Nhiều cống hiến khoa học của một Viện sĩ từng là lính hải quân

14:05 25/06/2018
Hơn 50 năm qua mới có một người Việt Nam được kết nạp vào Viện Hàn lâm Quốc tế về Chất lượng (IAQ – International Academy for Quality), trụ sở chính đặt tại Mỹ. Từ nay, ông sẽ đại diện cho Việt Nam ngồi đồng hàng với các nước lớn, có quyền đưa ra những chính kiến, phản biện với bạn bè năm châu bốn bể.


Đam mê khoa học

Ba là người Sài Gòn, mẹ là con gái Bến Tre, năm 1973, ở tuổi 16, Ngô Văn Nhơn xuất sắc vượt qua kỳ thi tuyển với tỉ lệ chọi 1.000 lấy 20 người và bắt đầu được đào tạo kỹ thuật dưới mái trường Cao đẳng Kỹ thuật Cao Thắng (tiền thân là Trường Cơ khí Á Châu), là một trong những trường dạy nghề công lập đầu tiên ở Nam Bộ.

Sau 4 năm miệt mài đèn sách, năm 1977 ông được tuyển dụng vào làm việc tại Phòng Kỹ thuật Tổng Công ty Thép miền Nam. Công việc mới bộn bề ngày đêm xoay quanh những bản vẽ kỹ thuật, những chuyến đi khảo sát và giải quyết sự cố kỹ thuật tại các nhà máy thép miền Nam mới được tiếp quản như Vicasa, Sadakim, Vikimco, Vinaton, Việt Thành, Hoàn Thành, Song Mỹ Châu… đã hun đúc cho ông một tác phong công nghiệp và niềm đam mê nghiên cứu khoa học kỹ thuật.

Tiến sĩ Ngô Văn Nhơn nhận bằng Viện sĩ IAQ.

Khi chiến tranh biên giới Việt Nam - Campuchia và chiến tranh biên giới Việt -Trung nổ ra ở hai đầu Tổ quốc, ông đã gác lại đam mê, khoác màu áo xanh người lính cầm súng đi chiến đấu. Ông được biên chế làm máy trưởng một trong các con tàu quân sự của Tiểu đoàn 5 Anh hùng, đóng tại Tân Cảng (Cầu Sài Gòn).

Khi ấy, quân Khơme Đỏ rất hung dữ, sẵn sàng nã đạn pháo đủ loại khi thấy bóng dáng của các con tàu quân sự Việt Nam xuất hiện trên dòng sông Mê Kông. Khác với bộ binh, trên con tàu lênh đênh sóng nước, không có bất cứ lùm cây bụi cỏ nào để trú tránh, vừa đi vừa đánh, anh lính thủy Ngô Văn Nhơn đã may mắn vì không một viên đạn, mảnh pháo nào găm trúng cơ thể.

Trong khoảng thời gian 4 năm, chàng lính trẻ Ngô Văn Nhơn đi đi về về như con thoi theo những chuyến tàu bí mật, thực hiện nhiệm vụ quốc tế cao cả, được Chủ tịch nước phong tặng Huân chương Chiến công hạng Ba và Huân chương Chiến sĩ Vẻ vang hạng Ba.

Năm 1982, Ngô Văn Nhơn chuyển ngành về TP. Hồ Chí Minh công tác tại đội tàu biển Rameico - Sở Ngoại thương Thành phố rồi Công ty Kinh doanh Lương thực của bà Ba Thi (Anh hùng Lao động Nguyễn Thị Ráo).

Thời ấy, đất nước còn chìm trong gian khó, nhân dân TP. Hồ Chí Minh thiếu lương thực trầm trọng, đói khổ trăm bề. Ngô Văn Nhơn được phân công thực hiện những chuyến tàu dọc dài đồng bằng sông Cửu Long, sông Mê Kông và khu vực Đông Nam Á. Những chuyến tàu hàng miệt mài rẽ sóng, chở lúa gạo, bo bo, bột mì... về cứu đói cho bà con Thành phố.

Năm 1993, Ngô Văn Nhơn quyết định lên bờ sau 14 năm lênh đênh sông nước để chuyển sang Bộ Thương mại (nay là Bộ Công Thương). Trong thời gian làm việc tại Bộ Thương mại, ông luôn ấp ủ niềm đam mê về chất lượng.

Ông cho biết: “Từ thập niên 70, nhờ được đào tạo trong môi trường kỹ thuật, tôi đã có “background” về tiêu chuẩn hóa quốc tế ISO và ngành khoa học chất lượng. Lúc nào ý tưởng đó cũng ở trong tôi và tôi luôn nung nấu về nó”.

TS Ngô Văn Nhơn năm 1979 tại biên giới Campuchia.

Say mê với dự định khoa học, nhưng muốn thành công, phải trang bị thêm kiến thức, Ngô Văn Nhơn lần lượt lấy bằng thạc sĩ, tiến sĩ cùng với nhiều chứng chỉ chuyên môn về quản lý chất lượng trong và ngoài nước với phương châm “Chất lượng bắt đầu bằng đào tạo và kết thúc cũng bằng đào tạo”.

Quan điểm của Tiến sĩ Ngô Văn Nhơn là làm khoa học thì không có “vòng kim cô”. Người làm khoa học phải được tự chủ, tự thân và tự do, làm theo chính kiến của mình, không nghe lời xúi giục hoặc bị cưỡng bức từ người khác.

Những năm làm việc ở Bộ Thương mại là thời gian rất khó khăn về xuất khẩu, ông nảy sinh ra ý nghĩ làm sao giúp đỡ các doanh nghiệp áp dụng các tiêu chuẩn chất lượng quốc tế để vượt “rào cản” đưa hàng hóa ra thế giới.

Với lợi thế ngoại ngữ thông thạo, ông cùng với một số nhà khoa học trong nước và nước ngoài làm các đề tài khoa học đi thuyết trình trong nước và thế giới để thúc đẩy phong trào chất lượng tại nước nhà.

Hội chất lượng TP. Hồ Chí Minh được thành lập năm 2006 (tiền thân là Câu lạc bộ ISO Việt Nam ra đời năm 2000), được Bộ Khoa học và Công nghệ ủy quyền thay mặt cho Việt Nam tham gia làm thành viên Hội chất lượng Châu Á.

Là thành viên sáng lập, Phó Chủ tịch Thường trực, Tổng thư ký rồi Chủ tịch Hội chất lượng TP. Hồ Chí Minh, Tiến sĩ Ngô Văn Nhơn đã nỗ lực bằng cả nhiệt huyết, trí tuệ, “lăn xả” trong tất cả các hội nghị, diễn đàn về chất lượng trong nước và quốc tế.

Liên tục trong 12 năm qua (2006 -2018), Việt Nam đã khẳng định được niềm tin và uy tín trong lĩnh vực chất lượng cấp châu lục, được bạn bè, đồng nghiệp kính nể. Từ năm 2013, Tiến sĩ Ngô Văn Nhơn được bầu vào Ban chấp hành Hội chất lượng châu Á, ủy viên Ủy ban giải thưởng chất lượng châu Á. Tuy nhiên, điều khiến Tiến sĩ Ngô Văn Nhơn trăn trở nhất là phải bứt phá ra thế giới.

Để trở thành Viện sĩ Viện Hàn lâm Quốc tế về Chất lượng (IAQ), Tiến sĩ Nhơn phải trải qua một quy trình xem xét nghiêm ngặt kéo dài trong ba năm và phải đảm bảo các tiêu chuẩn: Có ít nhất 15 năm tham gia các hoạt động giảng dạy, nghiên cứu và thực hành chất lượng ở quê nhà và quốc tế; có ít nhất 30 bài viết khoa học được đăng ở các tạp chí uy tín và hội nghị, hội thảo quốc tế; được sự giới thiệu của các chuyên gia hàng đầu Việt Nam cùng hoạt động trong lĩnh vực chất lượng như GS.TS. Nguyễn Quang Toản – Chủ tịch Danh dự Hội chất lượng TP. Hồ Chí Minh, Tiến sĩ Nguyễn Hữu Thiện – Chủ tịch Hội các Phòng Thử nghiệm Việt Nam - Vinalab, nguyên Tổng cục Trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng.

Tuy nhiên, từng ấy yếu tố vẫn chưa đủ, Tiến sĩ Ngô Văn Nhơn cho biết, ở Việt Nam còn thông cảm, ủng hộ nhau nhưng ra thế giới thì không bao giờ có điều đó. Ba viện sĩ đứng ra đề cử ông đều là những chuyên gia chất lượng hàng đầu thế giới.

Viện sĩ Tiến sĩ Noriaki Kano (Nhật Bản), Viện sĩ Janak Mehta (Ấn Độ) và Viện sĩ Tiến sĩ Yuri Gusakov (Nga). Họ làm việc theo nguyên tắc, thẩm định con người bằng trí tuệ, năng lực và hồ sơ công trình khoa học. Bước cuối cùng là được Hội đồng xét chức danh của IAQ xem xét và bỏ phiếu thừa nhận đủ tiêu chuẩn làm Viện sĩ.

Viện sĩ Ngô Văn Nhơn khẳng định: “Tổ chức này không nhận đơn xin gia nhập và cũng không nhận tiền mua danh. Họ xét dựa trên những đóng góp của tôi trong lĩnh vực khoa học chất lượng cấp quốc gia, cấp châu lục và thế giới và họ trân trọng gửi thư mời, tôi không phải xin xỏ hay đóng tiền, dù là một xu”.

Vì vậy, dù đây là lần đầu tiên, một người Việt Nam bước ra khỏi “lũy tre làng” và đặt chân vào viện hàm lâm quốc tế danh giá này, song chuyên môn không hề xem TS. Ngô Văn Nhơn là kẻ may mắn. Trên thực tế, ông xứng đáng được tôn trọng vì sự cống hiến tự nguyện cho phong trào chất lượng thế giới.

IAQ là tổ chức uy tín, có sự chọn lựa khắt khe. Hơn 50 năm thành lập, tổ chức này mới kết nạp 134 viện sĩ đại diện cho 37 quốc gia trên toàn thế giới. Trong đó, châu Á có 45 viện sĩ, khu vực Đông Nam Á mới có 6 viện sĩ. Và cũng trên 50 năm, Tiến sĩ Ngô Văn Nhơn là người Việt Nam đầu tiên được kết nạp.

Trong buổi công bố, Viện trưởng IAQ Elizabeth Keim đã phát biểu: “Viện sĩ Ngô Văn Nhơn là người Việt Nam đầu tiên được vinh dự nhận học hàm này do đã đóng góp xuất sắc về khoa học, công nghệ, kinh tế và quản lý chất lượng chuyên nghiệp, ông là một trong số các nhà lãnh đạo quốc tế đã cống hiến sức mình trong việc cải tiến chất lượng sản phẩm và dịch vụ vì lợi ích của nhân loại và mang lại một tiêu chuẩn sống cao hơn cho tất cả mọi người”.

Hội nghị quy tụ 3.500 đại biểu từ khắp các nước trên thế giới. Khi Tiến sĩ Ngô Văn Nhơn được xướng tên lên bục vinh danh, cả hội trường reo lên. Một số cựu binh Mỹ từng tham chiến tại Việt Nam tới bắt tay, chúc mừng ông.

Họ yêu cầu ông kể về những đổi thay của đất nước Việt Nam, những địa danh khốc liệt trong chiến tranh như Khe Sanh, đường 9, Kon Tum, Đà Nẵng... giờ ra sao? Tiến sĩ Ngô Văn Nhơn đã rất xúc động khi Việt Nam được bạn bè năm châu quan tâm. 

Hàng Việt Nam ra thế giới nhờ chất lượng

Những lý thuyết khoa học chất lượng đã áp dụng rất hữu ích cho vùng đồng bằng sông Cửu Long về an toàn thực phẩm. Ví dụ như trồng khoai lang, nuôi tôm, cá basa...

Từ việc áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế nên nhiều mặt hàng nông hải sản, dệt may, da giày của Việt Nam đã có mặt ở Mỹ, Nhật Bản và châu Âu là các thị trường vô cùng khắt khe về chất lượng.

Hội nghị Viện Hàn lâm quốc tế về chất lượng -  IAQ.

Ngoài việc xây dựng hệ thống quản lý chất lượng công nông nghiệp, những người làm chất lượng ở Việt Nam còn làm chất lượng trong các trường học để đảm bảo chất lượng giáo dục theo khung tiêu chuẩn quốc tế.

Để thực hiện điều đó, những người làm chất lượng như Tiến sĩ Ngô Văn Nhơn phải miệt mài đứng lớp giảng dạy và xắn tay áo để tư vấn chuyển giao công nghệ quản lý (know-how) theo phương châm “Cho cần câu và dạy cách câu cá chứ không cho cá”.

Từ hiệu trưởng đến cán bộ, giảng viên tất cả đều phải học và trải qua kỳ thi nghiêm khắc. Tiếp theo là vận hành hệ thống từ 6 tháng đến 1 năm, đánh giá nội bộ 2 đến 3 lần, khi ổn rồi mới mời Tổ chức chất lượng quốc tế đến đánh giá chứng nhận theo tiêu chuẩn ISO 9001 hoặc AUN-QA.

Trong 10 năm qua, Tiến sĩ Ngô Văn Nhơn đã đào tạo tư vấn thành công trên 30 trường đại học, cao đẳng từ Nam ra Bắc, lên cả vùng Tây Bắc địa đầu của Tổ quốc như Sơn La, Điện Biên… với khẩu hiệu của người lính xung trận; “Đâu có giặc là ta cứ đi”. “Giặc” ở đây là tư duy quản lý lạc hậu, lỗi thời, bảo thủ...

Ngọc Hoa

Đến hôm nay, ông Đạt vẫn nhớ như in từng giây phút của ngày lịch sử 49 năm về trước. Hôm ấy, ông ôm máy ảnh lao ra đường phố Sài Gòn với bầu máu nóng của chàng trai vừa 19 tuổi, chụp những tấm ảnh về thời khắc giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Các giám sát viên của Liên hợp quốc (LHQ) nhận định trong một báo cáo rằng các mảnh vỡ từ một tên lửa rơi xuống thành phố Kharkiv của Ukraine hôm 2/1 là từ tên lửa đạn đạo dòng Hwasong-11 của Triều Tiên, Reuters đưa tin.

Hết quý I/2024, thị trường bất động sản đã có thêm những tín hiệu tích cực khi sự quan tâm của người dân dành cho nhà ở đã tăng lên so với giai đoạn quý IV/2023. Theo đại diện Bộ Xây dựng, nguồn cung cũng đã tăng khi số lượng dự án hoàn thành và được cấp phép tăng lên. Tuy nhiên, nhận định về thị trường bất động sản, đại diện Bộ Xây dựng cho biết, dù đã có những chuyển động tích cực nhưng cơ bản thị trường vẫn chưa hết khó khăn. Những bất cập, vướng mắc dù đã được nhận diện nhưng vẫn cần thời gian để tháo gỡ.

Hơn 14 năm công tác trong lực lượng Công an, trong đó có hơn 10 năm gắn bó với công tác an ninh, Thiếu tá Trần Xuân Hoàng, Đội trưởng Đội An ninh Công an huyện Krông Pa, tỉnh Gia Lai đã vận động, giúp đỡ hàng trăm trường hợp lầm lỡ trót tin lời kẻ xấu, vượt biên trái phép, theo "Tin lành Đêga"… trở về hòa nhập với cộng đồng.

Cuối tháng 10/2020, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã long trọng tổ chức buổi gặp mặt các đồng chí cán bộ thuộc Quỹ đặc biệt (Tiền thân là Quỹ ngoại tệ đặc biệt) chi viện chiến trường miền Nam, gọi tắt là Quỹ hoặc Ban B29.

Qua công tác năm địa bàn, đối tượng, Đội Cảnh sát hình sự Công an thị xã Tịnh Biên (An Giang) phát hiện có một nhóm đối tượng từ phía Bắc đến khu vực tổ 16, khóm Xuân Hoà, phường Tịnh Biên cho người dân vay tiền trả góp với lãi suất cao 10-30%/tháng. Nếu người vay không góp đúng hạn thì bị đối tượng đe dọa… 

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文