Nỗi lo "ác mẫu" bạo hành tại nhóm trẻ gia đình

15:01 03/06/2018
Trong những ngày này, clip "Các cháu bé bị bảo mẫu nhóm trẻ độc lập Mẹ Mười tại Đà Nẵng hành hạ như thời trung cổ" lan truyền trên mạng xã hội khiến các bậc phụ huynh không khỏi phẫn nộ.


Với tính chất, mức độ hành vi bạo hành này, Bộ GD&ĐT đã yêu cầu chính quyền TP Đà Nẵng xử lý nghiêm, Công an quận Thanh Khê (TP. Đà Nẵng) đã quyết định khởi tố vụ án, quản thúc chủ cơ sở để phục vụ điều tra.

Thế nhưng, làm sao để phụ huynh yên tâm, đảm bảo thể chất và tinh thần cho trẻ nhỏ trong dịp hè; phải chấm dứt những "ác mẫu" bạo hành bằng cách nào và liệu người tố giác có bị xử lý… mới chính là mối quan tâm thiết yếu của dư luận.

Trẻ bị bảo mẫu bạo hành chỉ vì biếng ăn

Đó là sự thật hãi hùng diễn ra tại nhóm trẻ độc lập Mẹ Mười (địa chỉ tại số 251/32 Thái Thị Bôi, phường Chính Gián, quận Thanh Khê, TP. Đà Nẵng). Sáng 21-5, trên mạng xã hội lan truyền clip và hình ảnh ghi lại cảnh một nhóm 10 bé (từ 18 tháng đến 3 tuổi) đã bị hai bảo mẫu của cơ sở Mẹ Mười, một người mặc áo trắng sọc đen và một người khác mặc áo màu đỏ dài tay liên tục dọa nạt các cháu bé để thúc ép ăn.

Cảnh hai bảo mẫu của cơ sở Nhóm trẻ Mẹ Mười hành hạ các cháu bé khiến dư luận phẫn nộ. 

Trong đó, 2 bé trai cởi trần bị người bảo mẫu này một chân đè chặt lên người, ép nằm ngửa dưới sàn nhà và vừa liên tục trút thức ăn vào miệng vừa tát dã man. Mặc dầu các cháu bé đã sợ hãi khóc lóc, nhưng một người phụ nữ vẫn tiếp tục ép cháu ăn.

Còn người phụ nữ thứ hai quăng chiếc khăn phủ lên mặt bé và đánh liên tục vào mặt. Phẫn nộ hơn, trong clip còn quay lại cảnh người phụ nữ nắm đầu và mặt một trẻ nhỏ còn mặc tã và xách bổng em bé này lên… 

Ngay sau khi clip được phản ánh, phụ huynh của một trong các em bé trong clip  đã không khỏi bàng hoàng, tìm đến Công an quận Thanh Khê gửi đơn yêu cầu xử lý hành vi bạo hành của các bảo mẫu này.

Tại cơ quan CSĐT, chủ cơ sở Mẹ Mười - bà Đinh Thị Hồng (46 tuổi, trú số 251/32 Thái Thị Bôi) không chỉ thừa nhận: Clip, hình ảnh trên mạng xã hội được quay tại cơ sở mầm non do mình làm chủ, mà "ác mẫu" được quay phim, chụp ảnh có hành vi bạo hành trẻ cũng chính là bà Hồng…

Theo cách bà Hồng chống chế hòng chối bỏ hành vi bạo hành của mình thì: Clip tố cáo hành vi bạo hành của bà ta quay từ tháng 4-2018, do một bảo mẫu có nhiều "khúc mắc" với bà Hồng, hiện đã nghỉ việc, nhưng cố tình quay lén rồi tung lên mạng để làm mất uy tín cho cơ sở Mẹ Mười?! Và rằng, cháu bé nằm trên sàn được quay trong clip có tên là L. (28 tháng tuổi).

Do cháu L. khó ăn nên bà ta phải đặt nằm giữa sàn nhà, khống chế, ném áo lên mặt. Và trong lúc nóng giận, bà Hồng đã tát thẳng vào mặt cháu L khiến cháu khóc thét lên.

Còn cháu bé trong hình ảnh bà Hồng dùng 2 tay nắm vào cổ nhấc bổng lên khỏi đất có tên là D. (12 tháng tuổi). Bà Hồng cho rằng: Do cháu D. bị nôn ói, lại bị ghẻ nên phải nắm vào cổ đưa ra ngoài..?!

Cơ quan CSĐT Công an quận Thanh Khê khẳng định: Đây là vụ việc nghiêm trọng gây bức xúc dư luận. Hành vi đã cấu thành tội hành hạ người khác, đặc biệt là hành hạ trẻ em dưới 16 tuổi, nếu cơ quan chức năng kiểm tra và phát hiện tỷ lệ thương tật đối với các cháu bé thì bà Hồng, chủ cơ sở Mẹ Mười sẽ phạm vào khoản 2, điều 140 Bộ luật Hình sự với mức án từ 1 - 3 năm tù...

Clip bạo hành trẻ được lan truyền nhanh trên mạng xã hội.

Vào ngày 24-5, cơ quan chức năng đã quyết định đóng cửa, chấm dứt hoạt động đối với nhóm trẻ độc lập Mẹ Mười; CSĐT Công an quận Thanh Khê cũng đã khởi tố vụ án, quản thúc Đinh Thị Hồng để điều tra làm rõ. Cũng thông tin thêm, chính chủ cơ sở nhóm trẻ này đã từng nhiều lần bị chính quyền địa phương mời lên Ủy ban để nhắc nhở, yêu cầu ký cam kết không để xảy ra tình trạng bạo hành trẻ, ngộ độc thực phẩm…

Quản lý những nhóm trẻ tư thục bằng cách nào?

Vụ bạo hành tại Nhóm trẻ độc lập tư thục Mẹ Mười không chỉ khiến các bậc phụ huynh lo lắng, phẫn nộ, mà còn dấy lên mối quan ngại về tình trạng bạo hành trong nhóm trẻ độc lập tư thục. Người dân Đà Nẵng mong muốn cơ quan chức năng xử lý nghiêm chủ cơ sở Mẹ Mười, siết chặt những trường tư thục, không để tình trạng tương tự xảy ra.

Đến thời điểm hiện tại, cơ quan CSĐT Công an quận Thanh Khê đã tiếp nhận 4 đơn tố giác của các phụ huynh có con gửi tại nhóm trẻ Mẹ Mười. Hiện Phòng GD&ĐT cũng đã tiến hành sắp xếp hỗ trợ, giúp đỡ cho các cháu đến các trường mầm non trên địa bàn quận Thanh Khê.

Nhưng điều đáng lo ngại là, không chỉ riêng vụ việc tại nhóm trẻ Mẹ Mười, mà tại TP. Đà Nẵng cũng từng xảy ra hàng loạt vụ việc trẻ bị tai nạn thương tích, thậm chí thiệt mạng tại các nhóm trẻ gia đình.

Cụ thể, vụ trẻ tử vong ở một nhóm trẻ tư thục do bị sặc cháo năm 2010 trên địa bàn quận Hải Châu; trẻ bị ngã chết tại nhóm trẻ năm 2016 ở quận Cẩm Lệ và một số vụ trẻ bị tai nạn thương tích do người giữ trẻ bất cẩn gây ra, để lại nỗi đau cho gia đình, người thân và nỗi ám ảnh đối với nhiều phụ huynh có con nhỏ…

Một việc đáng lo ngại hơn, đã vào dịp hè nhưng với những gia đình người lao động có thu nhập thấp, hoàn cảnh khó khăn thì nhóm trẻ gia đình là nơi họ tìm đến gửi con dù biết ở đó luôn tiềm ẩn rủi ro, nguy hiểm.

Một phụ huynh tâm sự: "Cả 2 vợ chồng tôi làm công nhân ở khu công nghiệp, thường xuyên phải làm thêm giờ, tăng ca. Nếu gửi trường công theo giờ hành chính sẽ không có người đưa đón. Còn nếu gửi ở trường tư thục chất lượng cao, gia đình không có khả năng. Thực tế gửi ở nhóm trẻ, cơ sở vật chất không đảm bảo, người dạy phần lớn là những người lớn tuổi, thiếu kỹ năng chăm trẻ cũng lo lắm nhưng biết làm sao được...".

Theo thống kê của Sở GD&ĐT TP. Đà Nẵng: Toàn TP Đà Nẵng có 1.033 nhóm lớp tư thục. Trong đó, có 629 nhóm trẻ có từ 8-50 em; 404 nhóm trẻ dưới 7 em. So với năm học trước, năm nay, số lượng nhóm trẻ độc lập tư thục tăng 131 nhóm. Các nhóm lớp độc lập tư thục thu nhận trẻ từ 6 - 36 tháng tuổi với mức học phí phù hợp cho những gia đình thu nhập thấp. 

Tuy nhiên, hoạt động của những nhóm trẻ này rất khó kiểm soát, mặc dù ngành GD&ĐT cũng đã có nhiều nỗ lực nhưng do số lượng nhóm trẻ tư thục quá lớn và hoạt động thiếu ổn định nên tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Liên quan đến vụ bạo hành trẻ vừa diễn ra tại nhóm trẻ độc lập tư thục Mẹ Mười, Giám đốc Sở GD&ĐT Nguyễn Đình Vĩnh cho biết: Nhóm trẻ này đã hoạt động hơn 10 năm nhưng đến năm 2013, UBND phường Chính Gián (quận Thanh Khê) mới cấp phép hoạt động.

Khi sự việc được phát hiện, nhóm trẻ này đang nhận chăm sóc, giáo dục 14 trẻ (gồm 11 cháu trong độ tuổi từ 6 tháng tuổi đến 3 tuổi và 3 trẻ độ tuổi mẫu giáo). Vào thời điểm này, nhóm trẻ này có 2 bảo mẫu, bà Đinh Thị Hồng vừa chủ nhóm trẻ vừa là bảo mẫu. Bà Hồng có trình độ cao đẳng sư phạm mầm non và một bảo mẫu khác vừa được nhận vào làm việc đã tốt nghiệp Đại học Sư phạm mầm non, nhưng chưa nhận bằng.

Đáng nói, bà Đinh Thị Hồng thừa nhận hành vi bạo hành đối với 4 trẻ, mặc dù chính bà ta trong vài trò chủ cơ sở đã tham gia ký cam kết không bạo hành với trẻ và có gắn hệ thống camera, nhưng vẫn có hành vi bạo hành.

Và rằng vụ bạo hành trẻ vừa xảy ra ở Nhóm trẻ tư thục độc lập Mẹ Mười được đưa ra khởi tố, hành vi vi phạm pháp luật của bà Đinh Thị Hồng chủ cơ sở này sẽ được xử lý nghiêm minh.

Tuy nhiên, điều mà người dân mong chờ là thành phố Đà Nẵng nhanh chóng lập lại trật tự, kỷ cương hoạt động của các cơ sở giáo dục mầm non, kịp thời ngăn chặn những hành vi bạo hành trẻ em để tai họa không còn rình rập.

Nhiều phụ huynh tập trung trước cơ sở nhóm trẻ Mẹ Mười bày tỏ bức xúc trước hành động mất nhân tính của các bảo mẫu.

Việc đe dọa, bạo hành trẻ trong các nhóm trẻ đang là mối lo chung của các cấp ngành. Điều kiện cơ sở vật chất, trình độ của các bảo mẫu, cô giáo cũng chưa được giám sát nghiêm túc, công tác giám sát, quản lý chất lượng, bằng cấp của bảo mẫu, giáo viên tại các nhóm trẻ chưa nghiêm. 

Dư luận cũng không khỏi những tranh luận trái chiều với nhận định của ông Nguyễn Thanh Xuân, Phó Chủ tịch UBND quận Thanh Khê (Đà Nẵng) cho rằng: Hiện cơ quan chức năng đang điều tra, làm rõ, xem xét xử lý người thực hiện clip ghi hình cảnh bạo hành trẻ ở nhóm trẻ Mẹ Mười.

Bởi theo kết quả điều tra của cơ quan Công an, clip này được thực hiện vào thời điểm tháng 4/2018 (cách nay khoảng 1,5 tháng). Nhưng người thực hiện clip, cũng là người chứng kiến hành vi bạo hành trẻ đã không tố cáo, tố giác ngay hành vi vi phạm pháp của bà Hồng với các cơ quan, đơn vị chức năng để nhà chức trách có biện pháp xử lý ngay những sai phạm trong hoạt động của nhóm trẻ này…

Tuy nhiên, phần đông dư luận cho rằng, hành động bạo hành trẻ em là sai trái và việc đăng tải clip này lên mạng cần được biểu dương chứ không phải là tìm cách xử lý. Bởi, nếu cơ quan chức năng xử lý người đăng tải clip bạo hành này sẽ tạo tiền đề cho những sự việc sau.

Và ngay sau buổi họp báo, vào ngày 26-5, UBND quận Thanh Khê đã phải thông cáo báo chí khẳng định phát biểu của Phó chủ tịch quận là ông Nguyễn Thanh Xuân chưa phù hợp, gây hiểu nhầm dẫn đến suy diễn, hạn chế về quyền thông tin.

Hoài Thu

Là người nước ngoài duy nhất đoạt giải trong cuộc thi "Tìm kiếm sứ giả tiếng Việt ở nước ngoài" năm 2024 do Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao phát động, Lanny Phetnion đã gắn bó với tiếng Việt hơn 10 năm. Hành trình đến với ngôn ngữ này bắt đầu khi Lanny Phetnion nhận được học bổng theo học Khoa Tiếng Việt, Đại học Quốc gia Lào. Cũng từ đây, tiếng Việt đã trở thành bệ đỡ giúp cô gái miền Bắc Lào gặt hái không ít thành công. 

Quen đối tượng có thể làm giả giấy tờ trong ngành Công an, Quân đội, Đàm Đình Phú đã đăng bài trên mạng xã hội nhận làm thủ tục vay tiền đối với khách đang nợ xấu. Sau khi có khách đặt hàng, Phú sẽ yêu cầu cung cấp hình ảnh chân dung để làm giả các loại giấy tờ rồi liên hệ nhân viên ngân hàng làm thủ tục vay tiền, mục đích chiếm đoạt tiền vay.

Luật Công chứng (sửa đổi) quy định công chứng viên của tổ chức hành nghề công chứng chỉ được công chứng giao dịch về bất động sản trong phạm vi tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi tổ chức hành nghề công chứng đặt trụ sở

Trung Quốc là đối tác thương mại lớn của Mỹ. Tuy nhiên, mới đây, Tổng thống đắc cử Donald Trump tiếp tục tuyên bố sẽ áp thuế bổ sung đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc cho đến khi nước này ngăn chặn "lượng lớn ma túy, nhất là fentanyl, đang được chuyển vào Mỹ".

Viện KSND tối cao vừa ban hành cáo trạng truy tố cựu Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận Lê Tiến Phương và 16 bị can khác về tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí”. Đây là vụ án đặc biệt nghiêm trọng xảy ra trong lĩnh vực quản lý nhà nước về đất đai trên địa bàn tỉnh Bình Thuận.

Từ kết quả điều tra những dấu hiệu bất thường tại một số gói thầu thi công xây dựng công trình trên địa bàn TP Nha Trang do Ban Quản lý Dịch vụ Công ích TP Nha Trang làm chủ đầu tư, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Khánh Hòa đã khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can, đồng thời bắt tạm giam hai cán bộ nhà nước và hai giám đốc doanh nghiệp.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文