Nhiều bệnh viện có những sai phạm nghiêm trọng

11:47 04/08/2016
Theo kết luận thanh tra của Sở Y tế TP HCM, nhiều bệnh viện trên địa bàn đã có hàng loạt sai phạm nghiêm trọng… Thậm chí có bệnh viện, kết luận thanh tra còn nhấn mạnh đến tình trạng thất thoát thuốc xảy ra đã ảnh hưởng nhiều đến việc điều trị, thậm chí đến mạng sống của bệnh nhân.


Hai bệnh viện sai phạm tài chính hàng trăm tỷ đồng

Ngày 27/7/2016, Sở Y tế TP Hồ Chí Minh đã công bố kết quả thanh tra đối với hai bệnh viện (BV) Nguyễn Tri Phương và Tai Mũi Họng, theo đó hai BV này đã có hàng loạt vi phạm và tiêu cực lớn.

Sau 42 ngày tiến hành thanh tra (từ ngày 2/5 - 13/6/2016), Sở Y tế TP Hồ Chí Minh khẳng định Khoa Dược - BV Nguyễn Tri Phương đã có hàng loạt các tồn tại, sai phạm trong tổ chức và hoạt động, nhất là việc để tình trạng thất thoát thuốc xảy ra, ảnh hưởng nhiều đến việc điều trị của nhiều lượt bệnh nhân tại BV này. Trong đó, Đoàn Thanh tra phát hiện việc cấp phát lẻ thuốc ở BV này không có thủ kho chung mà do 12 dược sĩ trung học vừa làm nhiệm vụ thủ kho, vừa làm nhiệm vụ cấp phát. Mỗi người giữ khoảng 100 mặt hàng thuốc, chịu trách nhiệm khi xảy ra mất mát, hư hỏng.

Đặc biệt ở nhóm bệnh nhân điều trị nội trú diện bảo hiểm y tế thì phiếu lĩnh thuốc đã xảy ra hiện tượng sửa số lượng và ghi "không phát" thuốc ở cột đã phát thuốc đối với một số thuốc…

Thanh tra Sở Y tế kết luận, tình trạng thất thoát thuốc tại BV Nguyễn Tri Phương đã ảnh hưởng đến việc điều trị của nhiều bệnh nhân tại BV. Thậm chí, những vấn đề sai phạm có liên quan đến cả mạng sống của các bệnh nhân nếu như xảy ra tình trạng thiếu thuốc trong quá trình điều trị.

Đây là trách nhiệm của Giám đốc BV qua các thời kỳ, gồm ông Nguyễn Thi Hùng (từ trước ngày 3/9/2014), ông Võ Đức Chiến (từ ngày 3/9/2014 đến nay) và bà Trương Thị Mỹ Linh (Trưởng khoa Dược) cùng các dược sĩ có liên quan. Chính lãnh đạo BV, các khoa phòng đã thiếu trách nhiệm quản lý, giám sát dẫn đến BV rơi vào khủng hoảng nợ nần, vật tư tiêu hao, thất thoát thuốc, thiếu thuốc do nhiều công ty đã cắt nguồn cung cấp thuốc cho BV này.

Kết luận thanh tra cũng khẳng định BV Nguyễn Tri Phương chậm thanh toán công nợ tiền thuốc cho các công ty do các năm 2012-2013 đã mượn tiền thuốc, vật tư để chi thu nhập cho cán bộ, viên chức vượt chênh lệch thu - chi trong năm, dẫn đến nợ tiền thuốc không nguồn quyết toán gần 103 tỉ đồng. Tính đến cuối năm 2014, BV nợ tiền thuốc, vật tư lên đến hơn 134 tỉ đồng. Trong đó, 50% là nợ quá hạn và nợ tiền thuốc không có nguồn quyết toán khoảng 67 tỉ đồng. Đến cuối năm 2015, nợ tiền thuốc, vật tư hơn 127 tỉ đồng, trong đó 28% là nợ quá hạn và nợ tiền thuốc không có nguồn quyết toán khoảng 45 tỉ đồng.

Tình trạng thất thoát thuốc tại BV Nguyễn Tri Phương đã ảnh hưởng đến việc điều trị của nhiều bệnh nhân.

Kết luận thanh tra cũng nêu rõ tại Khoa Dược của BV có tổng số nhân sự là 49 người, nhưng phân công công việc chưa rõ ràng, chồng chéo, nên dễ phát sinh sai sót và khó quy trách nhiệm cá nhân. Một số nhân sự ở Khoa Dược là chị em, vợ chồng nhưng được phân công vào các vị trí có mối liên hệ như kế toán - phụ trách kho, kế toán - cấp phát thuốc. Đây chính là nguy cơ làm nảy sinh tiêu cực.

Với các sai phạm như vậy, Sở Y tế yêu cầu Giám đốc đương nhiệm tổ chức kiểm điểm đối với tập thể, cá nhân có liên quan đến các sai sót theo kết quả thanh tra đã nêu ở phần kết luận thanh tra, báo cáo kết quả cho Sở Y tế sau 30 ngày kể từ ngày công bố kết luận. Đồng thời, rà soát, ban hành đúng và đầy đủ các quyết định, quy định và quy trình cho công tác dược của BV. Bên cạnh đó, xem xét trách nhiệm của người đứng đầu đơn vị ngay khi có kết luận của Công an TP Hồ Chí Minh đối với vụ việc mất thuốc tại Khoa Dược.

Với BV Tai Mũi Họng TP Hồ Chí Minh, kết luận thanh tra của Sở Y tế nêu rõ có những sai phạm, sai sót trong công tác tài chính, kế toán của BV này như các bản kê khai tài sản, thu nhập và giải trình sự biến động của tài sản, thu nhập chưa ghi cụ thể nội dung tổng thu nhập trong năm. Tiền bán sổ khám bệnh không nộp hằng ngày mà 1 tháng mới nộp và nhập quỹ là không đúng với quy định. Chi tiền công cho bộ phận trực tiếp và bộ phận gián tiếp của nhà thuốc không đúng theo quy chế chi tiêu nội bộ với tổng số tiền hơn 1,2 tỉ đồng (bộ phận gián tiếp là hơn 220 triệu đồng, bộ phận trực tiếp là hơn 1 tỉ đồng).

Về việc liên kết mua và sử dụng máy CT. Scanner 16 lát cắt với đối tác bên ngoài, vẫn phân chia tỉ lệ lợi nhuận sau thuế như cũ (BV: 30%, đối tác: 70%) là chưa phù hợp. Chưa kê khai doanh thu và thực hiện nghĩa vụ nộp thuế thu nhập doanh nghiệp trên doanh thu hơn 96 triệu đồng... Sở Y tế cũng yêu cầu BV thu hồi khoản tạm ứng 25 triệu đồng đối với bà Nguyễn Minh Hương (viên chức của BV). Đối với các trường hợp bệnh nhân điều trị theo yêu cầu, khi xuất viện, BV có cấp đơn thuốc phải ghi chép toa vào hồ sơ bệnh án theo quy định...

Giám đốc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh, Nguyễn Tấn Bỉnh yêu cầu BV tổ chức kiểm điểm trách nhiệm các cá nhân; khắc phục các thiếu sót, cập nhật, bổ sung đầy đủ vào quy chế chi tiêu nội bộ về nội dung chi, đối tượng chi. Thu hồi và bổ sung vào nguồn kinh phí cho BV đã chi cho bộ phận trực tiếp và gián tiếp nhà thuốc không đúng quy chế chi tiêu nội bộ…

Trao đổi với báo chí sau khi nhận được kết luận của Thanh tra Sở Y tế TP Hồ Chí Minh về những sai phạm trong chi tiêu nội bộ, xã hội hóa đặt máy CT.Scanner, bà Trần Phan Chung Thủy, Giám đốc BV Tai Mũi Họng, cho rằng đang rút kinh nghiệm. Tuy nhiên, bà Thủy khẳng định những sai phạm đã phát sinh từ trước khi bà về làm Giám đốc (năm 2013).

Ngoài ra, bà Thủy cũng cho biết việc liên kết đặt máy đã thực hiện từ năm 2010 và phần vốn góp là của cán bộ nhân viên BV. Đến nay, máy CT.Scanner đã được hoàn vốn. Tuy nhiên, trong đề án xin đặt máy không nêu rõ sau khi hoàn vốn thì sẽ xử lý thế nào. Riêng chi trả công cho nhân viên nhà thuốc sai quy định 1,2 tỷ đồng là do có sự thay đổi về cách tính thuế nên dẫn đến có sự chênh lệch…

Mua sắm dược liệu không đủ chất lượng, giá cao

Mới nhất, Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cũng vừa công bố kết luận thanh tra về công tác đấu thầu, mua sắm dược liệu tại BV Y học cổ truyền. Trong đó, nổi bật là bất chấp quy định của Luật Đấu thầu, tất cả hồ sơ tham gia dự thầu dù không đáp ứng được yêu cầu nhưng BV Y học cổ truyền vẫn duyệt "đạt".

Ngoài kiểm điểm Ban Giám đốc BV Y học cổ truyền, Sở Y tế TP Hồ Chí Minh còn chuyển Công an TP Hồ Chí Minh hồ sơ Công ty TNHH Đông dược Hòa Phú do có dấu hiệu sử dụng giấy tờ giả trong kê khai doanh thu để tham gia đấu thầu tại BV này để tiếp tục điều tra làm rõ.

Cụ thể, từ năm 2013 đến 2015,BV này đã thực hiện ba gói thầu mua sắm dược liệu, vị thuốc y học cổ truyền do BV làm chủ đầu tư, sử dụng nguồn vốn ngân sách Nhà nước và các khoản thu hợp pháp. Năm 2013, BV thực hiện mua sắm dược liệu chưa sơ chế và dược liệu đã sơ chế với tổng giá trị gói thầu hơn 26,7 tỷ đồng và đến năm 2014 và 2015 là hơn 36,8 tỷ đồng.

Vẫn còn không ít BV bất minh trong các kế hoạch thu chi tài chính. (ảnh chỉ mang tính minh họa).

Khi triển khai gói thầu, chủ đầu tư đã không đăng kế hoạch đấu thầu, kết quả lựa chọn nhà thầu công khai theo quy định trên các kênh thông tin của cơ quan quản lý nhà nước; tùy tiện thay đổi tư cách nhà thầu trước thời điểm đóng thầu; hồ sơ mời thầu dược liệu chưa chế biến và dược liệu đã chế biến không nêu nguồn gốc xuất xứ của hàng hóa.

Mặt khác, hồ sơ mời thầu không xây dựng tiêu chí đánh giá năng lực kinh nghiệm về tài chính trong trường hợp nhà thầu liên danh. Trong quá trình đánh giá hồ sơ dự thầu, có thành viên vừa tham gia đánh giá hồ sơ mời thầu vừa thẩm định kết quả lựa chọn nhà thầu với cùng một gói thầu. Dù hồ sơ không có bản cam kết "không bán quá giá kê khai" nhưng vẫn được đánh giá "đạt". Các thành viên của BV chưa tuân thủ nguyên tắc đánh giá hồ sơ dự thầu nên đã bỏ sót nhiều vấn đề liên quan đến tính hợp lệ của hàng hóa, năng lực tài chính, cho phép những doanh nghiệp không có giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất, chế biến dược liệu (hoặc giấy phép đã hết hạn) tham gia dự thầu...

Theo kết luận thanh tra, các hồ sơ dự thầu của các gói thầu đều không đáp ứng được yêu cầu của hồ sơ mời thầu. Vì vậy, tất cả hồ sơ phải bị loại bỏ theo Luật Đấu thầu và hủy đấu thầu tại thời điểm lựa chọn nhà thầu. Tuy nhiên, BV Y học cổ truyền đã không tuân thủ luật mà vẫn "làm liều" thực hiện việc mua sắm dược liệu từ các đơn vị không đủ tiêu chuẩn tham gia dự thầu.

Sai phạm nối tiếp sai phạm, bởi khi thanh tra về giá dược liệu, vị thuốc y học cổ truyền trúng thầu, Sở Y tế cho rằng giá dược liệu trúng thầu (đã sơ chế hoặc chưa sơ chế) đều thấp hơn giá kế hoạch (thấp nhất 77%, cao nhất 93%). Tuy nhiên khi so sánh giá trúng thầu tại BV với giá nhập đầu vào của nhà thầu (giá từ Công ty TNHH Đông dược Hòa Phú, Công ty Cổ phần dược Trung ương Mediplantex đến BV) thì giá trúng thầu chênh lệch cao nhất gấp 1,5 lần.

So sánh giá trúng thầu tại BV với giá đầu vào của nhà thầu theo hình thức "sang tay" từ Công ty TNHH Thiên Ân Dược đến cửa hàng dược liệu Hòa Phú đến Công ty TNHH Đông dược Hòa Phú rồi bán vào BV thì chênh lệch cao nhất so với giá đầu vào của đơn vị kinh doanh đầu tiên lên tới 146 lần.

Về kiểm soát chất lượng dược liệu, vị thuốc y học cổ truyền trong quá trình nhập, sơ chế, phức chế, sử dụng tại BV, kết luận thanh tra chỉ rõ: dù các dược liệu, vị thuốc khi được cung ứng vào BV đều có phiếu kiểm nghiệm chất lượng. Trong quá trình nhập, sử dụng nếu có nghi ngờ BV sẽ lấy mẫu kiểm nghiệm hoặc gửi mẫu kiểm nghiệm. Nhưng kết quả kiểm nghiệm định kỳ hàng năm của Viện Kiểm nghiệm thành phố, Trung tâm kiểm nghiệm Thuốc - Mỹ phẩm - Thực phẩm thành phố đã phát hiện nhiều mẫu dược liệu, vị thuốc không đạt chất lượng.

Cụ thể, năm 2014, kết quả kiểm nghiệm của Viện Kiểm nghiệm thành phố cho thấy 7/17 mẫu lấy tại BV không đạt (đảng sâm, thổ phục linh, hoa hòe, hoàng bá, thăng ma, hoàng kỳ). Năm 2015, BV gửi hai mẫu kiểm tra thì có một mẫu (đảng sâm) không đạt. Kết quả kiểm nghiệm của Trung tâm Kiểm nghiệm Thuốc - Mỹ phẩm - Thực phẩm thành phố cho thấy 1/88 mẫu không đạt (đảng sâm); còn kết quả của Viện Kiểm nghiệm thành phố là 5/11 mẫu không đạt (thổ phục linh (2 mẫu), ích mẫu, củ mài, bồ công anh).

Điều đáng nói, khi BV nhận được những kết quả kiểm nghiệm này thì một số dược liệu xác định không đạt chất lượng đã bị sử dụng hết. BV đã mang trả lại một số sản phẩm không đạt cho nhà cung ứng, chỉ còn 3,2kg bồ công anh đang niêm phong tại kho của BV chờ tiêu hủy…

Qua những sai phạm của các BV kể trên, có thể nói các BV còn tiềm ẩn nhiều hoạt động bất minh trong các kế hoạch thu chi tài chính, quản lý thuốc, đấu thầu dược liệu…, đòi hỏi cơ quan quản lý cần phải tiếp tục giám sát, kiểm tra và có những biện pháp giải quyết, xử lý nghiêm minh.

Ánh Xuân

Từ kết luận của Thanh tra TP Hồ Chí Minh cho thấy, nhiều đơn vị được giao quản lý tài sản công ở khu vực trung tâm TP Hồ Chí Minh xem tài sản nhà nước như của riêng mình. Tự tiện cho thuê khi chưa có đề án và cũng tự tiện sử dụng tiền cho thuê tài sản như thể của riêng đơn vị mình...

Bệnh sởi đã có vaccine phòng ngừa và mấy năm qua chỉ rải rác người mắc. Nhưng năm 2024, bệnh sởi bùng phát ở nhiều địa phương trên cả nước, chuyển hướng mắc nhiều ở nhóm trẻ chưa đến tuổi tiêm chủng và người lớn. Nhiều người lớn chủ quan không nghĩ mình mắc sởi, đến khi nặng mới nhập viện. 

Qua 5 năm thực hiện Chỉ thị số 12 của Thủ tướng Chính phủ về phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan "tín dụng đen", với sự quan tâm, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và lãnh đạo Chính phủ, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự đấu tranh, xử lý quyết liệt của các cơ quan chức năng, tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động "tín dụng đen" đã có những chuyển biến rõ rệt so với trước khi ban hành chỉ thị.

Đắk Song là huyện biên giới của tỉnh Đắk Nông, tiếp giáp với nước bạn Campuchia. Đây là địa phương có diện tích cây nông nghiệp lớn bậc nhất tỉnh Đắk Nông, gồm các loại chủ lực là cà phê, hồ tiêu và sầu riêng.

Chỉ sau hơn 1 tháng thực hiện Luật Căn cước, Hà Tĩnh đã có xã đầu tiên trên toàn tỉnh hoàn thành chỉ tiêu cấp thẻ căn cước cho công dân ở 3 độ tuổi. Đến nay, sau 4 tháng triển khai, Hà Tĩnh tiếp tục là một trong những địa phương dẫn đầu, xếp thứ 2 toàn quốc về tỷ lệ thu nhận hồ sơ cấp thẻ căn cước cho công dân trên địa bàn.

Diễn đàn “Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam – Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường lắng nghe nông dân nói” được tổ chức ngày 24/11 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng nhằm tuyên truyền, phổ biến, giải đáp, cung cấp thông tin để đẩy mạnh thi hành Luật Đất đai 2024, nhất là đối với những vấn đề liên quan đến đất đai trong nông nghiệp, nông thôn.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文