Nữ cựu chiến binh nặng lòng với các anh hùng, liệt sĩ
- Ba cựu chiến binh giới thiệu bộ sách tri ân đồng đội
- Ký ức về trận đầu bắn rơi 4 máy bay Mỹ của người cựu chiến binh Xô Viết
"Đi đâu tôi cũng được nghe người dân và các nhân chứng sống kể lại rằng, trên mảnh đất Nông Sơn trong chiến tranh vô cùng ác liệt, nhiều cán bộ và bộ đội ta đã hy sinh, đến nay chưa tìm được hài cốt. Tôi đã tìm đến thắp nhang nhưng đến nơi nào cũng thấy nơi thờ cúng cho các anh, chị còn quá đơn sơ.
Lòng tôi quặn lên nỗi niềm thương cảm với những đồng chí đã hy sinh. Vì vậy, tôi đã bỏ tiền dành dụm của gia đình và vận động những người có tấm lòng với liệt sĩ trong cả nước để xây dựng 3 nhà bia tưởng niệm anh hùng, liệt sĩ tại huyện Nông Sơn", cựu chiến binh Nguyễn Thị Bích (62 tuổi, trú xã Quế Trung, huyện Nông Sơn, tỉnh Quảng Nam) tâm sự.
Cuối tháng 8 vừa qua, hơn 300 người là thân nhân các anh hùng, liệt sĩ Trung đoàn 31, Sư đoàn 2, Quân khu V và các đại biểu đến từ nhiều nơi đã về dự lễ khánh thành Nhà bia tưởng niệm 242 anh hùng, liệt sĩ Trung đoàn 31 hy sinh tại xã Quế Trung, huyện Nông Sơn. Công trình được xây dựng trên diện tích rộng gần 1.000m² tại khu vực Hóc Thượng, xã Quế Trung, gồm khu nhà bia tưởng niệm chung, các bia đá khắc tên, quê quán của từng liệt sĩ, hệ thống mái che và bàn ghế đá, khuôn viên cây xanh.
Để vào Nhà bia tưởng niệm, chúng tôi phải đi thuyền máy qua hồ Trung Lộc. Ngồi cùng thuyền với chúng tôi, bà Phan Thị Tín (73 tuổi, một cựu chiến binh từng tham gia hoạt động ở khu vực Hóc Thượng) chia sẻ, nơi đây trong những năm chống Mỹ cứu nước đã diễn ra nhiều trận đánh lớn. Nhiều đồng chí, đồng đội của bà Tín, trong đó có 242 người lính của Trung đoàn 31 đã anh dũng chiến đấu và sẵn sàng hy sinh để mở rộng vùng giải phóng, giúp đỡ phong trào cách mạng của địa phương.
"Tôi thật sự xúc động khi được về thăm lại nơi này đúng dịp khánh thành Nhà bia tưởng niệm anh hùng, liệt sĩ tại Hóc Thượng. Kể từ đây, các anh hùng, liệt sĩ đã có được nơi thờ tự khang trang hơn", bà Tín xúc động chia sẻ.
Thân nhân anh hùng, liệt sĩ và cựu chiến binh Trung đoàn 31 thắp hương tri ân tại Nhà bia tưởng niệm Hóc Thượng. |
Sau gần 10 phút di chuyển bằng thuyền máy trên hồ Trung Lộc, chúng tôi xuống thuyền đi bộ thêm một quãng đường gần 500m để đến khu nhà bia tưởng niệm. Tại đây, không khí thật sự trang nghiêm, trên khuôn mặt mỗi người đều không giấu được sự bồi hồi, xúc động. Mọi người không ai bảo ai, lặng lẽ thắp nhang tại Nhà bia tưởng niệm để tưởng nhớ những đồng đội, đồng chí, người thân của mình đã anh dũng ngã xuống vì nền độc lập, tự do của Tổ quốc.
Trong ký ức của Đại tá Châu Khắc Tạo, cựu chiến binh Trung đoàn 31, thì những tháng năm chiến đấu tại xã Quế Trung, huyện Nông Sơn là những tháng năm không thể nào quên. Ông chia sẻ rằng, vào những năm 1964, 1965, các xã vùng Tây của huyện Nông Sơn, Mỹ, ngụy dựa vào các điểm cao đưa quân chiếm đóng, xây dựng trận địa kiên cố cụm cứ điểm Nông Sơn - Trung Phước. Chúng dồn dân lập ấp chiến lược, dựng lên bọn tề ngụy, ác ôn quản thúc nhân dân các thôn thuộc xã Sơn Khương (nay là xã Quế Trung) để đàn áp những người hoạt động kháng chiến và phong trào cách mạng vô cùng dã man, tàn bạo.
Đầu tháng 10-1966, Trung đoàn 31, Sư đoàn 2, Quân khu V nhận nhiệm vụ bao vây tấn công tiêu diệt cụm cứ điểm Nông Sơn - Trung Phước, tiêu diệt Đại đội 708 và Sở chỉ huy cố vấn Mỹ, tiêu diệt bọn tề ngụy, ác ôn, nhằm giải phóng nhân dân bị kìm kẹp trong ấp chiến lược, mở rộng vùng giải phóng. Ngày 17-10-1966, Trung đoàn 31, Sư đoàn 2, Quân khu V đồng loạt nổ súng tiến công vào các điểm cao địch đang chiếm đóng trong hệ thống cụm cứ điểm Nông Sơn - Trung Phước.
Liên tục trong 3 ngày 17, 18 và 19-10-1966, bằng nhiều cách đánh, quân ta đã tiêu diệt hoàn toàn Đại đội 708 và Đại đội 3, Tiểu đoàn 2, Trung đoàn 51 ngụy đến ứng cứu; loại khỏi vòng chiến đấu hàng nghìn tên Mỹ, ngụy, bắt sống 54 tên, thu giữ và phá hủy nhiều vũ khí, khí tài, quân trang, quân dụng khác. Tuy nhiên, do ta tiến công địch trong ngày, đêm, công sự không được vững chắc, trong khi đó phi pháo của địch quá mạnh nên bộ đội ta thương vong hơn 500 đồng chí, trong đó có 242 đồng chí hy sinh được đưa về an táng tại Hóc Thượng…
Các đại biểu và người dân vào dự lễ khánh thành Nhà bia tưởng niệm tại Hóc Thượng. |
Chiến tranh lùi xa, năm 2014, Ban liên lạc cựu chiến binh Trung đoàn 31 khu vực Hà Nội, Quảng Nam và Đà Nẵng đã lặn lội tìm về Hóc Thượng phối hợp cùng cán bộ, hội viên Hội Cựu chiến binh xã Quế Trung đặt nền móng đầu tiên xây dựng nhà bia tưởng niệm.
Tháng 4-2019, cựu chiến binh Nguyễn Thị Bích, hội viên Hội Cựu chiến binh xã Quế Trung, huyện Nông Sơn đã huy động nhiều nguồn lực của tập thể, cá nhân để xây dựng Khu nhà bia tưởng niệm, tri ân các Anh hùng, liệt sĩ Trung đoàn 31 tại khu vực Hóc Thượng.
Tâm sự cùng chúng tôi, bà Nguyễn Thị Bích bồi hồi kể lại rằng, khi biết được sự hy sinh to lớn của các anh hùng, liệt sĩ Trung đoàn 31, trong tâm nguyện, bà quyết tâm bằng mọi giá cũng phải làm cho được nơi thờ cúng khang trang cho các liệt sĩ.
Để làm được nhà bia tại Hóc Thượng, bà Bích đã trải qua không ít khó khăn. Đường vào nơi đây núi đồi trùng điệp, bà Bích đã lặn lội từ Bắc vào Nam quyên góp để thuê xe phá núi mở đường, thuê nhân công đón cây làm cầu qua đập. Vì khu vực Hóc Thượng cách trở hồ Trung Lộc nên việc vận chuyển vật liệu để xây dựng công trình nhà bia tưởng niệm gặp rất nhiều khó khăn. Từng viên gạch, từng bao xi măng, từng bao đựng cát,… được vận chuyển lên thuyền máy để đưa đến khu vực xây dựng nhà bia.
Nhờ sự kiên trì của bà Bích và sự giúp đỡ của người dân địa phương, Hội Cựu chiến binh xã Quế Trung và huyện Nông Sơn, sau 4 tháng thi công, Khu nhà bia tưởng niệm anh hùng, liệt sĩ tại Hóc Thượng được hoàn thành, thỏa lòng mong mỏi bấy lâu nay của thân nhân các anh hùng, liệt sĩ; trở thành "địa chỉ đỏ" trong giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ.
Được biết, Nhà bia tưởng niệm tại Hóc Thượng là công trình thứ 3 trên địa bàn huyện Nông Sơn về đền ơn đáp nghĩa mà người nữ cựu chiến binh Nguyễn Thị Bích đã trực tiếp vận động các nhà hảo tâm trên khắp mọi miền Tổ quốc, hỗ trợ nguồn kinh phí để xây dựng. Trước đó, bà Bích đã vận động xây dựng nhà bia tưởng niệm khang trang dành cho các anh hùng liệt sĩ khe Chín Khúc.
Khe Chín Khúc là một chiến trường ác liệt trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Nơi đây, hàng trăm cán bộ, bộ đội bị địch phục kích và anh dũng hy sinh. Trong đó có sự hy sinh anh dũng của 6 nữ cán bộ, chiến sĩ và 1 nam bộ đội thuộc Trung đoàn có mật danh X15 của tỉnh Quảng Đà (nay là tỉnh Quảng Nam và TP Đà Nẵng) vào ngày 19-12-1969. Sau khi 7 đồng chí hy sinh, địch đổ quân chốt giữ mai phục nhiều ngày nên đơn vị không lấy được thi hài để chôn cất.
Để tưởng nhớ sự hy sinh to lớn của các anh hùng liệt sĩ tại khe Chín Khúc, năm 2011, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Quế Lâm, huyện Nông Sơn đã lập một bia tưởng niệm nhỏ.
Trải qua thời gian, bia tưởng niệm đã xuống cấp, vì vậy, tháng 5-2018, khi nghe lãnh đạo địa phương và các cựu chiến binh bày tỏ nguyện vọng muốn có được một nhà bia tưởng niệm khang trang dành cho các anh hùng liệt sĩ khe Chín Khúc, bà Nguyễn Thị Bích đã kêu gọi các nhà hảo tâm, những người có tấm lòng với liệt sĩ chung tay hỗ trợ để xây dựng Nhà bia tưởng niệm anh hùng liệt sĩ khe Chín Khúc trên khuôn viên rộng 350m².
Ngoài ra, bà Bích còn vận động xây dựng 1 cây cầu, 3km đường bê tông phục vụ dân sinh và cũng để dẫn vào Nhà bia tưởng niệm anh hùng liệt sĩ khe Chín Khúc trị giá hơn 6 tỷ đồng.
Lãnh đạo Hội Cựu chiến binh huyện Nông Sơn, tỉnh Quảng Nam tặng giấy khen cho bà Nguyễn Thị Bích vì thành tích xuất sắc trong phong trào đền ơn đáp nghĩa. |
Năm 2016, bà Nguyễn Thị Bích cũng đã vận động xây dựng Nhà bia tưởng niệm 21 liệt sĩ Trại Tiệp (xã Quế Ninh, huyện Nông Sơn). Theo tài liệu lịch sử, sau Mậu Thân 1968, địch từ Đà Nẵng và Tam Kỳ liên tục càn quét nhằm tiêu diệt, làm suy yếu lực lượng của ta tại các vùng nông thôn ven đô của Đà Nẵng.
Trong thời điểm đó, từ giữa năm 1969, khu vực huyện Nông Sơn và các địa bàn ven đô Đà Nẵng, nhiều chiến dịch càn quét đã diễn ra liên tục. Đặc biệt, trong chiến dịch đánh phá và giành đất với đơn vị chủ lực Tỉnh đội Quảng Đà lúc bấy giờ, địch đã làm cho nhiều cán bộ, chiến sĩ của ta bị thương. Theo chủ trương của Quân khu V, các cán bộ, chiến sĩ bị thương lùi lại phía sau mặt trận và được đưa về Bệnh xá Hòn Tàu (thuộc xã Quế Lộc, huyện Quế Sơn, Quảng Nam) để điều trị.
Trong số các cán bộ, chiến sĩ của ta bị thương đưa về Bệnh xá Hòn Tàu vào tháng 7-1969 có 20 cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 31, Sư đoàn 2, Quân khu V và 1 y tá làm nhiệm vụ chăm sóc thương binh. Trên đường di chuyển qua khu vực đường hành lang Trại Tiệp (dưới chân Gò Trại, xã Quế Ninh), 21 đồng chí đã bị phục kích, tất cả đều hy sinh. Bọn địch sau khi tàn sát 21 đồng chí đã tịch thu, tiêu hủy giấy tờ tùy thân của các đồng chí nên đến nay, không ai biết được nhân thân, gia đình của các liệt sĩ này…
Biết được sự hy sinh to lớn của các liệt sĩ tại Trại Tiệp, bà Nguyễn Thị Bích đã vận động xây dựng Nhà bia tưởng niệm các liệt sĩ Trại Tiệp vào tháng 6-2016, trong khuôn viên rộng hơn 200m2.
Trong câu chuyện với chúng tôi, bà Bích xúc động tâm sự: "Tôi mong muốn những đóng góp nhỏ bé của mình sẽ góp phần cùng cấp ủy, chính quyền và người dân địa phương chăm lo ngày càng tốt hơn nơi thờ cúng các anh hùng, liệt sĩ; thể hiện truyền thống đạo lý "ăn quả nhớ người trồng cây" tốt đẹp của dân tộc".