Phổ điểm đã phản ánh trung thực chất lượng giảng dạy

18:06 17/07/2019
Sau nhiều ngày căng thẳng chờ đợi kết quả kỳ thi THPT quốc gia 2019, dư luận đã thở phào khi Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố phổ điểm từng môn thi và công bố điểm thi cho thí sinh. Theo đánh giá của các chuyên gia tuyển sinh, phổ điểm năm nay khá ổn, chưa có "bất thường".

Một số môn như Lịch sử, Ngoại ngữ, có điểm thi thấp hơn các môn còn lại, nhưng cũng là điều bình thường. Đặc biệt, điểm thi đã phản ánh khá chuẩn xác chất lượng dạy và học ở các địa phương. Có thể nói kỳ thi đã đáp ứng những mục tiêu đề ra ban đầu. Sau khi Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố điểm thi, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Quản lí chất lượng (Bộ Giáo dục và Đào tạo) về kỳ thi THPT quốc gia 2019.

Phóng viên: Kỳ thi đã diễn ra an toàn, nghiêm túc, trung thực, đúng như kỳ vọng của chúng ta khi kỳ thi bắt đầu. Vậy theo ông đâu là nguyên nhân tạo nên một kỳ thi thành công bước đầu như vậy?

PGS.TS Mai Văn Trinh: Để có kỳ thi thành công như hiện nay, theo tôi có thể điểm một số nguyên nhân rất căn bản: Thứ nhất, đó là sự quan tâm chỉ đạo sát sao của Thủ tướng Chính phủ; tiếp đến là quyết tâm cao của Bộ Giáo dục và Đào tạo đã rất quyết liệt trong chỉ đạo triển khai đồng bộ các giải pháp, kể cả giải pháp về quản lý và giải pháp về kỹ thuật. 

Thứ ba, ở các địa phương, Ban Chỉ đạo thi cấp tỉnh đã vào cuộc với tinh thần trách nhiệm cao, tạo điều kiện tốt nhất cho kỳ thi. Các trường đại học, cao đẳng đã phối hợp tốt với các địa phương, đã làm tròn trách nhiệm của mình. 

Thứ tư là sự phối hợp của các Bộ, ngành, đặc biệt là Bộ Công an đã hỗ trợ, bảo đảm an toàn, an ninh tuyệt đối cho kỳ thi. Một điểm nữa theo tôi là có một sự chuyển biến tích cực của giáo viên, học sinh, các cán bộ tham gia kỳ thi, họ đều có nhận thức là phải tham gia kỳ thi nghiêm túc, trung thực, làm cho thi cử ngày càng nhẹ nhàng. Kỳ thi làm sao phải phản ánh được đúng chất lượng dạy và học của các địa phương, hỗ trợ thuận lợi cho công tác tuyển sinh.

Các giáo viên chấm thi môn Ngữ văn ở Thanh Hóa.

Phóng viên: Năm nay, các Sở Giáo dục và Đào tạo đảm nhiệm chấm tự luận môn Ngữ văn và các trường đại học chấm trắc nghiệm các môn thi còn lại. Với số lượng bài thi khổng lồ, trên 5 triệu bài thi trắc nghiệm và hơn 800 ngàn bài thi Ngữ văn, thì để chấm chính xác, những yếu tố nào là quan trọng nhất, thưa ông?

PGS.TS Mai Văn Trinh: Trong công tác chấm thi, đặc biệt là chấm thi tự luận, thì khâu quan trọng nhất phải là lựa chọn cán bộ chấm thi. Các địa phương đã lựa chọn cán bộ chấm thi có năng lực, nhưng quan trọng hơn là có tinh thần trách nhiệm cao. Với bài thi trắc nghiệm, khâu xử lý kỹ thuật do con người làm, còn khâu chấm do máy xử lý.

Khi đã lựa chọn được cán bộ chấm thi rồi thì việc nghiên cứu kỹ đáp án, hướng dẫn chấm, việc thực hiện nghiêm túc quy định chấm thi, là khâu rất quan trọng, góp phần quyết định cho việc chấm thi khách quan, bảo đảm trung thực và phòng ngừa gian lận. Bên cạnh đó, công tác giám sát, thanh tra cũng góp phần làm cho quá trình chấm thi đạt kết quả tốt như vừa qua.

Phóng viên: Bộ Giáo dục và Đào tạo đã công bố toàn bộ dữ liệu điểm thi của kỳ thi THPT quốc gia, ông đánh giá như thế nào về phổ điểm và điểm thi năm nay?

PGS.TS Mai Văn Trinh: Kết quả thi được sử dụng để xét tốt nghiệp và làm căn cứ để xét tuyển đại học, cao đẳng. Từ đó, đề thi đã được thiết kế để đảm bảo hai mục đích này và đáp ứng chuẩn kiến thức kỹ năng trong chương trình THPT, chủ yếu ở lớp 12. 

Qua phân tích phổ điểm một cách toàn diện trong cả nước, chúng tôi có một số nhận xét cơ bản sau đây: Năm nay, điểm trung bình đối với các môn đánh giá chung cao hơn so với điểm thi 2018. Phần lớn các phổ điểm có sự phân bố gần so với phân bố chuẩn. Điều đó cho thấy đề thi đã có sự phân hóa tốt. Chúng tôi đã phân tích phổ điểm đối với từng địa phương thì thấy phổ điểm của từng địa phương ở từng môn cũng phản ánh trung thực chất lượng giảng dạy, học tập ở địa phương này, cho thấy công tác coi thi, chấm thi đã nghiêm túc.

Phóng viên: Theo phổ điểm năm nay, phổ điểm môn Lịch Sử và môn Ngoại ngữ thấp, nghiêng nhiều về bên tay trái, vậy kết quả này có gây bất ngờ không thưa ông?

PGS.TS Mai Văn Trinh: Bản thân tôi không bất ngờ về kết quả này. Chúng ta cần nhìn nhận một cách khách quan. Trước hết nói về môn Ngoại ngữ năm nay nhìn chung đã cao hơn 2018, tuy nhiên kết quả này chưa được như chúng ta mong muốn. Điều này phản ánh thực tế điều kiện dạy học Ngoại ngữ của các địa phương cả về môi trường dạy học, thực hành ngôn ngữ, đội ngũ giáo viên... rất khác biệt trong 63 tỉnh, thành. 

Nếu chúng ta nhìn sâu vào một số thành phố và những tỉnh có điều kiện kinh tế - xã hội thuận lợi thì kết quả môn Ngoại ngữ khá cao. Chẳng hạn như TP HCM, Hà Nội, Hải Phòng, Bình Dương; riêng Hà Nội, TP HCM, số điểm từ điểm 8 trở lên chiếm tới 17% số thí sinh dự thi của tỉnh, thành phố này. 

Với môn Lịch sử, tính  định hướng nghề nghiệp của thí sinh rất quan trọng, tác động đến sự nỗ lực, cố gắng của cac em trong ôn tập và thi. Hiện nay, số lượng các ngành học xét tuyển có môn Lịch sử không nhiều bằng các môn học khác, nên động lực để các em học và thi cũng bị ảnh hưởng. 

Tuy nhiên, môn Lịch sử năm nay điểm trung bình cũng đã tăng lên, nhưng về lâu dài, chúng ta phải tiếp tục đổi mới nội dung, phương pháp dạy học để làm sao môn Lịch sử ngày càng thân thiện, được học sinh yêu thích hơn. Xét riêng với các thí sinh lấy kết quả môn Lịch sử để xét tuyển sinh thì điểm trung bình đạt 5.0 điểm. Môn lịch sử cũng là môn có số lượng điểm 10 cao thứ 3 trong số các môn thi của Kỳ thi năm nay.

Kỳ thi bước đầu thành công sẽ là cơ sở để đổi mới thi cử, làm cho Kỳ thi THPT quốc gia ngày càng nhẹ nhàng hơn.

Phóng viên: Điểm trung bình của các môn thi của cả nước là 5,39 và Nam Định là tỉnh dẫn đầu 5,91 điểm, sau đó đến Hà Nam, Ninh Bình, Bình Dương, TP HCM, Vĩnh Phúc… Đặc biệt, các tỉnh là tâm điểm của kỳ thi 2018 như Hòa Bình, Sơn La, Hà Giang lại xếp ở cuối danh sách. Theo ông, kết quả này nói lên điều gì?

PGS.TS Mai Văn Trinh: Kết quả này là bức tranh phản ánh trung thực, khách quan chất lượng dạy học của các địa phương. Như tôi đã đề cập, điều kiện kinh tế xã hội tác động khá mạnh mẽ đến dạy và học của các địa phương. Chẳng hạn như Nam Định, hay một số tỉnh có điều kiện kinh tế xã hội tốt, có truyền thống học tập - đều nằm ở tốp đầu. Các tỉnh có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn thì kết quả thường không cao. Điều này càng khẳng định việc tiếp tục chăm lo đầu tư cho giáo dục các tỉnh vùng khó như Tây Bắc, Tây Nguyên và Tây Nam Bộ là việc làm cần thiết, cần tiếp tục tăng cường đầu tư cho những tỉnh còn khó khăn.

Phóng viên: Với mức điểm thi và phổ điểm như vậy, kết quả xét tốt nghiệp THPT năm nay sẽ như thế nào?

PGS.TS Mai Văn Trinh: Các Sở Giáo dục và Đào tạo sẽ chính thức xét tốt nghiệp và làm các thủ tục tiếp theo, nhưng qua xét tốt nghiệp sơ bộ thì tỉ lệ đỗ tốt nghiệp năm nay trong cả nước là 94,06%, tôi cho rằng, điều này phản ánh một cách thực chất chất lượng dạy học của các địa phương. Khi phân tích tỉ lệ tốt nghiệp của một số địa phương, phản ánh chất lượng rõ rệt, những tỉnh có điều kiện kinh tế phát triển, điều kiện về giáo dục như các thành phố lớn hay các tỉnh đồng bằng sông Hồng thì tỉ lệ này là cao, còn các tỉnh, vùng miền khó khăn như tôi đã nói ở trên thì tỉ lệ này thấp hơn nhiều.

Điều đó một lần nữa cho thấy, kết quả thi phản ánh trung thực, khâu ra đề thi phân hóa, coi thi, chấm thi nghiêm túc.

Phóng viên: Với mức điểm, ông có nhận định như thế nào về bức tranh tuyển sinh đại học, cao đẳng năm nay? Các trường sẽ có thuận lợi hay khó khăn gì trong công tác tuyển sinh?

PGS.TS Mai Văn Trinh: Chúng tôi đã công bố phổ điểm đối với các tổ hợp xét tuyển truyền thống, được nhiều cơ sở giáo dục đại học sử dụng để xét tuyển. Điểm trung bình theo tổ hợp có nhích hơn một chút so với năm 2018. Nhưng điều quan trọng hơn, phổ điểm theo tổ hợp có độ phân hóa rất rõ nên sẽ hỗ trợ cho các trường tốp trên, tốp dưới. Hy vọng tới đây, các trường đại học thực hiện theo các bước đã ban hành thì sẽ đạt được thuận lợi và hỗ trợ tốt cho thí sinh trong khâu xét tuyển. 

Trước băn khoăn về việc, xét tốt nghiệp sẽ sử dụng điểm học bạ chiếm 30%, vậy khâu này sẽ được giám sát như thế nào, PGS.TS Mai Văn Trinh cho rằng, việc sử dụng kết quả học tập và kết quả của kỳ thi là một cách tiếp cận tích cực của xu hướng quốc tế, chúng ta đã làm trong những năm qua và năm nay, điều chỉnh tỉ lệ này là 70 (điểm thi) và 30 (học bạ), nhằm phát huy ý nghĩa thực chất của kỳ thi THPT quốc gia. Việc đánh giá, xếp loại học sinh trong năm học, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có chỉ đạo và các Sở Giáo dục và Đào tạo đã thực hiện một cách đồng bộ.

PGS.TS Mai Văn Trinh.

"Chúng tôi phân tích các dữ liệu thống kê qua nhiều kênh để quản lý; các Sở Giáo dục và Đào tạo cũng đã sử dụng thiết bị công nghệ quản lý kết quả học tập của học sinh, tăng cường các kênh giám sát, học sinh giám sát lẫn nhau, phụ huynh giám sát để hạn chế tới mức thấp nhất tiêu cực. Cảm giác băn khoăn là đúng nhưng đó chỉ là sự cá biệt, còn thực tế nếu có sự bất thường thì sẽ bị xử lý nghiêm túc. 

Về lâu dài, chúng ta sẽ đổi mới theo hướng tăng cường tự chủ cho các cơ sở giáo dục đào tạo, vừa phát huy tự chủ, nhưng phải tính toán được quyền lợi của thí sinh, để kỳ thi không nặng nề thêm. Chúng tôi đang tích cực chuẩn bị, để khi bắt đầu kỳ thi đầu tiên thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới, sẽ có điều chỉnh phù hợp với mục tiêu ở trên", PGS Mai Văn Trinh chia sẻ.

Thu Phương (thực hiện)

Đối tượng mạo danh là “Trưởng phòng Công an TP Đà Nẵng”, sau đó thông báo số điện thoại của nạn nhân liên quan đến việc làm ăn phi pháp; đồng thời đe dọa, yêu cầu nạn nhân cầm sổ đỏ và chuyển tiền để chứng minh mình không vi phạm. Hậu quả, nạn nhân sập bẫy Công an giả sau 2 lần chuyển tổng cộng mất hơn 2 tỷ đồng...

Tại cơ quan điều tra, Luận khai nhận, 1 quả thận được Luận mua với giá từ 380 triệu đến 450 triệu đồng, sau đó môi giới bán cho người mua có nhu cầu ghép thận với giá dao động từ 1 tỷ đến 1,45 tỷ đồng. Trong khi Luận đang tổ chức ca môi giới ghép thận vào ngày 20/12/2024 thì bị lực lượng Công an phát hiện, bắt giữ.

Đây là ý kiến chỉ đạo của Trung tướng Nguyễn Văn Long, Thứ trưởng Bộ Công an, Tổ phó Thường trực Tổ công tác Đề án 06 của Chính phủ tại Hội nghị triển khai Sổ Sức khỏe điện tử, cấp Phiếu lý lịch tư pháp trên ứng dụng VNeID; triển khai bệnh án điện tử, thúc đẩy kết nối, liên thông dữ liệu giữa Bệnh viện Bạch Mai với Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Ninh và đẩy mạnh triển khai các nội dung của Đề án 06 trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh, chiều 23/12.

Chiều 24/12, Phòng Cảnh sát kinh tế Công an TP Hồ Chí Minh đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, tạm giam đối với Trịnh Thành Đức (SN 1996, biệt danh là Lil Ken) về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản; ra lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú đối với Nguyễn Thị Lan (vợ cũ Đức, SN 1998, ngụ quận Bình Tân) cùng về hành vi trên.

Trước những dấu hiệu bất thường liên quan đến việc lập, phê duyệt quy hoạch, thực hiện dự án Cụm công nghiệp vừa và nhỏ Lâm Bình (huyện Lương Tài, tỉnh Bắc Ninh), Thanh tra Bộ Xây dựng vừa có văn bản yêu cầu địa phương này làm rõ, đồng thời có văn bản báo cáo Thanh tra Bộ trước ngày 25/12/2024.

Nam thanh niên khai tên là Nguyễn Trần Huy, SN 2007, trú tại thôn Lê, xã Minh Thanh, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang đang trên đường chở pháo về thì bị CSGT phát hiện, bắt giữ.

Ngày 24/12, tại Công an tỉnh Tuyên Quang, Bộ Công an tổ chức Hội thảo khoa học “Nhận diện xu hướng dịch chuyển của tội phạm và vi phạm pháp luật về an ninh, trật tự lên không gian mạng”. Trung tướng Lê Quốc Hùng, Uỷ viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Lý luận Bộ Công an chủ trì Hội thảo.

Năm 2024 ghi dấu mốc quan trọng với việc 19 tập đoàn, tổng công ty đã hoàn thành tốt nhiệm vụ sản xuất kinh doanh (SXKD), bảo đảm vai trò của doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) trong việc phục hồi phát triển kinh tế, xã hội (KTXH), bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, cung ứng điện, than, xăng dầu... cho phát triển KTXH, bảo toàn vốn và các nguồn lực Nhà nước giao.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文