Những điều "đầu tiên" và "duy nhất" thú vị về APEC trong 3 thập kỷ phát triển
- Cụ thể hóa chủ đề Năm APEC và 4 ưu tiên hợp tác
- Lực lượng CAND hoàn thành tốt nhiệm vụ trong ngày đầu tiên APEC
- APEC Việt Nam 2017 – Vun đắp tương lai chung trong một thế giới đang chuyển đổi
Trải qua 3 thập kỷ phát triển với 4 lần mở rộng và kết nạp thành viên, APEC hiện là diễn đàn của 21 nền kinh tế khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Trong đó, Việt Nam, Nga, Peru vẫn được xem là những thành viên mới của diễn đàn dù đã gia nhập "ngót" 20 năm.
Nếu tính APEC như một thực thể thống nhất, đây sẽ là siêu nền kinh tế lớn nhất thế giới, đại diện cho hơn 2,8 tỉ dân, chiếm 59% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu và 49% thương mại thế giới. Kể từ khi thành lập, GDP thực của toàn APEC đã tăng từ 16.000 tỉ USD năm 1989 lên mức trên 20.000 tỉ vào năm 2016.
Trong khi đó, thu nhập bình quân đầu người trong APEC đã tăng 74%, giúp hàng triệu người thoát cảnh nghèo đói và tạo ra tầng lớp trung lưu ngày càng đông đảo. Có thể nói, những giá trị mà APEC mang lại cho các nền kinh tế thành viên cũng như thế giới là rất lớn.
Thế nhưng, APEC không chỉ là diễn đàn khô khan để các nhà lãnh đạo bàn riêng về phát triển kinh tế. Đó còn là "ngôi nhà chung", nơi các nhà lãnh đạo giao lưu, gặp gỡ, trao đổi quan điểm trong các cuộc gặp bên lề, song phương về những vấn đề cùng quan tâm hoặc giải quyết những khúc mắc còn đang tồn đọng, bất chấp những khác biệt và thay đổi về chính trị.
Một nhà quan sát quốc tế kì cựu từng nhận định, các cuộc họp, gặp mặt trong khuôn khổ APEC luôn "nhẹ nhàng" và đa dạng sắc màu, khác hẳn với những hội nghị, cuộc họp về an ninh hay thượng đỉnh chính trị mà chúng ta thường thấy. "Nếu ví APEC như một quốc gia, đây sẽ là quốc gia hạnh phúc với bản sắc được thay đổi theo từng năm", chuyên gia này ví von.
Hội nghị APEC đầu tiên
Ý tưởng về một cơ chế thương mại tự do cho khu vực châu Á - Thái Bình Dương lần đầu xuất hiện từ năm 1965 tại Nhật Bản. Trong thập niên 80 của thế kỉ trước, Hội đồng Hợp tác kinh tế Thái Bình Dương từng ủng hộ ý tưởng này một cách mạnh mẽ.
Tới ngày 31-1-1989, tại Seoul, Hàn Quốc, Thủ tướng Australia khi đó là ông Bob Hawke đã bất ngờ nêu bật ý tưởng về việc thành lập một diễn đàn cho các nền kinh tế trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương nhằm thúc đẩy hệ thống thương mại đa phương cũng như liên kết về kinh tế.
Không mất nhiều thời gian để hiện thực hoá ý tưởng, 10 tháng sau tại "xứ sở chuột túi", đại diện của 12 nền kinh tế nằm hai bên bờ Thái Bình Dương gồm Mỹ, Australia, New Zealand, Nhật Bản, Hàn Quốc, Canada, Brunei, Malaysia, Philippines, Singapore, Thái Lan và Indonesia đã tập trung tại thành phố Canberra, Australia trong ngày 6 và 7-11-1989 để lần đầu tiên tổ chức hội nghị và ra tuyên bố thành lập APEC.
Cuộc họp đầu tiên của APEC diễn ra tại Australia với sự góp mặt của 12 nền kinh tế thành viên. Ảnh: APEC.org |
"Lần đầu gặp mặt" của các nhà lãnh đạo APEC
Khi thành lập, các nền kinh tế thành viên ban đầu xác định APEC là một diễn đàn kinh tế đa phương ở cấp bộ trưởng. Bởi vậy, các cuộc họp APEC thường niên đầu tiên (1989-1992) đã diễn ra với quan chức tham dự ở cấp người đứng đầu bộ, ngành.
Cho đến năm 1993, khi ý thức rõ ràng hơn về tầm quan trọng của APEC, hội nghị hàng năm của diễn đàn đã bắt đầu được tổ chức với sự tham dự của người đứng đầu nền kinh tế đó hoặc người đại diện cho người đứng đầu. Hội nghị thường niên của APEC theo đó cũng được đổi tên thành "Hội nghị các nhà lãnh đạo các nền kinh tế APEC".
Sáng kiến về việc đổi mới này phát sinh từ cuộc họp giữa Tổng thống Mỹ khi đó là Bill Clinton cùng Thủ tướng Australia Paul Keating. Hai nhà lãnh đạo này tin rằng việc mời đại diện là người cấp cao nhất của mỗi nền kinh tế sẽ giúp đưa Vòng đàm phán Uruguay (về thuế quan và thương mại), vốn đang bị ngưng trệ, có thể sớm trở lại lộ trình.
Tại hội nghị cấp cao lần đầu tiên này, các nhà lãnh đạo APEC đã kêu gọi giảm thiểu rào cản thuế thương mại và đầu tư, đặt ra tầm nhìn một cộng đồng châu Á - Thái Bình Dương có thể thúc đẩy thịnh vượng thông qua hợp tác. Ủy ban Thư ký APEC sau đó cũng được thành lập và đặt ở Singapore để điều phối các hoạt động chung.
Với những quyết tâm đó, Hội nghị cấp cao của APEC cũng đã thành công khi thuyết phục được châu Âu kết thúc Vòng đàm phán Uruguay, dẫn đến việc hình thành WTO sau này.
Các nhà lãnh đạo APEC tề tựu tại Mỹ vào năm 1993. Ảnh: ITN |
Lần đầu tiên các nhà lãnh đạo APEC mặc "đồng phục"
Một điểm đặc biệt trong hội nghị thường niên APEC là trang phục do chủ nhà lựa chọn cho các lãnh đạo tham dự, trong đó phần lớn là những bộ đồ truyền thống, đơn giản nhưng bắt mắt và chứa đựng ý nghĩa tinh tế. Ý tưởng về "đồng phục" cho các nhà lãnh đạo APEC lần đầu tiên được áp dụng tại Mỹ ngay trong cuộc họp đầu tiên của các nhà lãnh đạo cấp cao APEC vào năm 1993.
Tổng thống Mỹ khi đó là Bill Clinton đã tặng cho 14 lãnh đạo APEC những chiếc áo khoác bomber đặc trưng của người Mỹ. Một năm sau, tại hội nghị các nhà lãnh đạo các nền kinh tế APEC diễn ra tại Bogor, chủ nhà Indonesia đã hưởng ứng ý tưởng của Mỹ bằng việc lựa chọn áo Batik truyền thống cho các nhà lãnh đạo mặc trong phiên chụp ảnh chung cũng như một số hoạt động chủ chốt. Kể từ đó, "đồng phục" APEC đã dần dần trở thành một thông lệ cho hoạt động quan trọng nhất năm của diễn đàn.
Khi lần đầu chủ trì Năm APEC 2006, Việt Nam đã lựa chọn áo dài làm trang phục cho các nhà lãnh đạo APEC. Bộ áo dài, khăn đóng đã thể hiện trọn vẹn bản sắc Việt Nam, đề cao tính chính trực và quân tử - thể hiện qua trục dọc, ngang của chiếc áo và hình chữ "nhân" của vành khăn, cũng như triết lý "ngũ luân" - thể hiện qua 5 nút cài của áo.
Lãnh đạo APEC tươi cười khi mặc áo dài Việt Nam tại APEC 2006 ở Hà Nội. Ảnh: Reuters |
Nữ lãnh đạo duy nhất chủ trì APEC
Với việc đăng cai tổ chức Năm APEC 1999 của New Zealand, nữ Thủ tướng chủ nhà Jenny Shipley đã trở thành nữ lãnh đạo đầu tiên và duy nhất chủ trì các hội nghị quan trọng trong khuôn khổ APEC trong suốt 3 thập kỷ hình thành và phát triển.
Hội nghị Cấp cao APEC lần 7 năm 1999 tại Auckland, New Zealand đã thông qua Tuyên bố chung xác định việc tăng cường hợp tác kinh tế-kỹ thuật là yếu tố cơ bản để nâng cao mức sống trong nhân dân hướng tới sự thịnh vượng, thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các nền kinh tế châu Á-Thái Bình Dương; cuộc khủng hoảng tài chính cho thấy rõ hơn tầm quan trọng của sự hợp tác xây dựng năng lực quản lý, việc trao đổi khoa học và công nghệ, phát triển cơ sở hạ tầng. New Zealand sẽ đăng cai APEC lần kế tiếp vào năm 2021.
Nhà lãnh đạo dự APEC nhiều lần nhất
Trong 24 lần Hội nghị các nhà lãnh đạo các nền kinh tế APEC được tổ chức từ năm 1993 đến năm 2016, Quốc vương Bruinei Hassanal Bolkiah là nhà lãnh đạo tham dự sự kiện này nhiều lần nhất.
Quốc vương Hassanal Bolkiah lên ngôi từ năm 1967, đăng quang chính thức vào năm 1968, và trị vì đất nước cho tới ngày nay. Brunei cũng là 1 trong 12 nền kinh tế tham gia vào quá trình hình thành của APEC và có đại diện tham dự các hoạt động của diễn đàn kinh tế quan trọng hàng đầu khu vực ngay từ năm 1989.
Người kế tiếp Quốc vương Hassanal Bolkiah trong danh sách là Tổng thống Nga Vladimir Putin, ông đã 11 lần tham dự Hội nghị các nhà lãnh đạo các nền kinh tế APEC.
Ông Putin giữ chức Tổng thống Nga trong giai đoạn dài, nhiệm kỳ 2000 - 2008 và từ 2012 đến nay. Hai lần Tổng thống Putin không dự họp cấp cao APEC, mà cử Thủ tướng Nga đi thay, là vào năm 2002 và 2015. Cả Quốc vương Hassanal Bolkiah và Tổng thống Nga Vladimir Putin đều đã xác nhận tham dự Tuần lễ Cấp cao APEC 2017 tại Việt Nam.
Những con số biết nói về Tuần lễ Cấp cao APEC 2017
Tuần lễ Cấp cao APEC 2017 với chủ đề "Tạo động lực mới, cùng vun đắp tương lai chung" chính thức bắt đầu từ ngày 6 đến ngày 11-11 tại thành phố Đà Nẵng. Cùng điểm lại những con số ấn tượng về sự kiện ngoại giao quan trọng này:
21- Là số lãnh đạo các nền kinh tế thành viên APEC xác nhận tham gia Hội nghị các nhà lãnh đạo APEC tại Việt Nam. Như vậy, lãnh đạo toàn bộ thành viên của APEC đều đã khẳng định tham dự Tuần lễ Cấp cao APEC 2017 do Việt Nam đăng cai.
10.000 - Là số đại biểu ngoài nước tham gia các hoạt động của Tuần lễ Cấp cao APEC 2017 diễn ra tại Đà Nẵng. Ngoài ra, 2.000 doanh nghiệp Việt Nam và khu vực cũng đã đăng ký tham dự Hội nghị Thượng đỉnh doanh nghiệp APEC 2017 cùng một số sự kiện liên quan. Tại Hội nghị này, Chủ tịch nước Trần Đại Quang sẽ có bài phát biểu khai mạc trong khi nhiều nhà lãnh đạo APEC khác cũng sẽ phát biểu trước các doanh nhân.
3.000 - Là số lượng phóng viên trong và ngoài nước tới Đà Nẵng đưa tin về các hoạt động tại Tuần lễ Cấp cao APEC 2017. Trong số đó có hơn 1.000 phóng viên, nhà báo của các hãng thông tấn, báo chí nước ngoài.
759 - Là số tình nguyện viên và liên lạc viên được lựa chọn và tập huấn kỹ năng trong nhiều ngày để đảm bảo hỗ trợ tốt nhất cho hoạt động của các nhà lãnh đạo các nền kinh tế và các đoàn quốc tế cũng như hỗ trợ phóng viên trong thời gian diễn ra Tuần lễ Cấp cao APEC.
1.600 - Là số lượng phương tiện di chuyển mà chủ nhà Việt Nam chuẩn bị để phục vụ công tác đưa đón, đi lại của các đại biểu tham gia Tuần lễ Cấp cao APEC 2017. Các tài xế phục vụ APEC đều đã được tập huấn kỹ năng kĩ lưỡng để đảm bảo an toàn tuyệt đối cho các đại biểu khi di chuyển.
792 - Là số lượng camera được lắp đặt tại thành phố Đà Nẵng để đảm bảo công tác giám sát tình hình an ninh, giúp lực lượng chức năng đề ra phương án nhanh chóng khi có sự cố xảy ra.
500 nhân viên y tế đã được điều động để thành lập 32 tổ cấp cứu thường trực và dự phòng phục vụ Tuần lễ Cấp cao APEC 2017. Bên cạnh các công tác quan trọng như đảm bảo vệ sinh môi trường, thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh, đảm bảo tốt an toàn vệ sinh thực phẩm, các tổ y tế, bệnh viện đều được bố trí trực 24/24h để xử trí các trường hợp cấp cứu và điều trị kịp thời đối với các đại biểu tham dự Tuần lễ Cấp cao trong trường hợp không may bị ốm, chấn thương, tai nạn cũng như đối phó với các tình huống khẩn cấp khác.