Những kiều nữ sống bằng nghề… lừa đảo
1.Mới đây, cơ quan CSĐT Công an TP Hà Nội đã ra quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam Ngô Thị Hoàng Điệp (SN 1983, trú tại An Lão, Bình Lục, Hà Nam - có tên gọi khác là Ngô Thị Phương Linh). Đây đã là lần thứ 3 Linh bị khởi tố, bắt giam về hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Ngoài ra, đối tượng còn có một tiền sự - bị xử lý hành chính, cũng về hành vi lừa đảo.
Sinh ra và lớn lên tại một gia đình khá “cơ bản” tại huyện Bình Lục (Hà Nam), với khuôn mặt ưa nhìn, dáng cao ráo, 18 tuổi Linh đã lập gia đình và có 2 con, một trai, một gái với người chồng đầu. Sau khi bỏ chồng, từ năm 2011 đến nay, Linh còn kết hôn hai lần với hai “phi công trẻ”. Tuy nhiên người phụ nữ ít học, chẳng lo vun vén gia đình mà chỉ ham chơi bời, lấy nghề lừa đảo làm nghề chính.
Đối tượng Ngô Thị Hoàng Điệp (tức Linh). |
Thông tin điều tra từ cơ quan công an cho thấy, khoảng tháng 6-2010, Linh cùng với đối tượng Nguyễn Thị Xuân mở văn phòng kinh doanh du lịch và bán vé máy bay. Tuy nhiên, ý đồ của Linh là đăng tin tuyển lao động để thu tiền đặt cọc của người đến xin việc và chia nhau. Từ ngày 15 đến 25-6-2010, Linh và Xuân đã lừa 4 phụ nữ đến xin việc để chiếm đoạt tiền đặt cọc.
Sau đó TAND huyện Từ Liêm đã tuyên phạt Linh và Xuân mỗi bị cáo 9 tháng tù (cho hưởng án treo). Trong thời gian thử thách, Linh tiếp tục đi lừa và bị Tòa án nhân dân quận Lê Chân (TP Hải Phòng) tuyên phạt 36 tháng tù giam. Trước đó, tháng 4-2007, Linh đã bị UBND quận Thanh Xuân (Hà Nội) xử phạt hành chính 7,5 triệu đồng, cũng với hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
“Tu” được một thời gian, đầu năm 2019, Linh “chập” với đối tượng Phạm Văn Hòa (trú tại Nam Định) để thực hiện nhiều phi vụ lừa bán vé máy bay giá rẻ.
Trong số nạn nhân của Linh có không ít người đang đi xuất khẩu lao động. Chị Phạm Thị H (SN 1984, trú tại Lập Thạch, Vĩnh Phúc), một nạn nhân của Linh, kể rằng chị đi xuất khẩu lao động tại Đài Loan từ năm 2016, đến tháng 3-2019 thì hết hạn. Tháng 2-2019, chị lên mạng Internet để tìm hiểu việc mua vé máy bay để về nước.
Chị đã liên hệ với một tài khoản facebook mang tên “Minh Phương” tự giới thiệu có bán vé máy bay giá rẻ từ các hãng hàng không của Việt Nam. Giá của Minh Phương đưa ra rẻ hơn từ 30-50% so với các đại lý khác. Chị H. đã đặt mua vé của tài khoản facebook Minh Phương cho mình, đồng thời gom tiền của 16 đồng nghiệp cùng công ty có nhu cầu mua vé máy bay từ Đài Loan về Việt Nam để gửi cho đối tượng.
Tổng số tiền là hơn 40 triệu đồng. Gần đến ngày bay, chị H. lên mạng kiểm tra lại thì phát hiện mình và rất nhiều đồng nghiệp chưa hề được đặt vé. Chị đã nhắn cho chủ tài khoản Minh Phương để đòi lại tiền, song không được.
Anh Phùng Văn Đ. (SN 1978, trú tại Tứ Kỳ, Hải Dương) cho biết, ngày 25-2-2019, anh Đ. được em gái ở Đài Loan nhờ chuyển tiền để mua vé máy bay về nước. Anh Đ. đã ra bưu điện gửi gần 10 triệu đồng vào tài khoản của một đối tượng có tên Minh Phương, mở tại ngân hàng Techcombank. Tuy nhiên, sau đó em gái của anh Đ. cho biết không nhận được vé máy bay. Đối tượng đã lừa đảo chiếm đoạt mất số tiền trên.
Và tài khoản “Minh Phương”, không ai khác chính là do Phương Linh “thủ vai”. Với thủ đoạn “chui” vào các hội nhóm của người lao động Việt Nam ở ngoài nước, rao bán vé máy bay giá rẻ, nhóm Linh - Hòa đã thực hiện thành công nhiều phi vụ, tổng số tiền chiếm đoạt lên tới hàng trăm triệu đồng.
Oái oăm hơn, một số lao động Việt Nam do tin tưởng các đối tượng nên không check lại thông tin. Cho đến ngày giờ lên máy bay mới phát hiện ra chưa hề đặt được vé, và phải sống vất vưởng nhiều ngày nơi đất khách quê người để chờ mua vé lại.
Theo một điều tra viên Phòng Cảnh sát hình sự Công an TP Hà Nội, thời điểm tóm được đối tượng tại khách sạn, Linh mang theo nhiều va ly, túi xách, nói là đi du lịch, nhưng thực chất là đi trốn bởi thị đã lừa rất nhiều phi vụ và đang bị các bị hại truy tìm ráo riết. Khi được đưa về cơ quan điều tra khai thác, ban đầu Linh luôn quanh co chối tội và không khai ra đồng phạm.
Khi Linh đã “nhập trại”, cơ quan công an vẫn tiếp tục nhận được nhiều đơn trình báo của các bị hại khác. Chị Nguyễn Thu Tr. (SN 1988, trú tại TP Hải Dương) cho biết, tháng 6-2019, chị và một người bạn đã liên hệ với Linh để đặt mua 5 vé máy bay sang Nhật vào cuối năm nay. Số tiền chị chuyển cho Linh gần 20 triệu đồng và yêu cầu đối tượng xuất vé. Tuy nhiên Linh đã bịa ra nhiều lý do để trì hoãn, cho đến nay vẫn không trả vé hay tiền cho chị Tr.
2. Giống như Phương Linh, đối tượng Hoàng Thị Kim Hoa (tên gọi khác là Hoàng Thị Lan Anh – SN 1983, trú tại Kiến An, Hải Phòng) cũng lừa được hàng chục người. Thị đã “tàng hình” được một thời gian khá dài. Cho đến tháng 7-2019, cơ quan công an mới bắt được Hoa.
Cuối tháng 7-2019, cơ quan CSĐT Công an quận Long Biên đã tiến hành thủ tục phục hồi điều tra vụ án “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” xảy ra năm 2016 tại quận Long Biên, đối với Hoa. Quá trình điều tra xác định tổng số tiền “nữ quái” này chiếm đoạt theo nội dung các đơn trình báo của người bị hại ở nhiều địa phương lên tới nhiều tỷ đồng.
Cụ thể đầu năm 2016, qua người quen giới thiệu, ông Hoàng Văn T, ở Quảng Bình, đến gặp Hoàng Thị Kim Hoa (khi đó Hoa giới thiệu tên là Nguyễn Thị Lan Anh) tại một tòa biệt thự sang trọng trên địa bàn quận Long Biên để nhờ Hoa lo thủ tục cho 3 thân nhân của ông T. đi xuất khẩu lao động tại Đức.
Hoa thông báo chi phí để làm thủ tục cho 3 trường hợp này là 31.000 USD, và từ 2 đến 4 tháng, các thủ tục sẽ hoàn tất. Việc chuyển tiền ông T. được Hoa hướng dẫn gửi vào tài khoản mang tên Nguyễn Thị Duyên, Chi nhánh Agribank Bắc Hà Nội.
Ông T. đã 4 lần chuyển tổng số tiền 682 triệu đồng vào tài khoản Nguyễn Thị Duyên. Tuy nhiên sau khi nhận tiền, Hoa không lo được thủ tục cho 3 người thân của ông T. như cam kết.
Chung số phận với ông T. là anh Long, ở Quảng Bình. Đầu năm 2017, anh Long đến gặp Hoa tại khu biệt thự ở quận Long Biên để nhờ lo giúp đi xuất khẩu lao động. Tại cuộc gặp này, Hoa hứa hẹn từ 1 đến 3 tháng sẽ làm thủ tục cho anh Long đi xuất khẩu lao động tại Đức với giá là 18.000 Euro.
Anh Long đưa trước cho Hoa 2.000 Euro, và khoảng 1 tuần sau, Hoa lại gọi anh Long ra Hà Nội, đến 1 căn hộ chung cư hạng sang ở quận Hai Bà Trưng. Tại đây, anh Long cùng một số người khác được Hoa tổ chức cho đi tour du lịch Malaysia – Singapore. Khi về, Hoa yêu cầu anh Long chuyển nốt tiền để cô ta làm thủ tục xuất ngoại.
Anh Long đã nhờ người chuyển cho “người nhà của Hoa ở Đức” (theo yêu cầu của Hoa) số tiền 10.000 Euro; ngoài ra vợ anh Long cũng đã gửi 144 triệu đồng vào tài khoản ngân hàng của Hoa. Nhận tiền, Hoa viết giấy biên nhận rồi đưa lại cho anh Long. Tuy nhiên sau một thời gian dài anh Long vẫn… chưa rời được Quảng Bình.
Siêu lừa Hoàng Thị Kim Hoa. |
Ngoài các bị hại trên, Hoa còn lừa anh Nguyễn Văn T, ở Ứng Hòa, Hà Nội, cùng người yêu là chị Phạm Thị M, ở Hải Dương, để đưa em trai chị M. sang Đức và làm thẻ định cư tại Ba Lan, chiếm đoạt 33.000 Euro .
Cũng với thủ đoạn trên, Hoa đã lừa của hai người ở Bắc Giang 770 triệu đồng; lừa của một người ở Bắc Ninh 80 triệu đồng, 9.000 Euro và 6.000 USD. Sau những phi vụ trên, Hoa “chuồn” về thành phố Ninh Bình thuê một cửa hàng và mở shop bán quần áo và “ung dung” kinh doanh như không có chuyện gì xảy ra.
Căn cứ tài liệu điều tra, ngày 2-8-2018, cơ quan CSĐT Công an quận Long Biên đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”; quyết định khởi tố bị can và lệnh bắt bị can để tạm giam đối với Hoàng Thị Kim Hoa về hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
Do Hoàng Thị Kim Hoa bỏ trốn nên ngày 1-4-2019, cơ quan CSĐT Công an quận Long Biên đã ra quyết định truy nã đối với “siêu lừa” này. Ngày 8-7-2019, Công an tỉnh Ninh Bình đã bắt được Hoàng Thị Kim Hoa, sau đó bàn giao đối tượng cho Công an quận Long Biên. Hoàng Thị Kim Hoa cũng đang bị Công an tỉnh Hải Dương truy nã, cùng về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.