Nỗi niềm người lao công
Nỗi buồn không tên
Nhìn những người phụ nữ đẩy những chiếc xe gom rác cao ngất ngưởng, nặng tới 2-3 tạ về nơi tập kết tại Hợp tác xã (HTX) Thành Công, Hà Nội trong tiết trời nắng nóng không khỏi ái ngại. Chị Đặng Thị Tân (SN 1979) quê ở huyện Quốc Oai, hiện là công nhân của HTX Thành Công chia sẻ: "Tôi đã làm công nhân vệ sinh môi trường được 10 năm.
Những năm đầu chưa có xe máy, ngày nào mình cũng đạp xe 18km từ nhà tới nơi làm việc, vì quãng đường khá xa mà ca làm của tôi lại bắt đầu từ 5h30 sáng nên thường đặt đồng hồ báo thức dậy từ 3h để chuẩn bị nấu đồ ăn sáng cho chồng và con rồi mới yên tâm đạp xe đến chỗ làm. Mất vài năm đạp xe, chồng tôi đi vay mượn mua cho chiếc xe máy cũ để đi làm.
Tổng lương của tôi được khoảng gần 5 triệu đồng một tháng. Một ngày, đi về gần 40km, chiếc xe máy cà tàng mỗi tháng cũng ngốn 600.000 tiền xăng, phải tiết kiệm lắm mới đủ chi tiêu cơm nước cho gia đình. Vợ chồng tôi sinh được 3 con, các cháu cũng thiệt thòi bởi công việc của mẹ phải đi sớm về hôm nên chủ yếu nhờ ông bà đón đưa và chăm sóc".
Tiếng chổi tre vẫn lặng lẽ những đêm hè. |
Chị Nguyễn Thị Hồng Vân (SN 1971) công nhân của HTX Thành Công cho biết, làm lao công suốt 14 năm qua, cũng là 14 năm chị không biết đến đêm Giao thừa. Càng những ngày lễ, ngày Tết thì công nhân quét rác càng cơ cực bởi người dân khắp nơi đổ về thành phố chơi, rác xả ngập đường. Phải hôm trời mưa, giấy, túi nilon cứ dính chặt xuống mặt đường. Cầm cái chổi nặng trịch, những người công nhân nhỏ bé như chị cứ còng lưng mà nhặt từng cọng rác.
Có những đêm Giao thừa, khi làm hết ca nhìn đồng hồ đã 3h sáng, chị đi lang thang ngắm phố phường, ngắm những con đường mà mình vừa quét, chị không giám về nhà bởi năm đó tuổi của chị không hợp xông đất cho gia đình. Đến sáng mùng 1 khi biết gia đình đã có người xông đất, chị mới về nhà tắm rửa rồi ăn bữa cơm sum họp chào năm mới.
Chị Phạm Thị Bảy (SN1965), đã làm công nhân vệ sinh môi trường được 15 năm cho biết; 15 năm nay, chị thuê nhà ở Hà Nội để sinh sống. Với mức lương vỏn vẹn hơn 4 triệu đồng/tháng, vậy mà chị đã nuôi cả hai con ăn học. Chị làm ca sáng từ 3h30 đến 14h chiều mới về đến nhà. Hôm nào làm ca chiều thì chị đi từ 16h đến 2h sáng hôm sau, vất vả cực nhọc và trái giờ trái giấc.
Có những xe rác đầy, một người đẩy không được. |
Trong lúc gom rác, có những lúc chị lượm nhặt được những đồ sắt vụn, chai lọ nhựa, đồ cũ hỏng mang về bán đồng nát. Cũng nhờ vào những món đồ thiên hạ vứt đi đó mà chị có thêm thu nhập để nuôi các con ăn học. Ngày trước, khi còn đủ sức khỏe, buổi sáng chị vẫn đi lau nhà thuê, đêm đến đi quét rác, nhưng được một thời gian, vì đau lưng quá nên đành bỏ.
Chị bảo, mùa nào cũng có vất vả của nó. Mùa hè đi làm nắng nôi, vất vả, mồ hôi ướt đẫm áo, chỉ được mát một chút vào buổi tối nhưng mùi rác ngày nóng lại nồng rất khó chịu. Vào những ngày đông, đêm hôm lạnh giá, vắng vẻ, mưa phùn, nên dễ bị ốm hơn, ấy vậy mà chị vẫn cót két đẩy xe đi trong cái vắng, cái sợ… rồi cũng thành quen. Điều duy nhất an ủi chị chính là con cái không bao giờ coi thường nghề của mẹ. Còn người đi đường, có đôi khi vô cớ chửi "Con quét rác" khiến chị cảm thấy tủi thân!
"Phu rác" vất vả, lam lũ. Người Hà Nội cơ bản thanh lịch, nhưng cũng có nhiều người vô ý. Xe rác leng keng đến, sợ mùi hôi thối chẳng dám đến gần, đứng từ xa quăng bọc rác qua đầu, qua mặt những người lao công. Biết phận, họ cũng chỉ dám thở dài.
Nghề nguy hiểm!
Nghề "phu rác" ngày nắng có cái khổ của ngày nắng, ngày mưa có cái nhọc của ngày mưa và ngày bão thì các "phu rác" lại càng vất vả. Làm việc tăng ca là chuyện bình thường. Làm việc trong những ngày giông bão, những người lao công thường gặp những tai nạn "từ trên trời rơi xuống" những cành cây khô, gãy và những tấm tôn, tấm kính… rơi trúng đầu.
Chị Cao Thị Nga, Tổ trưởng thu gom rác số 1, phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân (Hà Nội) chia sẻ: "Không phải đến khi có những vụ tai nạn kinh hoàng đối với những người làm nghề quét rác vừa qua mà chúng tôi mới lo lắng. Trước đây, có những vụ tai nạn tương tự đã xảy ra rồi. Nhất là những khi trời mưa phùn, đường trơn người điều khiển xe lại đeo kính nên nhìn không rõ. Có những người lại vừa đi vừa nghe, gọi điện thoại nên có thể đâm vào mình bất cứ lúc nào".
80% công nhân vệ sinh môi trường là nữ. |
Chị Đặng Thị Tân kể, năm 2016 trong lúc quét rác trên trục đường Láng đã bị một thanh niên vừa đi xe máy, vừa nghe điện thoại tông vào người. Cú tông mạnh khiến chị lộn mấy vòng, nằm bất động trên đường, máu chảy ướt đẫm cả chiếc áo. Người thanh niên này trở chị vào Bệnh viện Bộ Giao thông Vận tải cấp cứu, băng bó và khâu hơn 20 mũi trên đầu. Sau đó, người tông vào chị bảo ra ngoài mua thuốc và mất!
Chị Nguyễn Thị Hồng Vân cũng bất ngờ bị một người đàn ông đi xe ngược chiều trên vỉa hè tông vào đằng sau, khi chị đang thu gom rác. Người chị đau ê ẩm không đứng dậy được. Người xô vào chị cũng bị ngã, sau đó ông ta dựng xe và nổ máy đi ngay.
Chị Vân tâm sự: "Công việc của chúng tôi vốn đã vất vả và nguy hiểm, giờ nhiều vụ tai nạn kinh hoàng xảy ra khiến chúng tôi càng lo lắng hơn. Đó là chưa kể nguồn lây nhiễm bệnh như bơm kim tiêm, bông gạc do người nghiện để lại mà chỉ một chút sơ xảy là nhiễm bệnh thế kỷ như chơi. Bản thân tôi đã từng bị đâm phải kim tiêm, không biết lành, bệnh thế nào, nhưng tôi vẫn phải bỏ tiền đi tiêm phòng phơi nhiễm HIV. Chuyện những người lao công như chúng tôi bị kim tiêm hay giao lam của các thợ cắt tóc đâm, cắt vào tay chảy máu là chuyện bình thường".
Điều khiến "phu rác" sợ và bị ám ảnh nhất vẫn là "những túi màu đen" rác thải y tế của các phòng khám tư nhân. Trong những túi này, không chỉ chứa nhiều kim tiêm, bông gạc đẫm máu mà còn chứa những xác thai nhi.
Một đồng nghiệp của chị Vân trong một lần thu gom rác trước cửa phòng khám, khi nhấc chiếc túi đen lên để bỏ vào thùng rác, quai túi bị bung, rơi ra 5-6 xác thai nhi, có xác đã hình thành đầy đủ hình người. Choáng váng và bủn rủn chân tay, chị ngồi dựa vào gốc cây ôm mặt khóc nấc. Một lúc sau chấn tĩnh lại, chị lấy điện thoại gọi cho Câu lạc bộ Sẻ chia sự sống Hà Nội, đây là câu lạc bộ chuyên thu gom xác thai nhi để an táng.
Nghề "phu rác" vất vả, lương thấp lại phải thức khuya dậy sớm, làm việc trong môi trường khói xe, bụi đường. Luôn tiếp xúc với rác thải xú uế là những tác nhân xấu đến sức khỏe, vì chúng có thể gây ra nhiễm khuẩn, nấm, virus và các mầm bệnh khác thông qua tai, mũi, họng, mắt và các vết thương xây xát trên cơ thể của những người lao công.
Công việc chính hằng đêm của công nhân vệ sinh môi trường. |
Ông Nguyễn Xuân Quý, Phó Chủ nhiệm HTX Thành Công cho biết: "HTX có gần 1.000 công nhân làm việc dọn vệ sinh môi trường. Trong đó, số công nhân nữ chiếm hơn 80%. Phụ nữ làm lao công vất vả và thiệt thòi. Càng dịp lễ Tết công việc lại càng bận, sức khỏe yếu nhưng phải đẩy những chiếc xe rác có trọng lượng lên đến 300kg. Những công nhân làm nghề này rất hạn chế trong công việc thu vén gia đình. Tuy nhiên, nghề lao công lại hợp với phụ nữ hơn, bởi họ có tính kiên trì và nhẫn nại. Chúng tôi cũng mong người dân nâng cao ý thức khi vứt rác cũng như khi tham gia giao thông để cho những người lao công xong việc sớm và ra về với gia đình an toàn sau những ca làm việc vất vả".