Những “bảo mẫu” của… động vật có tên trong Sách đỏ

22:11 04/06/2019
Tôi muốn gọi một số cán bộ, bác sĩ thú y, nhân viên của Thảo cầm viên Sài Gòn bằng cái tên ấy, bởi từ nhiều năm nay, họ đã và đang làm một công việc rất có ý nghĩa: cứu hộ và nuôi dưỡng nhiều loài động vật hoang dã (ĐVHD), trong đó có loài có tên trong Sách đỏ của Liên minh bảo tồn Thiên nhiên quốc tế (IUCN) đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng…


1.Gần 11h trưa một ngày cuối tháng 5, tôi theo Huỳnh Lê Ngọc Diễm ra một góc cây cổ thụ trong Thảo Cầm viên để tận mắt xem nữ bác sĩ thú y này cho chú voọc chà vá chân nâu… bú. 

Cầm sẵn bình sữa dành cho em bé khoảng 30ml vừa được pha chế, Diễm đến chiếc lồng xinh xắn, gọi: “Chaien, Chaien”. Sao nó lại mang tên của một nhân vật trong bộ truyện tranh Doraemon?, tôi hỏi. “Do hồi mới được cứu hộ đem về đây, chú voọc này có cái rốn bị lồi hệt Chaien nên đặt vậy luôn”, Diễm cười, giải thích.

Không như tôi nghĩ ban đầu, Chaien tỏ ra rất quen thuộc với “mẹ Diễm” của nó. Khi Diễm vừa mở cửa chuồng, nó ôm lấy tay của “mẹ” mình, ghì đầu vú của bình sữa vào miệng rồi nút ngon lành tựa đứa bé đang cơn khát. Chỉ trong tích tắc, nó nốc cạn bình sữa. 

“Ban ngày, cứ 2 giờ đồng hồ Chaien được bú một lần. Cữ sáng đầu tiên là 6h30. Cho bú xong cữ đầu, mình vệ sinh chuồng, giặt giũ, thay khăn lót, lau mình nó,... rồi cho nó đi tắm nắng khoảng một tiếng”, Diễm kể. Buổi trưa, sau khi sạch sẽ và no nê, Chaien chơi một mình rồi lăn ra ngủ. Buổi tối đó, tôi tận mắt xem Chaien được cho bú 3 lần: lúc 20h, lúc 1 giờ sáng và cữ khuya. “Chaien được cho uống loại sữa không đường, hoặc là đường rất ít bởi nếu không nó rất dễ bị sình bụng”, Diễm chia sẻ. 

Tôi đã xem “nhật ký làm mẹ” của nữ bác sĩ thú y này trong quá trình  dõi theo “đứa con” đặc biệt của mình. “Lúc mới được cứu hộ về, chỉ 500gr thôi. Giờ thì Chaien đã hơn gấp đôi rồi!”. Nhìn từng con chữ được viết nắn nót, tôi cảm nhận được niềm hạnh phúc của Diễm và các cộng sự của chị.

Bác sỹ thú y Huỳnh Lê Ngọc Diễm chăm sóc Chaien.

Hành trình đến với Thảo cầm viên của Chaien khá ly kỳ. Thạc sĩ Mai Khắc Trung Trực, Giám đốc Xí nghiệp động vật kể cách đây hơn 4 tháng, anh cùng một cộng sự bay ra Đà Nẵng để cứu hộ chú voọc này khi đó mới chỉ 1 tháng tuổi, bị lạc bầy. Việc đưa chú voọc về cũng không đơn giản. Theo quy định, ĐVHD không thể đi cùng với khách, vậy là các anh phải nghĩ “mưu” mới đưa được chú voọc này về TP Hồ Chí Minh trong thời gian ngắn nhất.

Chaien không phải là cá thể voọc duy nhất được cứu hộ thành công. Trước đó, các nhân viên cứu hộ của Thảo cầm viên Sài Gòn có ít nhất 3 chuyến cứu hộ loài linh trưởng hết sức quý hiếm này.

Từng tham gia cứu hộ ĐVHD từ những ngày đầu cách đây hơn 5 năm,  bác sỹ thú y Nguyễn Bá Phú, Phó Giám đốc Xí nghiệp động vật nhớ lần cứu hộ chú voọc chà vá chân xám ở Phú Yên, các anh chạy xe xuyên đêm. Rất mệt mỏi nhưng ngay khi tới nơi, hội ý chớp nhoáng, hoàn tất thủ tục bàn giao, Phú cùng anh em quyết định quay về luôn. 

Trên chặng đường về gần cả ngàn cây số, do bị vết sâu tới xương tại vị trí cổ chân phải phía sau (nghi do bẫy thòng lọng bằng dây cáp gây ra) và đang bị stress, chú voọc không chịu ăn dù liên tục được đổi những loại lá non mà nó khoái khẩu nhất. Để chú voọc không bị kiệt sức, chỉ còn cách tiết kiệm từng giờ để về tới Sở thú sớm nhất. 

Mấy anh em không dừng lại ăn dọc đường mà cầm cự bằng bánh mì với đồ nguội mua sẵn. Mỗi khi xe ghé vào trạm đổ xăng, các nhân viên cứu hộ tranh thủ lấy nước lạnh xối lên đầu cho bớt cơn... buồn ngủ để tỉnh táo lo cho chú voọc. Hơn 4 giờ sáng ngày thứ ba, các anh về tới Sở thú.

Các “bảo mẫu” đã góp phần đáng kể vào sự phong phú của ĐVHD được bảo tồn tại sở thú, phục vụ tốt cho công tác nghiên cứu và nhu cầu tham quan của du khách.

2. Nhưng ngoài voọc, cán bộ, nhân viên Thảo cầm viên từng cứu hộ và nuôi sống nhiều loài ĐVHD quý hiếm khác. Có lần, các nhân viên cứu hộ nhận được điện thoại của Công an quận Gò Vấp, TP Hồ Chí Minh, đề nghị đến tiếp nhận ĐVHD. 

Khi đến, “quà” cho các anh là một ổ 7 con rái cá vuốt bé chưa mở mắt. Khi mang cả ổ này về, dù anh em cố gắng hết sức chăm sóc nhưng vẫn có 2 con chết. Năm con còn lại sống khỏe và giờ... “quậy như giặc”.

Theo quy trình cứu hộ, sau khi đưa về Sở thú, các con vật sẽ được cách ly kiểm dịch và tiếp tục điều trị bệnh, kiểm soát ký sinh trùng. Công việc chăm sóc thú y được tiến hành tới khi sức khỏe cá thể đó phục hồi hoàn toàn, sau đó thì chúng được đưa về nơi thích hợp nhất trong khuôn viên Sở thú. 

Nói thì nghe rất đơn giản nhưng đây là một công đoạn rất vất vả, bởi Sở thú luôn bị động trong việc tiếp nhận, nhiều khi số lượng cá thể ĐVHD được yêu cầu cứu hộ quá nhiều. Có lần, tổ cứu hộ nhận được yêu cầu của Cục Cảnh sát môi trường lên Bình Phước cứu hộ ĐVHD tại một cơ sở nuôi nhốt trái phép. 

Lần ấy, ngoài 17 con rắn hổ chúa, còn có 11 con tê tê và 52 con khỉ, do số lượng quá nhiều nên các anh đã phải thức trắng đêm để lên, xuống 2 bận, vận chuyển. Trên đường về, một cá thể tê tê đã đẻ con. Đối với số rắn hổ, do đây là lần đầu tiên cứu hộ và tiếp nhận nên Sở thú phải nhờ Trại rắn Đồng Tâm (Quân khu 9) hỗ trợ, từ kỹ thuật làm chuồng cho tới tập cho chúng ăn món rắn lãi đông lạnh.  

Theo lãnh đạo Thảo cầm viên Sài Gòn, sau cứu hộ, công việc quan trọng tiếp theo là chăm sóc nuôi dưỡng thú non (nuôi bộ). Công việc này được thực hiện bởi cán bộ, nhân viên Xí nghiệp động vật và Phòng kỹ thuật. Thú non được nuôi bộ đa số là loài động vật quý hiếm, có nguy cơ bị tuyệt chủng do các ĐVHD đang được bảo tồn tại Sở thú đẻ ra nhưng vì lý do nào đó chúng không thể tự nuôi con của chúng hoặc thú non được tiếp nhận từ ngoài vào qua công tác cứu hộ.

Chị Nguyễn Phạm Minh Phương, Tổ trưởng Tổ thú dữ (Xí nghiệp động vật) cho biết, để thay thế cho mẹ ruột của thú non, anh em phải luôn ở cạnh chúng 24/24h , phải lo từng cữ bú, giấc ngủ, vận động, cả việc đi phân, đi tiểu của chúng,... Chúng mà không đi phân, đi tiểu được trước mỗi cữ bú, hoặc có dấu hiệu bệnh là các “bảo mẫu” đứng ngồi không yên. Do đặc thù công việc như thế, các “bảo mẫu” phải luôn tự tìm hiểu để có kiến thức sâu về tập tính động vật, không ngừng trau dồi kinh nghiệm, kèm theo đó là sự chịu khó, chịu lam lũ...

Có khá nhiều điều mà nếu không nghe những “bảo mẫu” kể, chúng tôi không thể hình dung. Chẳng hạn như đối với loài hổ, việc bố trí chuồng nuôi chúng lúc sơ sinh thì đơn giản. Nhưng khi nó được hơn một tháng tuổi, phải lưu ý chiều cao của vách chuồng nếu không, nó sẽ nhảy ra ngoài. 

Mỗi loài đều có tập tính khác nhau; thậm chí cùng một loài nhưng mỗi cá thể đều có tính khí rất khác nhau. Hay như bầy 5 rái cá con, lúc mới được cứu hộ về rất đồng đều về tháng tuổi, thể trạng bên ngoài, nhưng nhu cầu cần cung cấp năng lượng của mỗi con khác nhau. Con bú ít, con bú nhiều, con bú chậm, con bú nhanh. Tới giai đoạn tập ăn, có con thích ăn cá hơn là bú sữa, nhưng có con chỉ sữa và sữa.

Đôi lúc các “bảo mẫu” khá vất vả với sự bướng bỉnh, nghịch phá của “bầy con” của mình. “Như chú hổ con Bengal. Được hơn tháng rưỡi tuổi rồi, mỗi khi anh em vào cho bú là nó chẳng ngó ngàng gì bình sữa mà cứ lao đầu vào người chúng tôi. Vậy là phải giỡn với nó có khi 30 phút. 

Tới chừng mình mệt nhừ rồi nó mới chịu bú và rít một hơi cạn bình sữa. Còn chú vượn má vàng, hơn 6 tháng tuổi nó vẫn còn nhõng nhẽo. Mình phải ầu ơ ví dầu nó mới bú từng chút một. Có khi 2-3 giờ sáng, chúng tôi vẫn phải thức để giỡn, dỗ dành chúng”, Tổ trưởng Tổ thú dữ kể.

Trong công tác nuôi bộ, việc xây dựng quy trình chăm sóc nuôi dưỡng riêng cho từng loài, từng giai đoạn phát triển là rất quan trọng. Chẳng hạn như đối với nhóm thú ăn thịt họ mèo (hổ, sư tử) sẽ được cho bú loại sữa dành riêng cho thú họ mèo, liều lượng và khoảng cách giữa hai cữ bú, giai đoạn tập ăn sẽ được xây dựng dựa vào thực tế và kinh nghiệm nuôi bộ. 

Các bác sĩ thú y cũng bổ sung thêm các loại vitamin khoáng chất vào khẩu phần dinh dưỡng để hỗ trợ cho thú non, giúp tăng cường sức đề kháng và phát triển bình thường như được chính “mẹ ruột” chúng chăm sóc. Công việc sẽ vất vả hơn rất nhiều khi con thú có vấn đề về sức khỏe, biểu hiện không linh hoạt, bỏ ăn, bỏ bú,… Nhiều người cứ nghĩ rằng thời bây giờ, “cái gì không biết thì tra google”, nhưng theo Trực, nuôi bộ ĐVHD mà theo “thầy google” thì cầm chắc thất bại. 

“Chúng tôi thường xuyên trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm nuông dưỡng, chăm sóc ĐVHD từ các tổ chức quốc tế. Qua đó mới biết có những điều, mới chỉ mình làm được, còn bạn thì chưa... từng nghe. Có thể do mình yêu thú nên luôn cố gắng thôi..”, anh Trực bộc bạch.

Giám đốc Xí nghiệp động vật Mai Khắc Trung Trực với chú Voọc chà vá chân nâu tên Chaien.

3. Trở lại với công việc cứu hộ, bảo vệ ĐVHD, theo anh Mai Khắc Trung Trực hiện không phải ai cũng rành quy định của pháp luật để thực hiện đúng. Theo quy định, khi phát hiện ĐVHD có nguy cơ bị chết do nhiều nguyên nhân, người dân phải báo cho kiểm lâm hoặc chính quyền địa phương. 

Sau đó, địa phương mới liên hệ với các trung tâm, đơn vị có chức năng cứu hộ, nuôi giữ phục vụ công tác bảo tồn, nghiên cứu như Sở thú. Nhiều người dân không nắm quy trình cơ bản này nên trong lúc họ chưa biết liên hệ với ai, đã bị ngành chức năng phát hiện, “tuýt còi”, xử phạt do “tình ngay, lý gian”.

Điều khiến những nhân viên cứu hộ ĐVHD cảm thấy vui chính là có không ít người sẵn sàng bỏ tiền để chuộc, mang về giao cho Sở thú những con vật quý hiếm từ… nhà hàng đặc sản. Chỉ bầy cheo cheo (hươu chuột) đang đùa giỡn trong Sở thú, anh Trực kể đó là “món quà” của một người đàn ông mang đến tặng cách đây vài năm. 

Ban đầu chỉ có vài con, nhưng giờ thì bầy cheo cheo này đã sinh con đẻ cái đông lên. Một lần khác, có hai vợ chồng từ Đắk Lắk xuống giao cho Sở thú nhiều loại cá thể ĐVHD. Nhưng khi hỏi lưu tên tuổi, số điện thoại để liên hệ khi cần thì cả hai từ chối. Một người nói vợ chồng bà luôn tìm cách cứu ĐVHD là do thấy chúng nguy cơ bị trúng đạn săn, bị dính bẫy, bị bán vào nhà hàng đặc sản... Họ muốn những con vật ấy được sinh sống ở một nơi an toàn.

Ở giữa thành phố sôi động này, có một góc bình yên và có những người đang ngày đêm làm một công việc lặng lẽ nhưng đầy ý nghĩa: “Bảo mẫu” cho nhiều loài ĐVHD có tên trong Sách đỏ, không phải của Việt Nam mà của thế giới.

Thái Bình

Là người nước ngoài duy nhất đoạt giải trong cuộc thi "Tìm kiếm sứ giả tiếng Việt ở nước ngoài" năm 2024 do Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao phát động, Lanny Phetnion đã gắn bó với tiếng Việt hơn 10 năm. Hành trình đến với ngôn ngữ này bắt đầu khi Lanny Phetnion nhận được học bổng theo học Khoa Tiếng Việt, Đại học Quốc gia Lào. Cũng từ đây, tiếng Việt đã trở thành bệ đỡ giúp cô gái miền Bắc Lào gặt hái không ít thành công. 

Trung Quốc là đối tác thương mại lớn của Mỹ. Tuy nhiên, mới đây, Tổng thống đắc cử Donald Trump tiếp tục tuyên bố sẽ áp thuế bổ sung đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc cho đến khi nước này ngăn chặn "lượng lớn ma túy, nhất là fentanyl, đang được chuyển vào Mỹ".

Viện KSND tối cao vừa ban hành cáo trạng truy tố cựu Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận Lê Tiến Phương và 16 bị can khác về tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí”. Đây là vụ án đặc biệt nghiêm trọng xảy ra trong lĩnh vực quản lý nhà nước về đất đai trên địa bàn tỉnh Bình Thuận.

Từ kết quả điều tra những dấu hiệu bất thường tại một số gói thầu thi công xây dựng công trình trên địa bàn TP Nha Trang do Ban Quản lý Dịch vụ Công ích TP Nha Trang làm chủ đầu tư, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Khánh Hòa đã khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can, đồng thời bắt tạm giam hai cán bộ nhà nước và hai giám đốc doanh nghiệp.

Tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông từ Lạng Sơn đến Cà Mau dài 2.063 km. Công trình trọng điểm quốc gia này hoàn thành không chỉ kết nối các trung tâm kinh tế, chính trị, các khu kinh tế, khu công nghiệp trọng yếu, đặc biệt là các vùng kinh tế trọng điểm mà còn thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng - an ninh....

Giá vàng thế giới đêm 25/11 đột ngột rơi thẳng đứng, khiến giá vàng trong nước sáng 26/11 cũng bị lao dốc theo, mất tới 2 triệu đồng/lượng.

Sáng 26/11, Đội CSGT số 4 (Phòng CSGT Công an TP Hà Nội) triển khai tổ công tác phối hợp với Đội TTGT quận Hai Bà Trưng tuần tra lưu động địa bàn đơn vị quản lý. Trong đó, tập trung kiểm tra, xử lý xe limousine, xe hợp đồng vi phạm giao thông, dừng đỗ đón trả khách sai quy định gây ảnh hưởng đến TTATGT tại Hà Nội.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文