Những người lính cứu hỏa nơi đầu sóng
- Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy TP Hải Phòng triển khai công tác năm 2015
- Cảnh sát PCCC TP Hải Phòng: Trên tuyến đầu chống giặc lửa
Khi ngọn lửa được khống chế hoàn toàn, ngăn chặn được thảm họa về hóa chất trên những con tàu có thể dẫn đến thiệt hại khôn lường thì cũng là lúc hàng chục cán bộ chiến sỹ phòng cháy chữa cháy (PCCC) phải nhập viện điều trị, theo dõi sức khỏe do nhiễm khói độc…
Dẫu biết rằng trận tuyến đấu tranh với giặc lửa dù không có tiếng súng, không có tội phạm nhưng vẫn vô cùng gian nan và nguy hiểm. Những người lính cứu hỏa đất Cảng đã để lại biết bao dấu ấn tốt đẹp trên trận tuyến đấu này, bảo vệ tính mạng và tài sản cho nhân dân…
16 ngày đêm sinh tử cứu tàu
Đó là những ngày dài vô cùng cam go của người lính cứu hỏa Phòng CSPCCC và cứu hộ cứu nạn (CHCN) trên sông (Cảnh sát PCCC Hải Phòng) vừa trải qua sau khi tham gia cứu nạn tàu chở xăng dầu Hải An 16 gặp sự cố trên khu vực cảng Hải Phòng. Nguy cơ thảm họa được ngăn chặn. Những người lính cứu hỏa đã trở về nguyên vẹn.
“Điều đó cho thấy rằng tất cả những sự cố xảy ra trên sông nước, nếu không kịp thời khống chế sẽ để lại hậu quả khủng khiếp. Và những người tham gia cứu hộ, cứu nạn luôn phải đối mặt với hy sinh, mất mát” – Trưởng phòng CSPCCC và CHCN trên sông, Thượng tá Lê Đình Nam chia sẻ.
Thượng tá Lê Đình Nam kể lại, vụ việc xảy ra vào trưa 21/9, tàu Hải An 16 thuộc Công TNHH Đầu tư Dịch vụ Hoàng Phát đang thực hiện bơm xăng tại khu vực cầu cảng K99 (thuộc cảng Đình Vũ, quận Hải An) đã xảy ra sự cố nổ buồng bơm, làm 3 người ở gần đó bị thương. Đáng chú ý, tại thời điểm xảy ra sự cố, trên khoang hàng của tàu Hải An có còn gần 4 nghìn m3 xăng A92.
Khi lực lượng chức năng tiếp cận hiện trường đã khẩn trương đưa người bị nạn đi cấp cứu và di dời tàu Hải An 16 bằng cách lai dắt đến phao số 3, khu neo đậu Bạch Đằng đề phòng sự cố cháy, nổ có thể xảy ra. Bởi lẽ nơi xảy ra sự cố là khu vực tập kết xăng dầu, lại nằm phía trong cảng nên phương tiện tàu, thuyền qua lại lưu lượng rất lớn. Nếu cháy nổ xảy ra không chỉ thiệt hại vô cùng lớn về vật chất mà còn là thảm họa về môi trường do tràn dầu.
Cảnh sát PCCC Hải Phòng tham gia nhiều vụ chữa cháy đảm bảo tính mạng và tài sản cho người dân. |
Thượng tá Lê Đình Nam cho biết, khi lực lượng Cảnh sát PCCC lên tàu trinh sát đã xác định sau khi buồng bơm bị nổ đã làm thủng đáy tàu, theo đó nước sông và xăng A92 đã tràn vào buồng bơm cùng buồng máy, tạo môi trường rất dễ có thể xảy ra cháy nổ. Nguy hiểm hơn, nước và xăng tràn vào buồng bơm và buồng máy ngày càng nhiều, có nguy cơ ngập các bình ắc quy. Nếu không ngăn kịp thời thì các bình ắc quy có thể dẫn điện và phóng tia lửa điện gây cháy nổ.
Tình thế vô cùng cấp thiết, trong khi đó đã có nhiều phương án được đưa ra nhưng đều không khả quan. UBND TP Hải Phòng đã cử đồng chí PCT Phạm Văn Hà trực tiếp ra hiện trường chỉ đạo. Cảnh sát PCCC Hải Phòng lập Ban chỉ huy tiền phương để tác chiến. Cho đến ngày thứ 3, lực lượng Cảnh sát PCCC đã buộc phải đưa ra phương án sử dụng biện pháp dùng băng keo và mỡ bò để quấn vào các đầu cực ắc quy, tránh trường hợp khi nước ngập sẽ chập, tạo tia lửa điện gây cháy nổ.
Mặc dù thời điểm này vào giữa đêm khuya nhưng nếu không làm ngay thì sẽ không kịp. Thượng tá Lê Đình Nam xung phong dẫn đầu đoàn cùng với một số CBCS và nhân viên kỹ thuật của nhà tàu thực thi nhiệm vụ. Trước khi lên tàu, những người tham gia đều xác định tinh thần, đây là chuyến đi có thể sẽ không bao giờ quay... trở lại.
Cũng bởi điều kiện cháy nổ trên tàu lúc này “thuận lợi” nên những người lên tàu không dính dáng đến bất cứ thứ kim loại nào trên người, như điện thoại, dây lưng phải bỏ lại. Chỉ được sử dụng thiết bị chuyên dụng và yêu cầu phải cực kỳ tỉ mỉ, chính xác, nếu không một chiếc cà lê rơi xuống sàn tàu cũng có thế tạo tia lửa gây cháy nổ.
Sau gần 1 giờ ngâm mình trong buồng máy ngập nước và xăng, những người lính “cảm tử” đã hoàn thành việc chế ngự nguồn phóng điện từ những chiếc ắc quy trở lại bờ trong niềm vui mừng khôn xiết của đồng đội. Tuy nhiên đó mới chỉ là một trong những mối nguy cơ cháy nổ cao nhất được khống chế. Do thời tiết nắng nóng, xăng bốc hơi mạnh nên vẫn có thể cháy nổ bất cứ lúc nào nếu gặp được nguồn lửa, dù chỉ là 1 tia lửa nhỏ.
Trong suốt hơn 2 tuần sau đó, lực lượng Cảnh sát PCCC huy động thêm nhiều phương tiện khác của các DN và người dân cùng hàng chục CBSC liên tục bơm nước làm mát mặt boong tàu, ca bin, thành tàu để giảm nhiệt độ và sự bốc hơi. Sử dụng bọt chuyên dụng chữa cháy xăng dầu bơm phủ lên bề mặt bên trong khoang máy. Đồng thời bố trí phương tiện cùng máy bơm toàn bộ số lượng xăng còn lại trong khoang hàng đến nơi tập kết an toàn...
Chữa cháy ngoài biển luôn gặp nhiều khó khăn, phức tạp. |
Và những chuyến vượt trùng khơi cứu hỏa
Cứu nạn thành công tàu Hải An 16 không phải là điển hình trong công tác cứu nạn trên biển của những người lính cứu hỏa đất Cảng. Với điều kiện địa hình sông, biển rộng lớn, tổng chiều dài hơn 500km cùng hơn 2 nghìn phương tiện vận tải thủy nội địa được đăng ký, Hải Phòng còn có cảng biển lớn là nơi lưu thông hàng hóa trong nước và quốc tế nên nguy cơ cháy nổ luôn tiềm ẩn.
Lực lượng Cảnh sát PCCC Hải Phòng đến nay vẫn không thể nào quên lần đầu tiên vượt trùng khơi đi cứu hỏa. Đó là vào chiều 29/9/2012, tàu Shun Cheng (quốc tịch Đài Loan, Trung Quốc) đang trên đường di chuyển đến phao số 0 bỗng nhiên phát hỏa. Đây là con tàu chở hàng đông lạnh với số lượng vật liệu dễ cháy nổ lớn như két dầu, bình gas, bình khí, cao su, xốp…
Chữa cháy trên bờ là công việc thường xuyên nhưng trên biển thì đây là lần đầu tiên lực lượng Cảnh sát PCCC Hải Phòng phải đối mặt. Trong khi đó, phương tiện chữa cháy trên biển chỉ có duy nhất một tàu chữa cháy công suất 660CV.
Tuy nhiên, nếu không kịp thời khống chế ngọn lửa không chỉ nguy hiểm đến tính mạng của thủy thủ đoàn mà còn nguy cơ ô nhiễm môi trường biển do tràn dầu. Ngay sau khi tiếp nhận thông tin, Cảnh sát PCCC Hải Phòng đã khẩn trương phân công chỉ huy, điều động lực lượng 15 CBCS, sử dụng tàu chữa cháy ra khơi tiếp cận hiện trường.
Lần đầu tiên được huy động tham gia chữa cháy trên biển, nhiều CBCS đã không tránh khỏi tâm lý lo lắng. Song, được sự động viên của lãnh đạo, lực lượng chữa cháy đã không quản ngại khó khăn, nguy hiểm sẵn sàng nhận nhiệm vụ.
Sau hơn 1 giờ đồng hồ, khi lực lượng chữa cháy vượt biển tiếp cận được hiện trường thì toàn bộ khoang hàng, cabin, buồng sinh hoạt của thủy thủ đều bị cháy làm cho nhiệt độ các khu vực trên rất cao. Khu vực hầm máy khói và sản phẩm cháy không thoát được ra ngoài…
Nhanh chóng xác định hướng gió, hướng neo đậu của phương tiện, lực lượng chữa cháy triển khai chiến thuật chữa cháy phù hợp. Một bộ phận làm mát hiện trường bằng cách phun nước biển, đồng thời một bộ phận phải trực tiếp lên tàu trinh sát và tổ chức chữa cháy…
Trong suốt 4 giờ đồng hồ liên tục không chỉ chống chọi ngọn lửa mà còn sóng gió, những người lính cứu hỏa đã chế ngự được ngọn lửa, bảo vệ được khoang mũi và két dầu trên mũi, bảo vệ các két dầu trong khoang máy, các bình gas để vận hành làm mát và phục sinh hoạt không bị nổ, tràn dầu, gây ảnh hưởng môi trường biển.
Chữa cháy thành công tàu Shun Cheng, lực lượng cứu hỏa Hải Phòng như khẳng định thêm năng lực cũng như bản lĩnh trong lĩnh vực chiến đấu mới. Đó là chữa cháy trên biển.
Vào chiều 17/8/2013, khi mà tàu RBD BOREA (quốc tịch Cyprus) chở gần 1.000 container cùng nhiều hàng hóa khác đến phao số 0 thì phát hỏa trong 1 container phốt pho. Cảnh sát PCCC Hải Phòng đã điều động 1 tàu chữa cháy, 2 ca nô ra khơi nhanh chóng khống chế đám cháy, bảo vệ an toàn cho thủy thủ đoàn gồm 15 người nước ngoài.
Hiện trường một vụ cháy. |
Khó khăn, thách thức mới trong cuộc chiến chống giặc lửa luôn được đặt ra cho những người lính cứu hỏa thành phố Cảng. Từ vụ cháy phốt pho trên tàu RBD BOREA cho thấy hoạt động vận chuyển, sử dụng hóa chất vẫn chưa được quản lý chặt chẽ, nguy cơ về cháy nổ rất cao.
Trước đó, vào ngày 9/7/2011, lực lượng cứu hỏa Hải Phòng đã kịp thời dập tắt đám cháy phốt pho trên một xe container của Công ty TNHH Thành Huyền, khi đang lưu thông trên đường tại khu vực cảng Đình Vũ.
Đại tá Vũ Trọng Thắng, Trưởng phòng Phòng Hướng dẫn chỉ đạo về chữa cháy nhớ lại, vào lúc 16 giờ ngày 27/11/2015, khi nhận thông tin có tàu chở container chứa phốt pho bị cháy ở cảng Nam Hải, lực lượng chữa cháy lập tức chia làm nhiều mũi cùng xuất kích trong tâm thế không thể chậm trễ một giây.
Bởi phốt pho là loại hoá chất dễ cháy, chỉ cần tiếp xúc với không khí là phốt pho có thể tự cháy, do đó thời gian dập lửa có khi kéo dài cả ngày. Hơn nữa, phốt pho khi cháy tạo khí rất độc cho người, nguy cơ nhiễm độc cả vùng rộng lớn và tiềm ẩn nguy cơ cháy lớn, cháy lan toàn bộ con tàu, gây thiệt hại về người, tài sản nếu không được kịp thời xử lý.
Sau hơn 7 giờ tổ chức chữa cháy liên tục, 300 CBCS cùng hàng chục phương tiện của lực lượng PCCC phối hợp với một số lực lượng khác đã dập tắt hoàn toàn đám cháy và xử lý an toàn sự cố rò rỉ phốt pho, không để đám cháy cháy lan, cháy rộng.
*Trong 5 năm qua, lực lượng Cảnh sát PCCC Hải Phòng đã tham gia chữa cháy thành công hàng chục vụ cháy lớn nhỏ, bảo vệ an toàn cho nhiều nạn nhân, hạn chế thấp nhất thiệt hại về tài sản với giá trị hàng trăm tỷ đồng. Đồng thời Cảnh sát PCCC Hải Phòng còn chủ động tham gia với các lực lượng khác diễn tập thành nhiều phương án, như xử lý khủng bố, giải cứu con tin, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ, rà phá bom mìn… |