Phân biệt chủng tộc - nỗi ám ảnh vẫn đeo bám người dân Mỹ
Trả thù
Với một đất nước đa thành phần sắc tộc thì nước Mỹ đã phải chứng kiến rất nhiều cuộc chiến tranh đẫm máu liên quan đến nạn phân biệt chủng tộc. Cùng sinh sống trên một đất nước nhưng vẫn có sự kỳ thị về màu da, tôn giáo và tín ngưỡng khiến cho người dân cảm thấy cuộc sống của họ luôn bị đe dọa. Nạn phân biệt chủng tộc từng là nỗi ám ảnh một thời với nước Mỹ nay lại có nguy cơ trỗi dậy sau những vụ bạo lực xuất phát từ yếu tố chủng tộc. Chính vì vậy mà hàng loạt cuộc biểu tình diễn ra để lại nhiều hậu quả đáng tiếc về người giữa hai sắc tộc da trắng và da màu.
Nguyên do cũng từ nạn phân biệt chủng tộc mà hai cảnh sát thành phố New York bị một người đàn ông da đen táo tợn nổ súng bắn chết. Sau đó một ngày, một sĩ quan cảnh sát Mỹ lại bị bắn chết tại bang Florida, miền đông nam nước Mỹ. Đây là vụ giết cảnh sát thứ hai tại nước này chỉ trong vòng 2 ngày. Chính những sự hỗn loạn này mà cuộc đấu tranh chống lại nạn phân biệt chủng tộc lại càng có cơ hội bùng phát. Người dân hoang mang, lo sợ bởi họ không thể biết được điều gì sẽ lại xảy ra. Một cuộc sống không còn được thanh bình và an toàn, luôn phải sẵn sàng để đối mặt với những tình huống kinh hoàng nhất. Sự hoang mang, lo lắng của người dân Mỹ càng khiến cho cuộc chiến sắc tộc thêm phần phức tạp. Ngày 20 tháng 12 vừa qua, một người da màu đã nổ súng bắn chết hai cảnh sát New York khi họ đang ngồi trên xe đi tuần tra. Hai cảnh sát được xác định là Wenjian Liu và Rafael Ramos, họ đang trên đường làm nhiệm vụ thì bị một chiếc xe hơi khác áp sát và nổ súng. Kết luận của cơ quan cảnh sát điều tra thì hai cảnh sát đều bị trúng đạn ở cự ly gần và chỉ có duy nhất một kẻ bắn súng. Họ đã bị bắn vào lúc 14 giờ 50 phút (19 giờ 50 phút GMT) tại góc đường Myrtle và Tompkins, thuộc phân khu 79.
Ngay sau khi vụ nổ súng bắn chết hai cảnh sát xảy ra, cảnh sát New York đã xác định nghi phạm là Ismaaiyl Brinsley, một người đàn ông da màu, bởi ngay sau khi sát hại hai cảnh sát Wenjian Liu và Rafael Ramos, người đàn ông này đã tự sát và kèm theo hàng loạt lời đe dọa sẽ thực hiện một vụ tấn công để trả thù cho cái chết của hai người da màu bị cảnh sát bắn chết gần đây là Eric Garner và Michael Brown đăng tải trên các trang mạng xã hội. “Hôm nay tôi sẽ cho một số kẻ thăng thiên. Chúng giết hại một người của chúng ta… vậy hãy hạ hai người của chúng”, Brinsley, 28 tuổi, viết trên mạng bên cạnh bức ảnh của một khẩu súng lục màu bạc.
Nói về vụ việc ông Eric Garner và Michael Brown bị cảnh sát da trắng sát hại nhưng không bị truy tố đã khiến Ismaaiyl Brinsley phẫn nộ. Ông Eric Garner là một người cha có 6 con nhỏ, là người lao động chính trong gia đình, đã bị cảnh sát giết hại để lại nỗi đau cho cả gia đình và những người trong cộng đồng da màu. Ismaaiyl Brinsley chia sẻ trên các trang mạng xã hội rằng cảnh sát đã giết chết cả gia đình ông Eric Garner chứ không phải một mạng người. 6 đứa con của ông rồi lại sẽ phải trải qua những kỳ thị của xã hội và cũng có thể chúng lại bị giết chết bởi bàn tay của người da trắng. Những lời chia sẻ đầy phẫn nộ và bức xúc của Ismaaiyl Brinsley được đăng tải với mong muốn kêu gọi sự ủng hộ của những người da màu chống lại cảnh sát da trắng.
Bên cạnh đó, Ismaaiyl Brinsley còn cho rằng đã có sự phân biệt sắc tộc rõ ràng bởi tại sao những người da trắng có quyền sát hại những người da màu? Tại một đất nước luôn kêu gọi bình đẳng, ngăn chặn nạn phân biệt chủng tộc nhưng tại sao những người da màu lại không có quyền sống một cuộc sống tự do, bình đẳng. Tại sao cảnh sát da trắng giết hại ông Eric Garner lại không bị truy tố trước pháp luật. Pháp luật đã bỏ qua tội lỗi của những người da trắng, để lại nỗi đau cho người da màu, đó là một điều hết sức vô lý và gây phẫn nộ.
Không chỉ có mình vụ hai người da đen bị sát hại mà ngay sau đó liên tiếp hàng loạt vụ cảnh sát da trắng sát hại người da màu diễn ra dồn dập đã làm dấy lên làn sóng phẫn nộ trên toàn nước Mỹ. Sau vụ ông Gerner, cảnh sát người da trắng đã liên tiếp bắn chết thiếu niên da màu T. Rice mới 12 tuổi, thanh niên da màu Michael Brown 18 tuổi, thanh niên da màu Rumain Brisbon… song tất cả các cảnh sát liên quan không ai bị truy tố. Cũng từ bức xúc này, làn sóng biểu tình, bạo động thổi bùng lên ở hàng chục thành phố trên khắp nước Mỹ như New York, Boston, Los Angeles… và cả thủ đô Washington để đòi trừng phạt những kẻ gây ra cái chết oan cho người da màu. Những người biểu tình yêu cầu cải cách toàn diện pháp lý để cả người da đen và da trắng không còn trở thành nạn nhân trong những vụ việc tương tự.
Căng thẳng
Tổng thống Mỹ Barack Obama hôm 21 tháng 12 đã phải lên án mạnh mẽ vụ giết hại vô cớ người thực thi công vụ trên đường phố này, đồng thời kêu gọi toàn thể người dân bình tĩnh, đoàn kết và không nên có những hành động bạo lực gây tổn hại đến cộng đồng, xã hội. Tổng thống Mỹ khẳng định, 2 cảnh sát da trắng bị bắn chết là những nhân viên gương mẫu trong hàng ngũ cảnh sát Mỹ. Họ thực sự là những người thực thi pháp luật “đáng được khâm phục và biết ơn”.Với những lời trấn an của Tổng thống Mỹ, liệu người dân có cảm thấy phần nào được yên tâm.
Những người da trắng hay những người da màu đều không có tội, họ đều là những con người có quyền sống, có quyền được đấu tranh để đòi quyền lợi cho chính mình và cho cộng đồng nhưng không ai muốn có chiến tranh nổ ra, không muốn phải chứng kiến những cảnh mất mát đau thương. Mọi người có quyền bình đẳng như nhau, pháp luật công minh, ai gây tội sẽ bị trừng trị, không phân biệt giai cấp, màu da.
Căng thẳng trong xã hội Mỹ những ngày này cho thấy phân biệt chủng tộc vẫn còn là một nỗi ám ảnh tiềm ẩn nhiều nguy cơ đeo bám nước Mỹ để rồi dễ dàng bùng nổ mỗi khi có “mồi lửa nhỏ”. Cái chết oan của những người da màu chứng tỏ nạn phân biệt chủng tộc vẫn tồn tại ở nước Mỹ, đồng thời mối quan hệ căng thẳng xưa nay trong xã hội Mỹ giữa các cộng đồng dân cư với lực lượng thực thi công vụ luôn sẵn sàng bùng phát bất cứ lúc nào.
Kể từ khi Đạo luật dân quyền được Tổng thống John F. Kennedy ký ban hành cách đây 50 năm với mục tiêu bãi bỏ hoàn toàn nạn phân biệt chủng tộc và đề ra chính sách bình đẳng cho mọi chủng tộc của Mỹ, người da màu ở Mỹ đã có cơ hội vươn lên bình đẳng ở nước Mỹ mà điển hình là việc ông Barack Obama trở thành vị Tổng thống da màu đầu tiên trong lịch sử nước Mỹ. Tuy nhiên, các số liệu thống kê về việc làm, thu nhập và tội phạm cho thấy phân biệt chủng tộc vẫn là một vấn nạn đe dọa sự bình yên của toàn nước Mỹ.