Nhức nhối vấn nạn tái nghiện ma túy
- “Ra khỏi trung tâm cai nghiện là tái nghiện”
- Cai không khó nhưng tái nghiện… rất dễ (bài 3)
- Hơn 20 năm qua, tình trạng tái nghiện ma túy không giảm
"Lá chắn" nào cho người nghiện?
Đầu năm 2005, thời điểm ma túy bùng phát mạnh tại các khu dân cư, nhận thấy chỉ việc tuần, bắt không thôi thì vẫn chưa hiệu quả, nhiều phường trên địa bàn TP Hồ Chí Minh đã đề xuất thành lập Câu lạc bộ (CLB) Lá Chắn. Đây là mô hình tập hợp tất cả các phụ huynh trong phường có chung nỗi đau người thân vướng vào tệ nạn ma túy, với mong muốn sẽ giúp đỡ các gia đình nhận biết, không kỳ thị, bảo vệ con cái trong cám dỗ của "cái chết trắng".
Công viên Hòa Bình, nơi đối tượng Đẹp chọn “nương náu” khi tái nghiện. |
CLB Lá Chắn ban đầu chỉ có vài người tham gia. Một phần vì họ bận lo toan cuộc sống, phần nữa vì những buổi sinh hoạt CLB, là cơ hội để phụ huynh bày tỏ tâm tư nguyện vọng, báo cáo về tình hình người thân nghiện ma túy. Nhà nào có con nghiện trở lại, nhà nào đã "sạch" ma túy rồi...
Bà Lê Kim Chung, Chủ nhiệm CLB Lá Chắn phường 3 (quận Bình Thạnh) cho biết, đây là hoạt động rất có ý nghĩa nhưng nhiều người đã không quan tâm, họ đến nghe rồi về và đâu vẫn vào đấy. Họ gần như bỏ mặc con cái, người thân của mình. Đây chính là một phần trong nguyên nhân dẫn đến tình trạng tái nghiện trở lại.
Bà Chung kể, trong phường có cặp đôi Đặng Thị Tuyết Nga và Trương Anh Tài đều nghiện ma túy và cùng đi cai nghiện tại trại Phú Văn (Bình Phước). Trong quá trình cai nghiện, hai người nảy sinh tình cảm, khi được trở về nhà thì muốn làm đám cưới để được sống chung. Tuy nhiên, hai bên gia đình đã ngăn cản. Cả hai thấy buồn bã, bất mãn đã quay trở lại "đập đá".
Cuối cùng, Tài phải đưa đi cai nghiện bắt buộc còn Nga do đang mang thai nên được tạm hoãn. Sau hai năm, Tài trở về và quyết định "gác kiếm" nhưng Nga thì vẫn chìm ngập trong ma túy, không tìm được lối thoát. Giờ thì Nga và Tài đã không thể hàn gắn, tuy nhà chỉ cách nhau vài bước chân nhưng họ đã xem nhau là người xa lạ. Cái kết của cuộc tình từ ma túy không có hậu là do gia đình. Nếu họ giang tay sẻ chia, đồng cảm, không ngăn cấm đôi trẻ đến với nhau có lẽ đã có một tổ ấm đầy mơ ước.
CLB Lá Chắn do bà Chung làm chủ nhiệm hoạt động khá hiệu quả, từ 3 năm nay địa bàn tương đối "sạch" về ma túy. Những người trở về sau thời gian cai nghiện được bà Chung tặng gạo, hỗ trợ học nghề, tìm việc làm để ổn định cuộc sống.
Đó là cả một nghệ thuật. Bà Chung tâm sự: "Nếu không có tình thương với họ, không chia sẻ và giúp đỡ thì không thể cảm hóa được và những con người một thời lầm lỡ này sẽ cảm thấy tự ti, mặc cảm mà sống bất cần. Họ chán nản đi tìm ma túy là điều không thể tránh khỏi".
Trong những trường hợp trở về đời thường, Dương Minh Nhựt là người khiến bà Chung tự hào nhất. Nhựt từng có quá khứ "lẫy lừng", ăn chơi, chích choác ma túy như con thiêu thân. Nhựt bị bắt buộc đi cai nghiện ma túy. Sau hai năm, Nhựt trở về địa phương với một tấm thân tàn tạ, mang trong mình căn bệnh thế kỷ, bị mọi người xa lánh, xin việc ở đâu cũng không được.
Trong lúc tuyệt vọng, chán chường Nhựt đã nghĩ đến con đường "tái xuất" giang hồ, vì đời đâu còn gì nữa. Bà Chung biết chuyện đã trực tiếp gặp Nhựt khuyên nhủ. Bà mang cho bao gạo, thùng mì tôm, cho vài đồng ăn sáng...
Bà bảo Nhựt: "Con cứ ngoan ngoãn ở nhà, chừng nào ăn hết đồ thì tới chốt Dân phòng tìm "má". Khi nào thấy khỏe mạnh thì lại tới đây, má kiếm việc làm cho". Từ đó, Nhựt xem bà Chung như "bà tiên" đã cứu rỗi phần đời còn lại của mình. Cảm động hơn, khi chỉ có "má Chung" không sợ "con ết", dám nắm tay nắm chân Nhựt. Tháng nào Nhựt cũng bị đưa đi lấy máu xét nghiệm để xem có dương tính với ma túy không.
Bà Lê Kim Chung tặng quà cho Dương Minh Nhựt. |
Quá hãi với những ống tiêm hút máu, Nhựt nói với "má Chung": "Người con gầy như que củi mà tháng nào cũng bị lấy máu mấy lần, con sống sao nổi". Bà Chung chỉ nói ngắn gọn: "Vậy thì đừng chơi ma túy nữa…". Bây giờ thì Dương Minh Nhựt là một điển hình về trường hợp sau cai trong CLB Lá Chắn của bà Chung. Nhựt tâm sự: "Em bệnh tật thế này cũng chẳng sống được bao lâu nên cố gắng giữ hình ảnh thật đẹp trong mắt cô bác".
Tuy nhiên, chỉ số tích cực như Dương Minh Nhựt là rất hiếm. Nhiều người sau cai nghiện trở về đời thường mang thân phận "con nghiện" thường bị nhìn bằng ánh mắt dè bỉu, kỳ thị, trong khi ma lực của "bột trắng" lại như cơn lốc quét qua rồi nhanh chóng "quấn" lấy họ. Kịch bản tái nghiện được lặp lại.
Trốn nhà đi tìm ma túy
Những người xe ôm ở khu vực công viên Hòa Bình (quận 5, TP Hồ Chí Minh) biết rõ về trường hợp Lê Thị Mộng Đẹp (28 tuổi, Đồng Nai) và kể về cuộc đời của cô với sự ớn lạnh rùng mình. Đẹp đã có thâm niên hơn 10 năm nghiện ngập.
Cô ra vào trại cai nghiện như đi chợ. Đẹp sợ chính quyền địa phương quản lý, sợ gia đình buộc xích nhốt trong nhà nên "thoát ly" lên TP. Hồ Chí Minh làm nghề "bán vốn tự có". Đẹp thuộc hàng quá đát, lại mang "ết" nên không mối lái nào nhận, cô chỉ có cách "đứng đường".
Khu vực hoạt động của Đẹp thuộc trục đường Nguyễn Chí Thanh, Hùng Vương (nối quận 5, quận 10), lấy công viên Văn Lang, Hòa Bình làm "nhà" mỗi khi mệt mỏi, ế khách. Khách của Đẹp là những xe ôm, phụ hồ và cánh "bụi đời" lang thang nên thu nhập cũng chỉ đủ ăn "cơm bụi".
Dù đói cơm nhưng không thể đói ma túy là cách sống của Đẹp. Từ ngày mang bệnh HIV, Đẹp nghĩ đã đánh dấu chấm hết cho cuộc đời của mình. Đẹp thường buông lời mỗi khi có ai hỏi chuyện bị bắt đi cai nghiện, đi phục hồi nhân phẩm: "Nhìn cái bản mặt của mình quen quá, nhàu nhĩ quá người ta cũng ngán, đâu ai nuôi mình mãi được".
Khủng khiếp hơn, trong những ngày hành nghề, do không quan tâm đến các biện pháp tránh thai nên Đẹp lỡ mang thai, tất nhiên là không thể biết được cha đứa bé là ai. Nhưng một điều chắc chắn là đứa trẻ đã lây bệnh từ mẹ và tất cả những người đàn ông đến với Đẹp đều dính "ết".
Đẹp ôm cái bụng bầu bủng beo lếch thếch đứng đường, bụng to quá nên cả ngày chẳng bắt được khách nào. May là được một tháng rằm tháng bảy, Đẹp xin đồ từ thiện kết hợp đi cướp cô hồn nên ấm bụng, cái thai trong bụng cũng đỡ quậy. Sau vài ngày vắng bóng, Đẹp quay trở về điểm hẹn với thân hình như con cào cào, bụng xẹp dính vào xương. Đẹp kể với cánh xe ôm là về căn chòi hoang ở Bình Chánh sinh con rồi cho người ta nuôi.
Ông T., xe ôm lâu năm tại công viên Hòa Bình cho biết, vừa hôm qua cha mẹ của Đẹp từ quê lên bắt cô về nhà. Đẹp giằng co không chịu đi thì bị một người đàn ông túm tóc, tát liên tiếp vào mặt. Sau đó, họ lôi Đẹp lên xe như một con gián. Không biết số phận Đẹp ra sao nhưng theo nhận định của ông T., nếu còn khỏe mạnh có lẽ Đẹp vẫn bỏ nhà ra đi tìm ma túy.
Một buổi sinh hoạt CLB Lá Chắn. |
Bác sĩ Lê Văn Khánh, Phó Cục trưởng Cục Phòng chống tệ nạn xã hội (Bộ Lao động, Thương và xã hội) nhận định: "Bệnh nghiện ma túy có thể điều trị được nhưng phải thực hiện đồng bộ giữa cơ sở cai nghiện, gia đình và xã hội. Cai nghiện ma túy đòi hỏi quá trình lâu dài, bền bỉ, có người phải cai suốt cuộc đời. Vì vậy, khi trở về cộng đồng nếu không tiếp tục được giúp đỡ thì người nghiện sẽ khó vượt qua được "cạm bẫy" ma túy".
Đẹp không phải là trường hợp điển hình của việc tái nghiện sau cai. Con số điều tra là trên 70% đối tượng vẫn "làm bạn" với ma túy quả thật rất khủng khiếp. Những đối tượng này, sau khi tái nghiện chắc chắn sẽ nguy hiểm hơn, đáng sợ hơn bởi họ đã có thâm niên với ma túy và kinh nghiệm đối phó với chính quyền.
Sức hút của ma túy khiến người nghiện điên cuồng chạy theo, không phải ai cũng dễ dứt bỏ được. Thời gian cai nghiện là không đủ để một "nô lệ" ma túy sẵn sàng rời xa. Theo điều tra, có trên 70% đối tượng sau cai nghiện đã tái nghiện và trên 90% người cai nghiện tại cộng đồng và gia đình quay trở lại với ma túy. Con số này sẽ để lại hệ lụy khôn lường cho gia đình và xã hội… |