Những chuyến “tầm nã” thần tốc

14:54 14/01/2018
Họ luôn trong tư thế sẵn sàng nhận lệnh lên đường, đến bất cứ nơi đâu, làm tất cả những gì có thể để “cất lưới” tội phạm. Trong cuộc đời của lính truy nã, luôn có những chuyến “thần tốc” khiến tội phạm, dù ranh mãnh đến đâu, lẩn trốn tận chân trời góc bể đều phải “hiện nguyên hình”.


Chuyên án 13 ngày

Những ngày cuối cùng của năm 2017, lính tầm nã lại ngồi bên nhau, sôi nổi kể về tháng ngày dầm mưa dãi nắng, lăn lộn khắp chân trời góc biển truy tìm tội phạm.

Một năm qua, cán bộ chiến sĩ Phòng Cảnh sát truy nã tội phạm (PC52), Công an tỉnh Bình Dương đã “gặt hái” được nhiều thành công, trong đó có những chuyến bắt nã “thần tốc”. Nổi bật nhất phải kể đến chuyên án truy nã Lê Như Thơm.

Thiếu tướng Nguyễn Dĩnh (bên phải), Cục trưởng Cục Cảnh sát truy nã tội phạm, trao tặng kỷ niệm chương cho Thiếu tá Lê Hữu Tuyến.

Thơm cùng đồng bọn tham gia vụ đâm chém nhau dẫn đến cái chết của anh Lê Thiên Hoa và làm anh Nguyễn Đức Triều bị thương nặng. Sau khi sự việc xảy ra, tất cả các đối tượng tham gia vụ án đều bị bắt, riêng Lê Như Thơm bỏ trốn nên bị cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bình Dương ra quyết định truy nã về tội giết người.

Sau nhiều năm, Phòng PC52 Công an tỉnh Bình Dương đã cử nhiều trinh sát ra Bắc vào Nam xác minh thông tin, tổ chức truy bắt. Đơn vị đã phối hợp với chính quyền xã Thọ Cường (huyện Triệu Sơn, tỉnh Thanh Hóa) tiếp xúc với gia đình tên Thơm vận động gửi thư kêu gọi đầu thú nhằm hưởng chính sách khoan hồng của pháp luật nhưng đều không có kết quả.

Thông tin thu thập được từ đối tượng rất ít, không xác định được nơi lẩn trốn. Mặt khác, gia đình Thơm luôn tìm cách che giấu, không hợp tác, thường xuyên thay đổi chỗ ở trên địa bàn huyện Triệu Sơn từ xã này qua xã khác.

Nhận thấy đây là đối tượng nguy hiểm, ma mãnh, đã lẩn trốn 15 năm nên Phòng PC52 đề xuất với lãnh đạo Công an tỉnh xác lập chuyên án truy bắt đối tượng Lê Như Thơm.

Vì đối tượng lẩn trốn lâu năm, lại có nhiều mối quan hệ phức tạp, không nghề nghiệp ổn định, nên Ban chuyên án phải chia làm nhiều tổ, tỏa ra các địa bàn xác minh, điều tra, thu thập thông tin của Thơm.

Thiếu tá Lê Hữu Tuyến lăn lộn từ Đắk Lắk đến Bình Định rồi qua các huyện Như Sơn, Như Thanh, Triệu Sơn (Thanh Hóa)... nhằm xây dựng mối quan hệ cũng như lần theo quá trình lẩn trốn của Lê Như Thơm.

Công tác truy lùng đối tượng có những lúc đi vào ngõ cụt, bế tắc bởi sau 15 năm, Thơm đã đi rất nhiều nơi, thay tên đổi họ, thay đổi cả diện mạo, hình hài. Với quyết tâm không để đối tượng chạy thoát, Ban chuyên án tập trung nghiên cứu, phân tích từng chi tiết nhỏ nhất, từng dấu vết mờ nhất để củng cố nhận định và phán đoán chính xác.

Lê Như Thơm “sa lưới” sau 15 năm trốn chạy.

Đến tháng 10-2017, Ban chuyên án nắm được nguồn tin đối tượng Thơm đang lẩn trốn tại xã Ân Đức (huyện Hoài Ân, tỉnh Bình Định) đã lấy vợ tên là Lê Thị Hương (SN 1985). Một tổ công tác được lệnh xuất kích đến ngay xã Ân Đức, nhưng khi đến nơi thì đối tượng đã đưa vợ con đi khỏi địa phương.

Vài ngày sau, bằng nhiều biện pháp nghiệp vụ, Ban chuyên án xác định vợ chồng Thơm đang lẩn trốn tại khu phố Tân Hòa (xã Tân Vĩnh Hiệp, thị xã Tân Uyên, tỉnh Bình Dương).

Ngay lập tức, Thiếu tá Lê Hữu Tuyến báo cáo và đề xuất với Ban chuyên án tiếp cận địa bàn, triển khai lực lượng truy bắt. Tuy nhiên, khi xác định khu vực đối tượng lẩn trốn thì trinh sát gặp phải vô vàn khó khăn.

Khu phố Tân Hòa rộng lớn, nhiều nhà trọ nằm trong khu vực tự phân lô, bán nền, xây dựng trái phép tràn lan, chính quyền địa phương chưa quản lý được. Đường đi do dân tự mở chủ yếu là đường đất lầy lội chằng chéo, đan xen vào nhau.

Mai phục nhiều giờ, lân la hỏi chuyện khắp nơi, tổ công tác tìm hiểu được có một người phụ nữ tên Lê Thị Hương, quê Bình Định, làm phụ hồ quanh khu phố. Hương có chồng tên là Cường quê Thanh Hóa cũng làm phụ hồ. Vấn đề khó khăn là tại sao chồng Hương tên Cường mà không phải Thơm mang lệnh truy nã.

Tổ công tác đau đầu phân tích, đối chứng các tư liệu, manh mối đã thu thập được trước đó và đi đến khẳng định, Lê Như Thơm đã đổi tên nhằm che giấu tung tích.

Như vậy, thông tin đã rõ mười mươi, Ban chuyên án tiến hành đột nhập bắt giữ. Tuy nhiên, hai vợ chồng Thơm ở nhà trọ phía sau là cánh rừng thưa, bên cạnh là khu nghĩa địa cỏ cây rậm rạp nên phải tính toán thật cẩn thận.

Tổ trinh sát do Thiếu tá Lê Hữu Tuyến chỉ huy bí mật bao vây, xiết gọng kìm không để cho Thơm có cơ hội tẩu thoát. Là đối tượng côn đồ, lẩn trốn tinh vi và rất nhạy cảm nên vừa thấy người lạ, Lê Như Thơm giật mình, định vùng dậy bỏ chạy.

Nhanh như cắt, Thiếu tá Lê Hữu Tuyến lao vào quật ngã tên Thơm. Khi khám xét trên người của đối tượng, trinh sát thu giữ được một con dao bấm, đây là hung khí Thơm luôn giắt bên mình để chống trả lại lực lượng truy bắt.

Vậy là sau 13 ngày đêm kiên trì, quyết tâm, không quản gian khổ, hiểm nguy, chuyên án truy nã đối tượng đặc biệt nguy hiểm Lê Như Thơm đã thành công.  

Cuộc trốn chạy 16 năm

Ngoài những chuyên án “thần tốc”, Phòng PC52 Công an tỉnh Bình Dương còn thực hiện nhiều vụ “tầm nã” nhanh như chớp khiến đối tượng bàng hoàng, sửng sốt, không tin mình bị bắt.

Đó là vụ bắt đối tượng truy nã nguy hiểm Hoàng Văn Ngọc (SN 1953) với thâm niên 16 năm chạy trốn. Vào năm 2013, mặc dù đã gần 50 tuổi và đã có vợ và 2 con trai, nhưng Ngọc lại đam mê cờ bạc, rượu chè bê tha, bỏ bê vợ con.

Đối tượng Hoàng Văn Ngọc lẩn trốn suốt 16 năm trời.

Mặc những lời khuyên can từ gia đình, bà con lối xóm nhưng với tính côn đồ chẳng những không nghe, Ngọc còn nhiều lần thách thức và đuổi chém bà con. Y thường xuyên gây sự đánh nhau với một số công nhân lò gạch gần nhà, khiến người dân ở khu vực ấp 3, xã Hội Nghĩa, Tân Uyên, Bình Dương bất an, lo sợ.

Khoảng 19h30 ngày 18-12-2001 Ngọc mang theo một cây mã tấu đến quán của chị Hương (gần nhà Ngọc) để tìm một số công nhân lò gạch “xử”. Khi đến quán, Ngọc không thấy công nhân mà chỉ thấy có 5 người đang ăn nhậu. Gặp người quen gần nhà, Ngọc sà xuống “chén chú chén anh”.

Trong quá trình nhậu, Ngọc đã có những lời lẽ thiếu văn hóa, văng tục và vung mã tấu trước mặt mọi người. Anh Phan Văn Kiệt (bạn gần nhà) khuyên Ngọc về ngủ nhưng Ngọc không nghe mà tiếp tục khua hung khí và vung chém làm mọi người hoảng sợ bỏ chạy, riêng anh Kiệt không kịp bỏ chạy nên đã bị Ngọc chém nhiều nhát vào đầu, cổ, ngực và đứt lìa một bàn tay.

Anh Kiệt chết tại chỗ. Hoàng Văn Ngọc đã bỏ trốn khỏi địa phương. Qua nhiều lần truy bắt không thành công, năm 2015, cơ quan CSĐT thị xã Tân Uyên   bàn giao hồ sơ chuyên án Hoàng Văn Ngọc và yêu cầu Đội 2 Phòng PC52 Công an tỉnh Bình Dương tiếp tục xác minh, truy bắt.

Nguyễn Thanh Thủy bị bắt sau 9 năm sống trong vỏ bọc.

Những trinh sát dày dạn kinh nghiệm được tung vào cuộc với quyết tâm cao nhất. Tháng 3-2017, trinh sát nhận được thông tin Hoàng Văn Ngọc về nhà để làm đám giỗ cho cha.

Quá trình tiếp cận mục tiêu, trinh sát gặp rất nhiều khó khăn do nhà của vợ con Ngọc nằm giữa cánh rừng rậm, nuôi nhiều chó dữ và con cháu rất đông, trong đó hai con trai Ngọc cũng vừa mới ra tù về tội cướp.

Mai phục nhiều giờ tại khu vực đối tượng xuất hiện, trinh sát xác định Hoàng Văn Ngọc tóc bạc, có nhiều hình xăm đang cởi trần giữa một đám thanh niên hơn chục người, có phụ nữ và trẻ em.

Trinh sát nhanh chóng tiếp cận đối tượng. Khi tiến hành vây bắt, số thanh niên là con cháu của Ngọc cố tình có những hành động cản trở, gây khó khăn nhằm mở đường cho Ngọc chạy vào rừng. Nhưng với tinh thần cảnh giác, sự chuẩn bị phối hợp chu đáo đã bắt thành công đối tượng Hoàng Văn Ngọc, kết thúc 16 năm chạy trốn của y.

Tóm gọn “cò đất” siêu lừa

Là người làm nghề môi giới bất động sản (cò đất) nên Nguyễn Thanh Thủy (SN.1971) được nhiều người dân giao cho bản photo giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nhờ giới thiệu bán. Năm 2008 do làm ăn thất bại, Thủy đã sử dụng những bản photo này “bùa phép” để trở thành bản chính (số giả) mang đến tiệm cầm đồ cắm lấy tiền xài.

Để thực hiện trót lọt hành vi của mình, Thủy đã thuê người đóng giả thành vợ chồng của chủ đất (chủ cuốn sổ giả) và lấy tiền chia nhau tiêu xài. Với thủ đoạn trên, Thủy và đồng bọn đã thực hiện 7 vụ, với tổng số tiền chiếm đoạt   hơn 1 tỷ đồng. Đồng bọn của Thủy lần lượt bị bắt, riêng Thủy bỏ trốn và bị cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bình Dương  truy nã.

Thủy luôn thay đổi tên họ và tạo ra những vỏ bọc hoàn hảo nhằm trốn sự truy bắt của cơ quan Công an. Thủy đã trốn khắp 15 tỉnh, thành phố, trải rộng khắp ba miền đất nước, có những vùng miền xa xôi, hẻo lánh như: Yên Bái, Cao Bằng rồi Bình Phước, Vũng Tàu, Đồng Nai, Tây Ninh, Bạc Liêu... Quá trình lẩn trốn trong các vỏ bọc mới, Thủy lại có mối quan hệ mới và tiếp tục sống bằng nghề “cò” đất...

Trinh sát lần theo mối quan hệ và con đường trốn chạy của Thủy gặp không ít khó khăn. Tháng 2-2017, nguồn tin báo về đối tượng đang lẩn trốn khu vực TP Hồ Chí Minh trong vai nhân viên tiếp thị mỹ phẩm.

Bám sát theo từng bước chân của Thủy, trinh sát lên kế hoạch bắt giữ Thủy bất ngờ khiến ả không kịp đối phó. Lúc tra tay vào còng, Thủy bàng hoàng, không tin mình bị bắt.

Ngọc Thiện - Hoàng Phạm

Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) Trần Hồng Minh vừa công điện gửi Cục Đường cao tốc Việt Nam, Cục Đường bộ Việt Nam, các ban quản lý dự án, nhà đầu tư về việc đẩy nhanh tiến độ thực hiện 8 dự án đầu tư kinh doanh công trình trạm dừng nghỉ trên tuyến cao tốc Bắc-Nam phía Đông.

Quyết tâm duy trì mô hình "Ngã tư an toàn giao thông" hiệu quả, thay đổi bộ mặt giao thông Thủ đô, lực lượng CSGT xử lý nghiêm tất cả những tài xế xe máy và ô tô có thói quen đứng đè vạch dừng hoặc đè vạch sang đường của người đi bộ, khi bị xử lý lại đổ lỗi do đường đông và đi vội.

46,15% cơ quan, doanh nghiệp bị tấn công mạng trong năm 2024; Số vụ tấn công mạng ước tính lên tới hơn 659.000 vụ; Việt Nam thiếu hụt nghiêm trọng nhân lực chuyên trách về an ninh mạng; Tấn công có chủ đích, tấn công gián điệp và tấn công mã hoá dữ liệu là những hình thức tấn công phổ biến nhất; Tỷ lệ sử dụng sản phẩm, dịch vụ “Make in Vietnam” còn rất khiêm tốn, chỉ 24,77%; Tình trạng lộ lọt dữ liệu cá nhân đáng báo động nhưng công tác đảm bảo an ninh còn nhiều lúng túng.

Sáng mai (24/12), TAND TP Hà Nội sẽ mở phiên tòa hình sự sơ thẩm xét xử 17 bị cáo trong vụ án chuyến bay giải cứu (giai đoạn 2) về các tội: “Đưa hối lộ”, “Nhận hối lộ”, “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ” và “Che giấu tội phạm”.

Ngày 23/12, Phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh Quảng Ngãi cho biết, liên quan vụ án "Đưa hối lộ" và "Nhận hối lộ" xảy ra tại tại Ban Quản lý Khu Kinh tế Dung Quất và các KCN tỉnh Quảng Ngãi đã khởi tố thêm tội “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản” đối với một số đối tượng.

Ngày 23/12, Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cho biết đã nắm thông tin phản ánh của người thân một nữ bệnh nhân trẻ trên mạng xã hội Facebook về hành vi thiếu chuẩn mực của bác sĩ nam khi siêu âm tuyến giáp, tim và bụng. Sự việc xảy ra tại Phòng khám Đa khoa thuộc Công ty cổ phần Đầu tư Tư vấn dịch vụ y tế Y Đạo (địa chỉ 46-48 Ngô Quyền, phường 5, quận 10).

Dự án xây dựng, mở rộng Quốc lộ 50 (QL50) đoạn qua địa bàn huyện Bình Chánh, TP Hồ Chí Minh với chiều dài hơn 6,9km, tổng mức đầu tư gần 1.500 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách Trung ương và TP Hồ Chí Minh với mục tiêu giảm ùn tắc giao thông nghiêm trọng trên tuyến nối từ TP Hồ Chí Minh đi Long An, Tiền Giang dù đã được HĐND thành phố thông qua chủ trương đầu tư từ tháng 6/2021, nhưng đến nay nhiều gói thầu xây lắp chính mới đạt tỷ lệ rất thấp…

Có thể khẳng định rằng, với Đề án 06 và ứng dụng VNeID do Bộ Công an chủ công xây dựng đã được phát triển mạnh mẽ, trở nên quen thuộc, thiết yếu trong công cuộc chuyển đổi số của người dân Việt Nam nói chung và Thủ đô Hà Nội nói riêng. Năm 2024, thành phố đã triển khai ứng dụng hiệu quả VNeID trong chuyển đổi số, góp phần phát triển nhanh, bền vững kinh tế - xã hội của Thủ đô.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文