Những người giữ bình yên một vùng biên viễn

12:41 03/03/2019
Chiều ấy, từ Bến xe Mỹ Đình (Hà Nội), sau hơn một đêm lắc lư trên xe khách vượt gần 400km trong đó có gần 100km đường đèo cao dốc thẳm tôi cũng đến được Đồn Biên phòng Thị Hoa, Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh Cao Bằng.


Thị Hoa, nơi có độ cao hơn 1.000m so với mặt nước biển mùa này rất rét. Cái rét được cộng hưởng bởi những hạt mưa phùn li ti, ken đặc, phủ trắng đỉnh núi, che khuất tầm nhìn lữ khách. Mưa ở Thị Hoa dầm dề, lê thê, kéo dài hết ngày này qua ngày khác, khiến mặt đất nhão nhoét, ung ủng và có thể vắt ra nước. Dấu hiệu của đợt rét đậm rét hại kéo dài và mưa phùn rả rích suốt ngày đêm dễ nhận biết nhất là những “đám mây nước” trắng đục. 

“Mây nước” như một chiếc màn khổng lồ không bao giờ có lỗ thủng mà bồng bềnh, đu đưa trong một không gian không trọng lượng. Những mái nhà sàn lấp ló bên vòm cây xanh cao tít giờ đây cũng sũng nước, nhạt nhòa trong mưa. Nước xâm chiếm vào mọi ngõ ngách trong những gian phòng ở và làm việc, sinh hoạt của cán bộ, chiến sĩ (CBCS) ở đây.
Đồn Biên phòng Thị Hoa giúp chính quyền xây dựng nhà văn hóa xóm Đông Cầu

Trung tá Hoàng Văn Bạc, Chính trị viên Đồn Biên phòng Thị Hoa, cho biết Đồn được giao quản lý, bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới Việt Nam-Trung Quốc dài 26,5km, bao gồm 50 mốc giới (37 mốc chính, 13 mốc phụ), nằm trên địa bàn 3 xã (Thái Đức, Thị Hoa, Cô Ngân) thuộc huyện Hạ Lang, nơi phần lớn bà con là người dân tộc Tày, Nùng cùng chung sống xen kẽ ở 29 thôn, xóm (có 16 xóm sát biên giới).

Hạ Lang - một trong những địa phương vùng biên giới còn nhiều khó khăn về hạ tầng giao thông và các cơ sở vật chất, phương tiện khác. Theo Trung tá Bạc, do địa bàn rộng, địa hình hiểm trở, trình độ dân trí thấp nên nhiều đối tượng xấu đã lợi dụng nơi đây để thực hiện các hành vi phạm pháp. Để quản lý địa bàn, anh em đã có nhiều cách làm sáng tạo, đặc biệt là biết dựa vào dân nên trong công tác nghiệp vụ biên phòng năm 2018, Đồn đã phối hợp với các cơ quan chức năng phát hiện, xử lý 7 vụ việc (8-10 đối tượng tham gia) có hành vi mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy; tiếp nhận Trung Quốc trao trả 99 công dân Việt Nam xuất cảnh trái phép…

Từ Đồn Biên phòng Thị Hoa, sau quãng đường dài gập gềnh gần 20km và vượt qua đèo Bản Nhôn ôm sát chân núi, Trung tá Bạc đưa chúng tôi đến nhà chị Đinh Thị Duyến ở xóm Bản Nhôm, xã Cô Ngân. Chỉ vào căn nhà đang xây dựng dở dang, chị Duyên khoe với chúng tôi: “Gia đình mình sắp được ở trong nhà mới rồi. Mình cảm ơn Bộ đội Biên phòng lắm”.

Trung tá Bạc kể, gia đình chị Duyến là hộ nghèo nhất xóm. Chị và gia đình vẫn sống trong căn nhà sàn sập xệ, xiêu vẹo, giống như chiếc chòi canh hoa màu của người dân ở trên nương. Cuối năm 2018, thực hiện Chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương”, Đồn Biên phòng Thị Hoa phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ TP Cao Bằng tiến hành rà soát và quyết định xây tặng gia đình chị Duyến căn nhà trị giá 150 triệu đồng. Ngoài tặng tiền mặt để xây dựng công trình, Đồn còn tổ chức giúp gia đình chị Duyến gần 50 ngày công, và đến ngày 3-3 tới đây gia đình chị sẽ vào nhà mới.

Trong câu chuyện với chúng tôi, Chị Duyến kể, vợ chồng chị ốm đau luôn, không có điều kiện phát triển kinh tế nên thu nhập khó khăn lắm. Nếu không có Phụ nữ thành phố và Đồn Biên phòng giúp đỡ thì suốt đời phải ở trong nhà dột nát. Nhìn đôi mắt sáng ngời và nụ cười tươi rói của chị Duyến khi nói chuyện với Trung tá Bạc, chúng tôi cũng cảm thấy vui lây với hạnh phúc mà CBCS của Đồn mang lại cho người dân địa phương.  

Rời nhà chị Duyến, chúng tôi đến thăm gia đình ông Nông Văn Sơn, Trưởng xóm Đông Cầu, thôn Thâm Cương, xã Thị Hoa. Bên bếp lửa bập bùng, ông Sơn xúc động kể lại những việc làm của Bộ đội Biên phòng trong những lúc dân chịu cảnh khốn khó. 

Trước đó, vào cuối tháng 3 và nửa đầu tháng 4-2018, tại xã Thái Đức, Cô Ngân xảy ra mưa đá kèm gió lốc mạnh, làm hư hỏng 70 mái nhà; 9.595m2 ngô bị dập nát cùng các loại hoa màu khác, ảnh hưởng lớn đến đời sống nhân dân. 

Đến nay, hậu quả của thiên tai đã được các cấp chính quyền, các tổ chức chính trị xã hội cùng bà con dân tộc thiểu số khắc phục cơ bản, nhưng dư âm về thiên tai mấy tháng trước thì vẫn hiện hữu. 

Ngay sau thiên tai xảy ra, CBCS của Đồn đã phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương hai xã, chung vai cùng nhân dân khắc phục hậu quả: giúp dân dựng, lợp lại mái nhà, giải quyết chỗ ở kịp thời, làm giảm đi phần nào thiệt hại cho bà con. 

Ngoài làm tốt công tác là nòng cốt trong bảo vệ an ninh, chủ quyền, cột mốc biên giới quốc gia, Đồn đã giúp đỡ địa phương đẩy mạnh phát triển kinh tế, xã hội, xóa đói giảm nghèo bằng nhiều việc làm cụ thể, thiết thực, như: tặng con giống, phát triển cây công nghiệp, làm đường giao thông, xây dựng các kênh, mương bảo đảm tưới tiêu phục vụ sản xuất. 
Bộ đội Biên phòng tỉnh Cao Bằng tặng học bổng cho học sinh nghèo vượt khó tại địa bàn Đồn Biên phòng Thị Hoa phụ trách.

Bên cạnh đó, cán bộ quân y của đơn vị đã tích cực phối hợp với cán bộ y tế xã chăm sóc sức khỏe nhân dân biên giới, xây dựng nếp sống văn hóa mới...

Theo thống kê của Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh Cao Bằng, từ năm 2013 sau khi đưa cây mía về trồng ở xã Thị Hoa, giờ đã trở thành cây “mũi nhọn” cho thu nhập cao, cải thiện cuộc sống của đồng bào. Hiện 1ha mía cho năng suất 55 tấn, thu hơn 20 triệu đồng.

Trong thực hiện phong trào “Xây dựng nông thôn mới”, Đồn đã phối hợp với xã Cô Ngân, Thị Hoa vận động, hỗ trợ 45 triệu đồng để 15 hộ di dời trâu, bò ra khỏi gầm sàn nhà ở, ngoài ra còn giúp đỡ 45 ngày công xây dựng chuồng trại. Năm 2018, Trạm y tế quân-dân y của Đồn đã phối hợp với các trạm Y tế địa phương tổ chức được 4 đợt truyền thông về sức khỏe cho 1.870 lượt người nghe, khám và điều trị cho 148 lượt bệnh nhân. 

Về việc này, ông Nông Văn Sơn, Trưởng xóm Đông Cầu, xã Thị Hoa phấn khởi nói rằng: “Trước đây, thôn Thâm Cương chủ yếu là hộ nghèo, không có điều kiện xây chuồng trại tách biệt với nhà ở nên để gia súc dưới gầm sàn, rất mất vệ sinh. Nay thì khác rồi, nhờ sự vận động, tuyên truyền, giải thích và giúp đỡ của Bộ đội Biên phòng, người dân đã ý thức được cái lợi của nuôi gia súc trong chuồng trại xa nhà, nó vệ sinh lắm, không còn nhiều ruồi, muỗi và mùi hôi nữa, cái sức khỏe vì thế mà cùng tốt, bà con ít phải dùng thuốc chữa cái bệnh”.

Năm 2018, Đồn Biên phòng Thị Hoa đã giúp xóm Bản Đâu, xã Thái Đức 15 ngày công làm đường giao thông nông thôn, đổ bê tông sân nhà văn hóa và hỗ trợ 1 triệu đồng để mua vật liệu; giúp xóm Phia Đán, xã Thị Hoa 24 triệu đồng tiền vật liệu, 42 ngày công lao động xây dựng công trình nước sạch nông thôn; giúp các gia đình chính sách, gia đình có hoàn cảnh khó khăn 15 ngày công thu hoạch lúa vụ mùa. 

Đặc biệt, Ban chỉ huy Đồn đã vận động Sở Y tế tỉnh Cao Bằng hỗ trợ 30 triệu đồng và đơn vị cũng hỗ trợ 12 triệu đồng xây dựng Nhà Văn hóa xóm Đồng Cầu (Thị Hoa) đạt tiêu chuẩn xây dựng nông thôn mới; hỗ trợ gia đình Hoàng Văn Thọ, xóm Keng Nghiều (Thái Đức) 8 triệu đồng để mua 2 con lợn giống theo mô hình giúp thoát nghèo bền vững. 

Về công tác chính sách, trong dịp Tết Nguyên đán Mậu Tuất, Đồn đã phối hợp với các cơ quan, đơn vị tổ chức tặng quà các gia đình chính sách, các hộ nghèo trên địa bàn hơn 270 triệu đồng.

Theo Đại uý Nông Văn Khuyết, Đội trưởng Vận động quần chúng Đồn Biên phòng Thị Hoa, trong 6 tháng cuối năm 2018, đồn đã triển khai được nhiều việc ý nghĩa, trong đó đáng kể nhất là thực hiện nhiệm vụ tập trung giúp đỡ xã Thị Hoa hoàn thành việc xây dựng 3 nhà văn hóa xóm, làm đường giao thông vào xóm Ngườm Già, di dời trâu bò ra khỏi gầm sàn nhà ở xóm Khu Đâư, Khu Noọc, xã Thị Hoa và xóm Nà Thúng, xã Cô Ngân; giúp đỡ 1 hộ nghèo phát triển kinh tế ở xã Thái Đức. 

Đại uý Khuyết thổ lộ với tôi trong sự lạc quan rằng, những việc làm thiết thực, ý nghĩa và chắc chắn của Đồn Biên phòng Thị Hoa sẽ là “bàn đạp” để giúp cấp ủy, chính quyền và bà con các dân tộc địa phương có thêm nguồn lực làm thay đổi bộ mặt kinh tế, xã hội của vùng biên ngày càng giàu đẹp, trù phú và cường thịnh.

Chia tay những người lính Biên phòng nơi biên viễn này, tôi nhớ mãi tiếng cười sảng khoái của ông Nông Văn Sơn và cái bắt tay thật chặt của Trung tá Hoàng Văn Bạc. Tiếng cười ấy như xua tan mưa phùn và cái rét cắt da ở vùng Hạ Lang vốn cao hơn 1.000m so với mực nước biển.

Đức Tâm

Có thể khẳng định rằng, với Đề án 06 và ứng dụng VNeID do Bộ Công an chủ công xây dựng đã được phát triển mạnh mẽ, trở nên quen thuộc, thiết yếu trong công cuộc chuyển đổi số của người dân Việt Nam nói chung và Thủ đô Hà Nội nói riêng. Năm 2024, thành phố đã triển khai ứng dụng hiệu quả VNeID trong chuyển đổi số, góp phần phát triển nhanh, bền vững kinh tế - xã hội của Thủ đô.

Sáng mai (24/12), TAND TP Hà Nội sẽ mở phiên tòa hình sự sơ thẩm xét xử 17 bị cáo trong vụ án chuyến bay giải cứu (giai đoạn 2) về các tội: “Đưa hối lộ”, “Nhận hối lộ”, “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ” và “Che giấu tội phạm”.

Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam 2024 (Vietnam Defence Expo 2024) là một sự kiện quy mô lớn, thu hút sự quan tâm mạnh mẽ từ giới chuyên gia và truyền thông quốc tế. Đây không chỉ là cơ hội để Việt Nam khẳng định vị thế trong hợp tác quốc phòng toàn cầu mà còn là dịp để giới thiệu các thành tựu quốc phòng cũng như thúc đẩy hợp tác quốc tế.

Một cây cầu nối hai tiểu bang ở phía Bắc và Đông Bắc Brazil đã bị sập ngày 22/12 (giờ địa phương) khi các phương tiện đang băng qua, khiến ít nhất một người tử vong và làm đổ axit sunfuric vào sông Tocantins.

Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao đã hoàn tất cáo trạng và chuyển hồ sơ sang Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội đưa ra xét xử sơ thẩm 5 bị cáo gồm: Mai Thị Thanh Thủy (SN 1964, Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn Tài Thắng - Công ty Tài Thắng); Lê Tuấn Tú (SN 1987, con trai bị cáo Thủy, Tổng Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn thương mại Quốc tế Tuấn Phát - Công ty Tuấn Phát); 2 nhân viên kế toán 2 công ty gồm: Đinh Thị Lan Hương (SN 1980), Nguyễn Thị Phương (SN 1987); Trịnh Thị Thanh Hòa (SN 1984, thủ kho kiêm thủ quỹ 2 công ty) về tội "Vi phạm các quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng" theo quy định tại Điều 221, khoản 1, khoản 3 - Bộ luật Hình sự.

Không thụ động chờ các chính sách ưu đãi từ Trung ương, ngày càng nhiều tỉnh, thành phố chủ động thu hút các đoàn làm phim nhằm tích cực đẩy mạnh quảng bá địa phương, thu hút khách du lịch, thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội tại từng điểm đến. Đây là động thái cần thiết, không chỉ có lợi cho điện ảnh mà còn có lợi cho các địa phương, mặc dù, việc triển khai này bị cho là khá muộn so với nhiều quốc gia khác.

Kinh tế toàn cầu trong năm 2024 đã chứng tỏ khả năng phục hồi đáng kinh ngạc trước một loạt thách thức lớn. Từ những căng thẳng địa chính trị kéo dài ở Ukraine và Trung Đông, cho đến những vấn đề nội tại như lạm phát và bất ổn thị trường lao động, bức tranh kinh tế thế giới mang đến cả những tín hiệu tích cực lẫn bài học quý giá. Các nền kinh tế lớn và mới nổi đều tìm cách vượt qua nghịch cảnh, tạo động lực để tiếp tục tiến lên trong bối cảnh biến động không ngừng.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文