Những đêm trắng truy tìm COVID-19 của Công an tỉnh Hải Dương

11:32 19/08/2020
Cùng với cả hệ thống chính trị, các cán bộ, chiến sỹ Công an tỉnh Hải Dương cũng đang chạy đua với thời gian, nỗ lực ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh COVID-19

Từ 0h ngày 16-8, TP Hải Dương (tỉnh Hải Dương) thiết lập vùng cách ly y tế toàn thành phố ở mức độ cao hơn với các biện pháp quyết liệt để dập dịch. Cuộc chiến chống COVID-19 bước vào một giai đoạn cam go và căng thẳng hơn. Cùng với cả hệ thống chính trị, các cán bộ, chiến sỹ Công an tỉnh Hải Dương cũng đang chạy đua với thời gian, nỗ lực ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh.

Chạy đua với thời gian truy vết F1 và F2

24h đêm 13-8, Trung tá Vũ Văn Khải, Phó trưởng Công an huyện Thanh Hà mới về tới trụ sở. Tối 13-8, sau cuộc họp khẩn triển khai các phương án phòng chống dịch COVID-19, Công an huyện Thanh Hà đã triển khai các chốt, phối hợp với các lực lượng tiến hành xác minh, truy vết các trường hợp F1, F2 liên quan đến hai bệnh nhân là Đặng Quốc M (SN 2003) và Nguyễn Thị Ch (SN 1948), cùng trú tại xã Cẩm Chế, huyện Thanh Hà, đều tiếp xúc với bệnh nhân 867 tại quán Thế giới Bò tươi ở số 36 Ngô Quyền, TP Hải Dương.

 “Danh sách F1 liên tục thay đổi khiến cường độ làm việc của anh em lúc nào cũng căng như dây đàn. Ngoài việc phải nhanh chóng rà soát F1 và F2 còn phải phối hợp với lực lượng y tế, giám sát F2 tại nhà; thường xuyên cập nhật thông tin báo cáo về Ban giám đốc Công an tỉnh Hải Dương”, Trung tá Khải chia sẻ.

Khi nhận nhiệm vụ, anh em đều xác định phải chạy đua với thời gian mới có thể khống chế được dịch bệnh. Yêu cầu đặt ra là phải nhanh chóng xác định lịch trình bà Ch và cháu M đã đi đâu, làm gì và tiếp xúc với ai. Ban đầu việc xác minh chỉ ở hai xã Cẩm Chế và Thanh Khê nhưng quá trình truy vết của các bệnh nhân F1 đã mở rộng đến 14/20 xã trên toàn huyện. 

Đến nay F1 lên đến 62 người và F2 ở bên ngoài cộng đồng là 149 người và một công ty may tiếp xúc với F1 phải dừng hoạt động. Trong khi đó, lực lượng an ninh chỉ có vẻn vẹn chưa đến 10 người. Trong quá trình đi xác minh, có người khi anh em đến nhà thì họ đi vắng; có người lại chỉ có tên mà không có họ, trong khi yêu cầu đặt ra là phải có đầy đủ họ tên. Đó còn chưa kể đến một số trường hợp khai báo không thành khẩn; một số do thời gian từ ngày 31-7 đến nay lúc nhớ, lúc quên, có khi vừa xác minh xong lại phải làm lại...

Tuy nhiên, chỉ sau vài ngày, Công an huyện Thanh Hà đã xác minh triệt để các trường hợp là F1 và F2. Cùng với việc truy vết, huyện Thanh Hà thành lập 3 chốt tại các điểm giáp ranh với TP Hải Dương; 4 chốt khác ở hai ổ dịch ở xã Cẩm Chế và Thanh Khê, hạn chế tối đa người ra vào khu vực có người tiếp xúc gần. 

Cùng với việc trực chốt, công tác tuyên truyền được đẩy mạnh, tăng cường. Từ đó, người dân Thanh Hà đã thấy được sự nguy hiểm của dịch bệnh; chủ các cơ sở kinh doanh đều tự giác chấp hành, đóng cửa. Một số người dân đi trên các tuyến xe buýt và đến một số cửa hàng có người nhiễm COVID-19 đã chủ chủ động khai báo; phối hợp với lực lượng Công an trong cuộc chiến đấu với kẻ thù vô hình nhưng vô cùng gian nan và nguy hiểm.

Công an huyện Thanh Hà đến từng nhà dân vận động khai báo y tế, tiến hành truy vết F1 và F2.

Ghi ở nơi tâm điểm phòng, chống dịch COVID-19

Những ngày này, TP Hải Dương là địa bàn chịu hậu quả nặng nề nhất của dịch COVID-19 tại Hải Dương, với tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp. Kể từ ngày 25-7 đến nay, trên địa bàn TP Hải Dương đã liên tiếp phát hiện các ca nhiễm COVID-19 (FO). 

Trong đó ngày 13-8, có 3 ca 906, 907, 908 đều lây nhiễm từ bệnh nhân Vũ Duy B (867) gồm Nguyễn Thị Ch (906), Đặng Quốc M (907), Vũ Thị L (908)... Công an TP Hải Dương đã truy vết được 499 trường hợp F1, khoảng trên 2.000 trường hợp F2, đã xác định có 239 người đã đến nhà hàng Thế giới bò tươi, nơi các F0 làm việc.

Ngay sau khi có quyết định của UBND tỉnh Hải Dương về việc kiểm tra, cách ly địa bàn TP Hải Dương, một cuộc họp dưới sự chủ trì của Giám đốc Công an tỉnh Hải Dương và Thường trực Thành ủy đã được tổ chức. 

Với nhiệm vụ được giao, Công an TP Hải Dương đã nhanh chóng xây dựng và triển khai phương án kiểm soát cách ly địa bàn TP Hải Dương và triển khai từ 0h ngày 14-8 trên địa bàn toàn thành phố; chỉ đạo lực lượng Công an tham gia phong tỏa điểm cách ly tại nhà hàng Thế giới bò tươi 36 Ngô Quyền, TP Hải Dương.

0h ngày 14-8-2020, 17 chốt kiểm soát cách ly trên địa bàn thành phố với sự vào cuộc tham gia tích cực của các ban, ngành, đoàn thể như Ban chỉ huy Quân sự, Y tế thành phố, Đoàn thanh niên và lực lượng tại cơ sở do lực lượng Công an làm chủ công, giữ vai trò tổ trưởng đã được thành lập. 

Trên cơ sở phát huy phương châm 4 tại chỗ trong công tác phòng dịch, cùng với việc triển khai thực hiện phương án, Công an TP Hải Dương cũng tranh thủ thời gian không kể ngày đêm truy vết các diện F1, F2, F3 của các ca F0. 

Đồng thời, tổ chức tuyên truyền cho nhân dân nắm được chủ trương phòng dịch của tỉnh và thành phố. Công an TP Hải Dương cũng bắt tay, tiếp tục chuẩn bị công tác hậu cần, điểm cách ly phục vụ cán bộ chiến sĩ, chuẩn bị các vật tư y tế,... làm việc với các ngành cùng chung sức chống dịch.

Đại tá Lê Ngọc Châu, Giám đốc Công an tỉnh kiểm tra tại chốt kiểm dịch trên địa bàn TP Hải Dương.

Tại khu vực 36 Ngô Quyền nơi phát dịch 4 ca F0, Công an TP đã tham mưu cho lãnh đạo thành phố chỉ đạo 3 phường Phạm Ngũ Lão, Bình Hàn thành lập 6 chốt kiểm soát, phong tỏa, cách ly nhằm khống chế dịch bệnh tiếp tục lây nhiễm ra cộng đồng và chỉ đạo Công an 3 phường bố trí 9 cán bộ, tham gia làm nhiệm vụ cùng các ban, ngành của phường. 

Đồng thời, tiếp tục phối hợp với Công an các huyện để kiểm soát tốt việc cách ly công dân tại TP Hải Dương; di chuyển ra ngoài thành phố, kiểm soát chặt chẽ số công dân vào thành phố; tổ chức chỉ đạo các chốt kiểm soát dịch hoạt động hiệu quả.

Công an thành phố cũng đã nhanh chóng thành lập tổ công tác đặc biệt gồm 61 đồng chí; lập danh sách 151 đồng chí phục vụ công tác phòng dịch.  Các đơn vị thuộc Công an thành phố hàng ngày có khoảng trên 300 cán bộ, chiến sỹ đều tập trung tham gia công tác phòng dịch.

Quyết liệt ngăn chặn dịch bệnh

Ngay sau khi Hải Dương xuất hiện các trường hợp lây nhiễm COVID-19 trong cộng đồng, Công an tỉnh Hải Dương đã phối hợp với các sở, ban, ngành và chính quyền địa phương nhanh chóng triển khai các biện pháp phòng chống dịch.

Cán bộ Công an vận động người dân chấp hành quy định chống dịch.

Ngay trong đêm 13-8, rạng sáng 14-8, các chốt phòng chống dịch tại các địa bàn thành phố, các huyện giáp ranh gồm Thanh Hà, Nam Sách, Cẩm Giàng, Tứ Kỳ, Gia Lộc đã được triển khai. Đến nay, đã thành lập điều chỉnh chốt cho phù hợp với tình hình thực tiễn với khoảng 68 chốt (trong đó có 28 chốt cấp huyện, 36 chốt cấp xã). 

Phát hiện 39 người có biểu hiện sốt qua các chốt kiểm dịch. Chỉ tính từ 0h đến 15h ngày 14-8, các chốt kiểm dịch trong tỉnh đã kiểm soát 8.986 lượt người và 6.428 lượt phương tiện. Qua kiểm soát đã phát hiện 39 người có biểu hiện sốt.

Cùng với việc chống dịch, Công an tỉnh cũng yêu cầu tất cả các đơn vị thường xuyên làm nhiệm vụ phòng chống, trấn áp tội phạm, không để tội phạm lợi dụng dịch bệnh để gây án. 

Vì vậy, đêm 14, rạng sáng ngày 15-8, tại khu vực trạm thu phí đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, thuộc địa phận thị trấn Gia Lộc, huyện Gia Lộc, các đơn vị nghiệp vụ của Công an tỉnh Hải Dương đã bắt 2 đối tượng đang vận chuyển 3kg ma túy đá...

Khó khăn vẫn còn ở phía trước, song vượt lên tất cả, cùng với cả hệ thống chính trị, các cán bộ Công an tỉnh Hải Dương vẫn đang chạy đua với thời gian  nhằm ngăn chặn dịch bệnh.

Xuân Mai

Đắk Song là huyện biên giới của tỉnh Đắk Nông, tiếp giáp với nước bạn Campuchia. Đây là địa phương có diện tích cây nông nghiệp lớn bậc nhất tỉnh Đắk Nông, gồm các loại chủ lực là cà phê, hồ tiêu và sầu riêng.

Chỉ sau hơn 1 tháng thực hiện Luật Căn cước, Hà Tĩnh đã có xã đầu tiên trên toàn tỉnh hoàn thành chỉ tiêu cấp thẻ căn cước cho công dân ở 3 độ tuổi. Đến nay, sau 4 tháng triển khai, Hà Tĩnh tiếp tục là một trong những địa phương dẫn đầu, xếp thứ 2 toàn quốc về tỷ lệ thu nhận hồ sơ cấp thẻ căn cước cho công dân trên địa bàn.

Diễn đàn “Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam – Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường lắng nghe nông dân nói” được tổ chức ngày 24/11 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng nhằm tuyên truyền, phổ biến, giải đáp, cung cấp thông tin để đẩy mạnh thi hành Luật Đất đai 2024, nhất là đối với những vấn đề liên quan đến đất đai trong nông nghiệp, nông thôn.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文