Nhiều vấn đề cần làm rõ ở Khu đô thị mới Thủ Thiêm

06:26 14/05/2018
Câu chuyện về những quyết định thay đổi quy hoạch Khu đô thị mới Thủ Thiêm (quận 2, TP Hồ Chí Minh) và những khiếu kiện kéo dài hàng chục năm nay của người dân có nhà đất bị giải tỏa tại đây đã và đang trở thành vấn đề "nóng" được dư luận đặc biệt quan tâm. 

Có lẽ, đây không đơn thuần chỉ là vấn đề phức tạp liên quan đến đất đai - một lĩnh vực vốn đầy nhạy cảm, mà đằng sau đó là công tác quản lý, quy hoạch, đền bù, giải tỏa và cả những quyết định của lãnh đạo chính quyền TP. Hồ Chí Minh ẩn chứa quá nhiều khúc mắc, tồn tại lâu nay…

Người dân cần sự rõ ràng, minh bạch

Tâm trạng bức xúc, ông Lê Văn Hạnh (76 tuổi, ngụ tại 518/1B Trần Hưng Đạo, quận 5) có khu đất của tổ tiên để lại rộng tới 7,5ha tại phường An Khánh, quận 2, vén lau sậy cùng phóng viên lội nước vào khu mộ của ông nội ông được chôn cất giữa bốn bề lau sậy, cỏ lác ngập đầu người, nước ngập xâm xấp. Đoạn đường bắt đầu từ Lương Định Của vào khu mộ không dài nhưng đi lại khá khó khăn. 

Người dân giăng bản đồ tại buổi tiếp xúc cử tri quận 2 chiều 9-5.

Vào đến khu mộ, ông Hạnh chỉ xung quanh, nghẹn ngào nói: "Đây là khu đất của ông cha tôi để lại, gần đây tôi vào phun thuốc diệt cỏ và dọn dẹp bớt nên mới "hiện ra" rõ ràng như thế này. Nhìn khu mộ của ông nội như thế này mà tôi ứa nước mắt vì vốn là đất đai của tổ tiên để lại nhưng gia đình tôi gần như chẳng có chút quyền lợi nào cả".

Hiện khu đất mà ông Hạnh đang khiếu nại nằm trong khu vực giải tỏa để xây dựng Khu đô thị mới Thủ Thiêm và đã được đền bù. Điều trớ trêu là gia đình ông Hạnh trên giấy tờ chỉ được nhận tiền đền bù chẳng đáng là bao. Nhưng lại đã có những cá nhân đã được nhận tiền đền bù khu đất này? 

Đây là một vụ việc khiếu kiện phức tạp, kéo dài hàng chục năm nay và cơ quan chức năng, chính quyền địa phương và thành phố cũng đã tốn rất nhiều giấy mực, công sức để giải quyết nhưng mọi việc đều chưa đưa đến kết quả vừa lòng đôi bên.

Ông Hạnh khiếu nại đòi lại khu đất ruộng do cha mình để lại có diện tích gần 7,5ha thuộc xã An Khánh, huyện Thủ Đức (nay là phường Bình Khánh, quận 2) từ năm 1992, nhưng 7 năm sau thì UBND quận 2 mới có quyết định giải quyết khiếu nại. 

Theo Quyết định số 721/QĐ-UB-QLĐT ngày 18-3-1999 của UBND quận 2 thể hiện: Phần đất có diện tích 74.480m2 thuộc xã An Khánh cũ do ông Lê Văn Luông (cha ông Hạnh) đứng bộ. Năm 1972, Tổng cục Gia cư đã trưng thu diện tích 47.160m2, phần còn lại ông Luông cho người khác thuê canh tác.

Sau năm 1975, ông Lê Văn Thừa (là anh ruột ông Hạnh) trực tiếp canh tác hơn 5ha đất trong số 7,5ha nói trên. Đến năm 1978, số đất này được đưa vào Tập đoàn sản xuất xã An Khánh và điều chỉnh giao khoán cho các hộ dân địa phương canh tác, trong đó ông Lê Văn Thừa được giao khoán hơn 3.000m2. Mặc dù thừa nhận như vậy, nhưng quyết định này lại bác đơn ông Hạnh với lý do ông Hạnh không có quá trình sử dụng đất từ trước năm 1975 đến nay.

Rõ ràng ở đây UBND quận 2 lúc đó đã xem xét, đánh giá chưa đúng bản chất của việc khiếu nại vì ông Hạnh khiếu nại là để đòi lại đất của gia tộc mà ông chỉ là người đại diện cho các đồng thừa kế chứ không phải đòi đất lại cho cá nhân ông. Mà như vậy thì việc ông Lê Văn Thừa đã sử dụng đất của gia tộc để lại từ sau năm 1975 phải được xem là có quá trình sử dụng mới phù hợp với quy định của pháp luật.

Đáng nói là sau đó, UBND TP Hồ Chí Minh lại ban hành quyết định công nhận quyết định giải quyết khiếu nại của UBND quận 2 để bác đơn của ông Hạnh cũng với lý do duy nhất là ông Hạnh "không trực canh". 

Không đồng tình với quyết định của UBND TP Hồ Chí Minh, ông Hạnh tiếp tục khiếu nại và UBND TP đã giao Thanh tra thành phố tiến hành xác minh lại, tuy nhiên mọi việc vẫn giậm chân tại chỗ…

Ngoài ông Hạnh còn một bộ phận người dân có nhà đất thuộc quy hoạch Khu đô thị mới Thủ Thiêm cho rằng, đất nhà của họ không nằm trong ranh quy hoạch nên không chấp hành di dời. Ghi nhận của phóng viên trong ngày 6-5, khu tạm cư Thủ Thiêm hiện có hơn 20 hộ dân sinh sống. Họ đang ở trong dãy nhà xập xệ, xuống cấp.

Ông Nguyễn Thế Vinh (82 tuổi, ngụ phường Bình An, quận 2) cho rằng gia đình mình không đồng ý di dời từ nhiều năm qua vì nhà nằm ngoài quy hoạch Khu đô thị mới Thủ Thiêm của UBND TP Hồ Chí Minh.

"Gia đình tôi đề nghị chính quyền cho xem bản đồ 1/5.000 có dấu mộc đỏ để chứng minh tính pháp lý nhưng không được đáp ứng. Gia đình tôi không phải chống đối hay chây ì để kiếm thêm tiền đền bù, nhưng trong chuyện này mọi việc phải rõ ràng, minh bạch", ông Vinh nhấn mạnh.

Theo ông Vinh, căn nhà gia đình ông rộng 35m2, mua từ năm 2000 với giá 100 triệu đồng hoàn toàn hợp pháp, có sổ đỏ. Nhưng đến năm 2014, chính quyền chỉ đền bù với giá 84 triệu đồng và yêu cầu gia đình ông phải di dời, nhưng lại không cho xem bản đồ quy hoạch. Quá bức xúc, ông Vinh đã mang đơn đi khiếu nại từ Thành phố đến Trung ương.

"Căn nhà đó gia đình tôi đã mua mấy chục năm nhưng khi muốn giải tỏa thì chỉ đền bù số tiền ít ỏi như vậy. Với số tiền đó, gia đình tôi chắc chắn sẽ không thể mua được gì, mà như thế chúng tôi sẽ sống ra sao. Hơn 10 năm qua, gia đình tôi chạy vạy khắp nơi, làm đơn kêu cứu, khiếu nại nhưng vẫn chưa được giải quyết. Cả gia đình luôn sống trong trạng thái thấp thỏm, lo sợ không biết căn nhà sẽ bị tháo dỡ khi nào. Khổ nhất là không biết nhà sẽ đổ sập lúc nào vì chính quyền không cho sửa chữa", ông Vinh buồn bã chia sẻ.

Trước thực tế quá nhếch nhác như vậy nên ông Vinh và gia đình mình khẳng định rằng sẽ nỗ lực chứng minh nhà mình nằm ngoài dự án khu đô thị mới Thủ Thiêm.

Cùng mong muốn như ông Vinh, bà Lê Thị Sáu (52 tuổi) cũng cho rằng, nhà đất gia đình mình nằm ngoài khu quy hoạch nhưng không hiểu sao chính quyền vẫn bắt phải di dời. Theo bà Sáu, căn cứ vào Quyết định số 367 năm 1996 của Thủ tướng Chính phủ thì khu phố 1, phường Bình An; khu phố 5 và 6 phường An Khánh, khu phố 1 và 2 phường Bình Khánh không nằm trong quy hoạch Khu đô thị mới Thủ Thiêm. Tuy nhiên, sau đó (năm 1998), TP Hồ Chí Minh duyệt Quyết định 13585 về quy hoạch chi tiết 1/2.000, thì đất của bà và các hộ dân ở đây được thông báo nằm trong quy hoạch.

"Tôi thấy Quyết định 13585 là không đúng, tôi và 7-8 hộ ở đây đã nhiều lần lên Sở Quy hoạch Kiến trúc TP Hồ Chí Minh tìm hiểu và xin xem tấm bản đồ tỷ lệ 1/5.000 hoặc để photo nhưng họ từ chối cung cấp", bà Sáu cho hay. Theo bà Sáu, căn nhà gia đình bà có diện tích 70m2, được mua vào năm 1993 với giá 20 cây vàng. Nhưng năm 2000, chính quyền đòi thu hồi và đền bù với giá gần 1 tỷ.

Tai sao khúc mắc kéo dài?

Tương tự, hàng chục hộ khác trên đường Trần Não thuộc phường Bình Khánh cũng cho rằng nhà đất của mình không nằm trong phần quy hoạch nhưng đã bị chính quyền cưỡng chế, tháo dỡ nhà cửa. Điều đáng nói là đối lập với những khu nhà ở tạm bợ, dột nát của một số người dân chưa đồng ý với việc đền bù giải tỏa, là Khu đô thị mới Thủ Thiêm dần hình thành với những đại dự án tỷ đô của các đại gia bất động sản.

Có thể nói, dù vì lý do gì đi nữa thì chính việc "thất lạc" bản đồ quy hoạch 1/5.000 kèm Quyết định 367 năm 1996 của Thủ tướng Chính phủ là một trong nhiều nguyên nhân mà suốt nhiều năm qua những vụ khiếu nại, khiếu kiện của người dân có nhà đất bị thu hồi vẫn chưa được giải quyết dứt điểm.

 
Một trong những tờ bản đồ trong bộ bản đồ gốc tỷ lệ 1/5000 ông Võ Viết Thanh lưu giữ.

Bởi theo người dân, Quyết định 367 của Thủ tướng và bản đồ này là cơ sở pháp lý cao nhất, thể hiện phần nhà đất của họ nằm ngoài quy hoạch Khu đô thị mới Thủ Thiêm, do vậy việc chính quyền TP Hồ Chí Minh thu hồi đất của họ là không có cơ sở pháp lý.

Thực tế, để đầu tư xây dựng "siêu dự án" này, Thành phố đã mất nhiều năm giải tỏa trắng gần như toàn bộ bán đảo Thủ Thiêm, trong đó toàn bộ diện tích đất thuộc Khu đô thị mới Thủ Thiêm đã được giải phóng mặt bằng trên dưới 99% diện tích, với khoảng 15.000 hộ dân đã di dời. Thành phố cũng đã huy động gần 30.000 tỷ đồng để chi trả bồi thường, tái định cư. Và việc khiếu nại của người dân khu vực này cũng kéo dài nhiều năm nay, mấu chốt nằm ở vấn đề xác định ranh quy hoạch.

Trong động thái mới, chiều 8-5, ông Lê Thanh Liêm, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hồ Chí Minh đã đến nhà ông Võ Viết Thanh, nguyên Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh để mượn bộ bản đồ quy hoạch Khu đô thị mới Thủ Thiêm 1/5000 mà ông Thanh đã trực tiếp trình Thủ tướng và Bộ Chính trị phê duyệt từ năm 1996.

Trước đó hai ngày, phát biểu trên báo chí, ông Võ Viết Thanh cho biết mình hiện đang giữ bộ bản đồ gốc tỷ lệ 1/5.000 trong tập hồ sơ "Đồ án quy hoạch phát triển Khu trung tâm thành phố mới Thủ Thiêm TP Hồ Chí Minh - tháng 5-1995" mà dư luận hết sức quan tâm. Theo ông Thanh, lúc trước khi trình bày với Thủ tướng, ông sử dụng tới 13 bản đồ liên quan hiện trạng Thủ Thiêm. Sau khi chấp thuận với trình bày của UBND TP Hồ Chí Minh, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định 367 chứ không có chuyện vẽ thêm một bản đồ hay ký vào bản đồ gốc nào gửi cho UBND TP Hồ Chí Minh.

Đặc biệt, chiều 9-5, tổ Đại biểu Quốc hội TP Hồ Chí Minh gồm ông Phan Nguyễn Như Khuê - Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội TP Hồ Chí Minh, bà Nguyễn Thị Quyết Tâm - Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Hồ Chí Minh… đã tiếp xúc cử tri quận 2 để ghi nhận những vấn đề khúc mắc ở Khu đô thị mới Thủ Thiêm.

Tại cuộc tiếp xúc, nhiều người dân đã bày tỏ sự bức xúc việc giải tỏa đền bù lâu nay. Trao đổi với báo chí, ông Phan Nguyễn Như Khuê chia sẻ, sau khi có những thông tin về vấn đề quy hoạch Thủ Thiêm, có ba vấn đề cần được tập trung làm rõ cho cử tri. Thứ nhất là vấn đề tranh cãi việc một số hộ dân khiếu nại về vấn đề có hay không việc họ nằm ngoài hay trong lằn ranh quy hoạch. 

Vấn đề thứ hai là chính sách tái định cư cho người dân như thế nào để đảm bảo cho cuộc sống của người dân được an cư và đảm bảo tốt. Vấn đề thứ ba là tại lần tiếp xúc này những vấn đề khiếu nại, kiến nghị lâu nay cần được các cấp chính quyền giải quyết triệt để tạo một cầu nối gắn kết giữa chính quyền và các cử tri, giải tỏa các căng thẳng từ đó tạo điều kiện cho Thủ Thiêm phát triển.

Ánh Xuân

Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) Trần Hồng Minh vừa công điện gửi Cục Đường cao tốc Việt Nam, Cục Đường bộ Việt Nam, các ban quản lý dự án, nhà đầu tư về việc đẩy nhanh tiến độ thực hiện 8 dự án đầu tư kinh doanh công trình trạm dừng nghỉ trên tuyến cao tốc Bắc-Nam phía Đông.

Quyết tâm duy trì mô hình "Ngã tư an toàn giao thông" hiệu quả, thay đổi bộ mặt giao thông Thủ đô, lực lượng CSGT xử lý nghiêm tất cả những tài xế xe máy và ô tô có thói quen đứng đè vạch dừng hoặc đè vạch sang đường của người đi bộ, khi bị xử lý lại đổ lỗi do đường đông và đi vội.

46,15% cơ quan, doanh nghiệp bị tấn công mạng trong năm 2024; Số vụ tấn công mạng ước tính lên tới hơn 659.000 vụ; Việt Nam thiếu hụt nghiêm trọng nhân lực chuyên trách về an ninh mạng; Tấn công có chủ đích, tấn công gián điệp và tấn công mã hoá dữ liệu là những hình thức tấn công phổ biến nhất; Tỷ lệ sử dụng sản phẩm, dịch vụ “Make in Vietnam” còn rất khiêm tốn, chỉ 24,77%; Tình trạng lộ lọt dữ liệu cá nhân đáng báo động nhưng công tác đảm bảo an ninh còn nhiều lúng túng.

Dự án xây dựng, mở rộng Quốc lộ 50 (QL50) đoạn qua địa bàn huyện Bình Chánh, TP Hồ Chí Minh với chiều dài hơn 6,9km, tổng mức đầu tư gần 1.500 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách Trung ương và TP Hồ Chí Minh với mục tiêu giảm ùn tắc giao thông nghiêm trọng trên tuyến nối từ TP Hồ Chí Minh đi Long An, Tiền Giang dù đã được HĐND thành phố thông qua chủ trương đầu tư từ tháng 6/2021, nhưng đến nay nhiều gói thầu xây lắp chính mới đạt tỷ lệ rất thấp…

Sáng mai (24/12), TAND TP Hà Nội sẽ mở phiên tòa hình sự sơ thẩm xét xử 17 bị cáo trong vụ án chuyến bay giải cứu (giai đoạn 2) về các tội: “Đưa hối lộ”, “Nhận hối lộ”, “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ” và “Che giấu tội phạm”.

Ngày 23/12, Phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh Quảng Ngãi cho biết, liên quan vụ án "Đưa hối lộ" và "Nhận hối lộ" xảy ra tại tại Ban Quản lý Khu Kinh tế Dung Quất và các KCN tỉnh Quảng Ngãi đã khởi tố thêm tội “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản” đối với một số đối tượng.

Ngày 23/12, Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cho biết đã nắm thông tin phản ánh của người thân một nữ bệnh nhân trẻ trên mạng xã hội Facebook về hành vi thiếu chuẩn mực của bác sĩ nam khi siêu âm tuyến giáp, tim và bụng. Sự việc xảy ra tại Phòng khám Đa khoa thuộc Công ty cổ phần Đầu tư Tư vấn dịch vụ y tế Y Đạo (địa chỉ 46-48 Ngô Quyền, phường 5, quận 10).

Có thể khẳng định rằng, với Đề án 06 và ứng dụng VNeID do Bộ Công an chủ công xây dựng đã được phát triển mạnh mẽ, trở nên quen thuộc, thiết yếu trong công cuộc chuyển đổi số của người dân Việt Nam nói chung và Thủ đô Hà Nội nói riêng. Năm 2024, thành phố đã triển khai ứng dụng hiệu quả VNeID trong chuyển đổi số, góp phần phát triển nhanh, bền vững kinh tế - xã hội của Thủ đô.

Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam 2024 (Vietnam Defence Expo 2024) là một sự kiện quy mô lớn, thu hút sự quan tâm mạnh mẽ từ giới chuyên gia và truyền thông quốc tế. Đây không chỉ là cơ hội để Việt Nam khẳng định vị thế trong hợp tác quốc phòng toàn cầu mà còn là dịp để giới thiệu các thành tựu quốc phòng cũng như thúc đẩy hợp tác quốc tế.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文