệt tình, không toan tính điều gì.

Chia sẻ về câu chuyện của bà Măng, ông Nhuận Văn Cố, Trưởng thôn Nhuận Trạch nói: "Tinh thần vượt khó làm giàu của chị Măng luôn là tấm gương cho mọi người ở xã học tập và noi theo. Không chỉ giỏi làm kinh tế, chị còn là tấm gương về tấm lòng nhân ái, giúp đỡ những số phận bất hạnh, cơ nhỡ. Đó là một người dám nghĩ, dám làm và thực sự thành công".

Ngọc Minh

Thành lập ngày 15/12/1959, Trung tâm Huấn luyện và sử dụng động vật nghiệp vụ, Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động là lực lượng đặc biệt tinh nhuệ của CAND Việt Nam. Trải qua 65 năm (15/12/1959 - 15/12/2024) xây dựng, chiến đấu và phát triển, các thế hệ cán bộ, chiến sĩ của binh chủng đặc biệt này luôn đoàn kết, phát huy truyền thống “Đặc biệt tinh nhuệ - Anh dũng tuyệt vời".

Di sản Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam của Việt Nam đã chính thức được UNESCO ghi danh vào Danh sách Di sản văn hoá phi vật thể đại diện của nhân loại. Đây là 1 trong tổng số 66 đề xuất được xem xét trong kỳ họp này và là di sản văn hoá phi vật thể thứ 16 của Việt Nam được UNESCO ghi danh.

Đại tá, PGS.TS Nguyễn Ngọc Hà, Trưởng Khoa Luật, Học viện ANND là một trong số nhà giáo CAND vinh dự đạt được thành tích “kép” khi vừa được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Nhà giáo ưu tú (NGƯT) và được Bộ trưởng Bộ GD&ĐT trao tặng danh hiệu Nhà giáo tiêu biểu.

Ngày 5/12, Công an TP Hà Nội cho biết, lực lượng chức năng Công an TP Hà Nội vừa kịp thời dập tắt đám cháy xảy ra vào tối 4/12, tại một nhà dân ở phố Hồng Mai, phường Trương Định, quận Hai Bà Trưng, giải cứu thành công 3 người dân.

Khi đang lưu thông qua đèo Mỏ Quạ thuộc địa phận xã Sơn Thủy, huyện A Lưới, tinh Thừa Thiên Huế, xe ô tô đầu kéo do tài xế Phạm Công Năm điều khiển bất ngờ bị mất lái lao xuống vực theo hướng ta luy âm bên trái đường. Vụ tai nạn khiến phương tiện hư hỏng nặng, tài xế bị thương được lực lượng cứu nạn cứu hộ (CNCH) kịp thời ứng cứu, chuyển đến Bệnh viện cấp cứu.

Sáng nay 4/12, Thượng tướng Trần Quốc Tỏ, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Đảng ủy Công an Trung ương, Thứ trưởng Bộ Công an đã có buổi làm việc với Công an tỉnh Phú Yên về công tác xây dựng Đảng, xây dựng lực lượng và bảo đảm an ninh trật tự (ANTT) năm 2024. Tham gia đoàn công tác có lãnh đạo các Cục nghiệp vụ, Thanh tra, Văn phòng Bộ Công an.

Trong trận cầu tâm điểm vòng 14 giải Ngoại hạng Anh mùa 2024-2025 diễn ra rạng sáng 5/12, Manchester United (MU) để thua Arsenal với tỷ số 0-2. Đây là thất bại đầu tiên của Quỷ Đỏ dưới sự dẫn dắt của tân HLV Amorim.

Chiều 4/12, Đại tá Vũ Văn Tấn, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội, Bộ Công an, Thư ký Tổ Công tác triển khai Đề án 06 của Chính phủ cho biết, hiện công tác cấp Lý lịch tư pháp trên ứng dụng VNeID tại Hà Nội đang được đẩy mạnh, góp phần tạo đà, cổ vũ cho các địa phương khác trên cả nước thực hiện hiệu quả theo như chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Các giải đấu trong hệ thống thi đấu quốc gia được tổ chức với sự tham dự của các đội hoạt động dựa vào nguồn ngân sách nhà nước. Chắc chắn, giải sẽ hấp dẫn hơn nếu có các đội tham dự và nếu không phải kinh phí từ ngành thể thao thì càng tốt.

Thời tiết nắng hanh, ấm áp với nền nhiệt trong ngày từ 27-28 độ C được dự báo tiếp tục diễn ra ở Thủ đô Hà Nội cùng với các tỉnh thành tại miền Bắc trong ngày hôm nay trước khi đón thêm đợt không khí lạnh mới gây mưa rét.

Tiếp nối chiến công bắt đối tượng vận chuyển trái phép 18.000 viên ma túy tổng hợp (MTTH) qua biên giới vào ngày 2/12/2024, vào lúc 2h sáng nay 4/12, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Ban Giám đốc Công an tỉnh Quảng Trị, Công an huyện Đakrông phối hợp Phòng CSĐT tội phạm về ma túy Công an tỉnh tiếp tục bắt quả tang 2 đối tượng vận chuyển ma túy số lượng lớn.  

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文