Nơi lũ dữ in đậm dấu chân anh

16:01 26/10/2016
Với bà con các tỉnh miền Trung, trong đó có huyện Hương Khê (Hà Tĩnh) cuộc sống vốn đã khó khăn do tiết trời luôn khắc nghiệt, nay lại chất chồng hơn sau khi trận mưa, lũ lịch sử mới đây "quét" qua địa bàn. Cũng chính ở nơi lũ dữ tràn về ấy, hình ảnh về người chiến sĩ Công an nhân dân không quản khó khăn, vất vả, sát cánh cùng bà con gượng dậy sau cơn lũ dữ lại được tô thắm.


Vì nước quên thân, vì dân phục vụ

"Nhất thủy, nhì hỏa", câu nói ấy của người xưa thật đúng với những gì đã và đang để lại sau cơn lũ dữ "quét" qua địa bàn huyện Hương Khê. Dẫn chúng tôi đi ghi nhận thực tế hậu quả do mưa lũ để lại, Thiếu tá Lê Xuân Dũng, Phó trưởng Công an huyện Hương Khê không giấu được nỗi xót xa trước cảnh tiêu điều mà trận lũ lịch sử trung tuần tháng 10-2016 vừa qua đã gây ra.

Thiếu tá Lê Xuân Dũng bảo, mưa lớn kéo dài từ ngày 12 đến ngày 15-10 đã khiến 18/22 xã, thị trấn của huyện bị ngập trong nước. Đỉnh điểm vào đêm 14, rạng sáng 15-10, nước ngập trên báo động III là 2,14m, khiến 10.382 hộ bị ngập nước.

Trong đó có 2.576 hộ ngập trên 2m. "Giờ nước đã rút rồi đấy, chứ mấy hôm trước, các xã Hương Trạch, Hương Đô, Lộc Yên, Hương Thủy… không vào được đâu. Mọi sinh hoạt của bà con đều bị ảnh hưởng nghiêm trọng em ạ!", Thiếu tá Lê Xuân Dũng nói đứt quãng với tôi.

Cán bộ Báo Công an nhân dân và Công an huyện Hương Khê vận chuyển lương thực đến các hộ gia đình bị cô lập bởi mưa lũ.

Vâng! Có đến, có tận mắt thấy cảnh vật sau khi lũ dữ đi qua mới xót xa thương cảm trước những khó khăn mà bà con vùng "rốn" lũ Hương Khê đang gặp phải. Cũng chính trong cơn lũ dữ ấy, những câu chuyện nghĩa tình đã xuất hiện.

Trong suy nghĩ của anh Ngô Xuân Tân, Phó Chủ tịch UBND xã Hương Thủy (Hương Khê) luôn hiện hữu về hình ảnh các cán bộ chiến sĩ Công an, Quân đội không quản lũ dữ, vận áo mưa, điều khiển ca nô, xuồng máy vào tận từng thôn, xóm để hỗ trợ, cứu hộ bà con.

Theo anh Tân cho biết, Hương Thủy là xã đặc biệt khó khăn thuộc vùng thường xuyên bị ảnh hưởng bởi mưa lũ. Trong trận lũ lịch sử trung tuần tháng 10-2016 vừa qua, xã Hương Thủy phải gánh chịu thiệt hại lớn về kinh tế, cơ sở vật chất phục vụ dân sinh. Nhờ có sự hỗ trợ kịp thời của các lực lượng vũ trang, trong đó có cán bộ, chiến sĩ Công an huyện Hương Khê, bà con đã từng bước ổn định sau cơn lũ dữ.

Vào thời điểm đỉnh lũ, đâu đâu cũng bắt gặp hình ảnh các cán bộ chiến sĩ Công an huyện Hương Khê phối hợp với các đơn vị chức năng, chính quyền địa phương hỗ trợ bà con chống chọi lại mưa lũ. Những thùng mì tôm, những thùng nước khoáng, những bánh lương khô… đã được cán bộ chiến sĩ Công an huyện Hương Khê trực tiếp đội mưa, lội nước kịp thời gửi tới tận tay các hộ gia đình đang bị đói, khát đe dọa.

Thiếu tá Lê Xuân Dũng chia sẻ, khi nước lũ chưa rút, công tác cứu trợ bà con vùng lũ đã được Công an huyện đặt lên hàng đầu. Bởi những lúc như vậy - khi mà nước, điện không có, việc đi lại gặp nhiều khó khăn, bà con rất cần lương thực sử dụng tại chỗ.

Chủ động trong vấn đề này, nên ngay khi mưa lũ tràn về, Ban Chỉ huy Công an huyện đã cắt cử nhiều tổ công tác sử dụng xuồng máy triển khai công tác cứu hộ cứu nạn, hỗ trợ mỳ tôm, lương khô, nước khoáng tới các hộ gia đình đang bị nước lũ cô lập. Chính bởi sự chủ động đó nên khi về các xã Hương Thủy, Hương Giang, Lộc Yên (Hương Khê), chúng tôi hơn một lần được nghe bà con kể về câu chuyện, trong lũ dữ có anh Công an huyện đến nhà thăm hỏi, hỗ trợ lương thực, nước uống…

Giúp bà con vùng lũ dọn dẹp vệ sinh, ổn định cuộc sống.

Giúp dân tránh lũ, giảm thiệt hại về người

Nhiều ngày trực tiếp cùng anh em trong đơn vị xuống địa bàn giúp bà con khắc phục hậu quả do mưa lũ gây ra, đôi mắt của Thượng tá Phan Xuân Công, Trưởng Công an huyện Hương Khê vì thế cũng trở nên thâm quầng. Đồng chí Trưởng Công an huyện cười và bảo với tôi, các cấp ủy, chính quyền chủ động công tác cứu hộ, cứu nạn tại chỗ nên đã kiềm chế được thiệt hại về người, tài sản.

Về phía Công an huyện, trước việc mưa lũ đã khiến nhiều xã bị cô lập, người dân sống trong cảnh "màn trời chiếu đất", một cuộc họp của Ban Chỉ huy Công an huyện do Thượng tá Công chủ trì được diễn ra ngay tối 14-10. Toàn bộ cán bộ chiến sĩ trong đơn vị theo đó được huy động sử dụng phương tiện tại chỗ lập tức xuống địa bàn.

"Lúc ấy, chúng tôi quán triệt rõ tới anh em trong đơn vị rằng, tất cả vì sự an toàn của người dân. Dù có khó khăn, vất vả đến đâu cũng phải đưa bằng được bà con đang bị nước lũ đe dọa tính mạng đến nơi an toàn", Thượng tá Công cho hay.

Nhờ sự nỗ lực, tập trung cứu nạn, cứu hộ kịp thời, do vậy, ngay trong đêm xuất hiện lũ dữ, nhiều người dân đã được đưa đến nơi an toàn, thiệt hại về người không xảy ra. Trực tiếp chỉ huy một tổ công tác cứu hộ, cứu nạn tại khu vực thị trấn Hương Khê, nên Thiếu tá Lê Xuân Dũng nhớ rõ câu chuyện ngày hôm đó.

Khoảng 22h ngày 14-10, sau khi cuộc họp của Ban Chỉ huy Công an huyện diễn ra, Thiếu tá Lê Xuân Dũng cùng một tổ công tác sử dụng xuồng máy tới các điểm bị ngập nặng trong thị trấn. Trời tối, điện mất, trong khi mưa vẫn không ngớt, do vậy, Thiếu tá Lê Xuân Dũng cùng anh em trong tổ công tác phải tập trung cao độ. Lẽ vì, chỉ một chút lơi là, lời kêu cứu của bà con sẽ không được đáp lại.

Công an huyện Hương Khê sử dụng xuồng máy cứu hộ, cứu nạn bà con vùng lũ.

22h30, từ bên trong ngôi nhà ông Mẫn, 75 tuổi, ở Khối 2, thị trấn Hương Khê phát ra tiếng kêu đứt quãng: "Cứu…! Cứu… tôi với!". Không chút chậm trễ, Thiếu tá Lê Xuân Dũng lệnh: "Bẻ lái gấp vào nhà ông Mẫn!".

Dưới ánh sáng nhờ nhờ của chiếc đèn pin, chiếc xuồng máy rẽ nước tiến sâu vào trong sân ngôi nhà đang bị ngập gần 2m. Các thành viên trong tổ công tác ngay sau đó đã kịp thời đưa hai vợ chồng ông Mẫn lên xuồng máy, di chuyển tới khu đất cao trong thị trấn.

Sau khi đưa vợ chồng ông Mẫn đến nơi an toàn, chiếc xuồng máy của Thiếu tá Lê Xuân Dũng tiếp tục di chuyển tới các điểm bị ngập sâu trong nước còn lại trong khu vực thị trấn Hương Khê. Đúng như nhận định: "Nước lũ dâng lên nhanh, trong khi trời tối, điện mất, sẽ còn có nhiều trường hợp cần sự hỗ trợ" của vị Phó trưởng Công an huyện, chiếc xuồng máy vừa đến điểm ngập nước thuộc khối 3, tổ công tác đã phát hiện và cứu hộ kịp thời vợ chồng anh Niêm cùng hai con nhỏ đang loay hoay không biết lối thoát hiểm ở đâu.

Nỗ lực đảm bảo an ninh trật tự

Cùng với hoạt động cứu nạn, cứu hộ bà con vùng lũ, với cán bộ chiến sĩ Công an huyện Hương Khê, công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm trong thời điểm mưa lũ cũng luôn được chú trọng. Chẳng thế mà, nhiều vụ việc phạm pháp hình sự vào thời điểm mưa lũ xảy ra đã bị lực lượng Công an huyện Hương Khê ngăn chặn, khám phá kịp thời.

Sáng 17-10, nhận được tin báo của anh Nguyễn K.C, ở thị trấn Hương Khê về việc gia đình bị kẻ gian đột nhập, lấy đi nhiều tài sản có giá trị. Mặc dù thời điểm này, mưa lũ đang tràn về, nhiều địa bàn bị cô lập, song dưới sự chỉ đạo của Thượng tá Phan Xuân Công, một tổ công tác gồm các trinh sát dày dạn kinh nghiệm của Công an huyện Hương Khê đã được cử xuống địa bàn, tiến hành điều tra, truy xét.

Chỉ chưa đầy 8h đồng hồ sau, Công an huyện Hương Khê đã làm rõ đối tượng gây án là Nguyễn Hồng Hiệp, ở xã Gia Phố (Hương Khê).

Tại cơ quan điều tra, bước đầu Hiệp khai nhận, đêm 16-10, biết gia đình anh C đi tránh lũ, nhà không có người trông coi nên Hiệp đã mò vào nhà anh C và gây án. Việc khám phá, bắt giữ kịp thời đối tượng lợi dụng thời điểm mưa lũ để trộm cắp tài sản của Công an huyện Hương Khê đã góp thêm yên bình cho cuộc sống người dân.

Không chỉ chủ động trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, khi nước lũ rút đi, trước những nguy cơ dịch bệnh luôn tiềm ẩn phát sinh, Công an huyện Hương Khê đã huy động hàng trăm lượt cán bộ chiến sĩ tham gia giúp dân dọn dẹp vệ sinh, khắc phục hậu quả do mưa lũ gây ra.

Đơn cử, vào ngày 17-10, mặc dù tại nhiều điểm trên địa bàn huyện, nước lũ vẫn còn bủa vây, thế nhưng hàng chục cán bộ chiến sĩ Công an huyện Hương Khê đã trực tiếp xuống xã Gia Phố - một trong những xã bị ngập nặng, nước ngập từ 1,5m - 2m, giúp dân lau chùi, dọn dẹp vệ sinh nhà cửa, hội quán của các thôn, xóm, sớm ổn định cuộc sống. Việc làm trên đã được chính quyền địa phương, người dân ghi nhận, cảm ơn.

Nguyễn Yến

Chuyến thăm cấp nhà nước của Tổng thống Nga Vladimir Putin tới Trung Quốc từ ngày 16-17/5 là chuyến công du nước ngoài đầu tiên kể từ khi ông Putin nhậm chức Tổng thống nhiệm kỳ 5 vào ngày 7/5 vừa qua, diễn ra trong bối cảnh mối quan hệ song phương đang phát triển ổn định, gắn bó.

Thông tin từ UBND xã Hòa An, huyện Phú Hòa (Phú Yên) trưa 16/5 cho biết, sau nhiều giờ nỗ lực tìm kiếm, khoảng 10h15 cùng ngày, các lực lượng cứu hộ đã tìm thấy thi thể nạn nhân Lê Đức Cường (SN 1978, trú ở thôn Đồng Thành, xã Hợp Thắng, huyện Triệu Sơn, tỉnh Thanh Hóa).

Theo Phòng Cảnh sát hình sự Công an Đà Nẵng, ngoài 3 đối tượng tham gia ẩu đả làm chết người xảy ra tối 7/5 tại đường Nguyễn Tất Thành, quận Thanh Khê bị bắt giữ khi đang lẩn trốn tại Đồng Nai, đến nay có thêm 3 đối tượng khác liên quan đến vụ việc này đã đến Cơ quan Công an đầu thú về hành vi "Gây rối trật tự công cộng".

Ngày 16/5, Cơ quan CSĐT Công an quận 1 TP Hồ Chí Minh cho biết đã ra Quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, Lệnh bắt bị can để tạm giam đối với Hong Jungpyo (SN 1995, quốc tịch Hàn Quốc) về hành vi “Mua dâm người dưới 18 tuổi”; Đỗ Văn Tuấn (SN 1986) và Bùi Đức Thắng (SN 1972, cùng quê Vĩnh Phúc) về hành vi “Môi giới mại dâm”.

Sáng 16/5, Cơ quan CSĐT Công an huyện Duy Xuyên (Quảng Nam) cho biết, đang tiếp tục điều tra vụ án “Cưỡng đoạt tài sản” do 3 đối tượng quê Thanh Hóa thực hiện; đồng thời đề nghị những ai từng vay tiền hoặc bị 3 đối tượng này cưỡng đoạt tài sản thì khẩn trương liên hệ với Công an huyện Duy Xuyên để giải quyết.

Liên quan sự cố tai nạn xảy ra tại công trình thi công xây dựng cầu Đà Rằng, thuộc dự án đường cao tốc Bắc – Nam bắc qua hạ lưu sông Ba, kết nối huyện Phú Hòa và Tây Hòa (Phú Yên) như Báo CAND đã thông tin, đến 8h30 sáng nay 16/5, các lực lượng cứu hộ vẫn còn đang nỗ lực tìm kiếm dấu tích 2 nạn nhân còn lại.

Qua 10 năm thực hiện Công ước chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia và Nghị định thư về phòng ngừa, trừng trị, trấn áp tội mua bán người, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em (từ năm 2013 đến 2023), công tác phòng, chống tội phạm mua bán người của Việt Nam đã đạt được những bước tiến quan trọng, góp phần hạn chế tội phạm mua bán người ở Việt Nam. Và một trong những kết quả đạt được, chính là tăng cường hợp tác quốc tế trong đấu tranh phòng, chống tội phạm này.

Bộ Y tế vừa ký quyết định cấp phép, gia hạn giấy đăng ký lưu hành cho 40 loại vaccine, sinh phẩm, trong đó có các vaccine mới được đặc biệt chờ đợi là vaccine phòng bệnh sốt xuất huyết, zona thần kinh và phòng 23 tuýp phế cầu thế hệ mới. 

Thời gian qua, lực lượng Công an các xã miền núi thuộc huyện A Lưới (Thừa Thiên Huế) đã thực hiện nhiều mô hình nhằm lan tỏa phong trào Toàn dân bảo vệ An ninh Tổ quốc (ANTQ). Đặc biệt, các cán bộ, chiến sĩ (CBCS) Công an xã đã tích cực học tiếng dân tộc Pa Cô để giao tiếp và thực hiện “4 cùng” với đồng bào dân tộc thiểu số nhằm góp phần giữ vững ANTT vùng biên giới.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文