Nhọc nhằn nghề luyện Cảnh khuyển

08:40 12/08/2018
Coi những chú chó như con, thậm chí chăm sóc, nâng niu từ lúc sinh đến lúc lớn còn hơn cả con đẻ của mình. Chó ốm phải túc trực 24/24h giờ để theo dõi, thuốc thang. Chế độ ăn uống, luyện tập phải chính xác, cẩn thận từng ly từng tí mới có thể cho ra đời những chú cảnh khuyển thông minh, hữu ích cho việc phá án hay cứu hộ cứu nạn. 


Đó chỉ là một trong số ít những công việc vất vả của cán bộ chiến sĩ ở Cục Quản lý, huấn luyện và sử dụng động vật nghiệp vụ, Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động, Bộ Công an.

Cánh anh em cán bộ chiến sĩ Phòng Chăn nuôi thú y, Cục Quản lý, huấn luyện và sử dụng động vật nghiệp vụ, Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động, Bộ Công an vẫn hay tếu táo trêu đùa nhau rằng, mùi vị đặc trưng dễ nhận ra nhất của mình là… mùi chó. 

Chăm sóc, chải lông cho chó trước khi bước vào huấn luyện.

Quanh năm, ngày tháng chỉ gắn bó với công việc chăm nuôi, huấn luyện chó nên dù có tắm rửa sạch sẽ, sau giờ làm việc trở về với gia đình, các anh vẫn mang mùi vị đặc trưng của công việc. Dẫn chúng tôi tham quan một vòng khu chăn nuôi của đơn vị, Thiếu tá Nguyễn Ngọc Hưng, Trưởng phòng Chăn nuôi thú y cho biết: "Công việc của anh em cán bộ chiến sĩ trong phòng mình có lẽ là vất vả nhất. 

Đúng là những công việc khó gọi ra thành tên. Ai cũng nghĩ rằng nuôi chó đơn giản, chỉ cần cho ăn uống, tiêm phòng chữa bệnh đầy đủ. Nhưng đó là với chó nhà. Còn với chó nghiệp vụ thì việc nuôi và huấn luyện cầu kì và công phu lắm. Để đào tạo được một chú cảnh khuyển ra lò và nhập cuộc phá án được thì mất khá nhiều thời gian từ lúc chọn giống, sinh sản, chăm nuôi từ lúc nhỏ đến lúc lớn và đưa vào luyện tập. 

Không phải chú chó nào khi trưởng thành cũng có thể đưa vào huấn luyện mà phải tạo được tố chất ngay từ bé". Đã có hơn chục năm gắn bó với công việc đặc biệt này, bản thân anh xuất thân là một bác sĩ thú y, gắn bó với những chú cảnh khuyển này như một cái duyên nên hơn ai hết, Thiếu tá Nguyễn Ngọc Hưng hiểu được từng tập tính cũng như những loại bệnh mà chó nghiệp vụ có thể mắc phải.

Chó nghiệp vụ đều là những giống chó được nhập từ nước ngoài nên khi về Việt Nam do thay đổi về thời tiết, môi trường, khí hậu, việc chăm chó, nhân giống, sinh sản khá vất vả. Có những đêm anh em phải thức cả đêm để làm "bà đỡ" cho chó. Chuồng trại lúc nào cũng phải được vệ sinh sạch sẽ. Mùa đông ấm áp, mùa hè mát mẻ, đảm bảo sự phát triển toàn diện cho những chú cảnh khuyển trong tương lai.

Với nghề huấn luyện cảnh khuyển, quan trọng nhất là bước làm quen, thực hiện công tác thuận hòa với chó. Chó có tốt đến mấy mà không thuận hòa được với huấn luyện viên thì cũng không thành công. Rồi ngay cả khâu chăm sóc cũng rất tỉ mỉ, biết đến tính nết, sở thích của từng con để giúp chúng ăn uống đầy đủ dinh dưỡng, đúng khẩu phần, tăng sức đề kháng. Tất cả phải theo một quy trình chuẩn mực. 

Mỗi cán bộ phải huấn luyện 1 con chó và trực tiếp nuôi 5- 6 con chó bố mẹ để nhân giống. Đối với công nhân viên hợp đồng thì phải nuôi 10 con chó bố mẹ. Nếu nuôi chó sinh sản thì phải nuôi 4 con chó mẹ và 20 con chó con. Một ngày cho ăn đủ bốn bữa và đúng giờ quy định. Bữa cuối phải đúng 8 rưỡi hoặc 9 giờ tối. Ăn xong phải tắm rửa, lau mồm lau miệng thật sạch cho chúng.

Nói rồi Thiếu tá Nguyễn Ngọc Hưng dẫn chúng tôi tham quan bếp ăn đặc biệt cho hàng nghìn chú chó của đơn vị. Bếp ăn rộng rãi, khang trang, sạch sẽ với những suất ăn đầy đủ chất dinh dưỡng hàng ngày như thịt bò, trứng, cơm, rau… Mỗi tháng, 1 chú chó trưởng thành có thể tiêu tốn vài triệu tiền thức ăn để đảm bảo chất dinh dưỡng, đáp ứng được nhu cầu luyện tập hàng ngày. 

Chăm sóc cho chó con làm nguồn lực cho việc huấn luyện sau này.

Đó là chưa kể việc phòng bệnh, chữa bệnh cho chó cũng rất kỳ công. Hầu hết những cán bộ chiến sĩ của Phòng Chăn nuôi thú y đều tốt nghiệp từ các trường Cảnh sát nên khi về công tác tại Phòng đều được đào tạo từ đầu nghiệp vụ khám chữa bệnh, phòng bệnh cho chó từ chính những giáo trình mà các cán bộ của Cục viết nên qua công tác thực tiễn chăn nuôi và huấn luyện chó. Từ thực tiễn rút thành lý luận, rồi thành giáo trình đưa vào giảng dạy, mỗi cán bộ, chiến sĩ Phòng Chăn nuôi thú y trở thành một bác sĩ thú y chuyên nghiệp.

Sau khi trải qua một chuỗi chọn lọc khắt khe, chó được đưa vào huấn luyện từ việc đơn giản như làm quen với dây cổ, các động tác cơ bản rồi đến các chuyên khoa như tấn công, giám biệt mùi hơi, truy tìm dấu vết…

Với những chú chó trưởng thành thì hàng ngày, huấn luyện viên phải dậy từ sáng sớm đưa chó đi dạo, tập thể dục, chải lông, tăng sự gắn bó tình cảm giữa huấn luyện viên và cảnh khuyển. Mỗi ngày, các huấn luyện viên và những chú cảnh khuyển phải dành tới 4 tiếng đồng hồ cho công tác huấn luyện. 

Đơn giản nhất là tập các động tác nghiêm, nghỉ, nằm, bò nhưng cũng rèn được cho chúng tính kỷ luật, thói quen chấp hành đúng các hiệu lệnh, rồi đến các động tác ngửi đánh hơi đồ vật, bò tiếp cận mục tiêu, tấn công và khống chế đối tượng.

Tuỳ vào thời tiết mà giờ huấn luyện dành cho các chú chó được tăng lên hoặc rút ngắn đi. Trong những ngày nắng quá gắt, thời gian huấn luyện trên thao trường cũng phải rút ngắn lại vì cảnh khuyển phải nằm thở để giải tỏa thân nhiệt. Mưa to cũng phải nghỉ. Và cũng phải tuỳ vào sức khoẻ của cảnh khuyển, huấn luyện viên mới là người quyết định có luyện tập hay không.

Các chú cảnh khuyển của Đội quản lý sử dụng chó nghiệp vụ cũng có đội ngũ bác sĩ thú y chăm sóc sức khỏe hàng ngày. Cảnh khuyển tuy được huấn luyện và chăm sóc đặc biệt nhưng cũng bị các loại bệnh thông thường như những chú chó bình thường khác. Như bệnh viêm ruột, dạ dày, giun sán, viêm phế quản, viêm phổi… đòi hỏi đội ngũ bác sĩ ở đây phải thăm khám thường xuyên.

Cứ mỗi sáng trước khi bước vào huấn luyện, các bác sĩ đi một vòng quanh chuồng nuôi nhốt để thăm nom các chú cảnh khuyển, thấy chú nào ủ dột, tiếng sủa không to, vang, hoặc có biểu hiện "trái gió trở trời" là phải điều trị ngay tại chỗ. Tất cả nhằm đảm bảo các cảnh khuyển đều phải có cân nặng từ 30 đến trên 45kg, thể lực luôn sung mãn để luôn sẵn sàng nhận nhiệm vụ. 

Nhớ lại những lần chăm chó ốm, Thiếu tá Nguyễn Ngọc Hưng cho biết, anh em phải túc trực bên chú chó của mình 24/24h. Có huấn luyện viên mắc võng ngủ ngay trong chuồng chó để canh thời gian cho chó ăn cháo, uống thuốc đúng giờ.

Chỉ cần một chút bất thường là lập tức cấp cứu, chữa trị kịp thời cho chó. Có cả một khu khám chữa bệnh và cách ly chó ốm riêng ngay trong đơn vị. Chẳng may chú chó nào già ốm, bệnh nặng không qua khỏi, các anh đều đưa vào đài hoá thân, rồi chôn cất ngay trong vườn bệnh xá của chó.

Đưa cảnh khuyển vào luyện tập hàng ngày.

Với Trung uý Hà Thu Trang, chị là cán bộ nữ duy nhất của Cục Quản lý, huấn luyện và sử dụng động vật nghiệp vụ làm nhiệm vụ huấn luyện chó nghiệp vụ. Khởi đầu cũng là một bác sĩ thú y, nên càng gắn bó với những chú chó thông minh, lanh lợi nhưng rất đỗi tình cảm, chị càng yêu mến công việc của mình. 

Dù nhà ở trung tâm Hà Nội, nhưng ngày nào chị cũng lên cơ quan ở tận Sóc Sơn từ sớm đến tận tối mịt mới trở về để làm công việc của một bác sĩ thú y và một nữ huấn luyện viên cảnh khuyển. Vì đam mê nên chị xin chuyển hẳn sang công việc huấn luyện chó nhờ có sự hiểu biết về tập tính, cũng như cách phòng, chữa bệnh cho chó. Việc bị chó cắn khi huấn luyện đã trở thành việc thường tình đối với những huấn luyện viên như chị. 

Công việc đòi hỏi chính người huấn luyện phải có sức khoẻ, sự nhanh nhẹn, dẻo dai. Với phụ nữ đó là một hạn chế, cộng thêm với sự bận rộn công việc gia đình khiến những nữ huấn luyện viên như chị gặp khó khăn hơn khi bắt nhịp. Hiện Trang đang chăm sóc và huấn luyện ba chú chó chó nghiệp vụ. 

Chị tâm sự: chính sự gắn bó suốt một thời gian dài kể từ lúc ra đời đến lúc trưởng thành, bước vào khoá huấn luyện nghiêm ngặt của các chú chó mà tình cảm giữa huấn luyện viên và những chú chó càng thêm khăng khít. Đó cũng là động lực giúp các anh, các chị vượt qua được những khó khăn trong công việc cũng như trong cuộc sống.

Ngọc Trâm

Chiều 29/4, Đoàn đại biểu của Đảng ủy Công an Trung ương, lãnh đạo Bộ Công an do Thượng tướng Trần Quốc Tỏ, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Đảng ủy Công an Trung ương, Thứ trưởng Bộ Công an, làm Trưởng đoàn đã đến dâng hoa, dâng hương tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Bảo tàng Hồ Chí Minh (Chi nhánh TP Hồ Chí Minh), tại Công viên Tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh; Nghĩa trang Liệt sĩ TP Hồ Chí Minh và dâng hoa, dâng hương, tưởng niệm Chủ tịch Tôn Đức Thắng tại Bảo tàng Tôn Đức Thắng.  

Chiều 29/4, sau khi kết thúc ngày làm việc, người dân bắt đầu rời Hà Nội về quê cũng như đi du lịch nhân kỳ nghỉ lễ 30/4 - 1/5 kéo dài 5 ngày, mật độ giao thông Thủ đô tại nhiều khu vực cũng vì thế mà "tăng nhiệt nhanh" như đường Giải Phóng, Phạm Hùng, Khuất Duy Tiến, Nguyễn Trãi, hướng ra Pháp Vân – QL1A... Lực lượng CSGT Hà Nội ứng trực 100% quân số và triển khai từ sớm trên khắp các tuyến đường, cửa ngõ Thủ đô để đảm bảo TTATGT.

Chiến sĩ trẻ Nguyễn Quốc Khánh, học viên Trường Cao đẳng Cảnh sát Nhân dân II và đồng  đội đang háo hức chờ đón giây phút vinh dự được có mặt trong khối diễu binh, diễu hành Cảnh sát gìn giữ hoà bình Liên hợp quốc tại Lễ Kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 – 30/4/2025.

Ngày 29/4, Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Nghệ An cho biết, vừa ra Quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với đối tượng Tôn Quý Hòa (SN 1982, trú tại khối Văn Trung, phường Hưng Dũng, TP Vinh) – là Huấn luyện viên trưởng Bộ môn đá cầu - về tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản.

Ngày 29/4, Viện KSND tối cao đã ban hành cáo trạng truy tố cựu Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc Hoàng Thị Thúy Lan trong vụ án liên quan đến Công ty cổ phần Tập đoàn Phúc Sơn và một số địa phương liên quan. Bị can Hoàng Thị Thúy Lan được xác định đã nhận nhận hối lộ 25 tỷ đồng và 1,3 triệu USD, tổng số tiền gần 50 tỷ đồng.

Hình ảnh CSGT diều người cựu chiến binh đến vị trí thuận lợi để xem cảnh tổng duyệt diễu binh, hay hình ảnh người phụ nữ cõng mẹ đi xem diễu binh gây xúc động mạnh trong những ngày diễn ra các hoạt động chuẩn bị Đại lễ 30/4.

Người nữ cán bộ CSGT vừa bế cháu bé vừa hét khản cổ để tìm người thân cho bé khi bé lạc mẹ giữa đám đông hàng chục ngàn người chờ xem tổng duyệt... Còn rất nhiều hình ảnh mà khoảnh khắc ấy chỉ có những người trong cuộc, những người tham gia đoàn người chờ đón các đoàn diễu binh đi qua mới có thể ghi lại được. Những bức ảnh không rõ nét, hơi nhòe nhưng chứa đầy những cảm xúc, khiến người xem bật khóc…

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.