Nhức nhối hàng loạt vụ phá rừng nghiêm trọng tại tỉnh Quảng Nam
Thậm chí, “lâm tặc” còn ngang nhiên chặt phá rừng của Khu Bảo tồn thiên nhiên Sông Thanh trong một thời gian dài…
Từ việc "lâm tặc" ngang nhiên đốn hạ rừng
Mặc dù, Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ đạo đóng cửa rừng, không khai thác gỗ tự nhiên đối với các địa phương trên cả nước. Thế nhưng, do sự quản lý lỏng lẻo, thiếu trách nhiệm, thậm chí là có sự tiếp tay của một số cán bộ thoái hóa, biến chất vì đồng tiền nên đã dẫn đến hậu quả “lâm tặc” vẫn ngang nhiên đốn hạ rừng, tàn phá rừng không thương tiếc.
Nhiều cây gỗ lớn bị “lâm tặc” đốn hạ. |
Tại tỉnh Quảng Nam, từ năm 2017 đến nay đã xảy ra rất nhiều vụ phá rừng quy mô lớn. Chỉ tính riêng trong gần một tháng trở lại đây đã xảy ra 4 vụ phá rừng gây phẫn nộ dư luận. Cụ thể, giữa tháng 3-2018, hàng chục cây rừng nguyên sinh bị chặt hạ nằm ngổn ngang giữa vùng lõi rừng phòng hộ Sông Kôn, thuộc khoảnh 8, 9, 10, 11 tiểu khu 41 (xã Tà Lu); khoảnh 1, 3 tiểu khu 140 (xã Zà Hung, huyện Đông Giang), nằm trong địa bàn quản lý của Ban Quản lý (BQL) rừng phòng hộ Sông Kôn, thuộc Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Nam.
Qua kiểm tra, cơ quan chức năng kiểm đếm tại hiện trường có 33 gốc cây bị chặt hạ, trong đó có 28 gốc thuộc địa bàn xã Tà Lu, 5 gốc thuộc địa bàn xã Zà Hung và 12 gốc thuộc UBND xã Tà Lu quản lý, 21 gốc thuộc lâm phận BQL rừng phòng hộ Sông Kôn.
Ước tính khối lượng gỗ thiệt hại khoảng 45,6m3, gỗ từ nhóm III đến nhóm VII. Một số gỗ đã vận chuyển khỏi hiện trường, còn lại hiện trường 5 lóng gỗ tròn và 1 cây gỗ chưa cưa xẻ (khối lượng 10,852m3), 8 phách gỗ xẻ (khối lượng 2,299m3)…
Quá trình điều tra, cơ quan CSĐT Công an huyện Đông Giang đã ra quyết định khởi tố vụ án "Hủy hoại rừng" xảy ra tại khu vực rừng phòng hộ trên. Bước đầu xác định có 5 đối tượng liên quan đến vụ phá rừng, gồm: Vũ Văn Trứng và Vũ Văn Cưng (trú xã Jơ Ngây, huyện Đông Giang), Nguyễn Hồng, Bhnướch Hồng và A Ting Bnóc (cùng ngụ xã A Ting, huyện Đông Giang).
Trong khi vụ phá rừng trên đang gây xôn xao dư luận thì ngay sau đó, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Nam cho biết trong quá trình kiểm tra, BQL và Hạt Kiểm lâm rừng phòng hộ Nam Sông Bung phát hiện một vụ phá rừng khác xảy ra tại khoảnh 1 và 3, thuộc tiểu khu 335 (địa phận thôn Cần Đôn, xã Chà Vàl, huyện Nam Giang).
Dấu kéo gỗ in hằn trên đường đi. |
Tại khu vực này có 34 cây gỗ rừng tự nhiên bị chặt hạ (trong đó có 33 cây lim xanh và 1 cây xoan đào). Ước tính tổng khối lượng gỗ thiệt hại hơn 235m3; trong đó gỗ lim xanh hơn 223m3 và gỗ xoan đào gần 12m3. Khối lượng gỗ còn tại hiện trường gần 126m3 gỗ tròn và gần 4m3 gỗ xẻ.
Ngoài hai vụ phá rừng này, một vụ “xẻ thịt” rừng tự nhiên tại lâm phận suối Khe Tre (xã Đại Hưng, huyện Đại Lộc), vùng tiếp giáp với xã Kà Dăng (huyện Đông Giang) cũng được phát hiện. Các đối tượng ngang nhiên chở gỗ bằng xe máy ra khỏi rừng giữa ban ngày nhưng không có lực lượng chức năng nào kiểm tra, ngăn chặn.
Rừng liên tục “đổ máu”, cơ quan chức năng đã tiến hành điều tra, khởi tố các vụ án và nhiều đối tượng liên quan đến phá rừng. Tuy nhiên, mới đây qua điều tra thực tế chúng tôi lại phát hiện thêm một vụ phá rừng đặc dụng Khu Bảo tồn thiên nhiên (BTTN) Sông Thanh với quy mô hàng trăm cây rừng quý hiếm như lim, sến, gõ... bị đốn hạ không thương tiếc.
Tại khu vực rừng đặc dụng Khu BTTN Sông Thanh còn phát hiện có hoạt động săn, bắn thú rừng trái phép. Trong đó có một cá thể voọc chân xám bị bắn chết. Hiện chính quyền Quảng Nam đang vào cuộc điều tra, hoàn tất hồ sơ khởi tố vụ án hình sự trên…
Đến buông lỏng quản lý, thiếu trách nhiệm
Hầu như vụ phá rừng nào khi được phản ánh, đại diện lãnh đạo chính quyền và các BQL đều trả lời rằng, “trong thời gian qua kiểm tra rất quyết liệt” và “bất ngờ” trước những vụ “xẻ thịt” rừng (?!). Trong khi đó, các vụ phá rừng khi được phát hiện hầu như đã xảy ra trong rất nhiều năm, với quy mô lớn? Tại sao như vậy? Lực lượng Kiểm lâm địa bàn ở đâu?...
“Lâm tặc” tổ chức đốn hạ, cưa xẻ gỗ rừng ngay trong Khu Bảo tồn thiên nhiên Sông Thanh. |
Sau khi phát hiện rừng đặc dụng Khu BTTN Sông Thanh bị tàn phá nghiêm trọng, chiều 7-4, chúng tôi trao đổi với ông Đinh Văn Hồng, Hạt trưởng, Giám đốc BQL Khu BTTN Sông Thanh thì được trả lời, ông cũng chỉ vừa mới nhận được thông tin và khá bất ngờ(!).
Ông Hồng còn giải thích rằng, trong thời gian vừa qua, ông đã tổ chức rất nhiều đợt kiểm tra, truy quét trên địa bàn, BQL có một tổ chốt chặn tại Cà Dy, Nam Giang, và thường xuyên làm rất quyết liệt, có báo cáo rất cụ thể, kể cả động vật rừng, kể cả gỗ…
Vậy thì trong những lần kiểm tra đó, BQL Khu BTTN Sông Thanh đã làm gì, ở đâu mà không phát hiện được “lâm tặc” tàn phá rừng? Trong khi khu vực rừng mà chúng tôi tiếp cận vào ngày 5-4, chẳng khác gì một “đại công trường” ngổn ngang những phách gỗ, rừng bị tàn sát nghiêm trọng trong một thời gian rất dài.
Những phách gỗ mới có, cũ có, cả những lán trại được dựng lên để phục vụ hàng tháng trời cho những đối tượng “lâm tặc” bám trụ để “hạ sát” rừng. Cũng theo ông Hồng, hiện nay đơn vị chỉ của ông mới có 19/150 biên chế. Trong khi Khu BTTN Sông Thanh có 75.000ha, “để tiếp cận hết không phải một sớm một chiều mà đi hết được (?!)...
Trước đó, trong vụ rừng lim thuộc địa phận thôn Cần Đôn, xã Chà Vàl, huyện Nam Giang được phát hiện, trả lời báo giới, ông Trần Lanh - Hạt trưởng kiểm Giám đốc BQL rừng phòng hộ Nam Sông Bung, cũng cho rằng, lâu nay lãnh đạo Ban đã chỉ đạo nghiêm túc, phân công trách nhiệm với Kiểm lâm địa bàn rất rõ ràng trong việc giữ rừng phòng hộ trên lâm phận đã được giao quản lý.
Từ trước Tết Nguyên đán, lực lượng Kiểm lâm cũng đã tổ chức đi kiểm tra truy quét nhiều đợt nhưng không lường trước được tình hình. Chỉ đến sau Tết Nguyên đán Mậu Tuất, truy quét với quy mô lớn thì mới phát hiện vụ việc(!?).
Câu hỏi được đặt ra, vậy từ trước Tết Nguyên đán Mậu Tuất, lực lượng Kiểm lâm kiểm tra truy quét nhiều đợt nhưng tại sao không phát hiện được mà đến sau Tết, truy quét với quy mô lớn thì mới phát hiện vụ việc? Trong khi tại cánh rừng này, chúng tôi đã đi thực tế tiếp cận hiện trường đã phát hiện rất nhiều gốc gỗ lim bị “lâm tặc” tàn phá từ nhiều năm trước đến nay. Vậy có phải cơ quan chức năng đang buông lỏng quản lý mới để xảy ra tình trạng trên.
Trao đổi về vấn đề trên, ông Lê Trí Thanh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam thừa nhận, việc chính quyền địa phương và cơ quan liên quan buông lỏng công tác quản lý, bảo vệ rừng là hoàn toàn có cơ sở. Bởi ngay trên địa bàn, ngay trên lâm phận quản lý mà để xảy ra phá rừng, không phải một lần mà nhiều lần. Còn việc có tiêu cực hay không thì các cơ quan chức năng sẽ điều tra làm rõ.
Con voọc chà vá chân nâu bị sát hại trong Khu Bảo tồn thiên nhiên Sông Thanh. |
Còn về việc các đơn vị quản lý rừng cho rằng, vì lực lượng mỏng nên gặp khó khăn trong công tác quản lý, ông Thanh khẳng định, lực lượng mỏng là có thật. So với tiêu chuẩn quy định, một số địa phương lân cận thì lực lượng quản lý, bảo vệ rừng trong biên chế hiện nay của tỉnh Quảng Nam rất mỏng. Nhưng không phải vì mỏng mà để xảy ra phá rừng.
“Lực lượng mỏng là một việc, còn trách nhiệm giao cho anh thì anh phải hoàn thành. Anh phải sử dụng quan hệ trong nhân dân, sử dụng thông tin phát hiện từ nhân dân. Sử dụng về việc quản lý, phối hợp với chính quyền địa phương các cấp. Mỏng thì có mỏng thật nhưng không đổ cho việc mỏng đó mà để xảy ra phá rừng. Anh phải sử dụng nhiều biện pháp khác. Không mỏng mà nói mỏng là không đúng”, ông Thanh bức xúc.
Ông Thanh thông tin thêm, hiện nay các cơ quan chức năng của tỉnh Quảng Nam đều đang khẩn trương vào cuộc điều tra. Kể cả bên Đảng, cũng như cơ quan Công an đều vào cuộc, ngành Kiểm lâm cũng phải vào cuộc. Không có bất cứ một việc dung túng, buông nhẹ cho tập thể, hoặc cá nhân nào vi phạm pháp luật, có hành vi tiếp tay cho “lâm tặc” phá rừng...