Nước Mỹ mong đợi gì bầu cử giữa kỳ?

11:20 06/11/2018
Ngày 6-11, nước Mỹ sẽ bước vào cuộc bầu cử giữa kỳ. Theo đó, tất cả 435 ghế trong Hạ viện và 1/3 số ghế trong Thượng viện sẽ được bầu lại.


Chưa bao giờ cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ của Mỹ lại thu hút sự quan tâm rộng rãi như hiện nay, vì nó sẽ ảnh hưởng đến 2 năm lãnh đạo tiếp theo của vị Tổng thống lắm người khen kẻ chê Donald Trump, cũng như toàn bộ chính sách sắp tới của Mỹ.

Quyết định phe đa số

Bầu cử giữa nhiệm kỳ ở Mỹ diễn ra sau 2 năm kể từ cuộc bầu cử tổng thống Mỹ, cũng có nghĩa là 4 năm một lần. Cuộc bầu cử giữa kỳ sẽ quyết định phe đa số ở Hạ viện và Thượng viện trong những năm tới. Trong ngày bầu cử giữa kỳ năm nay, các cuộc bầu cử thống đốc, cơ quan lập pháp của bang hay địa phương cũng sẽ được tổ chức.

Vai trò chính của Quốc hội là xây dựng và thông qua luật. Nếu một đề xuất luật được thông qua bởi cả Hạ viện và Thượng viện và sau đó được Tổng thống phê duyệt, nó sẽ trở thành luật. 

Hạ viện được xây dựng dựa trên dân số. Các bang đông dân sẽ có nhiều đại biểu đại diện cho họ hơn. Trong khi đó, mỗi bang chỉ có hai thượng nghị sĩ dù bang đó lớn hay nhỏ. Tất cả 435 ghế của Hạ viện sẽ được bầu lại do hạ nghị sĩ có nhiệm kỳ 2 năm. 

Hiện tại, Hạ viện Mỹ đang có 240 nghị sĩ Cộng hòa và 195 nghị sĩ Dân chủ. Trong khi đó, mỗi bên cần tối thiểu 218 ghế để chiếm đa số hay giành quyền kiểm soát Hạ viện. Điều đó có nghĩa là đảng Dân chủ đang cần thêm 23 ghế nữa, còn đảng Cộng hòa chỉ cần bảo vệ 218 số ghế trong tổng số 240 ghế hiện tại. 

Thượng viện có chu kỳ bầu cử riêng do Thượng nghị sĩ có nhiệm kỳ 6 năm. Vậy nên, chỉ có 35 trong số 100 ghế Thượng viện được bầu lại trong mỗi cuộc bầu cử.

Trong Thượng viện, mỗi đảng cần tối thiểu 51 ghế để chiếm đa số, đồng nghĩa với việc được kiểm soát Thượng viện. Hiện tại, đảng Cộng hòa đang chiếm 51 ghế, còn đảng Dân chủ đang chiếm 49 ghế trong Thượng viện. 

Trong số 35 ghế được bầu lại, các nghị sĩ đảng Dân chủ sẽ cần 26 ghế trong khi đảng Cộng hòa chỉ cần 9 ghế để chiếm đa số trong cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ lần này.

Đảng thắng hay chiếm đa số trong Thượng viện và Hạ viện sẽ được quyền kiểm soát Quốc hội. Nếu các đảng đối lập kiểm soát Thượng viện và Hạ viện có thể dẫn đến nguy cơ chính phủ đóng cửa vì các bên đối đầu trong chính phủ không thể thống nhất với nhau.

Đảng kiểm soát Quốc hội thường là đảng kiểm soát chương trình nghị sự. Kết quả bầu cử giữa nhiệm kỳ sẽ có tác động quan trọng đến 2 năm còn lại trong nhiệm kỳ của ông Trump. 

Nếu đảng Cộng hòa nắm quyền kiểm soát, người Mỹ có thể mong đợi những thay đổi bao gồm: Bãi bỏ Đạo luật Chăm sóc y tế (Obamacare); cắt giảm phúc lợi, phiếu thực phẩm, bảo hiểm hoặc an sinh xã hội; bức tường biên giới ngăn chặn người nhập cư vào Mỹ. 

Nếu đảng Dân chủ thắng, có thể đồng nghĩa với sự xuất hiện của các kế hoạch duy trì chương trình bảo vệ trẻ em nhập cư bất hợp pháp vào Mỹ khỏi bị trục xuất (DACA) từ thời ông Obama; Obamacare được “cứu sống”; không cắt giảm thuế cho các tập đoàn và những người giàu có.

Kèn cựa trong 5 vấn đề nóng

Theo khảo sát của Viện Nghiên cứu Pew, khoảng 75% cử tri đánh giá y tế là vấn đề “rất quan trọng”, trong đó đảng Dân chủ có ưu thế hơn đảng Cộng hòa liên quan đến việc xử lý các vấn đề về y tế. 51% cử tri tin rằng đảng Dân chủ có thể xử lý tốt hơn vấn đề y tế, trong khi 35% cho rằng Đảng Cộng hòa sẽ làm tốt hơn. 

Nếu đảng Cộng hòa chiến thắng trong cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ lần này thì sẽ dẫn đến việc chấm dứt Đạo luật Chăm sóc y tế với giá cả phải chăng (được biết đến với tên gọi Obamacare) - do cựu Tổng thống Barack Obama ban hành.

Việc Tổng thống Trump đề cử ông Brett Kavanaugh - người bị cáo buộc tấn công tình dục phụ nữ, giữ chức Thẩm phán Tòa án Tối cao Mỹ đã gây ra nhiều tranh cãi. 

Mặc dù Thượng viện Mỹ đã bỏ phiếu thông qua đề cử của ông Trump, nhưng Tòa án Tối cao giờ đã trở thành chủ đề công kích của đảng Dân chủ trước cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ. 

Khảo sát của Viện Nghiên cứu Pew cho thấy, 76% các cử tri đều xem việc bổ nhiệm nhân vật chủ chốt tại Tòa án Tối cao là một vấn đề “rất quan trọng”, ảnh hưởng tới lá phiếu của họ trong cuộc bầu cử ngày 6-11.

Một trong những khẩu hiệu mà Tổng thống Trump đưa ra trong chiến dịch vận động trước bầu cử là phục hưng kinh tế. Ông thường tỏ ra tự hào về mức tăng trưởng kinh tế của Mỹ cũng như tỷ lệ thất nghiệp ở mức thấp kỷ lục. Trên thực tế, tỷ lệ thất nghiệp của Mỹ đã giảm xuống còn 3,7% trong tháng 9-2018, mức thấp nhất trong gần 50 năm qua. 

Tuy nhiên, thống kê cho thấy 41% cử tri tin vào đảng Dân chủ và 40% tin vào đảng Cộng hòa. Đây là sự thay đổi đáng kể so với quãng thời gian cách đây 3 tháng khi đảng Cộng hòa cao hơn đảng Dân chủ 9 điểm %.

Chính quyền của ông Trump đã đẩy mạnh việc cải cách nhập cư, nhắm đến những người nhập cư bất hợp pháp cũng như đề xuất sửa đổi nhiều quy định với những đối tượng muốn có thẻ xanh, phúc lợi xã hội, tem phiếu thực phẩm cùng nhiều ưu đãi khác của chính phủ. 

Phe Dân chủ hy vọng sẽ tập hợp các nhóm thiểu số và cử tri chống lại chính sách nhập cư cứng rắn của Tổng thống Trump, trái lại, ông Trump và phe Cộng hòa lại cáo buộc phe Dân chủ đang tìm cách mở cửa biên giới để cho làn sóng người nhập cư tự do tràn vào Mỹ. 

Cho đến nay, các cử tri đảng Cộng hòa vẫn tiếp tục ủng hộ cách ông xử lý vấn đề nhập cư và hơn một nửa trong số này ủng hộ chính sách chia tách trẻ em trong các gia đình nhập cư bất hợp pháp tại khu vực biên giới.

Đối với đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa, cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ sẽ mang đến cơ hội giải đáp các câu hỏi liên quan đến khả năng luận tội Tổng thống Trump. Việc bàn luận về khả năng luận tội bắt nguồn từ một số vấn đề, trong đó có cáo buộc Tổng thống Trump đã hưởng lợi tài chính “không phù hợp” trên cương vị của ông, hành xử không đúng đắn, cùng với đó là cuộc điều tra cáo buộc Nga can thiệp bầu cử Mỹ năm 2016 và nhiều vấn đề khác.

Theo luật sư của Tổng thống Donald Trump, ông Rudy Giulian, cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ sẽ quan tâm đến vấn đề “luận tội hay không luận tội” Tổng thống. Một cuộc thăm dò do FiveThirtyEight thực hiện cho thấy tỷ lệ không ủng hộ ông ở mức dưới 54%. Chưa đến một nửa (khoảng 49%) các cử tri được hỏi tin rằng Quốc hội sẽ bắt đầu tiến trình luận tội Tổng thống và khoảng 46% nói rằng họ không ủng hộ việc luận tội. Trong số những người ủng hộ luận tội Tổng thống có khoảng 70% là cử tri trung lập.

Nguy cơ gian lận

Sau cuộc bầu cử năm 2016, Tổng thống Donald Trump đã kêu gọi điều tra gian lận cử tri. Nhưng lời kêu gọi của ông đã bị phản kháng mạnh. Một trong những nguồn được trích dẫn rộng rãi nhất là nghiên cứu Pew 2012, đã tìm thấy các vấn đề sau đây với các cử tri của Mỹ: (1) Khoảng 24 triệu - 1 trong 8 người đăng ký cử tri ở Mỹ không còn hợp lệ hoặc không chính xác đáng kể. (2) Hơn 1,8 triệu cá nhân đã chết được liệt kê là cử tri. (3) Khoảng 2,75 triệu người đăng ký ở nhiều tiểu bang.

Theo dữ liệu gần đây nhất của Bộ An ninh Nội địa (DHS), “12,1 triệu người nhập cư trái phép đang sống tại Mỹ vào tháng 1-2014... California vẫn là nơi cư trú hàng đầu của dân nhập cư trái phép vào năm 2014, với 2,9 triệu, gần 25% tổng số". 

Theo một nghiên cứu tháng 9-2018 được công bố trên tạp chí PLOS ONE, có khoảng 22,1 triệu người nhập cư bất hợp pháp tại Mỹ. Như các tác giả lưu ý, "thậm chí sử dụng các thông số mô hình cực kỳ bảo thủ, chúng tôi ước tính dân số 16,7 triệu người nhập cư không có giấy tờ".

Ngay trước cuộc bầu cử tổng thống năm 2016, Tổng thống Barack Obama nói trong một cuộc phỏng vấn video vào tháng 11-2016 rằng các hồ sơ bầu cử không được kiểm tra chéo với cơ sở dữ liệu nhập cư. Điều đó cho phép những người không phải là công dân biết rằng họ có ít cơ hội bị bắt nếu họ bỏ phiếu. 

Tuy nhiên, Bộ Tư pháp gần đây đã tăng các cuộc truy tố những người bị bắt giữ bất hợp pháp. Vào tháng 8, 19 công dân nước ngoài, bao gồm cả những người từ Mexico, Nigeria và Philippines, đã bị truy tố. Trước cuộc bầu cử giữa kỳ bầu cử ngày 6-11, Tổng thống Trump đã cảnh báo chống gian lận cử tri.

"Tất cả các cấp chính quyền và thực thi pháp luật đang theo dõi cẩn thận phòng ngừa gian lận bầu cử, bao gồm cả trong thời gian bầu cử sớm", ông Trump đã viết trên Twitter vào ngày 20-10. "Gian lận sẽ nguy hiểm cho chính bạn. Người vi phạm sẽ bị xử phạt tối đa, cả dân sự và hình sự!”.

Bàng Cương

Đến 16h chiều nay (8/11), Cơ quan CSĐT Công an TP Đà Nẵng vẫn đang khám xét trụ sở Công ty TNHH MTV Tư vấn Đầu tư GFDI (92 đường 29/3, phường Hòa Xuân, quận Cẩm Lệ, TP Đà Nẵng) để thu thập hồ sơ, tài liệu liên quan đến các hoạt động có dấu hiệu vi phạm pháp luật của công ty này. Hiện có rất nhiều người dân đã tập trung xung bên ngoài tòa nhà văn phòng công ty theo dõi. Nhiều người kêu khóc, đòi Tổng giám đốc Nguyễn Quang Hoàng... “hiện hồn” trả lại tiền. Công an quận Cẩm Lệ đã huy động hàng chục CBCS để đảm bảo ANTT.

Chiều 8/11, Văn phòng Cơ quan CSĐT Công an TP Hồ Chí Minh cho biết, đã khởi tố bị can, thi hành lệnh bắt bị can để tạm giam 2 đối tượng: Nguyễn Thị Kim Trang (SN 1970; cư trú quận 3) và Lê Văn Hòa (SN 1977; cư trú quận Tân Bình) là nhân viên tiệm vàng Đức Long (phường 5, quận Tân Bình) về hành vi “Vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới”.

Trước ý kiến cho rằng vì chưa có quy định cụ thể về ngưỡng nợ thuế để áp dụng biện pháp tạm hoãn xuất cảnh, điều này khiến cho nhiều doanh nghiệp và cá nhân không thể dự đoán được liệu mình có nằm trong diện bị tạm hoãn hay không, Bộ Tài chính cho biết sẽ cân nhắc để áp dụng.

Trưa ngày 8/11, Cơ quan CSĐT Công an TP Đà Nẵng đồng loạt tiến hành khám xét khẩn cấp trụ sở chính của Công ty TNHH MTV Tư vấn Đầu tư GFDI và Sở giao dịch của Công ty này tại Đà Nẵng để thu thập tài liệu, chứng cứ liên quan đến việc huy động hàng ngàn tỷ đồng và các hoạt động có dấu hiệu vi phạm pháp luật của doanh nghiệp này.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文