Nước Nhật thời hậu Shinzo Abe

09:46 01/09/2020
Thủ tướng Nhật Bản mới sẽ ảnh hưởng như thế nào đến giá trị và mức độ tồn tại của chính sách kinh tế “Abenomics”, sau sự ra đi đột ngột của “kiến trúc sư trưởng” Shinzo Abe?

Khi thị trường chứng khoán Tokyo mở cửa vào ngày 31-8, những người tham gia sẽ phải đối mặt với hai câu hỏi đã không làm họ bận tâm trong gần 8 năm: Thủ tướng Nhật Bản mới sẽ ảnh hưởng như thế nào đến giá trị và mức độ tồn tại của chính sách kinh tế “Abenomics”, sau sự ra đi đột ngột của “kiến trúc sư trưởng” Shinzo Abe?

Bầu cử sớm trong đảng cầm quyền

Khép lại chặng đường dài hơn 2.800 ngày giữ cương vị Thủ tướng cùng nhiều thành tựu đạt được, việc ông Shinzo Abe tuyên bố từ chức trong cuộc họp báo tổ chức chiều 28-8 đã khiến không chỉ người dân xứ sở mặt trời mọc bất ngờ mà còn tạo nên những lo ngại mới trên chính trường quốc tế. Theo NHK, đây không phải là lần đầu tiên ông Shinzo Abe từ chức. 

Thủ tướng Nhật Bản từng bất ngờ có động thái tương tự vào năm 2007, một năm sau khi lên nắm quyền với lý do dành thời gian để chữa trị căn bệnh đau dạ dày. Bộ trưởng Tài chính Taro Aso hiện là nhân vật tạm thời thay thế ông Shinzo Abe cho đến khi diễn ra các cuộc bầu cử tiếp theo. 

Hãng tin Reuters bình luận: “Động thái từ chức của ông Abe Shinzo có thể sẽ gây ra nhiều khó khăn cho nỗ lực duy trì thế đa số quá bán ở cả hai viện Quốc hội của đảng Dân chủ tự do (LDP) cầm quyền. Chính vì lẽ đó mà một cuộc bầu cử sớm cho vị trí Chủ tịch LDP đã được cân nhắc tổ chức vào tháng 9 này”.

Nhiều nhà phân tích bày tỏ rằng, sự nghiệp chính trị của ông Shinzo Abe đã được ghi dấu bởi những thành công nhất định, góp phần củng cố vị thế của Nhật Bản trên bản đồ chính trị thế giới. 

Không biết liệu sự ra đi đột ngột của Thủ tướng có khiến chính trường Nhật Bản trở nên rối ren hơn nhất là khi nước này đang gặp rất nhiều khó khăn trong việc duy trì đà tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh xuất hiện chủ nghĩa bảo hộ ở phạm vi toàn cầu cùng đại dịch COVID-19. 

Đặc biệt, tâm nguyện lớn của ông Shinzo Abe là sửa đổi Hiến pháp để công nhận vai trò của các lực lượng quân sự và kí kết hiệp ước hòa bình với Nga cũng chưa thể thực hiện được.

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã tuyên bố từ chức hôm 28-8. Ảnh: Getty.

Nóng cuộc đua vào ghế Thủ tướng

Một điểm đáng chú ý là chỉ vài giờ sau khi ông Shinzo Abe tuyên bố từ chức, cuộc đua vào chiếc ghế đầy quyền lực trong Chính phủ Nhật Bản đã bắt đầu.

Ngày 30-8, truyền thông Nhật Bản thậm chí còn đưa tin Chánh Văn phòng nội các Yoshihide Suga đang nóng lòng mong muốn trở thành người kế nhiệm ông Shinzo Abe. Theo Kyodo, ông Yoshihide Suga sẽ tham gia cuộc đua vào vị trí lãnh đạo đảng LDP. 

Theo thông lệ, LDP luôn chọn người Chủ tịch đảng làm Thủ tướng. Mục tiêu này đã được chính ông Yoshihide Suga xác nhận trong một cuộc họp bí mật với Tổng thư ký LDP Toshihiro Nikai hôm 29-8. 

Ông Yoshihide Suga nói: “Tôi đang nghĩ đến việc tranh cử vị trí lãnh đạo LDP. Tôi muốn các bạn ủng hộ tôi”. Nếu lên nắm quyền, chính phủ của ông Yoshihide Suga được cho là tiếp tục mở rộng chính sách kích thích tài chính và tiền tệ đã được ông Shinzo Abe xác định làm phương hướng hành động trong gần 8 năm giữ chức Thủ tướng.

Tuy nhiên, nếu tranh cử, ông Yoshihide Suga sẽ phải cạnh tranh với rất nhiều ứng cử viên sáng giá khác như: cựu Bộ trưởng Quốc phòng Shigeru Ishiba (63 tuổi), Bộ trưởng Quốc phòng Taro Kono (57 tuổi), cựu Ngoại trưởng Fumio Kishida (63 tuổi), Bộ trưởng Tài chính Taro Aso (79 tuổi) và nữ Thị trưởng đầu tiên của Tokyo Yuriko Koike (68 tuổi). 

Kết quả các cuộc thăm dò dư luận những ngày qua cho thấy, ông Shigeru Ishiba đang là sự lựa chọn hàng đầu của các cử tri bởi ủng hộ các chính sách kinh tế được coi là dân túy hơn ông Shinzo Abe. Về ngoại giao, cựu Bộ trưởng Quốc phòng từng sát cánh với ông Shinzo Abe trong nỗ lực duy trì mối quan hệ với Trung Quốc một cách kiên định.

Trong khi đó, Channel News Asia lại đưa tin trong bối cảnh thế giới đang thay đổi và có nhiều biến động, đảng LDP có thể cần một luồng gió mới từ các chính trị gia trẻ tuổi hơn trong đó có Ngoại trưởng Toshimitsu Motegi, một người thân tín với ông Shinzo Abe đồng thời là người đàm phán về thỏa thuận thương mại tự do Nhật - Mỹ hay Bộ trưởng Y tế Katsunobu Kato, Bộ trưởng Môi trường Shinjiro Koizumi…

Những ứng viên sáng giá cho việc kế nhiệm vị trí của ông Shinzo Abe. Từ trái sang phải: Chánh văn phòng nội các Yoshihide Suga, cựu Ngoại trưởng Fumio Kishida và cựu Bộ trưởng Quốc phòng Shigeru Ishiba. Ảnh: Kyodo.

Mối lo về chính sách kinh tế

Sau tin Thủ tướng Shinzo Abe tuyên bố từ chức, chứng khoán Nhật Bản chốt phiên 28-8 ngập sắc đỏ. Chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản đóng cửa phiên giao dịch 28/8 giảm hơn 1,4%, trong khi đồng yên vẫn mạnh lên so với đồng bạc xanh và quay đổi 105,8 JPY “ăn” 1 USD. 

Theo giới quan sát, việc ai sẽ kế nhiệm vị trí của ông Shinzo Abe quả thực đang là mối lo hàng đầu bởi nó tác động mạnh đến chính sách kinh tế hiện thời của Nhật Bản. Trong ngắn hạn, nhà kinh tế cấp cao Naoya Oshikubo của SuMi Trust dự đoán, tâm lý có thể sẽ  mong manh nhất là với các nhà đầu tư. 

Naoya Oshikubo phân tích: “Cuối năm 2013, ông Shinzo Abe nổi tiếng đứng trên sàn chứng khoán New York và kêu gọi các nhà đầu tư “chú ý đến Abenomics của tôi”. 

Lời kêu gọi này khi đó đã được đáp ứng với dòng vốn đầu tư nước ngoài lập kỷ lục 25 tỷ yên từ tháng 12-2012 đến tháng 6-2015. Nhưng phần lớn dòng tiền này đã giảm đi trong nửa sau thời kỳ cầm quyền của ông Shinzo Abe, do các nhà đầu tư toàn cầu mất niềm tin về hai đợt tăng thuế tiêu dùng gây ảnh hưởng nặng nề đến nền kinh tế Nhật Bản. Vì thế, cổ phiếu có thể giảm thêm 6% trong những tuần tới, trước cuộc bầu cử lãnh đạo LDP vào giữa tháng 9”.

Tai Hui, Giám đốc chiến lược thị trường châu Á tại JPMorgan Asset Management nhận xét: “Các nhà đầu tư có thể lo ngại nguy cơ Nhật Bản quay lại chế độ thường xuyên thay đổi Thủ tướng như trước đây và không phải tất cả những người kế nhiệm tiềm năng trong đảng LDP đều ủng hộ loại chính sách tiền tệ tích cực - bao gồm các khoản mua lớn trái phiếu chính phủ và các quỹ giao dịch hối đoái, cùng với lãi suất cực thấp… đã trở thành đặc trưng cho thời đại của ông Shinzo Abe”.

Tuy nhiên, Naoki Fujiwara, một nhà quản lý quỹ tại Shinkin Asset Management, lưu ý rằng sự thay đổi ở cấp cao nhất của Chính phủ Nhật Bản sẽ không ảnh hưởng ngay đến nhiệm kỳ của Haruhiko Kuroda, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nhật Bản, đồng thời là người nắm vững các chính sách nới lỏng kéo dài. 

Theo Jonathan Garner, chuyên gia về châu Á của Morgan Stanley, những thành tựu của ông Shinzo Abe “có quy mô tương tự như các nhà lãnh đạo chuyển đổi của những năm 1980 - Ronald Reagan và Margaret Thatcher - và không có khả năng bị đảo ngược”.

Quan hệ cá nhân Shinzo Abe-Donald Trump được cho là 1 trong các nguyên nhân chính giúp Nhật Bản tránh được một cuộc chiến thương mại với Mỹ. ảnh: Kyodo.

Tác động đến địa chính trị

Theo Reuters, điều mà cả thế giới lo ngại chính là sự ra đi của ông Shinzo Abe có thể để lại những tác động lớn về địa chính trị, đặc biệt tại thời điểm căng thẳng Mỹ - Trung không ngừng leo thang trên mọi lĩnh vực, từ thương mại đến quân sự. 

Trong suốt 8 năm cầm quyền, ông Shinzo Abe đã phát triển quan hệ với Mỹ (đồng minh truyền thống của Nhật) và cố gắng xây dựng mối quan hệ cá nhân với Tổng thống Donald Trump, bay tới New York để gặp gỡ ông Donald Trump ngay cả khi ông Barack Obama vẫn đang tại vị Tổng thống. 

Trong cuộc gặp không chính thức đó, ông Shinzo Abe đã ca ngợi liên minh Mỹ-Nhật và cho biết ông muốn “xây dựng lòng tin” với tân Tổng thống Mỹ. Quan hệ cá nhân Shinzo Abe-Donald Trump có thể là 1 trong các nguyên nhân chính giúp Nhật Bản tránh được một cuộc chiến thương mại với Mỹ.

Derek Grossman, nhà phân tích quốc phòng cấp cao tại tổ chức tư vấn RAND Corp ở Mỹ, nhận định: “Mối quan hệ gần gũi với Tổng thống Mỹ Donald Trump, cũng như Thủ tướng Australia Scott Morrison và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi, khiến ông Shinzo Abe trở thành mắt xích kết nối Đối thoại An ninh Tứ giác, hay còn gọi là Bộ Tứ, nhóm có quan điểm ngày càng quyết liệt với Trung Quốc vài tháng gần đây”.

Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, có thể mức độ cứng rắn của người kế nhiệm ông Shinzo Abe không nhiều trong vấn đề với Trung Quốc hoặc ông ấy/bà ấy sẽ khởi đầu chậm chạp trong việc thiết lập quan hệ cá nhân với các nhà lãnh đạo thế giới… nhưng chắc chắn Nhật Bản sẽ vẫn tiếp tục các chính sách đối ngoại tương tự, nhất là nâng cao sự công nhận của toàn cầu đối với Nhật Bản, trong đó có việc thúc đẩy liên minh Nhật-Mỹ và thúc đẩy một khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và cởi mở…

Nhà phân tích chính trị Norio Toyoshima khẳng định: “Nhật Bản có khả năng sẽ không còn lựa chọn nào khác ngoài việc tiếp tục với các chính sách đối ngoại hiện tại, với điều kiện "đặc biệt là nội các mới sẽ còn một năm nữa”. Người chiến thắng trong cuộc bầu cử Chủ tịch sắp tới của đảng LDP sẽ phục vụ phần còn lại của nhiệm kỳ của ông Shinzo Abe đến tháng 9-2021. Tại thời điểm đó, một cuộc bỏ phiếu khác sẽ được tổ chức để xác định người đứng đầu đảng cầm quyền trong 3 năm tiếp theo.

“Liệu Thủ tướng tiếp theo của Nhật Bản có thể gắn bó với một nhà lãnh đạo có thể mới của Mỹ sau cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ vào tháng 11 như ông Shinzo Abe đã làm với Donald Trump hay không là điều không chắc chắn”, Norio Toyoshima nói. 
Khánh Chi

Đến 16h chiều nay (8/11), Cơ quan CSĐT Công an TP Đà Nẵng vẫn đang khám xét trụ sở Công ty TNHH MTV Tư vấn Đầu tư GFDI (92 đường 29/3, phường Hòa Xuân, quận Cẩm Lệ, TP Đà Nẵng) để thu thập hồ sơ, tài liệu liên quan đến các hoạt động có dấu hiệu vi phạm pháp luật của công ty này. Hiện có rất nhiều người dân đã tập trung xung bên ngoài tòa nhà văn phòng công ty theo dõi. Nhiều người kêu khóc, đòi Tổng giám đốc Nguyễn Quang Hoàng... “hiện hồn” trả lại tiền. Công an quận Cẩm Lệ đã huy động hàng chục CBCS để đảm bảo ANTT.

Chiều 8/11, Văn phòng Cơ quan CSĐT Công an TP Hồ Chí Minh cho biết, đã khởi tố bị can, thi hành lệnh bắt bị can để tạm giam 2 đối tượng: Nguyễn Thị Kim Trang (SN 1970; cư trú quận 3) và Lê Văn Hòa (SN 1977; cư trú quận Tân Bình) là nhân viên tiệm vàng Đức Long (phường 5, quận Tân Bình) về hành vi “Vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới”.

Trước ý kiến cho rằng vì chưa có quy định cụ thể về ngưỡng nợ thuế để áp dụng biện pháp tạm hoãn xuất cảnh, điều này khiến cho nhiều doanh nghiệp và cá nhân không thể dự đoán được liệu mình có nằm trong diện bị tạm hoãn hay không, Bộ Tài chính cho biết sẽ cân nhắc để áp dụng.

Trưa ngày 8/11, Cơ quan CSĐT Công an TP Đà Nẵng đồng loạt tiến hành khám xét khẩn cấp trụ sở chính của Công ty TNHH MTV Tư vấn Đầu tư GFDI và Sở giao dịch của Công ty này tại Đà Nẵng để thu thập tài liệu, chứng cứ liên quan đến việc huy động hàng ngàn tỷ đồng và các hoạt động có dấu hiệu vi phạm pháp luật của doanh nghiệp này.

Phòng Cảnh sát kinh tế, Công an tỉnh Bắc Giang vừa ra quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt bị can để tạm giam đối với Nguyễn Văn Cao (SN 1962), Giám đốc Công ty TNHH Xây dựng 767 (địa chỉ tại số 670 đường Ngô Gia Tự, phường Ninh Xá, TP Bắc Ninh) và 2 nhân viên công ty này về tội “vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng”.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文