Những người góp phần làm nên "thương hiệu" SBC

07:46 05/07/2020
Chỉ trong vòng 3 ngày (26 và 29-6-2020), hai "huyền thoại" của lực lượng SBC (Săn bắt cướp) nổi tiếng một thời của Công an TP HCM cùng từ trần. Đó là Thiếu tướng Trịnh Thanh Thiệp (bí danh Trịnh Trọng) và Đại tá Phan Thanh (bí danh Ba Tung), tên tuổi của họ gắn liền với sự ra đời và những chiến công xuất sắc của lực lượng SBC những năm đầu sau giải phóng...


Ông 5T - "hung thần" của các băng nhóm tội phạm cộm cán

Thiếu tướng Trịnh Thanh Thiệp (bí danh Trịnh Trọng; SN 1930; quê Hải Phòng, thường trú quận Bình Tân, TP Hồ Chí Minh), nguyên Phó Tổng cục trưởng Thường trực Tổng cục Cảnh sát; nguyên Cục trưởng Cục Cảnh sát hình sự, Bộ Công an, đã từ trần vào ngày 26-6-2020, hưởng thọ 91 tuổi.

Ba ngày sau, Đại tá Phan Thanh (bí danh Ba Tung, SN 1945, quê Quảng Bình, thường trú quận 5, TP Hồ Chí Minh) nguyên Trưởng phòng Cảnh sát hình sự Công an TP Hồ Chí Minh, nguyên Phó Trưởng phòng Cảnh sát hình sự, Bộ Công an, cũng từ trần (ngày 29-6-2020), hưởng thọ 75 tuổi.

Thiếu tướng Trịnh Thanh Thiệp.

Nhắc đến Thiếu tướng Trịnh Thanh Thiệp là nhắc đến người anh cả đã khai sinh ra lực lượng SBC. Các trinh sát mặc thường phục với những hành động dũng cảm làm nên nhiều chiến công lừng lẫy. Cũng chính ông là người đầu tiên cương quyết lập chuyên án để xử lý tên tội phạm cộm cán Năm Cam giai đoạn đầu… Vậy nhưng, không nhiều người biết về ông, bởi ông ít khi nào nói về bản thân mình và những công lao một thời của mình…

TP Hồ Chí Minh những năm đầu sau giải phóng tình hình an ninh trật tự vô cùng rối ren và phức tạp. Tàn dư của chế độ cũ vẫn chưa bị triệt hết, vẫn còn những băng trộm cướp hung hãn, nhóm "xã hội đen" có vũ trang khét tiếng hoạt động rất liều lĩnh, giết người không ghê tay… Trước tình hình đó, tháng 3-1978, 6 Đội SBC thuộc Phòng Cảnh sát hình sự Công an TP Hồ Chí Minh và Công an quận 1, quận 5 chính thức được thành lập. Đây là nơi tập hợp những trinh sát trẻ, tuổi đời không quá 30, gan dạ, dũng cảm, giỏi võ thuật, bắn súng và lái xe.

Khi đó, Trung tá Trịnh Thanh Thiệp đã 48 tuổi. Với độ tuổi đó có thể coi là "hơi già" nhưng bầu nhiệt huyết trong người ông vẫn sôi lên trước thực tế lộng hành của các băng nhóm tội phạm. Chính ông là người đứng ra tổ chức những cuộc thi để tuyển chọn những trinh sát tuổi đời không quá 30 vào các Đội SBC này.

Sau các phần thi võ thuật, bắn súng, chạy xe..., ông đã tuyển được 58 người xuất sắc, trong đó có những tên tuổi về sau đã trở thành thần tượng của nhiều người dân thành phố như Đội trưởng Phan Thanh (tức Ba Tung), Lý Đại Bàng, Mai Văn Tấn, Dương Minh Ngọc...  Sự xuất hiện đúng lúc của những chiến sĩ SBC chạy xe điệu nghệ, võ thuật cao cường, bắn súng điêu luyện; bám trụ đường phố để luôn có mặt truy đuổi tội phạm... đã giúp cho tình hình an ninh trật tự của thành phố nhanh chóng được lập lại.

Lực lượng SBC đã lập nhiều chiến công lẫy lừng, phá thành công nhiều vụ án phức tạp từng gây hoang mang dư luận như vụ bắt cóc tống tiền con nghệ sĩ Kim Cương, con bác sĩ Lã Hỷ và vụ bắn chết vợ chồng nghệ sĩ cải lương nổi tiếng Thanh Nga ngay trước cửa nhà… Những chiến công của lực lượng SBC đã khiến cho người dân tin yêu gọi họ với biệt danh "Đại bàng trên đường phố".

Đại tá Phan Thanh - Ba Tung (bên phải).

Sau 10 năm chiến đấu lập nhiều chiến công, năm 1989, Đội SBC được chuyển thành Đội Trinh sát đặc nhiệm.

Lý giải về biệt danh "ông 5T", Đại tá Phạm Văn Thịnh, nguyên Trưởng phòng Cảnh sát giao thông đường bộ, Công an TP Hồ Chí Minh, cho biết khi đó cán bộ, chiến sĩ thường gọi vui thủ trưởng của mình là "Ông 5T" - tức "Trung tá Trịnh Thanh Thiệp". Thực ra trước khi thành lập Đội SBC thì đã có Đội Trọng án. Sau khi Đội SBC hoạt động một thời gian, để có thêm chiều sâu nghiệp vụ, đánh án có ban, có nhóm nhằm "đào tận gốc trốc tận rễ" các băng nhóm tội phạm nên Đội Trọng án được ghép với Đội SBC thành Đội Trọng án - SBC.

Theo Đại tá Phạm Văn Thịnh, từ khi "ông 5T" về làm Trưởng phòng Cảnh sát hình sự thì nghiệp vụ, chất lượng và kết quả điều tra, khám phá án của Công an TP Hồ Chí Minh được nâng lên rõ rệt, nhất là các vụ án phức tạp đã được khám phá một cách chính xác và kịp thời.

Đại tá Mai Văn Tấn (nguyên Trưởng phòng Cảnh sát Hình sự Công an TP Hồ Chí Minh) cũng từng chia sẻ, khi "ông 5T" về làm Trưởng phòng, lúc vào công việc, "ông 5T" luôn lắng nghe cấp dưới báo cáo đề xuất một cách tỉ mỉ, chưa từng tỏ ra quan cách… Kể cả khi "ông 5T" đã là Cục trưởng rồi Phó Tổng cục trưởng, gặp vụ án lớn, phức tạp, "ông 5T" vẫn thường trực tiếp cùng anh em xuống hiện trường.

Sau 10 năm chiến đấu lập nhiều chiến công, an ninh trật tự trên địa bàn TP Hồ Chí Minh đã cơ bản được lập lại, nên năm 1989 các Đội SBC đã giải thể để thành lập các đội nghiệp vụ phòng chống tội phạm như hiện nay.

Suốt thời chống Mỹ, ông đi "B", chiến đấu ở chiến trường Lộc Ninh. Ngày 30-4-1975, ông cùng đồng đội vào tiếp quản Tổng nha Cảnh sát ở Sài Gòn… Thời gian đầu, vợ chồng ông vẫn chịu cảnh chồng Nam vợ Bắc. Năm 1976, ông về quê đưa người con trai thứ hai vào ở cùng để tiếp tục việc học. Người con trai cả của ông lúc đó cũng đi bộ đội ở chiến trường phía Nam, đến năm 1978 mới giải ngũ. Trong khi đó, vợ ông và người con gái út vẫn sống tại quê Nam Định, mãi đến năm 1979, vợ chồng ông và con cái mới đoàn tụ ở TP Hồ Chí Minh.

Nhân vật lẫy lừng cho những trang viết

Trong khi đó, Đại tá Phan Thanh, bí danh Ba Tung, một trinh sát biệt động nội thành nổi tiếng, là người trực tiếp được Trung tá Trịnh Thanh Thiệp lựa chọn vào Đội SBC rồi trở thành Đội trưởng đầu tiên của Đội Trọng án - SBC Công an TP Hồ Chí Minh. Đội Trọng án - SBC do Đại úy Phan Thanh làm đội trưởng đã hạ gục, bắt giữ hàng trăm tên cướp khét tiếng trên đường phố Sài Gòn, trong đó có những Võ Tùng Hội, Điền Khắc Kim, Tín Mã Nàm, Phạm Bá Y...

Ba Tung cũng là một chỉ huy trinh sát tài ba và quả cảm, góp nhiều công lao trong việc khám phá ra các vụ trọng án: vụ ám sát nghệ sĩ Thanh Nga, vụ bắt cóc con trai bác sĩ Lã Hỷ, vụ bắt cóc con trai nghệ sĩ Kim Cương, vụ giải cứu 11 em bé bị bọn cướp bắt cóc đem lên giam giữ tại Lâm Đồng sau khi đã thảm sát cả gia đình quận chúa Mộng Hoa...

Lực lượng SBC chụp ảnh với Đại tướng Mai Chí Thọ, nguyên Bộ trưởng Bộ nội vụ (nay là Bộ Công an).

Tên ông, những chiến công lẫy lừng của ông đã được nhắc đến nhiều trong ba cuốn tiểu thuyết "Hồ sơ chưa kết thúc" (cuốn tiểu thuyết viết theo hồ sơ, ông xuất hiện với đầy đủ tên thật, người thật, việc thật), "SBC xung trận" và "Sống để đời yêu" của Nhà văn, Đại tá Phùng Thiên Tân từ thập niên 1980 và trong hàng trăm bài báo cho đến tận bây giờ. Ba Tung như người anh cả của hàng loạt tên tuổi SBC, Cảnh sát hình sự, Công an TP Hồ Chí Minh như Võ Tấn Thành, Lý Đại Bàng, Lê Thanh Liêm (Hai Lửa), Mai Văn Tấn, Trần Văn Năm...

Đã có lần Đại tá Lê Thanh Liêm, nguyên Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, kể về lần hạ gục băng cướp nhà băng của trùm giang hồ Võ Tùng Hội - vụ án đáng nhớ nhất mà ông tham gia. Đây được coi là băng cướp tàn độc nhất trong giai đoạn sau ngày đất nước thống nhất, trang bị 14 khẩu súng, quy tụ hơn 30 đàn em, gây cả trăm vụ cướp  gây kinh hoàng cho những người dân đi buôn bán giao dịch trên đường và thậm chí sát hại cả một chiến sĩ SBC trong quá trình đeo bám băng nhóm này.

Nhiệm vụ nặng nề xóa sổ băng cướp này được "ông 5T" giao cho Đội SBC của Đội trưởng Ba Tung rằng: "Mười ngày cho vụ án này, các cậu làm sao thì làm".

Một buổi trưa tháng 2-1977, Ba Tung chỉ huy đội hình SBC giăng bẫy băng Võ Tùng Hội tại một nhà băng ngay trung tâm quận 1. Ngay hôm đó băng Võ Tùng Hội sập bẫy, cướp nhầm phải chiến sĩ SBC đóng vai đại gia, cầm cặp táp từ ngân hàng đi ra. Khi đàn em Võ Tùng Hội xông đến hành động thì bất ngờ bị chủ nhân của chiếc cặp táp quật ngã, bắt gọn. Biết đã rơi vào bẫy, Võ Tùng Hội cùng đàn em chống trả quyết liệt, lên xe tháo chạy, nã đạn về phía sau, do bị các chiến sĩ SBC đeo bám quyết liệt bằng xe 67 với tốc độ cao trên phố. Chính vì mức độ nguy hiểm có thể xảy ra với thường dân, đội trưởng Ba Tung lệnh mở đường cho đám Võ Tùng Hội thoát thân, dụ dẫn chúng ra ngoại thành để dễ bề tác chiến.

Đúng kế hoạch của Ba Tung, băng Võ Tùng Hội bị dồn đẩy vào một căn nhà hoang. Tại đây với tài bài binh bố trận của Ba Tung và sự tinh nhuệ của các chiến sĩ SBC, họ đã lần lượt bắn hạ các đàn em, bắt sống trùm băng cướp Võ Tùng Hội…

Sau thời gian làm Trưởng phòng Cảnh sát hình sự Công an TP Hồ Chí Minh, cuối năm 1989, Đại tá Phan Thanh được điều chuyển về Cục Cảnh sát hình sự, Bộ Công an và tiếp tục giúp Công an nhiều tỉnh, thành phía Nam phá nhiều vụ án lớn, phá rã nhiều băng nhóm giang hồ - tội phạm chuyên nghiệp. Vụ cuối cùng, ông tham gia với vai trò tham mưu chỉ đạo phá băng cướp, trộm đường sông liên tỉnh từ Long An đến Cà Mau, năm 2003.

Thời gian trôi qua, dù lực lượng SBC đã hoàn thành nhiệm vụ và trở thành dĩ vãng một thời, nhưng mỗi khi nhắc tới SBC và những tên tuổi gắn liền với sự ra đời và những chiến công xuất sắc của lực lượng SBC, người dân TP Hồ Chí Minh vẫn mãi ghi nhớ về những người chỉ huy cùng chiến sĩ SBC luôn kịp thời xuất hiện những nơi có bọn cướp. Những con người đã làm nên những chiến công đặc biệt xuất sắc của lực lượng này.

Phú Lữ

Từ thắng lợi Điện Biên Phủ chấn động địa cầu năm 1954 đến đại thắng mùa xuân năm 1975 là 21 năm đằng đẵng với bao mất mát, hy sinh của dân tộc Việt Nam. Trong hành trình ấy, nhân dân Việt Nam đã đoàn kết dưới sự lãnh đạo của Đảng cách mạng chân chính và vững niềm tin để thực hiện khát vọng cháy bỏng: Non sông liền một dải, hòa bình, độc lập và xây dựng đất nước hùng cường.

Trở lại Việt Nam vào những ngày cuối tháng tư, nữ nhà văn người Mỹ Lady Borton đang gấp rút duyệt bản thảo lần cuối cho cuốn sách mới bằng tiếng Anh viết về Điện Biên Phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Gắn bó với Việt Nam hơn nửa thế kỷ, người phụ nữ 82 tuổi này đã chứng kiến nhiều thăng trầm của Việt Nam, coi đây là quê hương thứ hai của mình.

Một phụ nữ hôn mê gan cấp trên nền bệnh viêm gan B, cuộc sống chỉ tính bằng giờ đã may mắn được hồi sinh nhờ được ghép gan kịp thời từ nguồn hiến của người chết não vì tai nạn giao thông (TNGT).

LTS: Từ 2019 đến nay, hàng vạn tấm bằng Cử nhân, Thạc sĩ, Tiến sĩ, Kỹ sư… cùng nhiều văn bản, chứng từ khác của Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội (HUBT) được ký bằng chữ ký “khô” (chữ ký khắc dấu) hay còn gọi là dấu chữ ký khiến cho nhiều người không khỏi hoài nghi về giá trị pháp lý của nó. Ngoài việc sử dụng chữ ký “khô” để cấp các loại văn bằng, chứng chỉ, HUBT còn sử dụng trong công tác văn thư, tài chính kế toán… để duy trì mọi hoạt động của trường. Trước sự việc này, phóng viên Báo CAND đã có loạt bài phản ánh các vấn đề đã và đang diễn ra tại HUBT.

Con số 70 nổi bật được đổ màu theo đa hướng, cách điệu với ngôn ngữ đảo chiều, hàng chữ “Chiến thắng Điện Biên Phủ (1954 - 2024)” mang màu xanh hoà bình. Đó là những nét khắc họa nổi bật của logo Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ đang được sử dụng chính thức trong các hoạt động tuyên truyền trong những ngày tháng 5 lịch sử này.

Sáng 7/5, Cơ quan CSĐT Công an huyện Tây Giang (Quảng Nam) cho biết, vừa khởi tố bị can, ra lệnh bắt bị can để tạm giam đối với Pơloong Bưu (SN 1995, trú xã Axan, huyện Tây Giang) về hành vi “Hiếp dâm người dưới 16 tuổi”.

Mặc dù cuối tháng 6 kỳ thi tốt nghiệp THPT mới diễn ra nhưng ngay từ đầu năm 2024, nhiều trường đại học (ĐH) đã thông báo nhận hồ sơ xét tuyển sớm. Với ưu thế tạo thêm nhiều cơ hội cho thí sinh trúng tuyển đại học mà không cần lệ thuộc vào kỳ thi tốt nghiệp THPT, xét tuyển sớm đang trở thành phương thức được nhiều thí sinh lựa chọn.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文