Những người "giấu mặt" trong khu cách ly

14:14 20/08/2020
Đằng sau lớp khẩu trang, kính chắn giọt bắn, đồ bảo hộ y tế, đó là chuỗi ngày làm việc vất vả không quản khó khăn trước nguy cơ lây nhiễm dịch COVID-19, là những câu chuyện cảm động về đội ngũ bác sĩ, điều dưỡng, nhân viên y tế trong hành trình chống dịch trên địa bàn Thủ đô. Nhiều người vẫn gọi các anh, các chị với cái tên thân thương - người "giấu mặt" trong khu cách ly. 


1. Khu cách ly tập trung các trường hợp F1- có tiểu sử tiếp xúc gần với ca bệnh hoặc trở về từ vùng dịch COVID-19 của Bệnh viện Công an thành phố Hà Nội với 44 phòng nghỉ đầy đủ tiện nghi, công trình phụ khép kín tọa lạc trên con phố nhỏ nằm trong Khu đô thị Văn Phú - quận Hà Đông (Hà Nội). Đến Khu cách ly vào thời điểm dịch COVID-19 đang tái bùng phát trong cộng đồng, chúng tôi cảm nhận được sự khẩn trương, nỗ lực của các bác sĩ, điều dưỡng, nhân viên y tế - cán bộ chiến sĩ Công an khoác áo blouse trắng nơi đây.

Khu cách ly tập trung với 107 trường hợp thuộc diện F1 đang được theo dõi sức khỏe thoảng mùi thuốc khử trùng, khử khuẩn. Các anh, các chị - những bác sĩ, điều dưỡng, nhân viên y tế Bệnh viện Công an thành phố Hà Nội đang ngày đêm trực tiếp đảm nhận nhiệm vụ theo dõi, nỗ lực bảo đảm an toàn, sức khỏe cho người cách ly luôn trong hình ảnh người "giấu mặt".

Đại úy Dương Thanh Loan - điều dưỡng Khoa Nội tổng hợp, là người có nhiều thời gian gắn bó với Khu cách ly tập trung của Bệnh viện trong mùa dịch COVID-19 vừa qua chia sẻ rằng thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo Bệnh viện cũng như các quy định của ngành Y tế, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, chị cùng đồng nghiệp luôn phải mặc trang phục phòng, chống dịch.

Những người "giấu mặt" kiểm tra thân nhiệt các trường hợp cách ly tại Bệnh viện Công an thành phố Hà Nội.

"Mỗi lần vận bộ trang phục bảo hộ y tế phòng chống dịch, cơ thể tựa đang trong phòng xông hơi vậy. Nóng và ẩm. Thi thoảng, hơi nước lại bốc lên khiến kính bảo hộ bị mờ đi. Thậm chí, có hôm chuyển đồ lên tầng 6, do không thoát khí, thiếu chút nữa thì ngã khuỵu… Dẫu vậy, mình và anh em đều cố gắng, tất cả không để dịch lây lan!", Đại úy Dương Thanh Loan tiếp lời.

Để đảm bảo yêu cầu về cách ly, hạn chế tối đa nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh COVID-19, Khu cách ly tập trung của Bệnh viện được bố trí hệ thống cầu thang bộ riêng biệt nối lên tầng 4, 5 và 6 của tòa nhà - nơi bố trí phòng nghỉ cho người cách ly. Do không có cầu thang máy, nên hàng ngày, các bác sĩ, điều dưỡng, nhân viên y tế trong trang phục "giấu mặt" nơi đây lặng thầm hàng chục lượt lên xuống khu cách ly bằng cầu thang bộ để vận chuyển thức ăn, đồ dùng cá nhân của người nhà gửi cho các trường hợp cách ly cũng như dọn vệ sinh, khử khuẩn phòng cách ly.

Việc đi lại, leo cầu thang bộ trong bộ đồ "giấu mặt" vất vả là thế, khó khăn là vậy, nhưng với những bác sĩ, điều dưỡng, nhân viên y tế luôn tâm niệm "nỗ lực không ngừng để chống dịch". Khó khăn đối với Trung úy - bác sĩ Nguyễn Văn Nam, Thiếu úy - bác sĩ Nguyễn Thành Đạt, Đại úy - điều dưỡng Dương Thanh Loan, Thiếu úy - điều dưỡng Nông Thị Bưởi, nhân viên hậu cần Võ Thị Minh Nga, Phùng Bích Hồng, Nguyễn Thu An, Dương Thị Thảnh, Nguyễn Hồng Thủy, Đặng Thị Nghĩa v.v.. nào có hề gì.

2. Khi mới cùng đồng nghiệp vào khu cách ly, anh Q.- một trường hợp F1 cảm thấy lo lắng, không biết chuỗi ngày sau sẽ ra sao. Song, ngày qua ngày, liên tục nhận được những lời động viên, chia sẻ trực tiếp cũng như thông qua tin nhắn, điện thoại, cảm giác lo lắng, bồn chồn trước đó trong anh đã không còn nữa. "Chính những lời động viên, thăm hỏi tận tình của các anh, các chị "giấu mặt" nơi đây đã giúp tôi tránh được "tâm bệnh". Mỗi ngày trôi qua, là mỗi ngày tâm trạng tôi thêm phấn chấn, thêm quý trọng sức khỏe…!", anh Q tâm sự.

Ở Khu cách ly - Bệnh viện Công an thành phố Hà Nội trong thời điểm dịch COVID-19 tràn về, nhất là vào cuối tháng 7-2020 vừa qua, số ca nhiễm bệnh trong cộng đồng diễn biến phức tạp, mới thấy được sự linh hoạt, uyển chuyển trong quá trình thực hiện nhiệm vụ của các anh, các chị - cán bộ, nhân viên y tế. Dẫu số lượng bác sĩ, điều dưỡng, nhân viên y tế còn mỏng, tuy nhiên các ca - kíp trực vẫn được triển khai một cách linh hoạt, có hiệu quả, đảm bảo công tác ứng trực 24/24h. Bất luận các ca cách ly nhập viện ngày hay đêm, vào thời điểm nắng hay mưa, những người "giấu mặt" đều có mặt và nhiệt tình đón tiếp.

Chị Võ Thị Minh Nga, nhân viên Tổ hậu cần tâm sự, với đặc thù là cơ sở y tế tập trung được giao nhiệm vụ đón tiếp các trường hợp F1, trở về từ vùng có dịch COVID-19 do vậy, có nhiều thời điểm, chị cùng đồng nghiệp trong đơn vị phải làm hết công suất. Điển hình như những ngày đầu tháng 8-2020, toàn bộ số phòng cách ly đều được đưa vào sử dụng. Tất nhiên, vào thời điểm này, đội ngũ bác sĩ, điều dưỡng, nhân viên y tế trong khu cách ly phải gắng mình.

"Do Tổ hậu cần hiện có 6 đồng chí nên từ đầu mùa dịch đến giờ, phải thay phiên nhau trực. Có trường hợp do bận việc, cả tuần không về nhà. Nhưng không vì thế mà công tác phòng, chống dịch bị lơi là, mọi người đều tạm gác việc nhà, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao", chị Nga tiếp lời.

Nhân viên y tế Bệnh viện Công an thành phố Hà Nội phát đồ dùng cá nhân cho một trường hợp F1 thuộc diện cách ly tập trung.

3. Với đặc thù là một trong những cơ sở y tế tiếp nhận các trường hợp có yếu tố nước ngoài trở về từ vùng có dịch COVID -19, do vậy, trong quá trình tiếp nhận, theo dõi sức khỏe các trường hợp cách ly y tế tập trung, việc bất đồng ngôn ngữ luôn là trở ngại đòi hỏi những người "giấu mặt" tại khu cách ly không ngừng học hỏi, trau dồi kiến thức ngoại ngữ. Nhờ sự chủ động trong quá trình giao tiếp bằng ngoại nhữ, đã giúp quá trình theo dõi, phòng, chống dịch bệnh của các bác sĩ, điều dưỡng, nhân viên y tế nơi đây diễn ra thuận lợi.

Trong đợt dịch đầu năm 2020, khi tiếp nhận các du học sinh, công dân ở Trung Quốc - quốc gia có dịch COVID-19 bùng phát mạnh nhập cảnh và cách ly tập trung, thực hiện ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo Công an thành phố và Ban Giám đốc Bệnh viện, Thiếu úy - điều dưỡng Nông Thị Bưởi, Khoa Nội tổng hợp liền học tiếng Trung qua mạng Internet. Thiếu úy Nông Thị Bưởi bảo rằng, nhờ ôn luyện kịp thời tiếng Trung thông qua mạng Internet cũng như học thêm từ phía một số người bạn, nên trong khoảng thời gian này, chị đã trở thành phiên dịch viên, giúp đồng nghiệp chủ động hơn trong quá trình phát khẩu trang y tế, theo dõi sức khỏe, hướng dẫn các biện pháp phòng dịch cho người cách ly đến từ Trung Quốc….

Trung tá Nguyễn Thị Thu Hiền, Phó Giám đốc Bệnh viện Công an thành phố Hà Nội cho biết: "Thực hiện chỉ đạo của UBND, Ban Giám đốc Công an thành phố, Bệnh viện đã thành lập Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh COVID-19, chuẩn bị cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế, trang phục bảo hộ và đội ngũ nhân lực đáp ứng cho việc tiếp nhận, theo dõi sức khỏe đối với các trường hợp cách ly tập trung theo quy định của Bộ Y tế; qua đó tạo môi trường cách ly thân thiện, giúp người đi cách ly an tâm, góp phần cùng ngành y tế CAND nói riêng và các cấp, các ngành đẩy lùi đại dịch COVID-19".


-  "Trở về Việt Nam từ Mỹ, đất nước vốn nổi tiếng về nhiều thứ, nay lại bùng phát dịch COVID-19, tôi hiểu rằng, mình có thể mang virus về cho gia đình và mọi người. Những gì tôi được hưởng trong thời gian cách ly thực sự đã giúp tôi vơi đi lo ngại, cảm nhận rõ hơn thành tích hết sức ý nghĩa về phòng, chống dịch COVID-19 của nước ta. Tôi đã thấy ở đây sự nỗ lực, trách nhiệm, ân cần của các bác sĩ, y tá và nhân viên….", anh L.Q.V chia sẻ.

- "…Thực sự 14 ngày ở đây là những ngày cách ly đặc biệt mà gia đình tôi may mắn được trải nghiệm. Các anh chị cán bộ y tế vô cùng thân thiện và mang cho chúng tôi cảm giác thoải mái và an tâm. Cơ sở vật chất đầy đủ và tiện lợi, những suất ăn ngon lành bổ dưỡng… Xin gửi lời cảm ơn chân thành đến các anh chị, y bác sĩ và cán bộ phục vụ của Bệnh viện đã giúp đỡ gia đình tôi trong suốt thời gian cách ly tại đây…", chị P.P.A cùng chồng và con gái tâm sự.

Trần Huy

Là người nước ngoài duy nhất đoạt giải trong cuộc thi "Tìm kiếm sứ giả tiếng Việt ở nước ngoài" năm 2024 do Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao phát động, Lanny Phetnion đã gắn bó với tiếng Việt hơn 10 năm. Hành trình đến với ngôn ngữ này bắt đầu khi Lanny Phetnion nhận được học bổng theo học Khoa Tiếng Việt, Đại học Quốc gia Lào. Cũng từ đây, tiếng Việt đã trở thành bệ đỡ giúp cô gái miền Bắc Lào gặt hái không ít thành công. 

Quen đối tượng có thể làm giả giấy tờ trong ngành Công an, Quân đội, Đàm Đình Phú đã đăng bài trên mạng xã hội nhận làm thủ tục vay tiền đối với khách đang nợ xấu. Sau khi có khách đặt hàng, Phú sẽ yêu cầu cung cấp hình ảnh chân dung để làm giả các loại giấy tờ rồi liên hệ nhân viên ngân hàng làm thủ tục vay tiền, mục đích chiếm đoạt tiền vay.

Luật Công chứng (sửa đổi) quy định công chứng viên của tổ chức hành nghề công chứng chỉ được công chứng giao dịch về bất động sản trong phạm vi tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi tổ chức hành nghề công chứng đặt trụ sở

Trung Quốc là đối tác thương mại lớn của Mỹ. Tuy nhiên, mới đây, Tổng thống đắc cử Donald Trump tiếp tục tuyên bố sẽ áp thuế bổ sung đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc cho đến khi nước này ngăn chặn "lượng lớn ma túy, nhất là fentanyl, đang được chuyển vào Mỹ".

Viện KSND tối cao vừa ban hành cáo trạng truy tố cựu Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận Lê Tiến Phương và 16 bị can khác về tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí”. Đây là vụ án đặc biệt nghiêm trọng xảy ra trong lĩnh vực quản lý nhà nước về đất đai trên địa bàn tỉnh Bình Thuận.

Từ kết quả điều tra những dấu hiệu bất thường tại một số gói thầu thi công xây dựng công trình trên địa bàn TP Nha Trang do Ban Quản lý Dịch vụ Công ích TP Nha Trang làm chủ đầu tư, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Khánh Hòa đã khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can, đồng thời bắt tạm giam hai cán bộ nhà nước và hai giám đốc doanh nghiệp.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文