Ông chủ Facebook trước nguy cơ bị hạ bệ
- Ông chủ Facebook điều trần trước quốc hội Mỹ khi "sorryberg" nói xin lỗi
- Lời sám hối “đắng” của ông chủ Facebook
- Ông chủ Facebook viết tâm sự chào đón con gái thứ hai
Thông tin này được tờ Business Insider đăng tải lần đầu tiên hôm 26-6, sau khi phỏng vấn 6 nhà đầu tư đang tỏ thái độ không hài lòng với cách mà Mark Zuckerberg điều hành Facebook hiện nay.
Theo nhóm các nhà đầu tư này, họ đã rất bất bình với cách điều hành Facebook của Zuckerberg, nhưng lại không có cơ hội được lên tiếng lần nào kể từ năm 2012 khi Facebook bắt đầu lên sàn.
Gần đây, Facebook đã vướng phải hàng loạt vụ bê bối, từ việc để các công ty Nga lợi dụng định hướng dư luận trong đợt bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016, cho tới bê bối lộ dữ liệu người dùng tại Cambridge Analytica vừa qua.
Mark Zuckerberg ra điều trần trước Quốc hội Mỹ. |
"Chúng tôi rất lo ngại về cấu trúc HĐQT của công ty hiện nay, nó có thể dẫn tới rất nhiều rủi ro", Scott Stringer, đại diện cho quỹ lương hưu của thành phố New York, đang thay mặt quỹ nắm 895 triệu USD cổ phiếu Facebook, cho biết.
Business Insider cho biết nhóm các nhà đầu tư bất mãn đang lên kế hoạch phản đối và hướng tới 2 mục tiêu.
Thứ nhất, hạ bệ Mark Zuckerberg khỏi ghế Chủ tịch HĐQT và thuê một nhà điều hành độc lập thế vị trí của ông.
Thứ hai, phá bỏ hệ thống cổ phiếu đa quyền (cho phép phân loại và giúp một loại cổ phiếu có giá trị biểu quyết lớn hơn cổ phiếu khác). Bởi họ cho rằng chính hệ thống này đã giúp Mark Zuckerberg cùng nhóm hỗ trợ ông nắm được quyền lực lớn nhất tại Facebook như hiện nay.
Đa số các cổ đông độc lập đã bỏ phiếu ủng hộ các đề xuất để đạt được những mục tiêu này tại hai cuộc họp cổ đông gần đây. Cơn giận dữ của các nhà đầu tư đã bùng lên tại cuộc họp năm nay, trong đó Zuckerberg bị buộc tội điều hành công ty như một "nhà độc tài" và một cổ đông đã bị loại khỏi sự kiện này vì đã bày tỏ sự bất mãn của mình. Một số cổ đông cũng kêu gọi cấp nhiều quyền hơn cho Ủy ban Kiểm toán của Facebook. Phần lớn yêu cầu này đã được giải quyết trong tháng 6 khi công ty mở rộng trách nhiệm của ủy ban trong tác động xã hội, quyền riêng tư và an ninh mạng.
Michael Frerichs, thủ quỹ bang Illinois, có khoảng 35 triệu USD đầu tư vào Facebook, cho biết các cổ đông muốn loại bỏ Zuckerberg khỏi chức chủ tịch vì một lý do đơn giản: "Ông ấy không chịu trách nhiệm với bất kỳ ai, cho dù là HĐQT hay các cổ đông, một hành vi quản trị doanh nghiệp tồi tệ”.
Các công ty công nghệ như Apple, Google, Oracle, Twitter và Microsoft đều đã tách bạch vai trò chủ tịch và giám đốc điều hành. Jonas Kron, Phó chủ tịch cấp cao của Trillium Asset Management, quản lý khoảng 10,5 triệu cổ phiếu Facebook, nói rằng Zuckerberg nên nhìn vào mô hình vai trò của mình và tỷ phú Bill Gates để tự xét mình. Gates đã chia vai trò của giám đốc điều hành và chủ tịch khi ông rời khỏi vị trí CEO của Microsoft vào năm 2000.
Nhưng quyền lực của Zuckerberg còn được kết hợp bởi quyền biểu quyết của ông. Facebook chia cổ phần của nó thành 2 loại. Cổ phiếu loại B có gấp 10 lần quyền biểu quyết của cổ phiếu loại A, và Zuckerberg sở hữu hơn 75% cổ phiếu loại B. Nó có nghĩa là anh ta có hơn một nửa quyền biểu quyết tại Facebook và do đó có quyền kiểm soát gần như hoàn toàn.
Kể từ khi lần đầu tiên được IPO vào năm 2012, giá trị cổ phiếu của Facebook đã tăng 400%, doanh thu phi mã lên tới 1.000% và đạt 40 tỷ USD. Hiện tại, Facebook đang cung cấp dịch vụ cho 2,2 tỷ người, tương đương với hơn 30% dân số trên thế giới. Đáng lẽ các nhà đầu tư phải tỏ ra vui mừng nhưng thay vào đó, họ lại tìm cách để cắt bớt quyền lực của Mark Zuckerberg.