Nhộn nhịp "chợ" văn bằng, chứng chỉ giả

08:08 04/11/2019
Với công nghệ làm giả hiện nay thì việc nhận một tấm bằng đại học cùng các loại giấy tờ chứng chỉ, chỉ mất vài ngày. Thay vì đi học, nhiều người có thể mua bằng giả như bó rau ở chợ...


Bằng gì cũng có

"Bằng cấp được làm trên phôi thật, tem xịn và được làm ra từ bàn tay chuyên nghiệp của người lâu năm trong nghề. Bằng rất đẹp, chuẩn chỉnh từ chữ ký, fonts chữ... giống mẫu của các trường bạn muốn làm. Thông tin của bạn sẽ được bảo mật cao nhất, xong việc sẽ hủy mọi thông tin nên các bạn hoàn toàn yên tâm.

Chúng tôi luôn đem đến sản phẩm chất lượng với một tấm bằng giá rẻ làm bằng phôi thật và giống y như thật...". Đó là nội dung quảng cáo trên một trang web làm bằng giả được đăng tải rộng rãi, công khai.   

Trong vai người đi mua bằng đại học, chúng tôi được H. T. nhân viên tư vấn kiêm môi giới hẹn gặp trực tiếp để trao đổi. Tại một quán cà phê nhỏ, kín đáo ở quận 3 (TP. Hồ Chí Minh), H.T. cùng một đồng nghiệp trong bộ trang phục công sở chỉn chu tiếp khách.

Quảng cáo công khai làm bằng giả trên mạng.

Sau màn giới thiệu "vai vế" cùng các mối quan hệ "kếch xù" ngoài xã hội, H.T. bắt đầu đi vào chủ đề chính về việc mua bán bằng đại học. H.T. khẳng định chắc nịch với chúng tôi rằng, có thể làm được bất cứ tấm bằng nào, từ tiến sĩ xuống tới bằng tiểu học với phôi bằng, con dấu, chữ ký giống 100%. Khách hàng phải cung cấp: Họ tên đầy đủ, ngày tháng năm sinh, nơi sinh, giới tính, tên trường muốn làm, ngành đào tạo, năm tốt nghiệp, ngày cấp bằng, xếp loại, hình thức đào tạo và cuối cùng là địa chỉ người nhận.

Tuy nhiên, H.T. cũng căn dặn chúng tôi, nếu có ý định xin vào cơ quan Nhà nước thì phải cẩn trọng vì hiện nay, các đơn vị rà soát, kiểm tra văn bằng chứng chỉ thường xuyên. H.T. tâm sự: "Ở những nơi này ai chả muốn trèo cao, leo sâu nên thường xảy ra đố kỵ, ganh đua. Mình không học mà có bằng này bằng nọ đến một ngày bị tố cáo thì hỏng hết sự nghiệp. Em nói để mọi người cân nhắc".

Theo tiết lộ của H.T. phần lớn người tìm đến cơ sở của anh ta mua bằng tốt nghiệp đại học, cao đẳng, trung cấp thường hoạt động trong lĩnh vực xây dựng, bảo hộ lao động, cơ khí, điện, dược sĩ...

Những người này có chút tay nghề nhưng không có bằng cấp. Họ mua bằng chủ yếu muốn hợp thức hóa tiền lương và bảo hiểm sau này và điều quan trọng là các công ty, xí nghiệp tư nhân không hề có "màn" rà soát hay thẩm tra văn bằng thật giả. Thế nên, nhiều người mua bằng cứ an nhiên ngồi làm tới ngày nghỉ hưu vẫn không bị phát hiện.

Một tấm bằng đại học được quảng cáo trên trang web bán bằng.

H.T. còn kể vài trường hợp mua bằng làm trong công ty xây dựng, sau đó được cất nhắc lên tới chức Phó tổng Giám đốc, quản lý hàng trăm nhân viên. Để tiến sâu hơn trên con đường công danh, người này tiếp tục mua bằng tiến sĩ. Ở lĩnh vực dược ngày nào cơ sở của H.T. cũng có hàng chục khách hàng liên hệ mua bằng.

Theo quy định của Luật Dược, người muốn mở quầy thuốc thì phải có bằng cấp chuyên môn về dược, phải tốt nghiệp từ Trung cấp Dược trở lên. Hiện nay, nhan nhản các quầy thuốc Tây mọc ra nên người bán thuốc là ai vẫn đang là một câu hỏi lớn.

Trong câu chuyện mua bán bằng cấp với H.T. chúng tôi được "nhồi nhét" rất nhiều kiến thức về cách làm bằng, lấy phôi bằng, in ấn bằng... với một quy trình khép kín và tuyệt đối bí mật. H.T. cho biết, "cái tâm" của người làm nghề này chính là sự trung thành với khách hàng.

Mọi thông tin cá nhân của khách đều là tuyệt mật, điều này có trong quy chế của cơ sở, bất cứ nhân viên nào vi phạm đều phải bị xử lý nghiêm và khách hàng có quyền khởi kiện ra tòa. Nghe tới đây, chúng tôi nhận ra sự khoe khoang quá lố của H.T. Ai đời khởi kiện hành vi gian lận của chính mình bao giờ, vậy khác nào "lạy ông tôi ở bụi này".

Cam kết uy tín cùng đặc quyền đặc lợi của người mua bằng.

Hỏi có thể làm một tấm bằng đại học của 20 năm trước không? H.T. vỗ đùi nói, được nhưng giá hơi "chát" một chút. Làm bằng đại học có "màu thời gian" thì phải lục lại tàng thư của thời điểm đó, về mẫu bằng, phôi bằng, con dấu và chữ ký ông hiệu trưởng. Xong công đoạn đó mới tiến hành in ấn bằng một loại giấy "ố màu thời gian" thì mới giống văn bằng của 2 thập kỷ trước được.

Nếu khách hàng đồng ý thì đặt cọc trước 10 triệu trong tổng số 30 triệu của tấm bằng. Nếu là bằng mới 5 năm trở lại thì khách hàng không phải đặt cọc, khi nào nhận bằng mới nhận tiền. Có nhiều hình thức giao nhận: Trực tiếp, qua bưu điện hoặc qua dịch vụ giao hàng. Còn tiền thì có thể chuyển khoản nhưng nội dung sẽ ghi là "gửi tiền mua giấy".

Làm vậy có gặp rủi ro không? Có bị khách hàng nhận bằng xong quỵt tiền? Chúng tôi hỏi. H.T. cười khanh khách, chụm năm đầu ngón tay lại nói rằng: "Khách hàng trong tầm tay, không bao giờ lo mất tiền. Trước khi đặt hàng, người ta phải cung cấp địa chỉ, số điện thoại cho tụi em.

Tụi em có cả một bộ phận để kiểm tra thông tin của khách hàng, thường thì người mua bằng là thật, nhu cầu thật, rất ít trường hợp ảo. Họ còn đang sợ tụi em tiết lộ thông tin thì làm sao dám quỵt tiền".

Trong câu chuyện của H.T. chúng tôi biết nhiều "thâm cung bí sử" phía sau tấm bằng giả. Khách hàng mua bằng, là thật và phần lớn dùng cho nhu cầu việc làm tại các tập đoàn, tổng công ty, nhà máy ở thành phố lớn.

Một phần còn lại là cán bộ, mua bằng để có một vị trí việc làm ổn định trong cơ quan nhà nước rồi tiến thân. Số này không trực tiếp đi mua bằng vì sợ bại lộ mà thông qua một người khác.

Cuối buổi gặp gỡ, mức giá của tấm bằng đại học chúng tôi đặt mua, T.H. chốt hạ là 15 triệu, 10 ngày sau sẽ giao bằng và nhận tiền, đảm bảo bằng "chính quy" đàng hoàng. Trước khi chia tay, H.T. không quên nhờ chúng tôi giới thiệu mai mối khách hàng cho cơ sở, nếu số lượng nhiều sẽ được chi "hoa hồng". H.T. nhắc lại các mức giá để chúng tôi chia sẻ cho mọi người. Bằng tiến sĩ 30 triệu, thạc sĩ 20 triệu, đại học 15 triệu... thấp nhất là bằng cấp 2 có giá 5 triệu.

Nhộn nhịp, công khai

Ngoài các loại bằng cấp, thì "chợ văn bằng" còn nhộn nhịp ở loại chứng chỉ. Chúng tôi liên lạc theo số điện thoại gửi tin nhắn rao bán văn bằng, chứng chỉ thì nhận được lời mời gọi vô cùng hấp dẫn. Nhân viên tư vấn xưng là "cô" và gọi chúng tôi bằng em. Họ xưng hô như vậy cho ra dáng một trung tâm giáo dục và để "chải chuốt" cho khách hàng rằng, đây là nơi cung cấp chứng chỉ "trí thức" cho con người.

Đi vào vấn đề, chúng tôi muốn mua chứng chỉ tin học B và chứng chỉ ngoại ngữ B1. Lập tức, "cô" chào hàng rất ngọt: "Lẽ ra các em phải học rồi thi trầy trật ra mới có được hai tấm chứng chỉ đó, nhưng bên "cô" sẽ tạo điều kiện làm nhanh". Chúng tôi được hướng dẫn khai họ tên, ngày tháng năm sinh vào hồ sơ gửi qua email.

Bảng giá chào hàng.

Sau khi trung tâm thẩm định thông tin xong sẽ liên lạc và khách hàng có hai hình thức thanh toán, chuyển khoản hoặc trực tiếp. Giá của chứng chỉ tin học loại B là 3 triệu, còn Anh văn B1 là 5 triệu. Không có gì phải giấu giếm, người bán sẵn sàng giới thiệu cho chúng tôi vào trang web của trung tâm để tìm hiểu và biết giá niêm yết từng loại văn bằng, chứng chỉ.  

Chỉ cần lướt một vòng, hỏi han vài mối kinh doanh dịch vụ bằng cấp, chúng tôi thấy dịch vụ mua bán này diễn ra ngang nhiên và công khai chẳng khác nào đi chợ mua mớ rau con cá. 

Vào tháng 5-2019, Công an quận 10 (TP Hồ Chí Minh) triệt xóa đường giây làm văn bằng, chứng chỉ giả quy mô lớn do Nguyễn Văn Duy (48 tuổi, ngụ Bình Thạnh) cầm đầu. Duy khai, từ cuối tháng 4-2019, anh ta cùng nhóm của mình đã thuê một văn phòng tại quận Bình Thạnh làm nơi sản xuất bằng cấp, chứng chỉ giả.

Duy thiết kế các mẫu phôi bằng giống như các trường đại học, cao đẳng và giả con dấu, giả chữ ký của các hiệu trưởng mà khách yêu cầu. Trong khoảng thời gian hơn một tháng, trung bình mỗi ngày Duy nhận làm từ 8 - 10 bằng cấp, chứng chỉ giả.

Mặc dù công an đã triệt phá nhiều vụ làm bằng giả nhưng vì lợi nhuận quá cao và nhu cầu quá lớn nên các đối tượng vẫn tiếp tục thực hiện hành vi, bất chấp luật pháp. Làm bằng giả, sử dụng bằng giả đã diễn ra công khai, thách thức chính quyền từ nhiều năm nay tại các thành phố lớn trong cả nước. Khi mà xã hội vẫn đang chạy theo tâm lý bằng cấp thì sẽ có những người dùng đủ mọi chiêu trò, thủ đoạn để đạt được "trình độ cao" chỉ thông qua tấm bằng giả.

Ngọc Hoa

Hỏi: Cháu tôi bị bạn bè lôi kéo, tụ tập tham gia đua xe máy và bị Công an quận tạm giữ cả xe và người để xử lý theo quy định pháp luật. Xin hỏi hành vi của cháu tôi có bị truy cứu trách nhiệm hình sự không? (Trần Văn Hải, TP Hồ Chí Minh)

Sau nhiều ngày đưa ra xét xử sơ thẩm, ngày 21/11, TAND tỉnh Thừa Thiên Huế tuyên án đối với 2 bị cáo Nguyễn Vĩnh Linh (SN 1961) và Nguyễn Như Quỳnh (SN 1975, đều trú tại TP Huế) trong vụ án "Tham ô tài sản" và "Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng" xảy ra ở Trung tâm Công nghệ thông tin Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) thuộc Sở TN&MT tỉnh Thừa Thiên Huế.

Trong bối cảnh Mỹ ngày càng thờ ơ với khu vực Mỹ Latinh, Trung Quốc đã nhanh chóng tận dụng khoảng trống này để mở rộng ảnh hưởng. Với chiến lược đầu tư mạnh mẽ và cam kết lâu dài, Bắc Kinh đang tạo ra một sự thay đổi đáng kể tại Mỹ Latinh, khiến Washington phải đối mặt với thách thức lớn về địa chính trị ngay tại “sân sau” của mình.

Ngày 22/11, Đoàn kiểm tra số 4 của Bộ Công an do Trung tướng Nguyễn Văn Long, Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy Công an Trung ương, Thứ trưởng Bộ Công an, làm trưởng đoàn, kiểm tra các mặt công tác Công an năm 2024 tại Công an tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. Tham gia đoàn công tác có đại diện lãnh đạo Văn phòng Bộ Công an và các Cục nghiệp vụ Bộ Công an…

Sau nhiều năm chờ đợi, tuyến Metro đầu tiên của TP Hồ Chí Minh với tên gọi Bến Thành - Suối Tiên (tuyến Metro số 1) cũng đã bước vào giai đoạn gấp rút hoàn thành những công đoạn còn lại để có thể chính thức đưa vào khai thác ngay trong năm nay. Nhưng thời điểm này gánh nặng chi phí hoạt động cũng đã bắt đầu xuất hiện...

Sau một thời gian theo dõi, Công an huyện Đức Thọ, Hà Tĩnh đã phối hợp với Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm Công nghệ cao Công an Hà Tĩnh, Công Thành phố Hà Nội, Quãng Ngãi, Gia Lai phá thành công chuyên án buôn bán, vận chuyển hàng cấm (pháo) với quy mô lớn, bắt giữ 6 đối tượng, thu giữ trên 2,2 tấn pháo các loại cùng nhiều tang vật liên quan đến vụ án.

Ý thức được việc làm của mình là sai trái, qua sự động viên giải thích của Công an, vợ chồng người con trai chiếm nhà của bà cụ Phạm Thị Trơn (phường Hòa Quý (quận Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng ) đã viết giấy trả nhà. Việc giao trả diễn ra trên tinh thần tự nguyện, dưới sự chứng kiến của đại diện các cơ quan bảo vệ pháp luật cùng chính quyền địa phương.

TAND TP Hồ Chí Minh đang tiếp tục xét xử vụ án xảy ra tại Công ty TNHH Thương mại Vận tải và Du lịch Xuyên Việt Oil (gọi tắt Xuyên Việt Oil). Đáng lưu ý, trong vụ án này, cựu Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre Lê Đức Thọ bị đưa ra xét xử 2 tội danh: “Nhận hối lộ” và “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi” với số tiền "khủng" khiến dư luận xôn xao. Từ những "món quà" đó, cựu Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre sở hữu nhiều xe ô tô, đồng hồ đắt tiền và nhiều tài sản có giá trị khác.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文