Phận tha hương lạnh gió Biển Hồ
Khi theo đoàn du khách lên một chiếc ca nô ra Biển Hồ, tôi gặp ngay anh Tường, người Bến Tre, đang có ý định tìm em trai đã lưu lạc sang Campuchia hơn chục năm nay. Tôi mừng vì có bạn trò chuyện và có dịp vào hẳn làng người Việt trên Biển Hồ để cho biết, vì nghe đâu họ lênh đênh lắm, với nhiều phận đời lang bạt, giang hồ, kiếm cơm từng bữa và vô phương không có đường về.
Ca nô đang đi băng băng trên lạch nước đi ra Biển Hồ, bỗng khựng lại một chút rồi đi từ từ, thì ra trước mặt chúng tôi là mấy chiếc thuyền nhỏ đang đi ngược lại. Trên đó là những em bé đi học. Người hướng dẫn viên chỉ về một ngôi nhà phía trước nói đó là trường học nổi của học trò người Việt. Hiện đã đến giờ đổi lớp nên bọn trẻ vội vã lắm. Anh giải thích thêm, vì chỉ có ít phòng nên phải chia giờ học mới đủ cho từng lớp. Các em vừa chèo thuyền vừa nói cười rất rôm rả. Có mấy cậu bé chỉ mặc quần đùi, cởi trần để chèo thuyền cho nhanh. Chúng cất hết quần áo dài vào cặp rồi treo lên vai cho khỏi ướt. Chỉ mấy cô bé là ngồi thu lại với nhau đi nhờ bạn đưa đến lớp. Nhìn những chiếc khăn đỏ bay trên cổ áo mấy em, tôi thấy bồi hồi vì những ký ức tuổi thơ ùa về dưới mái trường quê ngày nào. Những con thuyền nhỏ lướt nhanh qua ca nô chúng tôi đi, bỏ lại sau lưng những tiếng cười hồn nhiên đến lạ lùng.
Chẳng mấy chốc chúng tôi đã ra Biển Hồ. Và phía xa kia là làng người Việt. Tôi thấy bồn chồn làm sao. Vì đâu có xa lắm. Tôi nhớ con đường lớn, có cây số chỉ về Sài Gòn, có hơn 300 km, vậy mà. Anh Tường kể mình trở lại tìm người em lưu lạc đã mấy lần, nhưng vẫn bặt vô âm tín. Có người mách, em anh đang cố làm ăn để dành tiền mua một rẻo đất trên bờ, nhưng mãi chẳng được. Mà hơn chục ngàn người Việt ở bên này, đa phần là lưu vong, không giấy tờ tùy thân; lẽ dĩ nhiên càng không mảnh đất cắm dùi, nên có gia đình đã mấy đời đều sống lênh đênh trên mặt Biển Hồ. Ca nô vừa định rẽ vào xóm đầu tiên, vì ở gần đó có một cửa hàng tạp hóa khá to, chợt có mấy đứa trẻ bơi đến, chúng đều đồng thanh hô lên:
- Cháu là người Việt, các ông bà cho chúng cháu xin tiền!
Một cậu bé đen nhẻm nhìn tôi như cầu xin và chờ đợi. Tôi đang chần chừ không biết cho nó bằng cách nào, thì có mấy chiếc thuyền thúng bươn bải tới, trên đó là những cậu bé đều ríu rít bám chung quanh. Anh hướng dẫn viên, người Campuchia nói với chúng tôi, ai cho thì cho còn không thì đừng ngại gì, vì bọn trẻ ở Biển Hồ này hiền lành lắm. Tốt nhất là đừng quan tâm, nếu không chẳng đủ tiền Ria lẻ mà cho hết cả bọn trẻ. Nhưng rồi nhiều người nhìn bọn trẻ nhỏ thó, đen quắt, cũng không đành lòng. Tôi cũng vậy, nghĩ bụng dù sao cũng người Việt mình, xa xôi, tha hương, thế là mỗi người dành một vài ba đồng tiền lẻ cho bọn trẻ.
Trước mặt chúng tôi hiện ra một dãy nhà nổi kết với nhau như dãy phố ở trên hồ vậy. Người ta gọi đó là Làng Việt
Hỏi chuyện, tôi mới hay bà Lan đã sang đây từ bé, theo gia đình làm ăn rồi ở lại hẳn trên Biển Hồ này. Bà nói cũng chả có giấy tờ gì hợp pháp. Bà còn kể, chính quyền ở đây không đuổi người Việt bao giờ, nhưng cũng không cấp cho giấy được cư trú chính thức. Ai ở thì ở ai đi thì đi, chẳng có chuyện kiểm tra hộ khẩu bao giờ. Mỗi khi xẩy ra chuyện gì, thì Công an xuống giải quyết, hòa giải tranh chấp hay phạt hành chính, rồi thôi. Mọi người cứ tự kiếm sống nhưng chỉ được ở trên mặt hồ, chứ không ai dám lên bờ dựng lều dựng quán.
Làng Việt trên Biển Hồ là một thế giới riêng, như một ốc đảo nổi, với bao chuyện buồn vui và tự hình thành những phiên chợ cho riêng mình, tiêu cả hai loại tiền, Việt và Campuchia. Tùy người, tùy hàng mà quy đổi, nhưng riêng chuyện đánh bạc, thì chỉ được tính một loại tiền Việt, cho dễ đếm. Hơn nữa, khi có đụng độ xảy ra, và nếu tàu Cảnh sát Campuchia ập tới, thì có bị tịch thu thì cũng không tiếc mấy. Bởi lẽ tiền Việt không có giá bằng tiền Ria của Campuchia. Mọi người nghe bà Lan kể mà phì cười.
Nhờ thờ di động. |
Anh Tường cũng góp thêm chuyện, nhiều gia đình ở đây mấy đời và hàng chục năm sinh sống trên mặt hồ. Buôn bán, đánh cá và chơi bạc, miễn sao ra tiền để mua gạo, mua thịt. Có gia đình ở Đồng Tháp sang là ông Dương Văn Voi và bà Lễ Thị Tỏ, đều là người gốc Việt sinh ra ở Battambang. Vợ chồng ông bà này có tới 9 người con. Con trai lớn đã có 5 cháu... Rồi cứ thế các cháu cộng lại gia đình ông Voi có vài tá người cả thảy. Vậy là trên góc hồ, đa số các gia đình đều có ba đến bốn thế hệ lênh đênh, trôi nổi như vậy. Rất nhiều nhà không có điện đài, ti vi, lẽ dĩ nhiên sách báo càng không. Còn chuyện học hành ư? Trừ bọn trẻ đang học tiểu học, còn người lớn ai học nhiều lắm thì cũng dừng ở mức lớp 2 nhưng rất hiếm hoi.
Tôi cùng anh Tường lên một căn nhà tối om, cho dù ngoài trời đang hửng nắng, lúc này chủ nhà là chị Hương mới ló mặt ra hỏi xem chúng tôi có mua xăng không. Thì ra đây là một cửa hàng bán xăng. Một phuy xăng nhỏ để ngay trược thềm gỗ mà không ai để ý thấy. Khi biết chúng tôi chỉ đi tham quan, chị lại quay vào nhà, coi như không có chuyện gì. Thế là chúng tôi lại đi nhờ vỉa hè nhà chị đi sang nhà khác. Những ngôi nhà bập bềnh, nhún nhảy, kết nối với nhau tạo nên những mảng bè lớn, nhưng vẫn chênh chao làm sao. Anh Tường nói, biết chồng chị Hương thường lên bờ đi xe ôm như mấy người hàng xóm. Anh nói, ở bên này nghề đi xe ôm kiếm được lắm. Nếu ai không đánh cá kiếm ăn, thì lại lên bờ đi buôn bán ở chợ, hay đi xe ôm. Tối về với vợ con.
Nghe nói, em anh trước đây cũng chuyên đi lái xe khách thuê, chạy đường dài. Cũng có chuyến chờ hàng về Việt
Bất ngờ ở đâu đó, nghe rất gần có tiếng chuông nhà thờ làm tôi ngạc nhiên, ngó quanh. Người hướng dẫn viên giải thích, hôm nay là chủ nhật nên ở đây vẫn nhiều người đi lễ như thông lệ. Anh cho ca nô đi tới lối rẽ xóm giữa. Hiện lên trước mắt chúng tôi là một nhà thờ nổi, rộng tới hơn 100m2. Nó được làm bằng gỗ và dựng trên hàng chục chiếc thùng phuy nhựa rỗng. Người chủ ca nô cũng ở trong xóm trên nói, nhà thờ có tên gọi là Ba Ria Ca Tơ Lich. Ông cho biết, làng cho dựng thêm vài ngôi nhà lớn nữa để phòng khi gia đình nào có việc, như cưới xin, giỗ chạp, muốn mời bà con hàng xóm thì có chỗ mà tập trung.
Đột nhiên có một đám con trẻ chạy ùa ra từ mấy ngách nhỏ. Cả dàn bè bập bềnh, chúng tôi giật mình vì chúng vung dao kiếm đánh nhau như trong phim vậy. Trẻ bao giờ cũng hồn nhiên và bản năng vậy chúng chia phe để chiến đấu, không biết vì mục đích chiến thắng để được những gì, như người lớn trong sự tranh chấp vì miếng cơm manh áo. Chúng hò reo, đuổi nhau mất hút trong các ngách hẹp nhỏ bé. Có đứa rơi tõm xuống nước, nhưng vẫn cười sặc sụa, chúng kéo nhau lên và chạy tứ tán. Tôi dừng chân hỏi một ông già đang ngồi trước thêm nhà với chiếc điếu cày, ở đây có nhà văn hóa cho trẻ con chơi không. Ông già ngước đôi mắt đục ngầu nhìn tôi, cười khùng khục mấy tiếng rồi bật cho một tiếng, rỗi việc. Nhưng thật bất ngờ ông ta lên tiếng: “Đói lắm chú ạ! Nuôi được chúng đã là may mắn rồi. Chúng tôi phận bạc, mỏng manh, đói rạc, lần hồi từng bữa, làm sao nghĩ tới một cái nhà văn hóa cho trẻ con nữa”.
Thấy tôi ngồi xuống bên cạnh, như muốn chia sẻ sự cảm thông với cuộc sống chông chênh này, ông ngậm ngùi nói trong lòng trĩu nặng bao điều. Giờ đây, ông cũng như bao người già chỉ ước muốn có một miếng đất nhỏ để chôn cất khi ngã xuống. Bởi lẽ, hơn vạn người lênh đênh trên Biển Hồ, nào ai có giấy tờ gì đâu, có tên đấy nhưng ai xác nhận, có nơi chôn nhau cắt rốn đây, nhưng lại không có nẻo về. Ông ngừng một lúc rồi than thân, khi chết chắc lại phải bó chiếu, nửa đêm con cháu khênh lên rừng, treo lên cây như nhiều người đã bị kiến cắn, ruồi bậu, chuột gặm mà thôi. Nói rồi ông rơm rớm nước mắt. Một luồng gió thốc từ Biển Hồ tới làm rung rinh ngôi nhà mái tôn mỏng mảnh. Có tiếng thét ở đâu đó làm ông già rùng mình. Tôi thấy trái tim mình quặn thắt nỗi đau khôn tả