Những phận người mưu sinh dưới trời nắng 40 độ C

08:00 27/06/2019
Những ngày qua, tiết trời Hà Nội nóng bức khiến cuộc sống đảo lộn. Khoảng 10 giờ sáng, nắng đã trở nên gay gắt và kéo đến hơn 17 giờ khiến nhịp sống của người dân như chậm lại.

Giữa trưa, tại các con phố của trung tâm Hà Nội có lúc lên đến hơn 40 độ C. Nhưng giữa tiết như chảo lửa ấy vẫn có những người lao động nghèo nhọc nhằn mưu sinh.

Nắng nữa vẫn phải làm

Trên phố Hoàng Hoa Thám, 11 giờ trưa, giữa cái nắng như đổ lửa, anh Lê Văn Linh (Quảng Xương, Thanh Hoá) với bộ quần áo công nhân ướt sũng mồ hôi, cặm cụi xếp từng viên gạch lên xe để chở đến công trình cho kịp tiến độ. Anh bảo, gia đình anh rất khó khăn, vợ cũng phải ra Hà Nội  kiếm sống để 2 đứa con nhỏ, 1 đứa bị dị tật bẩm sinh ở nhà cho ông bà nội trông nom. 

Hàng tháng hai vợ chồng phải gửi tiền về nuôi các con, rồi thuốc thang cho đứa nhỏ và còn bao thứ lo toan khác nữa. Lấy chiếc khăn ướt lau vội lên người, anh Linh tâm sự: "Em nói thật là dù nắng thế này chứ nắng nữa thì vẫn phải đi làm thôi. Giờ nghỉ ngày nào là ngày đó không có tiền. Bao nhiêu người, bao nhiêu việc trông chờ vào sức lao động của mình mà. Vợ chồng em ở quê lên, học hành thì không có, lên đây kiếm sống người ta thuê gì thì làm đấy. Trung bình hai vợ chồng mỗi ngày cũng được 400 nghìn, còn phải ăn uống, thuê nhà ở nữa. Bọn em cũng tiết kiệm lắm, bớt tiền gửi về cho ông bà chăm các con". Nói vội với chúng tôi rồi anh Linh lại cặm cụi kéo xe gạch vào sâu con ngõ với dáng người khắc khổ.

Trên con phố Lê Văn Lương, bà Minh quệt mồ hôi ròng ròng rồi kéo khăn che mặt. 11 giờ trưa, bà đã uống cạn bình nước gần 1 lít. Còn gần 1 tiếng nữa công trình xây dựng bà đang làm mới nghỉ trưa, nhưng tất cả đã uể oải. Họ say nắng, lừ đừ, họ nhìn nhau cũng chẳng buồn nói 1 câu. 

Ông chủ thầu công trình vì tiếc việc cũng chẳng nói năng gì, mặt cũng đỏ lừ, ròng mồ hôi... Bà Minh nói không thành tiếng: "Mệt lắm cô ạ nhưng vẫn phải cố thôi. Tất cả anh em ở đây đều vậy, mình đi làm thuê nên phải làm đủ giờ người ta mới trả tiền chứ. Tôi là phụ nữ nhưng đi phụ vữa, theo được cánh ông đàn ông không phải dễ dàng đâu, nhất là nắng nóng thế này".

Dù nắng nóng hơn 40 độ C nhưng nhiều người vẫn phải ra đường mưu sinh.

Chúng tôi cố đợi thêm để theo chân bà Minh về khu xóm trọ gần công trình bà đang làm. Phòng trọ chừng 10 mét vuông, nằm sâu trong con ngõ trên đường Vũ Trọng Phụng là nơi bà Minh trở về sau những giờ làm việc vất vả. 

Bà bảo, những ngày nắng nóng về đến phòng trọ là cắm cơm gấp, mua mấy thứ ăn sẵn rồi ngả lưng chút, cơm chín thì dậy ăn rồi lại nhanh chóng đi làm. "Không hiểu sao mấy hôm nay trời nắng nóng quá, nhiều lúc trộn vữa, bốc gạch mà cảm giác choáng váng, mắt mũi tối sầm  không nhìn thấy gì, muốn ngất luôn" - bà Minh chia sẻ.

Cùng chung cảnh phải phơi mặt trên những con đường bê tông nóng bỏng, chị Nguyễn Minh An (công nhân môi trường) chia sẻ: "Nắng nóng quá, nhiều hôm không thể chịu nổi, cứ làm một lúc lại phải nghỉ. Mùi rác thải nồng nặc, xộc thẳng vào mũi. Dù thế nào thì vẫn phải cố thôi, không làm lấy đâu tiền mà cho con ăn học". 

Theo các công nhân môi trường chia sẻ, dù được trang bị quần áo bảo hộ lao động dày nhưng với mức nhiệt hơn 40 độ C từ 9 giờ sáng đến 5 - 6 giờ chiều thì dù áo dày, mũ, khăn kín mít nhưng ai cũng cảm thấy bỏng rát da thịt, vô cùng khó chịu.

Đa phần công việc của những người lao động chân tay, nặng nhọc đều rất bấp bênh, ngày được ngày không, nay trời nắng gắt càng tăng thêm sự vất vả, mệt nhọc, thế nhưng họ đều không dám nghỉ vì cuộc sống còn nhiều khó khăn. 

Chị Lê Dương (người làm nghề nhặt phế liệu) chia sẻ: "Đến ngồi chơi không còn thấy mệt nói gì đi suốt ngoài đường thế này. Cứ nghĩ đến con cái là mình lại phải cố, không đi làm thì không có tiền cho con ăn học tử tế. Nhiều lúc mệt quá, không chịu được nữa mới về".

Với những người lao động nghèo, họ không có lựa chọn nào khác dù trời nắng như đổ lửa.

Những ngày qua, quán trà đá ven đường là nơi trú chân lý tưởng của hầu hết những người làm nghề xe ôm, công nhân xây dựng… Anh Lê Văn Đức (làm nghề xe ôm) than thở: "Trời nắng nóng thế này cũng chẳng có khách đi xe ôm đâu, họ đi taxi cho mát, thu nhập giảm lắm, nhưng mình vẫn phải ra đường đứng thôi, được cuốc nào, hay cuốc đó, chứ trong nhà thì làm gì có ai vào gọi mình đi". 

Còn ông Nguyễn Tiến Hoàng, lái xích lô giãi bày: "Nắng thế này mình ngại thôi, nhưng Tây thấy chả ngại đâu nhiều hôm giữa trưa cũng đi, mình đạp được vòng mà như tắc thở, tôi phải cầm sẵn ba, bốn chai nước, mình phải tiếp nước liên tục không rất mệt".

Vất vả nhất trong những ngày nắng nóng này phải là những người làm nghề thợ rèn. Có mặt tại làng Đa Sĩ (Hà Đông - Hà Nội), theo người dân tại đây tiếng búa, tiếng khò bếp bắt đầu từ rất sớm. Nhiều gia đình tranh thủ dậy từ 3 giờ sáng để làm, vì sợ nắng nóng không chịu nổi. 

Anh Đạt (thợ rèn) cho biết: "Chị thấy đấy, làng thì chật chội, nghề rèn là nghề phải tiếp xúc với lửa nên nóng lắm. Chúng tôi đều phải làm sớm, có nhà dậy từ 2 - 3 giờ sáng để làm, độ 8 -9 giờ là phải nghỉ rồi. Không làm cũng không được vì đơn đặt hàng đã chốt rồi. Nhiệt độ ngoài trời hơn 40 độ C, nhưng trong lò rèn là 800 độ cơ mà. Nắng nóng thế này, quạt công nghiệp thổi vào cũng không ăn thua gì".

Dù mặc áo bảo hộ nhưng vẫn không tránh được cái bỏng rát của thời tiết.

Tiềm ẩn nhiều nguy cơ với sức khỏe

Thời tiết nắng nóng rất ảnh hưởng đến sức khoẻ, đặc biệt là với người lao động ngoài trời. Những bệnh thường gặp như: say nắng, say nóng, ung thư da. Biểu hiện của các vấn đề sức khoẻ trong mùa nắng nóng phụ thuộc vào thời gian tiếp xúc với nắng nóng, mức độ tăng thân nhiệt của cơ thể.

Theo bác sĩ Nguyễn Văn Tụ (chủ một phòng khám tư tại Hà Nội), những ngày gần đây có rất nhiều bệnh nhân đến phòng khám để truyền nước, khám vì có nhiều biểu hiện khó chịu. Mức độ nhẹ thì mệt mỏi, khát nước, hoa mắt, chóng mặt, tăng nhịp tim, tăng nhịp thở, hồi hộp đánh trống ngực, chuột rút. 

Ở mức độ nặng: Đau đầu dữ dội, khó thở tăng dần, cảm giác buồn nôn hoặc nôn, yếu hoặc liệt nửa người, co giật, ngất xỉu hoặc hôn mê, truỵ tim mạch (tim đập nhanh, huyết áp tụt…) và có thể tử vong. "Còn về mặt thẩm mỹ, sẽ gây nếp nhăn nhiều, đồi mồi, tàn nhang, nám má, sa sạm, da nâu đen, để lâu sẽ dẫn đến ung thư da, nếu bệnh nhân không phát hiện kịp thời có thể gây tổn thương mắt, mũi… 

Về lâu dài, thời tiết nóng bức là môi trường lý tưởng để vi khuẩn phát triển mạnh, những người lao động phải tiếp xúc thường xuyên với hóa chất hay rác thải… rất dễ mắc những bệnh về tim, phổi… Vì vậy, cần có những dụng cụ bảo hộ để hạn chế phần nào vi khuẩn gây hại" - bác sĩ Tụ chia sẻ.

Để tránh trường hợp xảy ra với nắng nóng, người làm việc trong thời tiết khắc nghiệt nên bố trí thời gian làm việc vào những lúc trời mát mẻ nhất trong ngày, như sáng sớm hoặc chiều muộn. Hạn chế nhất có thể làm việc trong môi trường nhiệt độ cao. Nếu bắt buộc phải làm việc thì không nên làm việc quá lâu, sau khoảng 45 phút đến 1 giờ làm việc thì nghỉ ngơi ở nơi thoáng mát trong khoảng thời gian từ 15 - 20 phút.

Người phụ nữ này cho biết, nhiều ngày nay luôn cảm thấy trong người nôn nao, nhiều lúc xây xẩm mặt mày.

Bà Lệ Thu, chuyên gia thẩm mỹ tại Hà Nội đưa ra lời khuyên: "Cần che kín các phần da trên cơ thể khi tiếp xúc với trời nắng. Như phần vai gáy, cần đặc biệt chú ý. Sử dụng phương tiện bảo hộ cá nhân phù hợp khi làm việc ngoài trời nắng như quần áo bảo hộ lao động, mũ, nón, kính. 

Mặc quần áo rộng, thoáng mát và thấm mồ hôi. Có thể sử dụng thêm các loại kem chống nắng. Đặc biệt, không sử dụng các loại đồ uống có cồn. Cần uống nước đều đặn trong suốt thời gian làm việc. Nếu có những biểu hiện như chóng mặt, buồn nôn, ra mồ hôi quá nhiều… phải lập tức ngừng làm việc, tìm ngay nơi mát mẻ, thoáng gió, uống nước mát và nghỉ ngơi. Các trường hợp nặng phải lập tức đưa đến cơ sở y tế gần nhất.

Phong Anh

Tổng thống Vladimir Putin khẳng định ông đặt "lợi ích và sự an toàn của người dân Nga lên trên hết", đồng thời tin tưởng Nga sẽ vượt qua mọi khó khăn một cách tự trọng và trở nên mạnh mẽ hơn.

Bộ Công an Việt Nam và các cơ quan chức năng Australia đang tiến hành các thủ tục để chuẩn bị tổ chức Đối thoại An ninh cấp Bộ trưởng Việt Nam - Australia lần thứ nhất vào cuối năm 2024. Đây là sự kiện quan trọng góp phần nâng tầm hợp tác hai bên trong lĩnh vực an ninh và thực thi pháp luật.

Với việc hóa thân thành ông lão 72 tuổi để nói về việc trẻ em thiếu tình thương, em Nguyễn Đỗ Quang Minh, học sinh lớp 9, Trường THCS-THPT Nguyễn Khuyến, quận Cẩm Lệ, TP Đà Nẵng đã vượt qua 1,5 triệu bài viết, giành giải Nhất quốc gia cuộc thi Viết thư UPU lần thứ 53.

Liên quan đến thông tin một số khán giả cho rằng, trang phục biểu diễn của ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng có cài huy hiệu lạ, nhạy cảm trong đêm nhạc “Ngày em thắp sao trời”, chiều 7/5, ông Nguyễn Danh Hoàng Việt, Chánh Văn phòng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã nắm được vụ việc và chỉ đạo kiểm tra.

Những ngày qua có 4 tàu cá cùng 11 ngư dân của Quảng Bình bị nạn trên biển do lốc xoáy, sau 5 ngày nỗ lực liên lạc, tìm kiếm, 4 ngư dân đã được đưa vào bờ an toàn trong niềm vui vỡ oà của người thân.

Từ thắng lợi Điện Biên Phủ chấn động địa cầu năm 1954 đến đại thắng mùa xuân năm 1975 là 21 năm đằng đẵng với bao mất mát, hy sinh của dân tộc Việt Nam. Trong hành trình ấy, nhân dân Việt Nam đã đoàn kết dưới sự lãnh đạo của Đảng cách mạng chân chính và vững niềm tin để thực hiện khát vọng cháy bỏng: Non sông liền một dải, hòa bình, độc lập và xây dựng đất nước hùng cường.

Trở lại Việt Nam vào những ngày cuối tháng tư, nữ nhà văn người Mỹ Lady Borton đang gấp rút duyệt bản thảo lần cuối cho cuốn sách mới bằng tiếng Anh viết về Điện Biên Phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Gắn bó với Việt Nam hơn nửa thế kỷ, người phụ nữ 82 tuổi này đã chứng kiến nhiều thăng trầm của Việt Nam, coi đây là quê hương thứ hai của mình.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文