Nước mắt… trên dòng Krông Ana

12:00 04/06/2018
“Cuộc chiến” với dòng sông, nghe giống như chuyện cổ tích nhưng đã và đang diễn ra ngày một nghiêm trọng. Ai làm cho “dòng sông mẹ”, vốn hiền hòa, thanh bình trong quá khứ trở nên dữ tợn và lạnh lùng đến vậy? Câu hỏi này, mãi nhức nhối, đau đáu với những cư dân ven dòng Krông Ana…


"Cuộc chiến" vì miếng ăn

Qua chặng đường dài hàng trăm cây số từ vùng núi cao Khánh Dương của trập trùng thảo nguyên M Drak (Đắk Lắk), sông Krông Ana băng qua những cánh rừng đại ngàn đổ về các cánh đồng, làng mạc trù phú.

Với đồng bào Ê đê, sông Krông Ana có nghĩa là “sông mẹ”, còn sông Krông Nô là “sông cha”. Trước khi hòa chung để tạo nên dòng sông Sêrêpốk hùng vĩ, sông Krông Ana như dải yếm thổ cẩm thắt lưng thiếu nữ Ê đê. 

Bờ sông bị sạt lở nghiêm trọng.

Từ bao đời nay, Krông Ana vẫn như cái tên sông mẹ của mình đã sinh ra bao cánh đồng màu mỡ cùng với những buôn làng, xóm thôn trù phú dọc đôi bờ, tạo nên sự sống bình yên, êm ấm.

Tuy không được sinh ra bên dòng Krông Ana nhưng bà Hliu (buôn Trấp, huyện Krông Ana, tỉnh Đắk Lắk) là một trong những người gắn bó cả máu thịt của mình cho sự sống bên dòng sông mẹ. Bà là người có uy tín trong buôn, được bà con kính nể. Những hoài niệm của bà về “dòng sông mẹ” xa xưa vẫn cứ vẹn nguyên trong trí nhớ.

Bà tự hào cho biết, buôn làng của mình được hình thành từ một vùng sình lầy và phù sa bồi đắp lâu ngày của dòng Krông Ana. Bên bờ sông, dễ dàng nhận ra những buôn làng của người Êđê như buôn Triết, buôn Trấp, buôn Krông, buôn Tơ Lơ, buôn Kuôp. Trải dài hai bên bờ sông là đồi núi hoang vu, cỏ dại um tùm, cây cối rậm rạp, lau sậy mọc thành rừng.

Tại những Eo Đờn, Bàu Sanh, Bàu Sấu, người ta dễ dàng bắt gặp thú rừng xuống mép sông uống nước, cá sấu nhởn nhơ lên bờ phơi nắng ấm. Cũng chính sự hào phóng của thiên nhiên đã thu hút người dân khắp nơi đổ về đây lập nghiệp.  

Nhìn ra dòng sông đang cuồn cuộn chảy khi mùa mưa tràn về, bà HLiu không khỏi xót xa: “Bây giờ người ta hút cát tràn lan, sông không bồi được nữa mà lở hết ra, ăn sâu vào vườn tược của bà con.

Ngô sắn bên dòng bị nước cuốn trôi hết. Nhưng điều đó không đau xót bằng “Hà bá” ngày càng hung dữ, năm nào cũng “ngoạm” mấy mạng người”.

Cũng vì sạt lở ngày càng lấn vào cánh đồng nên mỗi năm, bà con tại các xã ven sông phải mở một con đường mới để vận chuyển nông sản. Anh Phan Văn Dự (xã Cư Kty) cho biết: “Nếu năm nay chúng tôi mở đường sát bờ sông, năm sau lại phải mở thêm đường khác vì sông “nuốt” mất.

Hiện tại, sông đã rộng gấp mấy lần ngày xưa, có đoạn sông sạt lở gần 30m, lấn sâu vào đất sản xuất. Không ít hộ dân lâm vào cảnh dở khóc dở mếu”.

Dù tiếng chiêng có trầm hùng bao nhiêu vẫn không át được tiếng máy nổ của “quái vật” hút cát.

Kể về dòng sông, người nông dân này thốt lên đầy tiếc nuối: “Mấy năm trước tôi vay mượn mua được 1 hecta đất để trồng trọt. Hai vợ chồng nai lưng ra làm, được vụ đầu trót lọt. Vụ sau bắt đầu bị lở, trôi mất một ít đất ra sông. Trải qua mấy mùa mưa, sông đã “ăn” hết 4 sào. Tiếc của vợ chồng tôi nhảy xuống sông vớt mì, vớt mía, có lần tí chết đuối”.

“Cuộc chiến” với dòng sông, nghe giống như chuyện cổ tích nhưng đã và đang diễn ra trên dòng Krông Ana. Ai làm cho “dòng sông mẹ”, vốn hiền hòa, thanh bình trong quá khứ lại trở nên dữ tợn và lạnh lùng đến vậy?

Câu hỏi này, mãi nhức nhối, đau đáu với những cư dân ven dòng Krông Ana. Rồi đây không biết tương lai của họ, của con cháu họ ra sao khi dòng sông sẽ “nuốt chửng” tất cả.   

Sông "cướp người"

Không những “ngoạm” đất mà sông còn “nuốt người”. Mấy năm trở lại đây, người chết đuối trên sông luôn tăng cao. Dần dà, dòng sông trở thành nỗi ám ảnh, hoang mang, sợ hãi của những người chèo đò, chạy xuồng máy.

Tháng 12 năm ngoái, ông Việt (62 tuổi) và một người bạn dùng xuồng máy băng qua sông để sang bên kia bờ thì bị chìm xuồng. Hai người đàn ông khỏe mạnh, bơi giỏi nhưng chỉ có một người bơi được vào bờ, còn ông Việt đã đuối sức khi chỉ cách bờ 10m.

Ông Cường đau đáu nhìn dòng sông ngày một phình ra, nuốt chửng đất đai của bà con.

Khoảng 60 người được huy động tìm kiếm nạn nhân nhưng bất thành. Dòng nước đang vào mùa lũ đục ngầu, cuồn cuộn chảy. Bà Hliu cho biết, ông Việt mới từ Thanh Hóa vào thăm họ hàng được vài ngày thì gặp nạn. Dân làng thương lắm, khóc không nổi.     

Trước đó mấy ngày cũng xảy ra vụ chết đuối của hai em Mai Văn T. và Ngô Văn B., là học sinh lớp 7 (xã Quảng Điền) trong lúc đang đùa nhau ở bờ sông, một đứa chẳng may bị trượt chân rồi lôi cả nhau xuống sông.

Trong tích tắc, dòng nước như con thuồng luồng ào tới nuốt chửng chúng vào bụng. Người dân trong xã đã huy động tổng lực, miệt mài tìm kiếm. Đã vậy ông trời còn trút những cơn mưa khủng khiếp, khiến dòng Krông Ana như được tiếp thêm sức mạnh, ào ào chảy xiết. Cha mẹ hai em khóc nghẹn bên dòng sông, bất lực gào thét. Phải đến hai ngày sau, thi thể hai em nhỏ xấu số mới được tìm thấy cách khúc sông gặp nạn chừng 300m.

Ông Cường, một người tham gia tìm kiếm nhớ lại: “Sông bây giờ lở nhiều, hình thành nên những vũng xoáy nên chỉ cần sảy chân là rơi vào hố sâu. Người lớn biết bơi còn khó thoát ra khỏi huống hồ trẻ em”. Ánh mắt ông Cường đục ngầu khi nhớ lại cảnh tượng tang thương xảy đến với hai em nhỏ.

Nhà cạnh sông, ngày nào cũng đi câu cá, ông Cường chứng kiến nhiều vụ đuối nước của cả người lớn và trẻ nhỏ trên dòng Krông Ana. Với sức lở khủng khiếp như hiện nay, thì thật khó để thoát thân một khi gặp nạn.

Ông Cường kể, vào khoảng tháng 1 năm 2017, một chiếc đò chở 21 người qua sông làm rẫy thì bị chìm giữa dòng nước, 18 người may mắn bơi được vào bờ thoát nạn còn 3 người không biết bơi chết đuối.

Khi ấy là chiều tối, cả xã Ea Trul (Krông Bông) buông vội bát đũa chạy đi cứu nạn cứu hộ. Những người bơi được vào bờ mặt cắt không còn giọt máu. Họ bấn loạn, có người ngất xỉu ngay trên bờ. Thanh niên khỏe mạnh được huy động chèo đò đi tìm dọc bờ sông, những người khác cầm đèn pin đi bới từng bụi cỏ, nhánh cây tìm kiếm.

Trời về khuya, gió rít rất mạnh khiến công tác tìm kiếm gặp trở ngại. Người ta tin chắc rằng, sẽ chẳng có ai còn sống nữa mà hy vọng. Một đêm không ngủ bên dòng Krông Ana. Những người dân sống ven bờ như gia đình ông Cường hoang mang, trẻ em không dám ra ngoài vì sợ “ma bắt”.

“Chẳng hiểu sao mấy năm nay thủy thần hung dữ quá, cướp mất bao nhiêu mạng người. Có lẽ thiên nhiên đang nổi giận với con người?” - ông Cường tự hỏi và tự trả lời đầy bất lực.

Khóc cho một dòng sông

Ông Y Thiết, một người con sinh ra và lớn lên bên dòng Krông Ana đã thẳng thắn cho biết: “Giờ thì khai thác cát đã trở thành cái nghề sôi nổi hơn nghề quăng chài kiếm cá của cư dân chúng tôi. Bờ sông ngày trước thoai thoải, trồi ra những mảng màu xanh tươi còn bây giờ bờ sông dựng đứng như vách núi, hố xoáy chẳng khác nào giếng trời”.

Thực trạng sông Krông Ana những năm gần đây đã phản ánh rõ nét sự thay đổi dòng chảy, mất dần hệ sinh thái do khai thác cát diễn ra ồ ạt, không có kiểm soát. Cùng với đó là tình trạng sạt lở trầm trọng, sông “ngoạm” đất khiến bà con năm nào cũng phải mất đất sản xuất.

Có người còn mất trắng phần đất duy nhất mà cha mẹ chia cho để làm kế sinh nhai. Họ phải làm bè sống tạm giữa mênh mông sóng nước ngay trên nền đất nhà mình. Thế nhưng, họ chẳng biết kêu ai. “Chẳng lẽ lại đi kiện dòng sông...?”- ông Y Thiết buồn rầu nói.

Đến đây và hỏi về dòng sông, bà con sẽ kể mà không bao giờ biết chán. Họ tự hào về di sản mà thiên nhiên ban tặng bao nhiêu, thì đau đớn, chua xót bấy nhiêu. Họ khóc cho một dòng sông, nhưng nước mắt chỉ càng làm nước sông mênh mông thêm mà thôi.

Những chiếc sà lan hút cát hễ thấy người lạ là “hô biến”.

Chiều chếnh choáng, bà Hliu gác lại tất cả mọi việc để đi sinh hoạt đội chiêng nữ. Ở buôn Trấp hiện còn một đội chiêng nữ độc đáo nhất nhì Tây Nguyên. Từ độ đó, đã hàng trăm năm, tiếng chiêng đàn bà buôn Trấp vang xa trong cuộc sống thăng trầm đầy những lo toan cơm áo.

Nhưng bù lại, giá trị tinh thần nó mang lại thì không gì so sánh được. Bà con trong buôn sáng ra ruộng đồng, chiều quăng chài trên sông kiếm cá và tối về phải nghe được một bản chiêng mới chịu đi ngủ.

Họ yêu tiếng chiêng, quyết gìn giữ bảo tồn giá trị tinh thần trước tiến trình hiện đại hóa của buôn làng. Tuy vậy, tiếng chiêng dù âm vang trầm bổng cũng không thể át được tiếng ầm ào của máy nổ, tàu bè, sà lan, những “con quái vật” ngày đêm sục sạo, nạo vét lòng sông lấy đi bao nhiêu tinh túy của thiên nhiên.

Ngọc Hoa

Công an tỉnh Lạng Sơn vừa phối hợp với Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Cục Cảnh sát giao thông, Cục An ninh điều tra và các cục nghiệp vụ thuộc Bộ Công an và Công an TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai, khởi tố, bắt tạm giam 12 đối tượng có hành vi vi phạm quy định về kinh doanh theo phương thức đa cấp với quy mô đặc biệt lớn, xảy ra tại nhiều địa phương trên cả nước, với số tiền giao dịch hàng nghìn tỷ đồng; liên quan trực tiếp hơn 9.000 người, trong đó có hơn 7.000 người Việt Nam và hơn 2.000 người Đài Loan (Trung Quốc), Malaysia.

Ngày 21/5, Thiếu tướng Đặng Trọng Cường, Giám đốc Công an tỉnh Sơn La cùng đoàn công tác Công an tỉnh đã tới thăm hỏi, động viên gia đình, người thân đồng chí Lò Văn Tân (SN 1984, là Tổ trưởng tổ bảo vệ ANTT cơ sở tại tiểu khu Ít Bon, thị trấn Ít Ong, huyện Mường La, tỉnh Sơn La) hy sinh khi thực hiện nhiệm vụ.

Ngày 21/5, tại Hà Nội, nhiều hoạt động thiết thực chào mừng kỷ niệm 96 năm ngày thành lập Công đoàn Việt Nam (28/7/1929 - 28/7/2025) và hưởng ứng Tháng Công nhân, Tháng hành động về An toàn vệ sinh lao động năm 2025 trong CAND đã được Cục Công tác Chính trị Bộ Công an chỉ đạo Ban Công đoàn CAND triển khai tổ chức.

Vào khoảng 10h30 ngày 21/5, do mâu thuẫn cá nhân, Võ Thế Hùng (SN 1982, trú thôn Tân Trại 1, xã Vĩnh Giang, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị) đã dùng dao đâm vào vùng ngực ông Nguyễn Trung T (SN 1962, ở cùng thôn) khiến nạn nhân tử vong trên đường đi cấp cứu.

Chiều nay 21/5, Công an tỉnh Phú Yên nhận được bức thư của chị Đoàn Thị Diễm N (SN 1992, trú ở xã Suối Bạc, huyện Sơn Hòa, tỉnh Phú Yên) cảm ơn Phòng Cảnh sát hình sự (CSHS) Công an tỉnh Phú Yên và Công an xã Suối Bạc đã nỗ lực truy tìm, giải cứu chị gái của mình thoát khỏi bẫy lừa “việc nhẹ, lương cao”.

Ngày 21/5, Công an TP Hồ Chí Minh đã đến thăm hỏi, động viên và trao 50 triệu đồng tặng gia đình Thiếu tá Nguyễn Đăng Khải, cán bộ Công an đã anh dũng hy sinh trong lúc thi hành nhiệm vụ tham gia phá chuyên án ma túy đặc biệt nghiêm trọng trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh.

Ngày 21/5, UBND TP Đà Nẵng đã ban hành phương án tổ chức hoạt động vui chơi, giải trí dưới nước tại các khu vực biển ven bờ và sông Hàn, áp dụng từ năm 2025 đến năm 2030 nhằm bảo đảm an toàn cho người dân và du khách, đồng thời tăng cường hiệu quả quản lý nhà nước, bảo vệ môi trường và giữ gìn ANTT trên địa bàn.

Chiều nay (21/5), UBND huyện Núi Thành (Quảng Nam) cho biết, vừa xảy ra vụ nổ tại Công ty SGI Vina chuyên sản xuất nam châm vĩnh cửu Nd-Fe-B (đóng tại KCN Bắc Chu Lai, xã Tam Hiệp, huyện Núi Thành) làm 12 người bị bỏng, bị thương.

Ngày 21/5, Sở An toàn Thực phẩm TP Hồ Chí Minh đã tiến hành kiểm tra Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Z.B, đơn vị chịu trách nhiệm công bố sản phẩm giảm cân X1000 do DJ Ngân 98 quảng cáo. Địa chỉ công ty được ghi nhận tại đường Phạm Văn Chiêu, quận Gò Vấp, TP Hồ Chí Minh.

Trong những ngày vừa qua, mưa lớn đã xảy ra ở khu vực miền núi phía Bắc, gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản tại một số địa phương. Dự báo, từ đêm 22/5 đến ngày 24/5, khu vực Bắc Bộ có khả năng xảy ra một đợt mưa vừa, mưa to, cục bộ có nơi mưa rất to với tổng lượng mưa phổ biến từ 70-150mm, có nơi trên 250mm.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.