Những cuộc đời quanh bãi rác Nam Sơn
Kinh hoàng với xác chó, mèo, lợn, gà,… vứt ở bãi rác được người đi nhặt rác lượm về làm thực phẩm. Quần áo vứt ở bãi rác "hô biến" thành hàng quần áo cũ, hay những người bới rác may mắn nhặt được tiền vàng đều là những câu chuyện lạ ở bãi rác lớn nhất miền bắc.
Động vật chết từ bãi rác thành thực phẩm
Để tìm hiểu rõ hơn về công việc của những người mưu sinh bên bãi rác, tôi đã xin đi bới rác đêm cùng anh Nguyễn Văn Lợi một người dân xã Bắc Sơn sống bằng nghề bới rác. Dĩ nhiên nói đến bãi rác, người ta dễ hình dung đến những thứ ném đi từ cuộc sống, không còn giá trị sử dụng, ô nhiễm, ẩn chứa nhiều mầm bệnh nguy hiểm tới mức nào. Nhưng tôi không khỏi rùng mình khi nhiều người đến bới rác ở đây luôn tìm những loại động vật chết để về chế biến làm thức ăn hàng ngày.
4h sáng ở bãi rác Nam Sơn (Sóc Sơn, Hà Nội) lúc tôi đang cùng anh Lợi bới rác thì có tiếng reo lên của một người bới rác bên cạnh: "Sáng mai lại có món gà luộc uống rượu rồi". Nói chưa dứt lời anh bới trong đóng rác ra một con gà trắng bạch, khuôn mặt u ám mệt mỏi vì công việc nở những nụ cười tươi. Anh Lợi cũng tò mò ngừng làm hỏi: "Xem có tươi nữa không, con gà đó cũng có hơn 2kg đó! Nếu đang tươi mai luộc tha hồ mà uống rượu".
Những người dân nhặt rác mưu sinh hàng đêm bãi rác Nam Sơn. |
Thấy có người nhặt được con gà chết, những người làm cùng kháo nhau: "Bữa nay gần cuối tháng rồi, anh em tìm xem có con chó con mèo gì chết không mang về nấu rượu mận uống rượu", một người đàn ông bảo.
Xác động vật chết bình thường là do dịch bệnh, người chủ không thể dùng làm thực phẩm nữa mới đi vứt vào xe rác, nhưng với nhiều người ở đây vẫn xem đó là món ăn bổ mà không mất tiền mua.
"Ăn con gà chết kia dân mình không sợ dịch bệnh sao anh"?, tôi hỏi anh Lợi. "Những con vật chết vứt ở bãi rác thì hơi mất vệ sinh thật, nhưng về nấu lên mà uống với rượu thì vi khuẩn nó cũng chết hết rồi, ở đây mà có dịch thì chỉ dịch "béo đỏ" thôi (ý bảo là những người ăn thịt xác động vật chết ở bãi rác bệnh đâu thì không biết mà thấy ai cũng béo đỏ), có đôi lúc người ta nhặt được gà, vịt chết còn mang nồi ra đốt lốp xe luộc gà ăn luôn trên bãi lấy sức để bới rác tiếp", anh Lợi vừa bới rác vừa cười bảo.
Anh Lợi còn cho biết thêm: "Ở bãi rác này xác chó, mèo được người bới rác thích nhất. Con nào còn tươi tươi tý là về rửa xà bông sạch rồi thui lên làm thịt cả nhóm làm cùng đánh chén, mèo thì còn lấy cả xương nấu cao. Cách đây 6 hôm, mấy người bọn anh nhặt được con chó becgie nặng gần 50kg, về làm thịt nấu đủ các món ăn mãi mới hết".
Một người nhặt rác vui mừng khi tìm được con gà chết lẫn trong rác, đây sẽ là món ăn "bổ dưỡng" sau đêm lao động vất vả. |
Cũng theo những người nhặt rác ở đây cho biết thường những xác chó, mèo chết mà đã bắt đầu phân hủy thì có người nhặt về để làm thức ăn cho cá trê phi. Nhưng cũng có một số người hay đứng ra gom lại những xác chết đó, làm gì thì không ai biết rõ, chỉ biết họ mang về nhà làm thịt sạch sẽ, thui lên rồi chở xe máy mang đi nơi khác. Có một số người địa phương cho biết có thể số thịt chó mèo chết đấy sẽ được mang bán lại cho một số quán nhậu ở Hà Nội và Thái Nguyên.
Xác thai nhi lẫn trong đống rác
Có những thứ mà những người nhặt rác "kiêng kị", không bao giờ muốn bới thấy, bởi họ không thể mang đi bán được, không thể tận dụng được mà thậm chí, khi bới được chịu nhiều ám ảnh. Đó là xác những thai nhi, những đứa trẻ sơ sinh bị vứt bỏ, bị xe chở rác vô tình trút lẫn cả vào bãi rác này.
Ở giữa bãi rác Nam Sơn mênh mông có nhiều nấm mộ nhỏ, nơi mà nhiều người nhặt rác chôn cất cho những thai nhi xấu số mà họ gặp phải khi bới rác. Theo cô Huệ người bới rác đây được 5 năm cho biết: "Việc bới rác nhặt được xác trẻ sơ sinh ở đây là chuyện bình thường. Đôi khi chỉ trong 1tháng nhặt được mấy cháu bé liền, các bé thường được đùm trong túi nilon đen, người bới rác tìm thấy, có người thấy thì sợ xanh cả mặt, họ mặc kệ đi chỗ khác nhặt rác tiếp. Nhưng cũng có nhiều người tốt họ thấy thương thì tắm rửa sạch sẽ và đem chôn cất ở khu đất cao bên trong bãi rác. Chúng tôi rất mong muốn là có một khu nghĩa địa nhỏ dành riêng cho những hài nhi xấu số này".
Áo quần từ bãi rác được mang bán
Điều mà khiến tôi không khỏi tò mò là đi dọc theo những ngõ xóm của xã Bắc Sơn (huyện Sóc Sơn - Hà Nội), thấy hàng nghìn chiếc quần bò được một số hộ dân nhặt rác gom về phơi từng hàng dài từ trong nhà tới ngoài ngõ, thậm chí treo cả lên tường rào, bụi cây.
Những chiếc quần bò được phân loại theo từng hàng khác nhau, hàng đầu tiên toàn những chiếc quần bò đang gần như còn mới với nhiều mẫu mã, đến hàng tiếp theo là những chiếc quần còn nguyên vẹn nhưng đã hơi cũ kỹ và ngả màu, đến hàng thứ 3 là những chiếc quần đã bị hỏng, rách nát không còn nguyên vẹn.
Những chiếc quần bò nhặt ở bãi rác được phơi khô trên tường rào để bán lại cho các chủ buôn đồ cũ. |
"Tôi cũng là người đi bới rác ngoài bãi, thường thì những chiếc quần bò này một phần tôi nhặt được, phần là mua lại của những người nhặt rác cùng. Quần áo lúc nhặt ngoài bãi lẫn lộn với rác thải bẩn lắm, về vợ chồng giặt đi giặt lại bao nhiêu nước giờ mới sạch được thế này đó, giờ phơi cho nó khô để bán", anh Nguyễn Văn Hưng, chủ ngôi nhà cho biết.
Theo nguồn tin mà phóng viên tìm hiểu, những chiếc quần bò mà những người bới rác nhặt được sẽ được bán cho những người trung gian đứng ra thu mua với mức giá khác nhau theo từng loại. Quần mà đã cũ rách nát sẽ được bán theo kilôgam, 500 đồng/kg quần, những chiếc quần còn nguyên vẹn sẽ được thu mua theo chiếc, tùy độ mới cũ với mức giá khác nhau, khoảng 500 đến 1.000 đồng/chiếc quần. Mua về họ giặt là sạch những chiếc quần ngoài bãi rác và phân loại sử dụng chúng. Những loại rách hỏng mua theo kilôgam sẽ được họ cắt xéc ở quần để lấy một ít đồng bán, tận dụng phần vải còn lại họ sẽ may găng tay để bán cho công nhân các nhà máy sản xuất sắt thép. Còn về phần những chiếc quần đang mới, còn nguyên vẹn thì sẽ được bán lại cho một số thương lái thu mua quần áo cũ theo chiếc, giá 1.000 đến 2.000 đồng/chiếc tùy theo từng quần.
Vậy câu hỏi đặt ra là số quần áo cũ lẫn lộn rác thải được thu gom về giặt lại đem bán cho các thương lái sẽ đi đâu? Qua trao đổi, anh Hưng thật thà cho biết: "Những người trong xóm làm nghề thu mua lại quần áo cũ của người dân bới được ở bãi rác như tôi thì thu nhập cũng chẳng được là bao, lấy công làm lãi giặt lại quần áo bẩn rồi kiếm mối để bán lại, lãi mỗi cái chỉ vài ba trăm đồng thôi. Còn về số quần áo còn nguyên vẹn này được các thương lái dưới thành phố mua về làm gì? Buôn bán lại lời lỗ thế nào thì chịu? Nhưng theo tôi nghe được loáng thoáng thì số quần áo cũ này sẽ được giặt là sạch sẽ hơn nữa để bán quần áo cũ cho những người có thu nhập thấp ở dưới thành phố".
Nghe thông tin đó, tôi không khỏi giật mình, đã không ít lần đi trên đường Hà Nội tôi gặp rất nhiều cửa hàng bán quần áo cũ, mà trong đó có những chiếc quần bò đã ngả màu được chủ cửa hàng gắn mác "đại hạ giá" chỉ có 20 đến 50 nghìn đồng. Vậy số quần áo trên từ đâu mà ra, phải chăng đó chính là quần áo được nhặt từ bãi rác với bao mầm bệnh nguy hiểm, giờ được gắn mác đồ cũ để bán lại cho những người không có điều kiện và ham của rẻ. Tôi nhớ không lâu đã từng đọc bài báo về việc ở Trung Quốc, Công an vừa điều tra và bắt giữ đường dây buôn bán quần áo nhặt từ nghĩa trang và bãi rác, còn ở Việt Nam tình trạng này có xảy ra không?
Giàu từ lộc trời cho
Trong hàng ngàn người bới rác giữa đêm, ai cũng muốn tìm kiếm vận may cho bản thân mình. Những người bới rác đêm nếu thấy có gối, bọc giấy, túi xách, phong bì,… họ sẽ dừng ngay công việc để lục lọi kiếm xem có tiền hay vật gì có giá trị còn sót lại không.
Chị Hoàng Thị Diệp đang tìm xem có chiếc phong bì nào còn sót lại chưa bóc trong đám phong bì cũ. |
Nói về "lộc" từ bãi rác, anh Lợi cho biết: "Trong thời gian đi làm rác anh cũng đã nhặt được khoảng 5, 6 triệu đồng, đôi khi cái phong bì quên chưa bóc đã bị quẳng nhầm ra bãi rác, trong đó còn ghi rõ "Chúc mừng hạnh phúc hai cháu" hay "Kính viếng vong hồn cụ". Có lúc trong những chiếc giày bị hỏng lại nhặt được cả tiền triệu, cách đây 1 tháng anh lại nhặt được chiếc nhẫn vàng tây hơn 2 chỉ trong một cái hộp nhỏ lẫn trong chiếc áo comple nam. Còn lục túi những chiếc quần bò cũ vứt ở bãi rác được vài chục nghìn là chuyện thường".
Nhớ về vận may từ nghề ve chai, nhiều người nhặt phế liệu ở bãi rác Nam Sơn, huyện Sóc Sơn (khu xử lý rác thải lớn nhất TP Hà Nội) vẫn thường kể câu chuyện về bà Ngô Thị Ngà (ngụ xóm Trại, thôn Đô Tân, xã Bắc Sơn, huyện Sóc Sơn). Bà Ngà nổi tiếng bởi hồi gần Tết năm 2009, bà đã nhặt được 11 cây vàng trong lúc lượm ve chai ở bãi rác này.
"Ở bãi rác này cũng có người nhặt được tiền, người nhiều thì nhặt được cả chục triệu, có khi còn nhặt được tiền đô, điện thoại xịn... Còn những "quả" nhỏ như dăm trăm, một triệu là chuyện thường. Lắm khi trong túi xách, túi quần túi áo cũ người ta vứt vội, hoặc tiền trong phong bì hiếu hỷ vẫn còn nguyên. Cũng có khi, rũ những chiếc gối bông cũ, chúng tôi có thể vớ được bạc triệu hoặc ít vàng, chắc là người nhà cất vào đấy mà người thân không biết. Còn chứng minh nhân dân, giấy tờ, bằng lái xe… bị lưu lạc đến khu bãi cũng nhiều, nếu tìm được chủ, chúng tôi cũng tìm chủ trả lại và được người ta cảm ơn lại". Chị Hoàng Thị Diệp vừa kể chuyện vừa lục lọi đống phong phì lẫn trong rác để xem thử vận may có cái nào còn sót lại chưa bóc không