Nỗ lực kiểm phiếu lại và các vụ kiện của Tổng thống Donald Trump
- Truyền thông tác động tới cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ như thế nào?
- Nước Mỹ chia rẽ vì cuộc bầu cử tổng thống
- Sau bầu cử là đơn kiện
11.000 nghi vấn gian lận?
Tính đến ngày 12/11 (theo giờ Việt Nam), cựu Phó Tổng thống Joe Biden đã nhận được nhiều hơn đương kim Tổng thống Donald Trump 5 triệu phiếu bầu phổ thông và được truyền thông Mỹ dự đoán đạt đủ số phiếu bầu cử của đại cử tri để trở thành Tổng thống thứ 46 của nước này.
Trong khi việc kiểm đếm tiếp tục được thực hiện trên toàn quốc, sự chú ý đã chuyển sang một số tiểu bang nơi kết quả giữa hai ứng viên tương đối gần và có thể sẽ bị tranh cãi. Như ở bang Arizona, ban đầu hãng ACB News đưa tin là ông Joe Biden đã dẫn đầu ngay từ sớm. Nhưng sau đó, các hãng truyền thông khác đã ngừng lại khi có thông tin rõ ràng là ông Donald Trump đang bắt kịp. Hiện với 99% phiếu bầu được kiểm ở Arizona, cựu Phó Tổng thống nhận được 49,4%, cao hơn 0,3% so với con số ủng hộ đương kim Tổng thống.
Trong khi đương kim Tổng thống tuyên bố tiếp tục kiện thì ứng viên đảng Dân chủ Joe Biden kêu gọi ông Donald Trump chấp nhận sự thật. ảnh: Getty |
Còn bang Pennsylvania thì tuyên bố ông Joe Biden thắng với 47.566 phiếu ủng hộ và hiện đang trở thành trọng tâm chính của các nỗ lực pháp lý của đảng Cộng hoà. Bởi lẽ, Pennsylvania có 20 phiếu đại cử tri đoàn, và chiến thắng ở bang này mang lại cho cựu Phó Tổng thống hơn 270 phiếu cần thiết để đắc cử Tổng thống. Điều đó cũng có nghĩa là ngay cả khi ông Joe Biden kết thúc bằng việc thua ở Georgia hay Arizona, ông vẫn sẽ thắng cử Tổng thống.
Bắc Carolina thì vẫn chưa thể thông tin cụ thể nhưng thành viên đảng Dân chủ Cal Cunningham đã nhượng bộ đối thủ đảng Cộng hòa Thom Tillis với khoảng 94.500 phiếu bầu. Và đừng quên Alaska, nơi 69% phiếu bầu được kiểm giúp ông Donald Trump dẫn đầu với 58% phiếu ủng hộ. Đương kim Tổng thống và nhóm của ông đã yêu cầu kiểm phiếu lại ở Wisconsin và Georgia nhưng điều đó sẽ không xảy ra cho đến khi cả hai bang hoàn thành việc kiểm phiếu…
Xuất hiện trên truyền hình Fox News hôm 11/11, thư ký báo chí Nhà Trắng Kayleigh McEnany đã đưa ra một tập văn bản dài 234 trang mà cô tuyên bố là bằng chứng về gian lận trong bầu cử năm nay ở hạt Wayne, Michigan. Ngoài ra, Kayleigh McEnany cũng liệt kê ra những trường hợp bất thường mà chiến dịch tranh cử của Tổng thống Mỹ Donald Trump được cho là đã phát hiện ra.
Chủ tịch Ủy ban Quốc gia đảng Cộng hòa Ronna McDaniel cũng tuyên bố, phía ông Donald Trump sẽ thách thức kết quả bầu cử đến cùng bằng 11.000 nghi vấn gian lận bầu cử từ các nhân chứng và đã tổng hợp khoảng 500 bản tuyên thệ từ các nhân chứng. Trong khi đó, Bộ trưởng Tư pháp Mỹ William Barr đã ủy quyền cho các công tố viên liên bang tiến hành điều tra về những bất thường trong cuộc bầu cử Tổng thống.
Trong thư gửi các công tố viên liên bang, Bộ trưởng William Barr cho biết, do hoạt động bỏ phiếu hiện đã kết thúc, ông cho phép các công tố viên liên bang theo đuổi các cáo buộc xác đáng về những bất thường trong việc bỏ phiếu và lập bảng biểu bỏ phiếu trước khi đưa ra xác nhận về bầu cử theo thẩm quyền cho phép đối với những trường hợp nhất định. Đồng thời, Bộ trưởng Tư pháp Mỹ cũng nhấn mạnh, các cuộc điều tra và việc rà soát có thể được tiến hành trong trường hợp có những cáo buộc rõ ràng và đáng tin cậy về những bất thường, và nếu điều này đúng, có thể tác động tới kết quả bầu cử liên bang tại một bang riêng lẻ…
Kiểm phiếu bầu ở Wisconsin. ảnh: Getty |
Theo giới phân tích, hiện tỷ lệ ủng hộ cuộc chiến pháp lý về bầu cử của đương kim Tổng thống đang ngày càng gia tăng. Đảng Cộng hoà hiện cũng đã bày tỏ quyết tâm đồng lòng cùng ông Donald Trump. Thượng nghị sỹ Lindsey Graham, Chủ tịch Ủy ban Tư pháp Thượng viện Mỹ còn tuyên bố, ông sẽ điều tra tất cả các "cáo buộc đáng tin" về những sai phạm trong cuộc bầu cử. Phó Thống đốc bang Texas Dan Patrick thậm chí còn treo thưởng 1 triệu USD cho người tố cáo gian lận bầu cử và bất cứ ai cung cấp thông tin dẫn đến việc kết án sẽ nhận được ít nhất 25.000 USD. Số tiền này được trích ra từ quỹ vận động tranh cử của ông Dan Patrick. Một số nghị sĩ Cộng hòa nổi bật nhất Texas, trong đó có ông Ted Cruz, cũng lên tiếng ủng hộ Tổng thống Donald Trump.
Và chiến dịch kiện ở 5 bang
Thông thường, các cuộc điều tra về gian lận bầu cử là do các bang tự tiến hành theo luật bầu cử riêng của họ. Hiện chiến dịch tranh cử của ông Donald Trump đã nộp hơn chục đơn kiện ở ít nhất 5 bang gồm: Pennsylvania, Georgia, Michigan, Arizona và Nevada. Ở Pennsylvania, chiến dịch tranh cử của đương kim Tổng thống đã thách thức một phán quyết của Tòa án tối cao bang cho phép các quan chức bầu cử chấp nhận các lá phiếu gửi qua thư tối đa 3 ngày sau cuộc bầu cử miễn là chúng được đóng dấu bưu điện trước ngày bầu cử.
Cụ thể, ê kíp của ông Donald Trump kiện về việc các quan sát viên bị cho là bị chặn chứng kiến kiểm đếm phiếu bầu và cũng đang thách thức chỉ thị của Ngoại trưởng bang, người đã nói với các cử tri có lá phiếu gửi qua thư bị từ chối rằng họ có thể bỏ phiếu tạm thời. Người đứng đầu ngành ngoại giao của bang Pennsylvania, bà Kathy Boockvar, và hội đồng bầu cử các hạt có thiên hướng ủng hộ đảng Dân chủ, trong đó có Philadelphia và Pittsburgh cũng bị kiện đích danh.
Tại bang Arizona, đơn kiện dường như được thực hiện dựa trên một thuyết âm mưu mất uy tín rằng những cử tri sử dụng bút Sharpie để điền vào lá phiếu của họ sẽ không được tính. Đơn kiện của chiến dịch không đề cập cụ thể đến Sharpies, nhưng chứa đựng những cáo buộc từ các cử tri, những người nói rằng họ nhận thấy mực đã chảy qua lá phiếu của họ, điều này có thể khiến lá phiếu của họ không được đếm nếu những người quét phiếu tin rằng họ đã bỏ phiếu cho nhiều hơn một ứng cử viên. Chiến dịch tranh cử của ông Trump đã gửi bản tuyên thệ từ hai cử tri cho biết họ không được thông báo về cơ hội sửa lá phiếu của mình.
Một vụ kiện bầu cử ở Michigan đã được đưa ra, nhưng chiến dịch tranh cử của ông Donald Trump cho biết họ sẽ nộp đơn kiện mới với cáo buộc rằng những người theo dõi cuộc thăm dò đã bị quấy rối hoặc quay lưng và yêu cầu không xác nhận kết quả bầu cử. Thẩm phán Cynthia Diane Stephens của Tòa án Michigan đã bác bỏ đơn kiện đầu tiên vì cho rằng không chỉ rõ được gian lận khi nào, ở đâu và của ai. Về bức ảnh một tờ giấy dính từ một nhân viên thăm dò với mục đích cho thấy rằng các nhân viên bưu điện đang được hướng dẫn để lùi ngày các phiếu bầu, thẩm phán Cynthia Diane Stephens của đã từ chối thừa nhận và cho đó chỉ là tin đồn.
Trong một trường hợp khác, thẩm phán Timothy Kenny thuộc Tòa án tư pháp Michigan đã bác bỏ nỗ lực hồi tuần trước để tạm dừng kiểm phiếu sau khi đảng Cộng hòa tuyên bố rằng họ bị loại khỏi quy trình trong đó các quan chức bầu cử đang sửa các lá phiếu không thể đọc được bằng máy quét. Thẩm phán đã ra phán quyết không dừng việc kiểm phiếu, nói rằng trong khi các nguyên đơn lập luận rằng hàng trăm hoặc hàng nghìn lá phiếu có khả năng bị ảnh hưởng, họ đã không đưa ra "bản khai hoặc bằng chứng, nhân chứng cụ thể để chứng minh cho cáo buộc của mình".
Những người ủng hộ ông Donald Trump biểu tình ở Phoenix. ảnh: Reuters |
Còn ở bang Nevada, đảng Cộng hoà đã thua trong một vụ kiện cuối tuần trước khi tìm cách ngăn chặn hạt Clark đông dân nhất và nghiêng về đảng Dân chủ của bang, sử dụng một máy tự động xác minh chữ ký trên các lá phiếu.
Đảng Cộng hòa đã đưa ra nhân chứng Jill Stokke, một phụ nữ mù 79 tuổi, người tuyên bố rằng lá phiếu của bà bị đánh cắp. Nhưng các quan chức bầu cử cho biết họ đã gặp bà Jill Stokke, xem xét lá phiếu của bà và xác định chữ ký là của chính bà. Họ cũng đã đề nghị đưa bà một lá phiếu mới nếu bà ký vào bản tuyên thệ, nhưng bà từ chối. Theo tờ Independent, thẩm phán Andrew Gordon cho biết các nguyên đơn có "ít hoặc không có bằng chứng" rằng máy không hoạt động chính xác.
Riêng ở bang Georgia, chiến dịch tranh cử của ông Donald Trump cũng đã mất một nỗ lực để loại 53 lá phiếu gửi qua thư mà họ cho rằng vẫn được kiểm đếm dù chúng đến sau ngày bầu cử. Tuy nhiên, bang này cũng vẫn tổ chức một cuộc kiểm phiếu lại trong những tuần tới.
Hãng Vox dẫn lời một số nhà bình luận quốc tế cho rằng, Tổng thống Donald Trump có thể theo đuổi cuộc chiến pháp lý hoặc dựa vào phiếu đại cử tri để xoay chuyển cục diện kết quả bầu cử, nhưng cơ hội rất mong manh. Tòa án Tối cao Mỹ ngày 12/12/2000 đã lần đầu tiên can thiệp vào một cuộc bầu cử tổng thống, khi ra lệnh cho bang Florida dừng kiểm lại phiếu với lý do hiến pháp bị vi phạm, bởi các hạt áp dụng tiêu chuẩn kiểm phiếu khác nhau. Nhưng để những vụ kiện này thành công ở tòa án cấp bang và lên được tới Tòa án tối cao, chiến dịch tranh cử của ông Donald Trump cần phải cung cấp thêm nhiều bằng chứng thuyết phục.