Những "lão nông" mê gốm cổ

11:20 12/09/2013

Một bảo tàng gốm cổ được xây dựng nhờ tâm huyết của 5 "già làng", hơn 10 năm lặng lẽ đi tìm và lưu giữ lại một làng nghề truyền thống bên bờ sông Hồng - làng gốm cổ Kim Lan (Gia Lâm, Hà Nội). Bảo tàng đã được xây, cổ vật đã được trưng bày, nhưng mong muốn cuối đời của những cụ già không chỉ dừng lại ở đó. "Chúng tôi sưu tầm gốm cổ vì nhân dân, và chúng tôi muốn nó được trả lại cho nhân dân, cho cộng đồng".

Cả đời mắc nợ với đất

5 già làng trong nhóm nghiên cứu Tìm lại cội nguồn của làng gốm cổ Kim Lan, giờ chỉ còn lại hai. Một cụ đã về nơi thiên cổ. Một cụ bị tai biến, nằm bất động. Một cụ bỏ nhóm, quay lại công viêc kinh doanh cùng con cháu. Chỉ còn lại cụ Hồng, cụ Nhung. Người sống cũng đã ở tuổi gần đất xa trời. Thế nhưng khi nói về gốm, về những di sản của mảnh đất gốm cổ Kim Lan, cả cụ Hồng và cụ Nhung đều hăm hở. Giọng run run, xúc động.

Trong ngôi nhà tranh đơn giản, thậm chí khá tuềnh toàng, chất đầy những gốm cổ, cụ Hồng, trưởng nhóm kể cho tôi nghe câu chuyện về hành trình đi tìm lại dấu vết của một làng nghề. Hành trình đó cũng gian nan, nhọc nhằn lắm.

"Tôi cả đời mắc nợ với đất, sinh ra từ đất và sống cùng với đất. Vì thế, gốm dẫn dụ tôi đi tìm về lịch sử của nó. Từ xưa tôi đã tin rằng, đây là một làng nghề có từ hàng nghìn năm trước. Đây, rất nhiều cổ vật theo từng niên đại đang đắp chiếu nằm đó". Nói rồi cụ Hồng chỉ vào cái buồng nhỏ - bảo tàng tạm bợ để chất đồ bên cạnh chiếc giường ngủ. Hàng nghìn cổ vật vẫn nằm im lìm ở góc nhà tuềnh toàng này.

Hồi đó, năm 1945,  nước sông Hồng dâng cao, cuốn trôi 3 xã trong làng. Người dân nhặt được rất nhiều tiền cổ. Nhiều người còn nhặt được cả chum cổ. Nhưng ngày đó, họ chưa biết về giá trị của cổ vật. Cụ Hồng ngược xuôi, mua lại được một chum tiền từ đám trẻ chăn trâu. Vốn biết chữ Hán cộng với cuốn từ điển tiền cổ, cụ cần mẫn tách và phân loại từng đồng xu. Cụ Hồng ngạc nhiên khi nhận thấy sự liên tục của một quá trình lịch sử hơn một thiên niên kỷ từ 118 trước công nguyên, đến năm 1008 trong những đồng tiền được đánh dấu niên đại này. Cụ trộm nghĩ, chắc chắn từ xưa, làng Kim Lan từng rất giàu có và có giao thương buôn bán.

Cụ Nguyễn Văn Nhung đang kể câu chuyện về gốm.

Bí ẩn từ chum tiền cổ thôi thúc cụ Hồng đi tìm câu chuyện về làng Kim Lan. Nhà cụ ngay cạnh bờ sông, mỗi lần ra sông giặt giũ, sinh hoạt, tìm thấy một mảnh gốm, cụ Hồng lại nhặt mang về nhà. Mê vì nó đẹp và lạ, có những hoa văn, những màu men tự nhiên và độc đáo mà ngày nay không thể phục dựng lại được. Đến đầu những năm 1990, sông bị lỡ nhiều, càng lộ ra nhiều mảnh gốm. Vốn là Quản đốc phân xưởng Xí nghiệp gốm sứ Bát Tràng, nên nhìn mảnh gốm, cụ Hồng nhận ra đó là gốm cổ.

Thế rồi, một cơ duyên đến để 5 cụ già làng Kim Lan gặp nhau và thành lập nhóm Tìm lại cội nguồn. Đó là năm 1997, câu chuyện về một ngôi làng bên bờ sông Hồng chứa đựng cả một kho báu đã khiến giới khảo cổ học và đám buôn đồ cổ tìm về. Kẻ gạ mua. Người dọa thu hồi gốm cổ. Nhưng với cụ Hồng, đó đâu phải những thứ để người đời tranh giành, mua bán. Hồi đó, trong làng, có nhiều cụ quan tâm đến việc tìm hiểu lịch sử và văn hóa làng Kim Lan. Tình yêu gốm và khát vọng giữ lại dấu vết về một làng gốm cổ cho con cháu đã đưa các cụ đến gặp nhau.

Cụ Nguyễn Văn Viện (đã mất), em trai cụ Nguyễn Văn Nhung có máy ảnh và máy quay nên phụ trách mảng tư liệu ảnh. Cụ Nhung biên tập về lịch sử và niên đại của các loại cổ vật. Hai cụ khác cùng sưu tầm với cụ Hồng. Còn cụ Hồng là người phụ trách chung, người có thể đọc làu làu tên từng mảnh gốm cổ được kỳ công sưu tầm. "Chúng tôi thành lập nhóm để bảo vệ nhau và tự bảo vệ công việc của mình". Hành trình đó, chính thức bắt đầu từ ngày 28 tháng 5 năm 1999, nhưng thực ra công việc lặng thầm của các cụ bắt đầu từ 10 năm trước.

 "Tôi buồn lắm. Chúng tôi sưu tập gốm cổ để cho con cháu làng Kim Lan, không phải để bán, mua, đổi chác. Thế mà hồi đó, tôi cười vì gốm mà khóc cũng vì gốm. Nhiều kẻ ghen ghét, xì xầm khi các nhà khảo cổ học Nhật Bản về làng cùng nhóm chúng tôi khai quật di chỉ ven sông Hồng, họ bảo tôi gọi người nước ngoài về đào bán hết đồ cổ của làng. Chúng tôi làm vì nhân dân nên có thể bây giờ họ không hiểu, nhưng sau này con cháu sẽ hiểu". Cụ Nhung giọng run run xúc động: "Tôi tin đến sau này, đời con, đời cháu làng Kim Lan sẽ hiểu những giá trị của gốm cổ và biết nâng niu những báu vật của ông cha". Niềm tin đó đã giúp các cụ vượt qua những trở ngại và gìn giữ trọn vẹn bộ sưu tập gốm cổ của mình.

Bảo tàng gốm và giấc mơ khôi phục làng gốm Kim Lan

Nỗi buồn của cụ Hồng.
Nằm lọt trong không gian cổ kính của làng Kim Lan, đây là một bảo tàng khảo cổ học cộng đồng độc đáo được xây dựng do nỗ lực của 5 "già làng" và sự giúp sức của nhà khảo cổ Nhật, ông Nishimura Masanari, người khi chết đã muốn được chôn ở chính mảnh đất này. Ba lần khai quật tại di chỉ Hàm Rồng đã phát lộ về một nền văn hóa rực rỡ trong lòng đất. Những mảnh gốm vô tri đã được gọi tên và xác định niên đại. Nhưng mong muốn của các cụ không dừng lại ở đó. Mơ ước về một bảo tàng, nơi có thể trưng bày các hiện vật cho bà con Kim Lan xem và lưu giữ lại những cổ vật luôn nung nấu trong các cụ.

"Đáng lẽ bảo tàng được xây dựng từ năm 2001, ngày đó chúng tôi đã được Nishimura Masanari giúp đỡ về cách thức làm bảo tàng, rồi qua Bắc Ninh học hỏi, nhưng do nhiều vướng mắc, đến tận 2012, Bảo tàng gốm Kim Lan mới được hoàn thành". Cụ Nhung nhớ lại, năm 2005, ông Nishimura Masanari đã mua tủ kính về trưng bày và tổ chức một cuộc hội thảo về gốm ngay tại làng Kim Lan nhân lễ hội làng. Nhưng hội thảo xong, gốm lại chuyển về góc nhà cụ Hồng, đắp chiếu nằm đó.

Ròng rã hơn 10 năm, mơ ước về một bảo tàng trưng bày gốm mới trở thành hiện thực. Hơn 300 cổ vật đang được trưng bày, theo từng niên đại, có đánh số và chú thích rõ ràng. Những mảnh gốm vô tri vô giác trở nên có linh hồn. Gốm mang câu chuyện của gốm. Còn người mang nỗi niềm của người. Cụ Nhung chỉ vào từng cổ vật được bày trong lồng kính, và kể cho chúng tôi nghe sự kỳ công của người sưu tầm. Những mảnh vỡ của chiếc bát men xanh lá cây kia cụ Hồng phải nhặt ba năm vẫn chưa tròn chiếc bát. Có những mảnh gốm được xác định từ niên đại thứ 3 sau CN...

Nhưng đó chỉ là một phần trong di sản mà nhóm Tìm lại cội nguồn trưng bày tại Bảo tàng Kim Lan. Hơn 1.000 hiện vật vẫn còn ngổn ngang ở góc nhà cụ Hồng. "Tôi rất muốn hiến tặng toàn bộ cổ vật này cho những người biết giá trị của nó. Chỉ sợ, khi cổ vật không còn trong tay mình thì nó cũng biến mất vì thế sự nổi trôi. Cổ vật một lần nữa lại thất lạc. Như thế, sẽ có tội với con cháu làng Kim Lan này lắm". Nói rồi cụ Hồng thở dài.

Một góc bảo tàng gốm Kim Lan.

Từ năm 2007, việc khai thác cát bừa bãi ở sông Hồng đã làm ảnh hưởng đến địa chất vùng này. Những cổ vật còn lại vĩnh viễn nằm sâu trong lòng đất, mang theo câu chuyện bí ẩn về một nền văn hóa, mà các nhà khảo cổ học khẳng định rằng, không ở đâu các tầng văn hóa lại liên tục và nguyên vẹn như làng Kim Lan.

Còn các cụ già, giờ đã gần đất xa trời. Tâm huyết và tình yêu làng của các cụ đã không tìm được tiếng nói chung với thế hệ. Rất nhiều rào cản khiến các cụ mệt mỏi. Cũng vì mê gốm, yêu làng mà ngôi nhà cụ Hồng đang sống đến nay vẫn chưa được cấp sổ đỏ. Duy chỉ có tình yêu với gốm, với làng và mong muốn được quảng bá về một làng gốm rực rỡ bên bờ sông Hồng thì vẫn còn tha thiết lắm. 

Kim Lan chỉ cách Bát Tràng có một con sông, từ thế kỷ 13 đã xuất khẩu gốm đi khắp mọi nơi, nhưng mấy ai biết đến một làng gốm cổ. Gốm màu men tự nhiên, tinh xảo và độc đáo, từ hình dáng, nét vẽ.

Một tuyến du lịch dọc bờ sông Hồng đang được khai thác. Nghe nói, sẽ đi qua làng gốm Kim Lan. Nhưng ai sẽ là người kể câu chuyện về gốm nếu không phải là cụ Hồng, cụ Nhung. "Tôi muốn bảo tàng được mở cửa, và khách du lịch có thể vào tham quan để quảng bá về làng gốm của mình". Chừng như, đó vẫn chỉ là giấc mơ của các cụ già ở tuổi gần đất xa trời này mà thôi.

Bảo tàng khảo cổ học cộng đồng độc đáo do 5 già làng Kim Lan và nhà khảo cổ học Nishimura Masanari xây dựng được đề cử giải thưởng Bùi Xuân Phái vì tình yêu Hà Nội. Nhưng khi nghe nói đến giải thưởng, các cụ vẫn thản nhiên: Chúng tôi làm vì người dân Kim Lan, chứ đâu phải để được vinh danh. Còn rất nhiều nỗi niềm của cụ Hồng, cụ Nhung khi nghề gốm Kim Lan đang dần bị lãng quên.

Khánh Linh

Sau hơn 6 giờ nỗ lực tìm kiếm, lực lượng chức năng cùng người dân đã phát hiện, vớt thành công thi thể của 2 mẹ con nhảy cầu tự tử vào trưa cùng ngày.

Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump mới đây đã cáo buộc Panama tính phí quá cao khi sử dụng kênh đào Panama và cho biết nếu Panama không quản lý kênh đào theo cách chấp nhận được, ông sẽ yêu cầu đồng minh này của Mỹ giao lại kênh đào.

Tại Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam 2024, nhiều loại vũ khí trang bị hiện đại của QĐND Việt Nam đã được trưng bày, nổi bật là vũ khí lục quân đã thu hút sự quan tâm của các đoàn khách quốc tế và đông đảo người dân.

Sáng 22/12, cầu thủ Văn Toàn đã được đưa đi kiểm tra y tế sau chấn thương gặp phải trong trận đấu với đội tuyển Myanmar. Kết quả kiểm tra cho thấy cầu thủ này có thể phải ngồi ngoài sân trong các trận đấu còn lại của ASEAN Cup 2024.

Sau 12 năm kể từ ngày được khởi công và 17 năm kể từ ngày dự án được phê duyệt, lúc 10h sáng ngày 22/12, tuyến Metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) của TP Hồ Chí Minh đã chính thức vận hành thương mại để phục vụ nhu cầu đi lại của người dân…

Sau cơn lũ dữ, làng Nủ (xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên, Lào Cai) đang dần hồi sinh với những đổi thay tích cực. Trong khung cảnh núi rừng xanh thẳm, tiếng cười nói hồn nhiên của trẻ thơ vang lên từ những điểm trường nhỏ, như khúc nhạc vui thổi bừng sức sống mới. Những mái trường giản dị nay trở thành nơi khơi dậy hy vọng, nơi ươm mầm tri thức cho thế hệ tương lai của làng Nủ – một biểu tượng cho sự kiên cường và tinh thần vượt khó của bà con nơi đây.

Thời tiết tại các tỉnh thành miền Bắc tiếp tục duy trì giá rét với nền nhiệt đêm và sáng sớm ở mức thấp 11-13 độ C, trong ngày tăng lên mức 18-22 độ. Một số nơi có thể có mưa bất chợt.

Quân đội Mỹ đã tiến hành các cuộc không kích nhằm vào các mục tiêu có liên quan đến phiến quân Houthi tại thủ đô Sanaa của Yemen, bao gồm một cơ sở lưu trữ tên lửa và một địa điểm "chỉ huy và kiểm soát".

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文