Những viên ngọc bích đổi bằng máu ở Myanmar

20:28 07/07/2020
Ngày 2-7, thảm họa kinh hoàng đã xảy ra tại mỏ ngọc bích Hpakant, thuộc bang Kachin, miền Bắc Myanmar, khiến hơn 170 người thiệt mạng. 

Nhiều năm qua, Myanmar là nơi cung cấp ngọc bích lớn nhất thế giới với lợi nhuận hơn 30 tỷ USD/năm. Tuy nhiên, khai thác ngọc bích cũng là nghề nguy hiểm khi nhiều vụ tai nạn đã xảy ra tại các địa điểm khai thác. Không những thế, các công nhân luôn phải đối mặt với nguy cơ sập hầm, sạt lở, nghiện ma túy hoặc lạm dụng tình dục.

Đánh cược sinh mạng trên núi ngọc

6 giờ 30 phút ngày 2-7, giờ địa phương, mưa lớn làm một đống chất thải sạt lở và rơi xuống hồ, tạo ra một làn sóng bùn cùng với nước chôn vùi những người làm việc tại địa điểm này. 

Đống chất thải khai khoáng cao hơn 76 mét đã đổ sập xuống khu mỏ lộ thiên, nơi có một hồ nước hình thành từ những trận mưa gần đây, tạo ra một đợt sóng vô cùng lớn. Đợt sóng này cuốn phăng nhiều thợ mỏ xuống lớp bùn nhầy, khiến họ bị chết sặc. 

Theo các quan chức cứu hỏa, "sóng bùn" nhấn chìm các thợ mỏ. Những người này điên cuồng tháo chạy lên cao khi một đống bùn đen cao chót vót đổ ập xuống hồ nước màu ngọc lam. "Chiều cao của sóng bùn lên tới 6 mét khiến nhiều người chết đuối. Nó giống như một cơn sóng thần", ông U Tin Soe, một quan chức địa phương nói.

Maung Khaing, một thợ mỏ sống sót sau vụ lở đất, kể lại rằng anh nhìn thấy một đống bùn đất cao chót vót chuẩn bị ập xuống và định chụp ảnh thì mọi người bắt đầu hét lên "chạy, chạy" trước khi những người ở dưới chân đồi "biến mất". "Tôi vẫn còn nổi da gà... Có những người bị mắc kẹt trong bùn kêu cứu nhưng không ai có thể giúp họ", Maung Khaing nói.

Tình nguyện viên đưa quan tài thợ mỏ thiệt mạng trong vụ lở mỏ ngọc ở bang Kachin, Myanmar xuống hố chôn tập thể hôm 3-7.

Than Hlaing, thành viên của một nhóm xã hội dân sự địa phương, cho biết những người thiệt mạng là những công nhân không chính thức đang thu dọn rác thải của một công ty khai thác lớn hơn. 

"Các gia đình này không có hy vọng nhận được bồi thường vì họ là những người khai thác tự do. Tôi không thấy bất kỳ con đường nào để thoát khỏi vòng luẩn quẩn này. Mọi người chấp nhận rủi ro vì họ không có lựa chọn nào khác", Than Hlaing nói.

Đây là một trong những tai nạn khai thác mỏ tồi tệ nhất trong lịch sử Myanmar. Thar Lin Maung, một quan chức địa phương của Bộ Thông tin nói rằng, 171 thi thể đã được tìm thấy, nhưng nhiều thi thể đang nổi lên mặt nước. Ngày 3-7, hơn 100 thi thể thợ mỏ được chôn tập thể, trong khi hàng chục thi thể được hỏa táng theo truyền thống Phật giáo tại một nghĩa trang trên sườn đồi.

Global Witness, cơ quan giám sát môi trường có trụ sở tại London, Anh, cho biết, vụ tai nạn "là một bản cáo trạng nguy hiểm về sự thất bại của chính phủ nhằm ngăn chặn các hoạt động khai thác thiếu thận trọng và vô trách nhiệm trong các mỏ ngọc bích của bang Kachin".

Nhưng đây không phải lần đầu tiên xảy ra thảm họa tại khu mỏ này. Sạt lở gây chết người là hiện tượng phổ biến trong các mỏ ở Hpakant do tình trạng quản lý kém, nạn nhân thường đến từ các cộng đồng nghèo khó, những người liều mạng săn lùng những viên đá quý màu xanh lục. 

Vào ngày 22-11-2015, một trận lở đất lớn ở Hpakant đã giết chết ít nhất 116 người gần mỏ ngọc. Vụ lở đất xảy ra vào đầu giờ sáng, khi một đống đất thải nhân tạo khai thác từ mỏ ngọc bích gần đó sụp đổ. 

Nhiều người trong số những người thiệt mạng là những người sống trong một ngôi làng nhỏ gần đống chất thải, bao gồm cả những người khai thác mỏ và những người khác đã nhặt rác qua đất hoang để tìm tàn dư ngọc để bán.

Lực lượng cứu hộ tìm kiếm nạn nhân mất tích và thu nhặt thi thể trong vụ sạt lở tại mỏ ngọc bích hôm 2-7.

Trong khoảng 807 trường hợp tử vong được báo cáo trong các mỏ ngọc bích Myanmar từ năm 2015 đến 2018. Vào tháng 4-2019, thảm kịch lại xảy ra trong Hpakant, một hố khai thác mỏ bị bỏ rơi, chứa nước thải và vật liệu khai thác mỏ bỏ đi bị sập khiến 54 người chết... 

Tuy nhiên, hy vọng đổi đời từ những viên đá màu xanh tại các mỏ ở thị trấn Hpakant, giáp biên giới Trung Quốc, vẫn khiến 300.000 lao động nhập cư, tìm đến. Rất nhiều lao động ở các mỏ khai thác ngọc ở Myanmar là những người không có giấy đăng ký và sống trong các lều bạt, đến từ khắp Myanmar với hy vọng tìm được vận may, dù cho đổi bằng máu và nước mắt. Cạnh đó là hàng nghìn người đổ về khu vực này để mót những mảnh vỡ trong đống đất đá phế thải đổ ra từ mỏ.  

Hầu hết công nhân làm việc trong các mỏ với rất ít hoặc không có sự bảo vệ nào, khi mà khả năng bị bỏ mạng nếu lở đất liên tục xuất hiện trên đầu họ. Nhiều công ty khai thác ngọc bằng mọi cách dù họ có giấy phép chính thức hay không, và tận dụng, khai thác sức lao động của hàng nghìn người lao động.

Shwe Thein, một người tham gia tìm ngọc bích tại Kachin nói: “Tìm kiếm đá quý theo truyền thống là công việc duy nhất của người dân trong khu vực này. Họ không có lựa chọn sinh kế nào khác”. Còn Zaw Win, đến từ miền Trung Myanmar bày tỏ tham vọng: “Nếu ngày nào tôi cũng miệt mài tìm kiếm ngọc ở đây, tôi hy vọng một ngày nào đó sẽ trở nên giàu có”.

Nhiều người sẵn sàng đánh cược sinh mạng của mình tại mỏ ngọc bích.

Ngành công nghiệp tỷ đô

Bang Kachin cũng là nơi sở hữu những mỏ ngọc bích lớn nhất thế giới. Theo thống kê, Myanmar sản xuất khoảng 70% lượng đá ngọc bích thế giới. Ngành khai thác ngọc bích của nước này ước tính có giá trị hơn 30 tỷ USD/năm, tức gần bằng 50% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Myanmar. 

Phần lớn loại ngọc chất lượng tốt nhất thế giới được khai thác tại Hpakant, nằm ở bang Kachin, một vùng đất hiểm trở, 2 bên giáp Trung Quốc và Ấn Độ. Không có nơi nào trên thế giới tập trung ngọc bích nhiều và chất lượng như ở đây.

Ngọc bích của Myanmar có giá rất cao ở Trung Quốc và được coi như một vật tượng trưng cho phẩm giá và quyền lực. Nhiều người Trung Quốc quan niệm đeo trang sức ngọc bích mang lại điềm lành, sự thịnh vượng và trường thọ. 

Nó cũng được xem như một khoản đầu tư, và đây là nguyên nhân khiến Trung Quốc tận thu ngọc bích Myanmar. Vì thế gần 50% lượng ngọc bích của Myanmar được bán qua đường “không chính thức” sang Trung Quốc.

Nhiều người mót ngọc bích trong đống đất đá phế thải từ các mỏ.

Giá bán buôn của ngọc bích từ các mỏ khai thác vào khoảng 1.000 USD/kg, nhưng giá bán lẻ có thể tăng lên 1.400 USD/kg. Năm 2016, khi đang khai thác đá quý tại một khu mỏ hẻo lánh ở bang Kachin, các thợ mỏ đã phát hiện khối ngọc bích khổng lồ với trọng lượng 175 tấn, cao 2,7m, dài 5,5m và rộng 5,5m, ước tính có giá tới 175 triệu USD. Đây là khối ngọc bích lớn thứ hai thế giới, sau bức tượng Phật bằng ngọc bích nguyên khối nặng 260 tấn ở Trung Quốc.

Theo báo Guardian (Anh), hoạt động khai thác mỏ ngọc bích tại Myanmar đã hé lộ những góc khuất với hàng loạt vấn đề, hệ lụy như tàn phá môi trường, xung đột cũng như những tệ nạn xã hội khác từ các mỏ khai thác ngọc vốn không được quản lý chặt chẽ.

Lãnh đạo Myanmar Aung San Suu Kyi nói nguyên nhân thảm họa là tình trạng thất nghiệp khiến người lao động phải đến mỏ làm việc. Chính phủ đã tuyên bố thành lập một ủy ban điều tra thảm họa.

Ngọc Trang (tổng hợp)

Công an TP Hà Nội phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ Bộ Công an đồng loạt tiến hành triệu tập 26 đối tượng và khám xét khẩn cấp 8 địa điểm, thu giữ nhiều tài liệu, tang vật gồm 129,3 tấn nguyên liệu khí N2O ("khí cười"); 14 hệ thống máy móc, thiết bị san chiết khí; 2 máy bơm khí; 610 kg viên nén khí N2O; 71.668 chai khí thành phẩm; 6.586 vỏ bình khí; 50 kg vỏ bóng; nhiều điện thoại di động, máy tính cá nhân…; tạm giữ 23,17 tỷ đồng cùng 9.300 USD liên quan hoạt động phạm tội. 

Dù lực lượng chức năng đã có nhiều biện pháp để hạn chế tình trạng spam (rác) cuộc gọi bằng cách hạn chế sim rác, cho phép người nghe báo cáo cuộc gọi làm phiền, tuy nhiên tình trạng gọi điện thoại để chào mời hàng hóa, dịch vụ, thậm chí lừa đảo tham gia các sàn giao dịch vàng, chứng khoán... vẫn chưa có dấu hiệu giảm nhiệt. Góp phần không nhỏ cho hiện trạng này, không ai khác chính là những đơn vị, hội nhóm chuyên mua bán các loại data trên chợ đen.

Lực lượng phòng vệ dân sự Lebanon ngày 23/11 cho biết một cuộc không kích dữ dội ở trung tâm Beirut đã khiến ít nhất 11 người thiệt mạng, làm rung chuyển thủ đô khi Israel tấn công nhóm vũ trang Hezbollah.

Nhân Ngày Di sản Văn hoá Việt Nam, chiều tối 23/11, tại Đại Nội Huế; UBND tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức Lễ đón Bằng công nhận di sản tư liệu khu vực châu Á - Thái Bình Dương của UNESCO cho “Những bản đúc nổi trên chín đỉnh đồng ở Hoàng cung Huế”; công bố hoàn thành Dự án bảo tồn, tu bổ tổng thể di tích Điện Thái Hòa…

Thời gian gần đây, một số người tham gia giao thông ở TP Hồ Chí Minh có hành vi sử dụng vũ lực, côn đồ hung hãn sau khi xảy ra va chạm giao thông, thậm chí gây án mạng. Từ những ứng xử thiếu văn hóa như trên đã dẫn đến những hậu quả đáng tiếc, hệ lụy lâu dài cho bản thân họ, gia đình và xã hội.

Chiều 23/11, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Ngãi cho biết, đang phối hợp với cơ quan chức năng điều tra, làm rõ việc phát hiện 1.500 viên nén nghi ma túy trôi dạt vào bờ biển xã Bình Trị, huyện Bình Sơn.

Liên quan đến vụ tai nạn xe chở rác BKS 75C-044.83 khi đi qua cầu treo Bình Thành (xã Bình Thành, thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế) bất ngờ gặp tai nạn rơi xuống sông làm 2 người mất tích như Báo CAND đã thông tin, sáng nay (23/11), lực lượng cứu nạn cứu hộ (CNCH) đã tìm thấy được 2 thi thể trên sông.

Thanh tra Chính phủ vừa ban hành Thông báo số 2414/TB-TTCP thông báo kết luận thanh tra việc tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp cổ phần hóa sang kinh doanh đất, xây dựng nhà ở giai đoạn 2011-2021 tại Bộ Giao thông vận tải (GTVT).

Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) vừa công bố Dự thảo quy chế tuyển sinh đại học năm 2025, trong đó có nhiều điểm mới về xét tuyển sớm như quy định các trường đại học không được dành quá 20% chỉ tiêu để xét tuyển sớm, riêng xét học bạ phải dùng điểm cả năm lớp 12 thay vì dùng điểm 3-5 kỳ như hiện nay.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文