Những "bông hoa thép" trên đường Trường Sơn huyền thoại

15:05 22/05/2019
“Kiêu hãnh Trường Sơn”- một triển lãm xúc động giúp thế hệ trẻ có cái nhìn cận cảnh về chiến tranh, về con đường huyền thoại Trường Sơn với sự đóng góp hy sinh của những người phụ nữ. Tôi gọi họ là những “bông hoa thép” trên con đường huyền thoại.


Những "huyền thoại của huyền thoại"

Triển lãm “Kiêu hãnh Trường Sơn” như một thước phim chậm rãi đưa người xem đến với con đường Trường Sơn huyền thoại, với những câu chuyện, những kỷ niệm về một thời khói lửa của các nữ chiến sĩ. 

Với ba chủ đề: Dấu ấn một huyền thoại, Những bông hồng thép, Phía sau cuộc chiến...; triển lãm Kiêu hãnh Trường Sơn khắc họa lịch sử một con đường bằng chính sự can đảm, bền bỉ, khát vọng và cả những hồn nhiên đời thường của "những bông hồng thép" đã sống, chiến đấu và hi sinh cho con đường huyền thoại này..

Trường Sơn với những khoảng khắc ấy, với con suối, chiếc xe bên hố bom, trong những đêm mùa khô thiếu nước hanh hao hay những ngày ngụp lặn trong mùa mưa cả tháng không khô quần áo, tất cả được trưng bày một cách đầy đủ giúp chúng ta hiểu hơn về một lực lượng đặc biệt, những cô gái trên đường Trường Sơn huyền thoại. 

Con đường Trường Sơn đã để lại những cái tên đi vào lịch sử như 10 cô gái Ngã ba Đồng Lộc, Tiểu đoàn nữ chiến sĩ Trưng Trắc của Hà Tây hay những cái tên bất tử như Hồ Kan Lịch, La Thị Tám, Nguyễn Thị Huấn, Hồ Thị Thu Hiền. 

Những con người đã làm nên kỳ tích “Mỗi năm tôi gùi 20 tấn hàng, gấp 3 lần khối lượng trung bình của đồng đội nên khi mới 17,18 tuổi được phong kiện tướng “chân đồng, vai sắt” (Anh hùng Nguyễn Thị Huấn, C2, Tiểu đoàn 232 Cục Hậu cần quân kh V).

Những cô gái nơi chiến trường.

Triển lãm dựa trên lời kể cùng chân dung của 60 cựu nữ chiến sĩ, thanh niên xung phong. Cuộc sống nơi chiến trường Trường Sơn được hiện lên đậm màu lính nhưng cũng đậm chất nữ tính với những câu chuyện dung dị, đời thường chứa đựng nỗi niềm của người con gái nơi chiến trường. 

Triển lãm không hướng tới sự khốc liệt của chiến tranh mà dựng lại cuộc sống đời thường của các cô gái, cái thời mái tóc dài đen mượt là một trong những chuẩn mực của vẻ đẹp người con gái, vậy mà “vào chiến trường hay bị sốt rét nên tóc rụng hàng ngày, có chị rụng cả đầu. 

Người khóc, người hoảng sợ nên không dám chải đầu vì tóc rời ra”. Rồi ghẻ lở, sốt rét, bệnh phụ khoa luôn là nỗi ám ảnh của những phụ nữ khi sống ở chiến trường. Có những câu chuyện rất chân thực như ở chiến trường không sợ bom đạn, cái chết mà các chị sợ vắt, sợ xấu, sợ ma khi hành quân trong đêm hay phát khóc khi gặp trăn trong lúc đi hái rau rừng. 

Họ, những người chiến sĩ ấy đã trải qua những cảm xúc cùng cực nhiều hơn cả một đời người để có thể có yêu thương, căm thù, ám ảnh, mất mát, sợ hãi, kiên cường. Thế nên, xuất hiện trong hầu hết những bức ảnh về cái thời khốc liệt xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước” ấy lại là hình ảnh những cô gái- chiến sĩ rạng ngời trong nụ cười tỏa nắng hay những khoảng khắc xúc động, yêu thương của tình đồng đội.

Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên, Tư lệnh bộ đội Trường Sơn, đã từng thán phục khi nói về họ, đội ngũ nữ chiến sĩ Trường Sơn là “huyền thoại của  huyền thoại”- có mặt khắp mọi nơi, mọi thời điểm, mọi công tác, mọi binh chủng.

Bà Nguyễn Thị Chinh Chiến.

Nhớ mãi thời hoa lửa

Tôi đã may mắn được gặp những cô gái Trường Sơn năm xưa trong triển lãm xúc động này. Những cô gái ra đi theo tiếng gọi của Tổ quốc từ 16-17 tuổi ấy giờ đã ngoài 60 tuổi, có những người 70 tuổi. Họ đến từ nhiều vùng đất khác nhau, người trở về lành lặn, sống bình yên vui vầy cùng con cháu, người trên ngực lấp lánh huy chương nhưng trong mình chứa đầy thương tích, di chứng của chất độc da cam. 

Rất nhiều người trong số họ phải đối diện với nỗi đau hậu chiến hay nỗi cô đơn của tuổi già khi không có gia đình. Nhưng họ không bi lụy, không tuyệt vọng mà ở họ vẫn là niềm lạc quan, vui sống và tin vào cuộc sống. 

Những con người kiên cường ấy, họ đã bỏ lại tuổi thanh xuân của mình trên con đường Trường Sơn khói lửa và họ luôn thấy may mắn khi được trở về. Những cô gái 16 xuân xanh, cân chưa đủ nặng vẫn lén đeo đá vào hoặc tìm mọi cách để đủ cân để đạt tiêu chuẩn lên đường. Và ngay cả khi đăng ký nhập ngũ, họ cũng không hẹn ngày trở về.

Trong câu chuyện với tôi, bà Nguyễn Thị Chinh Chiến, chia sẻ bà hạnh phúc khi được sống và có một gia đình bình yên, ấm êm. Nhắc lại chuyện xưa, bà bảo rằng đó là quãng đời không thể nào quên: “Tôi được phân công vào một đơn vị bệnh viện. Chiến tranh khốc liệt, chứng kiến nỗi đau của thương bệnh binh mà không cầm được nước mắt. Tôi chỉ nghĩ, mình sẽ mang hết trách nhiệm, tình thương phục vụ các chiến sĩ. 

Ngày đó, tôi chưa tròn 17 tuổi, viết đơn xin đi. Bố tôi là lão thành cách mạng chống Pháo, ông bảo con đi khó khăn nhưng không được đào ngũ.  Bố muốn tôi ở ngoài này cho an toàn, nhưng tôi trả lời, không, bạn đi đâu con đi đó, đi đâu cũng có đồng đội. Tôi hành quân liên tục trong 2 tháng đi vào đến chến trường Nam Lào. Có lần đi trong đêm pháo sáng trắng đường, không biết là sắp có bom, đi qua một lúc thì máy bay B52 đánh tan nát con đường đó luôn. Tôi ở trong bệnh viện, chứng kiến nhiều cái chết, do vết thương quá nặng”. 

Bà Trần Thị Thục Oanh.

Nhưng không phải ai cũng có may mắn được trở về và có cuộc sống an lành như bà Chiến. Ngồi trước mặt tôi là bà Nguyễn Thị Chiên, từ Yên Định Thanh Hóa lên Hà Nội gặp mặt đồng đội. Trở về sau chiến tranh bà Chiên mang trong mình di chứng của chất độc da cam. Nhưng bà nói về nỗi đau không bi lụy, tuyệt vọng mà vẫn đầy khí chất của bộ đội Trường Sơn. 

“Ngày đó, tôi tuổi chưa đủ, cân còn thiếu nhưng vẫn xung phong đi. Tôi làm công tác vận chuyển trên đường dây 559. Tôi còn nhớ, năm đó, Mỹ ném bom ra miền Bắc dữ quá, thương binh  trở về nằm la liệt khắp sân kho của thôn. Chứng kiến những cảnh đau đớn đó, tôi xung phong lên đường. Tôi chỉ có 39kg mà vác cái hòm 70kg. Ngày lễ noel, giặc Mỹ ngừng ném bom, chúng tôi vác 24/24. Tôi hành quân 6 tháng ròng rã, làm nhiệm vụ vận chuyển, bốc vác. Nhưng không may, tôi bị nhiễm chất độc da cam. Cháu nội, cháu ngoại đều bị u xương. 

Tôi làm Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam của huyện. Nhưng tôi vẫn tự hào vì mình từng góp một phần bé nhỏ vào công cuộc giải phóng đất nước”. Di chứng chất độc màu da cam kéo dài không chỉ đến thế hệ con mà cả cháu… “Nhưng nhiều người còn khổ hơn tôi, những vất vả của tôi vẫn chưa thấm vào đâu so với đồng đội. Tôi ở trong Hội Nạn chất độc da cam, cô biết, nhiều cảnh đời khổ lắm” - Cô Chiên nói.

Một góc triển lãm.

Những người lính năm xưa, những “bông hoa thép” của đường Trường Sơn năm xưa trở về cuộc sống đời thường vẫn giữ khí chất của những người anh hùng. Tôi gặp bác sĩ Trần Thị Thục Oanh- bác sĩ Bệnh viện 108 giờ đã nghỉ hưu. Giờ tuổi đã ngoài 80 nhưng giọng bà vẫn sang sảng, mạnh mẽ. 

Trên ngực đeo đầy huy chương. Người phụ nữ bé nhỏ ấy đã đi qua hai cuộc chiến tranh, làm công tác quân y, bảo đảm an toàn cho thương bệnh binh, từ chiến dịch Điện Biên Phủ rồi sau này vào Trường Sơn. 

“Trên đường hành quân vào chiến trường, tôi đã chứng kiến sự hy sinh rất đau lòng của đồng đội. Khi chúng tôi vừa tới Quảng Binh thì bom đã rơi  trúng một chị y tá khiến chị văng đi. Mỗi lần dọc đường hành quân, nhìn thấy một chiến sĩ đang nằm trên võng, khẩu súng AK vắt ngang người, tôi lay người, chẳng thấy anh động tĩnh gì. Hóa ra anh này đã hy sinh từ lúc nào do sốt rét… Tôi sợ vắt hơn bom đạn. Vắt cứ tự chui dưới lá khô lên bám vào người cắn no rồi tự lăn đi. Sợ lắm”…

Sau ngày giải phóng bà Oanh được về công tác ở Bệnh viện 108. Cuộc chiến đã lấy đi người đàn ông bà yêu thương, họ hẹn nhau hòa bình trở về làm đám cưới, nhưng ông đã hy sinh trước khi hòa bình lập lại. Bà Oanh sống một mình, sau này nuôi một cô con gái giờ đã lập gia đình… 60 tuổi, bà mới có đám cưới đầu tiên trong cuộc đời với một người để làm bạn tuổi già. Nhưng ông cũng đã bỏ bà ra đi… 

“Mỗi người có một số phận, số phận của tôi gắn liền với hai cuộc chiến tranh. Giờ thì bình thản mà sống thôi, không có gia đình thì vui với niềm vui của đồng đội, bạn bè…”, bà Oanh nói, giọng vẫn đầy khí chất của bộ đội Trường Sơn năm xưa…

Lan Tường

Đến 16h chiều nay (8/11), Cơ quan CSĐT Công an TP Đà Nẵng vẫn đang khám xét trụ sở Công ty TNHH MTV Tư vấn Đầu tư GFDI (92 đường 29/3, phường Hòa Xuân, quận Cẩm Lệ, TP Đà Nẵng) để thu thập hồ sơ, tài liệu liên quan đến các hoạt động có dấu hiệu vi phạm pháp luật của công ty này. Hiện có rất nhiều người dân đã tập trung xung bên ngoài tòa nhà văn phòng công ty theo dõi. Nhiều người kêu khóc, đòi Tổng giám đốc Nguyễn Quang Hoàng... “hiện hồn” trả lại tiền. Công an quận Cẩm Lệ đã huy động hàng chục CBCS để đảm bảo ANTT.

Chiều 8/11, Văn phòng Cơ quan CSĐT Công an TP Hồ Chí Minh cho biết, đã khởi tố bị can, thi hành lệnh bắt bị can để tạm giam 2 đối tượng: Nguyễn Thị Kim Trang (SN 1970; cư trú quận 3) và Lê Văn Hòa (SN 1977; cư trú quận Tân Bình) là nhân viên tiệm vàng Đức Long (phường 5, quận Tân Bình) về hành vi “Vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới”.

Trước ý kiến cho rằng vì chưa có quy định cụ thể về ngưỡng nợ thuế để áp dụng biện pháp tạm hoãn xuất cảnh, điều này khiến cho nhiều doanh nghiệp và cá nhân không thể dự đoán được liệu mình có nằm trong diện bị tạm hoãn hay không, Bộ Tài chính cho biết sẽ cân nhắc để áp dụng.

Trưa ngày 8/11, Cơ quan CSĐT Công an TP Đà Nẵng đồng loạt tiến hành khám xét khẩn cấp trụ sở chính của Công ty TNHH MTV Tư vấn Đầu tư GFDI và Sở giao dịch của Công ty này tại Đà Nẵng để thu thập tài liệu, chứng cứ liên quan đến việc huy động hàng ngàn tỷ đồng và các hoạt động có dấu hiệu vi phạm pháp luật của doanh nghiệp này.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文