Nhiều hộ dân lao đao vì nhà sụt lún

16:50 04/03/2018
Nhiều năm nay, hàng chục hộ dân tại thôn 5 (xã Thuần Hưng, huyện Khoái Châu, Hưng Yên) rơi vào tình trạng hoang mang, ăn ngủ không yên. Bởi, ngôi nhà họ đang ở bỗng dưng nứt toác, sụt lún, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống.

Dù đơn kêu cứu được gửi đi khắp nơi nhưng theo người dân, những phản hồi sau đấy chưa được thỏa đáng và có phần không công bằng. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do quá trình thi công kênh dẫn trạm bơm Nghi Xuyên.

1. Đến thôn 5 vào thời điểm này, tình hình cũng nóng như “chảo lửa”. Hễ thấy người lạ đến tìm hiểu về tình trạng sụt lún, nứt nhà  là hàng chục hộ dân cử người mang đơn thư trình bày những bức xúc mà gia đình mình đang chịu.
Công trình xây dựng trạm bơm vẫn đang được hoàn thiện.

Theo phản ánh của người dân, ngoài các công trình bị hư hỏng như sân, tường rào, chuồng trại đã được người dân tự khắc phục, sửa chữa. Còn nhà cửa kiên cố bị sụt lún, nứt toác chưa được xử lý tận gốc, gây khó khăn trong sinh hoạt. Ông Vũ Năng Thành bức xúc: “Những ngày đầu người ta đến đây xây dựng công trình trạm bơm, kênh mương, người dân rất ủng hộ và vui mừng.

Thực tế là công tác giải phóng mặt bằng, đền bù diễn ra hết sức nhanh chóng. Tuy nhiên khi công trình vừa mới làm đã gây ra sụt lún nhà cửa của người dân chúng tôi. Những nơi như tường rào, sân, hoặc công trình phụ bị hư hỏng thì chúng tôi còn tự xử lý được.

Còn những ngôi nhà kiên cố thì làm sao chúng tôi tự xử lý được, phải có kinh phí nữa chứ. Người dân ở đây chủ yếu là nông nghiệp, không có nghề phụ gì cả, có chăng chỉ là trồng thêm cây ăn quả. Chúng tôi làm ăn, gom góp cả đời mới đủ xây dựng ngôi nhà để ở vì thế nó là tài sản lớn, là tất cả của chúng tôi”.

Ngôi nhà của anh Đào Đức Hùng chỉ vừa mới xây dựng năm 2015 nhưng đã bị sụt lún và nghiêng. Mặc dù chưa bị nứt nhưng ngôi nhà bị nghiêng tách phần đất giữa chân móng ra làm đôi.

“Ở đây chúng tôi chủ yếu làm nông nghiệp, đời sống vô cùng khó khăn. Bây giờ bị nghiêng thế này thì coi như cả gia tài đang bị đe dọa, cả đời tích cóp có nguy cơ mất trắng. Không chỉ như vậy mà còn đe dọa đến tính mạng của những người sinh sống trong nhà.

Cứ nghiêng thế này đến mùa mưa lũ không biết sẽ thế nào, nhà tôi lại ở gần mương, chỉ cần nước chảy xói mòn là nhà sẽ sập xuống. Chúng tôi tha thiết mong các cấp có thẩm quyền vào cuộc để có biện pháp khắc phục, đền bù để bà con sớm xây dựng, sửa chữa nhà mình” – anh Hùng cho hay.

Vết nứt như thế này khiến chủ nhân vô cùng hoang mang.

Chỉ tay về phía nhà của anh Nguyễn Văn Thanh, anh Hùng nói tiếp: “Như nhà anh Thanh cũng vậy, vừa mới sửa chữa năm 2015 thì nay cũng bị nứt toác hết cả tưởng. Hơn 1 năm nay nhà anh ấy không dám ở vì sợ sập. Mọi người trong nhà phải dắt nhau đi ở nhờ nhà người thân, hàng xóm. Thật không có gì để tả nổi sự bức xúc của nhân dân ở đây”.

Hoàn cảnh đặc biệt nhất phải kể đến gia đình chị Nguyễn Thị Hoàn. Năm 2015, vợ chồng chị vay mượn người thân để xây dựng ngôi nhà rồi ra ở riêng. Tuy nhiên, ngôi nhà mới chỉ xây dựng được vài tháng đã xảy ra hiện tượng nứt toác, nguy cơ nợ chồng nợ.

Chị Hoàn bức xúc nói: “Hai vợ chồng em có 3 con nhỏ, thu nhập chủ yếu dựa vào 2 sào ruộng, có trồng thêm cây ăn quả nhưng chưa có thu hoạch. Nhà em mới xây dựng từ năm 2015, vẫn còn nợ mấy chục triệu. Nếu các ban, ngành không có hướng giải quyết thì coi như nhà em mất trắng, cuộc sống vô cùng khó khăn.

Đường đi cũng bị sụt lở nghiêm trọng ảnh hưởng tới đời sống của bà con thôn 5.

Khoảng tháng 6 họ đến kiểm định thì tháng 7 đã có kết quả nhưng mãi đến tháng 2 năm sau mới trả kết quả cho người dân. Phương án của họ là dùng vữa chát vào các vết nứt. Mức giá đền bù ban đầu là hơn 300 triệu nhưng sau họ chỉ đền bù 11 triệu để khắc phục”.

2. Trước những phản ánh của người dân, cuối năm 2016, một Tổ giám sát Trạm bơm Nghi Xuyên đại diện cho Ban quản lý Trung ương các dự án thủy lợi và UBND xã Thuần Hưng đã kiểm tra thực tế và thiết lập biên bản làm việc với nhân dân. Trong đó có nội dung ghi chép đầy đủ mức độ thiệt hại tài sản của từng hộ dân để trình Hội đồng đền bù giải phóng mặt bằng và các cơ quan chức năng liên quan xem xét.

Tuy nhiên, theo phản ánh của người dân, vào tháng 6/2017, dù kiểm đếm thiệt hại nhưng địa phương chỉ thông báo có 3 gia đình bị thiệt hại nặng nhất có đền bù, còn hơn chục hộ dân khác được hỗ trợ một phần kinh phí. Điều này đã khiến nhiều các hộ dân bức xúc và không đồng tình với phương án xử lý của chính quyền địa phương và chủ đầu tư.

Ông Đào Đức Hiếu cho hay, gia đình ông và gia đình bà Thoa (hàng xóm) thiệt hại là như nhau nhưng không hiểu đơn vị kiểm đếm và chính quyền địa phương thẩm định thiệt hại ra sao mà gia đình ông chỉ ước thiệt hại giá trị là hơn 11 triệu đồng, trong khi gia đình nhà bà Thoa lại được tới gần 90 triệu đồng.

Cùng chung bức xúc, anh Đào Đức Hùng cho hay: “Đội thẩm định về kiểm định và có kết quả là ảnh hưởng ở mức độ B nhưng chỉ được đền bù hơn 25 triệu. Nhà tôi lại ở gần sông hơn nên vấn đề có phần nghiêm trọng hơn nhiều. Như nhà ông Thanh được định giá mức độ nghiêm trọng mà mức B thì được đền bù tới 88 triệu. Nhà bà Tý và ông Dung cũng tương tự như vậy, cũng được đánh giá ở mức độ B và C mà lại không được đền bù. Điều này khiến cho bà con vô cùng bức xúc, không phục trước các phương án đền bù thiệt hại.

Dẫu biết đây là công trình mang lại lợi ích cho người dân nhưng tôi tha thiết mong UBND huyện và chủ công trình đền bù thỏa đáng không chỉ cho gia đình tôi mà các gia đình khác nữa theo quy định của pháp luật. Làm điều này sớm ngày nào tốt ngày đó cho người dân. Bởi chúng tôi mong muốn có tiền đền bù, sớm khắc phục sửa chữa nhà mình để yên tâm lao động sản xuất”.

Người dân ở đây cho rằng việc đền bù là chưa có sự công bằng.

Qua tìm hiểu, tiểu dự án Trạm bơm Nghi Xuyên là dự án do Ban Quản lý Trung ương các dự án thủy lợi (gọi tắt là CPO) làm chủ đầu tư. Đây là dự án phục vụ tiêu úng cho 8,27ha diện tích trong khu vực ra ngoài sông Hồng, là dự án giữa Chính phủ Việt Nam và Ngân hàng Phát triển châu Á – ADB tài trợ.

Trước tình hình đó, ngày 24-2-2017, UBND huyện Khoái Châu và chủ đầu tư cùng UBND xã Thuần Hưng đã có buổi làm việc để tìm giải pháp giải quyết vấn đề của nhân dân phản ánh. Ngày 14-3-2017, UBND tỉnh cũng đã có văn bản gửi Chủ tịch UBND huyện Khoái Châu để chỉ đạo giải quyết vụ việc, trả lời đơn thư của công dân theo quy định của pháp luật.

Trả lời về vấn đề này, ông Nguyễn Tường Nguyên, Chủ tịch UBND xã Thuần Hưng cho hay, xã là thành viên của Hội đồng giải phóng mặt bằng của huyện, nắm thông tin và chủ trương của huyện Khoái Châu để tuyên truyền và vận động người dân.

Theo ông Nguyên, Hội đồng giải phóng mặt bằng của huyện Khoái Châu là đơn vị lập phương án đền bù giải phóng mặt bằng khi thu hồi đất nằm trong vùng quy hoạch. Các bước đền bù, lập quy hoạch đảm bảo đúng quy định của pháp luật. Khi lập phương án, đặc biệt là trả tiền đền bù đều công khai, minh bạch theo đúng trình tự.

''Về phương án đền bù thì người dân không có ý kiến gì. Sau khi đền bù, giải phóng mặt bằng xong và địa phương giao đất cho chủ đầu tư để thực hiện dự án thì nảy sinh vấn đề. Khi thực hiện dự án, thi công thì ảnh hưởng tới nhà dân, lún nứt nhà cửa của nhiều người dân'' - ông Nguyên nói thêm.

Qua tìm hiểu, UBND xã Thuần Hưng đã nhận được đơn đề nghị của 22 họ dân. Các hộ dân đề nghị về việc trong quá trình làm đường dẫn trạm bơm Nghi Xuyên bị ảnh hưởng, sụt lún ảnh hưởng đến nhà cửa và một số tài sản khác.

Vấn đề này đã được UBND xã Thuần Hưng báo cáo lên UBND huyện Khoái Châu vào tháng 1-2018. Huyện đã thuê đơn vị thẩm định về để kiểm định độc lập tài sản của 22 hộ dân. UBND xã đã nhận thông báo kết quả của 22 hộ, tuy nhiên chỉ có 3 hộ bị thiệt hại.

Cụ thể là gia đình ông Đào Đức Hiếu thiệt hại 11.156.000 đồng, ông Đào Đức Hùng bị thiệt hại 25.412.000 đồng và ông Vũ Thị Thoa bị thiệt hại 88.866.000 đồng. Còn các hộ dân khác không xác định được khối lượng thiệt hại. “Toàn bộ thiệt hại là do đơn vị kiểm định, chính quyền địa phương chúng tôi không đủ thẩm quyền thực hiện” – ông Nguyên cho hay.

Ông Lê Ngọc Đích, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Khoái Châu cho hay:

Huyện đã thuê Viện Khoa học công nghệ về đầu tư và xây dựng để thẩm định độc lập với tổng kinh phí thuê là 250 triệu đồng để kiểm tra thiệt hại của người dân. Trong quá trình đánh giá, đơn vị cũng khẳng định đây là phương án chính xác, không lăn tăn về kết quả. Sau khi có kết quả, chủ đầu tư đã lên phương án sẽ đền bù và hỗ trợ tổng thiệt hại là 250 triệu đồng. Hiện đã có 18 hộ gia đình đồng ý với phương án đền bù, còn lại 4 hộ không đồng ý, trong đó có gia đình ông Đào Đức Hiếu.

Phong Anh

Đến 16h chiều nay (8/11), Cơ quan CSĐT Công an TP Đà Nẵng vẫn đang khám xét trụ sở Công ty TNHH MTV Tư vấn Đầu tư GFDI (92 đường 29/3, phường Hòa Xuân, quận Cẩm Lệ, TP Đà Nẵng) để thu thập hồ sơ, tài liệu liên quan đến các hoạt động có dấu hiệu vi phạm pháp luật của công ty này. Hiện có rất nhiều người dân đã tập trung xung bên ngoài tòa nhà văn phòng công ty theo dõi. Nhiều người kêu khóc, đòi Tổng giám đốc Nguyễn Quang Hoàng... “hiện hồn” trả lại tiền. Công an quận Cẩm Lệ đã huy động hàng chục CBCS để đảm bảo ANTT.

Chiều 8/11, Văn phòng Cơ quan CSĐT Công an TP Hồ Chí Minh cho biết, đã khởi tố bị can, thi hành lệnh bắt bị can để tạm giam 2 đối tượng: Nguyễn Thị Kim Trang (SN 1970; cư trú quận 3) và Lê Văn Hòa (SN 1977; cư trú quận Tân Bình) là nhân viên tiệm vàng Đức Long (phường 5, quận Tân Bình) về hành vi “Vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới”.

Trước ý kiến cho rằng vì chưa có quy định cụ thể về ngưỡng nợ thuế để áp dụng biện pháp tạm hoãn xuất cảnh, điều này khiến cho nhiều doanh nghiệp và cá nhân không thể dự đoán được liệu mình có nằm trong diện bị tạm hoãn hay không, Bộ Tài chính cho biết sẽ cân nhắc để áp dụng.

Trưa ngày 8/11, Cơ quan CSĐT Công an TP Đà Nẵng đồng loạt tiến hành khám xét khẩn cấp trụ sở chính của Công ty TNHH MTV Tư vấn Đầu tư GFDI và Sở giao dịch của Công ty này tại Đà Nẵng để thu thập tài liệu, chứng cứ liên quan đến việc huy động hàng ngàn tỷ đồng và các hoạt động có dấu hiệu vi phạm pháp luật của doanh nghiệp này.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文