Hà Nội thu phí ôtô vào nội đô: Phương án để lựa chọn tuyến đường, phương tiện phù hợp

07:15 14/11/2018
Thời gian vừa qua, đề án thu phí đối với ôtô vào nội đô đã nhận được rất nhiều luồng ý kiến khác nhau. Mới đây, Chính phủ đã đồng ý cho Hà Nội lập đề án này.


Để phản hồi những ý kiến của người dân, đại diện các cơ quan Nhà nước và chuyên gia giải thích rằng, đây là biện pháp kinh tế để giảm ùn tắc giao thông. Việc thu phí không phải để tăng ngân sách mà là để người dân lựa chọn tuyến đường, phương tiện phù hợp với nhu cầu chung.

Thu phí không phải để tăng ngân sách

Nhiều năm nay, tắc đường luôn được coi là vấn nạn của các thành phố lớn, đặc biệt là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Đã có rất nhiều giải pháp được cơ quan chức năng đưa ra, nhưng dường như chưa có giải pháp nào triệt để với hạ tầng đô thị được ví như “cái áo chật chội” hiện nay. 

Theo thống kê của Sở GTVT Hà Nội, giai đoạn 2011-2016, trên địa bàn thành phố có trên 50 triệu xe máy, gần 500.000 ôtô, tốc độ tăng trưởng của ôtô là 10,2%/năm, của xe máy là 6,7%/năm. 

Dự báo, cứ với đà tăng trưởng như hiện nay thì đến năm 2020, Hà Nội sẽ có hơn 843.000 ôtô, hơn 6 triệu môtô, xe gắn máy; đến năm 2030 số ôtô là hơn 1,9 triệu, xe máy là hơn 7,5 triệu. Viện Chiến lược và phát triển GTVT (Bộ GTVT) tính toán, ùn tắc giao thông riêng tại Hà Nội gây thiệt hại 1-1,2 tỷ USD (khoảng 23.300 -27.900 tỷ đồng) mỗi năm, trong khi không khí ô nhiễm sẽ tăng gấp 5 lần. 

Tại buổi họp báo, Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Vũ Văn Viện cho hay, đề án thu phí vào nội đô sẽ thu đối với nhóm phương tiện đi vào những khu vực có nguy cơ xảy ra ùn tắc và ô nhiễm. Hiện Sở GTVT đang phối hợp với một số ban, ngành để bắt tay vào việc xây dựng đề án thu phí. 

Đặc biệt, Hà Nội dự kiến sẽ không thu phí phương tiện xe máy, bởi trong Nghị quyết 04 có nói đến việc khoanh vùng để hạn chế xe máy, tới năm 2030 sẽ dừng xe máy từ vành đai 3 trở vào. 

Sở GTVT sẽ phân ra các đối tượng có phạm vi mức độ khí thải gây ô nhiễm, phạm vi thu phí ở khu vực nào; tổ chức phân vùng thu phí; tổ chức giao thông để đảm bảo cho người không muốn phải trả phí vẫn có lối đi. 

Bên cạnh các loại phí như bảo vệ môi trường trong giá xăng dầu, phí đường bộ… đang áp dụng cho các phương tiện thì phí này sẽ chỉ thu đối với nhóm phương tiện đi vào khu vực nội đô có nguy cơ cao xảy ra ùn tắc và ô nhiễm. Bên cạnh đó sẽ phân loại đối với ôtô theo các yếu tố mức độ khí thải gây ra ô nhiễm, khu vực và có các trạm thu phí tự động.

Người dân đang chờ đợi hiệu quả của đề án thu phí đối với xe ôtô vào nội đô.

Ông Vũ Văn Viện nhấn mạnh: “Ô nhiễm môi trường và ùn tắc giao thông là hai vấn đề gây nên những mối quan ngại cũng như bức xúc của các đô thị. Không phải chúng ta lấy việc thu phí để làm điều kiện tăng thu ngân sách, mà lấy đó để người dân lựa chọn tuyến đường, phương tiện đi lại phù hợp với nhu cầu chung. Chính vì thế, phí này không tác động tới những đối tượng mà chúng ta cần phải xem xét”. 

Thực tế biện pháp thu phí phương tiện vào nội đô đã và đang được các thành phố lớn áp dụng như London (Anh), Singapore… tại đây họ đạt nhiều hiệu quả. Tuy nhiên, ở Hà Nội sẽ nghiên cứu để phù hợp với mức thu phí và tiền thu phí ấy sẽ để thực hiện hóa kéo giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường. Đồng thời sẽ đánh giá tác động tổ chức thu phí đến cuộc sống nhân dân thủ đô và khu vực lân cận.

Dù đề án đã được Chính phủ phê duyệt nhưng việc thu phí thế nào đang là vấn đề không hề đơn giản với các cơ quan có liên quan. Đại diện Viện Chiến lược và phát triển GTVT (Bộ GTVT) Lê Đỗ Mười cho rằng, cần phải nghiên cứu phạm vi thu từ vành đai nào vào để mang tính khả thi nhất, đồng thời bố trí trạm thu phí phù hợp từng tuyến đường. Nếu không sẽ lại gây ra ùn tắc, người dân không thuận lợi trong việc di chuyển. 

“Việc thu phí nhằm mục đích để người dân sử dụng phương tiện công cộng nhiều hơn, mật độ xe ôtô con đi vào nội đô sẽ giảm để tránh ùn tắc. Nó không phải “liều thuốc” để giảm ùn tắc ngay. Triển khai thu phí vào nội đô chắc chắn sẽ hiệu quả, đây cũng là khuyến nghị để người dân lựa chọn phương tiện cho phù hợp, ý thức người dân sẽ được nâng lên”, ông Mười khẳng định.

Trong một ý kiến khác, ông Bùi Danh Liên, Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô Hà Nội chia sẻ, dù là giải pháp được nhiều nước áp dụng và đã thành công, song để Hà Nội thành công thì phải quyết tâm giải quyết các vấn đề một cách đồng bộ. Như công nghệ thông tin, ngành giao thông với ngành ngân hàng… Tiền thu từ phí chống ùn tắc sẽ được đầu tư ngược lại vào hạ tầng, điều tiết giao thông.

Theo quan điểm của ông Vũ Văn Viện: Việc thu phí này không phải để tăng ngân sách mà để người dân lựa chọn tuyến đường di chuyển.

Liệu phí có chồng phí?

Thông tin Hà Nội dự định thu phí xe vào nội đô được công bố, rất nhiều người cho rằng đây chỉ là giải pháp tình thế. Việc thu thêm phí như vậy sẽ là “phí chồng phí”, người đi xe phải chịu gần chục loại thuế, phí, trong khi chất lượng cơ sở hạ tầng cải thiện rất chậm và không đáp ứng kịp. 

Đặc biệt các chuyên gia cho rằng, phí phải xuất phát trên nền tảng pháp luật của Nhà nước. Vậy luật nào quy định việc này? Hà Nội thu cả giờ thông thường hay chỉ thu giờ cao điểm để chống ùn tắc, rồi việc dựng barie hay sử dụng thu phí điện tử? Như vậy việc đồng ý lập đề án thu phí phương tiện vào nội đô là quyết định chưa hợp lý, gây khó khăn cho người dân. 

Tiến sĩ, chuyên gia giao thông Nguyễn Xuân Thủy đưa ra quan điểm: “Vấn đề của Hà Nội hiện nay là ùn tắc giao thông. Để giải quyết tình trạng này là phải xét trên cả điều kiện cần và đủ. Điều kiện cần ở đây là ùn tắc giao thông, song điều kiện đủ thì chưa có. Điều kiện đủ là các phương tiện giao thông công cộng phải đáp ứng được 50% nhu cầu đi lại của người dân”.

Nhiều chuyên gia cho rằng cần phải di dời các bệnh viện, trường học… ra khu vực ngoại thành để giảm tình trạng ùn tắc giao thông.

Theo thống kê mới nhất, Hà Nội có đến 12 triệu lượt đi lại nhưng giao thông công cộng mới chỉ đáp ứng được 10% nhu cầu. Việc người dân sử dụng xe máy, ôtô cá nhân để di chuyển là tất yếu. 

Giải pháp đưa xe buýt BRT phục vụ nhu cầu đi lại của người dân được rất nhiều người kỳ vọng, tuy nhiên nó chưa thu hút được vì còn nhiều khuyết điểm. Các tuyến metro làm chậm, tàu điện trên cao thì đội vốn, làm cả chục năm chưa đưa vào sử dụng. Trong khi đó, các tuyến xe buýt thiết kế phản khoa học, thời gian chờ đợi quá lâu. 

Anh Lê Văn Tâm (phường Dương Nội, quận Hà Đông) chia sẻ: “Tôi là công chức nhà nước, ngày nào tôi cũng phải đi vào trong nội thành để làm việc. Dù từ nhà tôi đến các điểm xe buýt BRT khá tiện, nhưng tôi vẫn lựa chọn đi xe máy. Đơn giản vì đi xe buýt rất bất tiện, nếu xuống ở điểm gần cơ quan tôi nhất thì vẫn phải đi bộ khoảng 2km. 

Buổi chiều về tôi thường xuyên phải tranh thủ đón con, nếu cứ đi xe buýt thì không thể kịp đón con ở trường. Cách đây 2 năm tôi cũng mua 1 chiếc ôtô con, nhưng vì quá khó khăn để di chuyển trong nội thành, trong khi đó mỗi tháng chỉ về quê đúng 1 lần nên tôi quyết định phải bán xe. 

Theo ý kiến của tôi, muốn giảm tình trạng ách tắc giao thông cần phải di chuyển bệnh viện, trường học, các chung cư ra ngoài các huyện ngoại thành. Tất cả đều dồn vào nội đô thì quả thực không có giải pháp nào triệt để được”.

Đại diện cơ quan Nhà nước và các chuyên gia giao thông cho rằng, giải pháp căn cơ và đồng bộ nhất là Hà Nội phải di dời bệnh viện, trường học, chung cư cao tầng ra khỏi nội đô kết hợp với việc xây dựng các đô thị vệ tinh. Đồng thời đầu tư phát triển hạ tầng giao thông, tính toán tổng thể lại vận tải hành khách công cộng, tăng cường phương tiện và chất lượng vận tải công cộng để thu hút người tham gia giao thông sử dụng.

Việc lập đề án trên đang có vướng mắc do trong danh mục phí, lệ phí ban hành kèm theo Luật phí và lệ phí năm 2015 không có tên loại phí Hà Nội định thu. Nói về vấn đề này, luật sư Trương Quốc Hòe, Trưởng Văn phòng luật Intela cho biết: Hà Nội là thủ đô, vì thế được phép có những cơ chế riêng.

Đề án này thực sự là một bước đột phá của chính quyền Hà Nội. Tuy nhiên, hiện Hà Nội đã có rất nhiều loại phí và lệ phí mà các phương tiện tham gia giao thông phải gánh chịu, đặc biệt là những người đi ôtô, nếu thêm loại phí này nữa thì sẽ rất vất vả cho họ.

Trong thời đại hiện nay, nhu cầu sử dụng ôtô của người dân là rất lớn và chính đáng nên chính quyền phải cân nhắc, nếu tình trạng phí chồng phí như hiện nay thì sẽ làm cho đời sống người dân thêm khó khăn.

Phong Anh

Ngày 9/1, Công an TP Vinh, tỉnh Nghệ An cho biết: đơn vị vừa phá thành công chuyên án, bắt giữ 2 đối tượng về hành vi mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy, thu giữ số ma túy lớn và nhiều vật chứng liên quan khác.

Theo Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng, khoảng 1.000 kiều bào, trong đó có 100 kiều bào tiêu biểu, sẽ tham gia chương trình Xuân Quê hương 2025, mở đầu cho một năm đầy ắp những sự kiện lớn của đất nước, đồng thời, là cơ hội để vinh danh những đóng góp của người Việt Nam ở nước ngoài với quê hương, động viên kiều bào tiếp tục nỗ lực vì sự phát triển của đất nước. 

Ngày 9/1, Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Công an tỉnh Hoà Bình cho biết, đơn vị vừa phối hợp với Công an huyện Kim Bôi đã phát hiện, đấu tranh được nhiều tài khoản trên các nền tảng mạng xã hội có tên “@hotieubao123, @hotieubaoservice, @hatokibotnetstealer; @jero_stealer_japan” có hành vi mua bán phần mềm mã độc sử dụng để tấn công mạng.

Ngày 9/1, TAND TP Hà Nội mở phiên tòa hình sự sơ thẩm xét xử bị cáo Nguyễn Hoàng Khánh Linh (SN 2004, trú tại TP Hải Dương, tỉnh Hải Dương) về tội giết người. Điều rất đau lòng là bị hại trong vụ án chính là người Linh yêu. 

Thông tin từ Cục Thuế doanh nghiệp lớn (Tổng cục Thuế) cho biết, hiện có 4 nhà cung cấp nước ngoài (NCCNN) kinh doanh thương mại điện tử dựa trên nền tảng số tại Việt Nam chưa thực hiện quy định về đăng ký thuế thông qua Cổng thông tin điện tử (TTĐT) của Tổng cục Thuế.

Sau gần 10 tháng khởi tố vụ án hình sự liên quan đến một cán bộ Sở GTVT tỉnh Sóc Trăng, cơ quan CSĐT Công an tỉnh Sóc Trăng đã khởi tố bị can đối với cựu Trưởng phòng quản lý vận tải, phương tiện và người lái Sở GTVT tỉnh Sóc Trăng về hành vi nhận hối lộ.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文