Quá tải học sinh vào lớp 1: Bài toán khó giải
- Chuyên gia nói gì về cách dạy đánh vần “cờ-e-ke” cho học sinh lớp 1
- Sẽ đảm bảo đủ sách giáo khoa cho học sinh lớp 1
- Sĩ số đông vì học sinh vào lớp 1 tăng đột biến
Nguy cơ trẻ đúng tuyến vẫn bị từ chối
Về cơ bản, mọi trẻ em có hộ khẩu trên địa bàn đều được nhận vào hệ thống trường công đóng trên địa bàn đó. Tuy nhiên, ở Hà Nội, một số quận đang vấp phải khó khăn, là số lượng trẻ quá đông mà số trường lớp lại quá ít, không đáp ứng đủ nhu cầu.
Tình trạng quá tải chủ yếu dồn vào các quận Cầu Giấy, Thanh Xuân, Hà Đông, Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm,… khiến một số trường áp lực nặng nề về sĩ số, lớp học lên đến hơn 60 em, có lớp 3 học sinh ngồi một bàn.
Ghi nhận có trường, mặc dù hiệu trưởng đã cố gắng hết sức, nâng sĩ số lớp lên đến con số kỷ lục gần 70 học sinh, giãn nở thêm phòng học, bổ sung lớp học, giáo viên, nhưng vẫn không đủ điều kiện để tiếp nhận thêm học sinh. Học sinh đúng tuyến vẫn phải đối mặt với nguy cơ không được vào trường trên địa bàn.
Ảnh minh họa |
Mặc dù điều lệ trường tiểu học quy định mỗi lớp có không quá 35 học sinh, nhưng hầu như không có mấy trường tiểu học ở Hà Nội có thể giữ được tỷ lệ này ở các lớp 1.
Trong buổi tiếp xúc với các phóng viên, ông Phạm Xuân Tiến, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội thừa nhận việc quá tải trường lớp, nhất là với lớp 1 khiến sĩ số ở không ít trường tiểu học trở nên đông chưa từng có.
Câu chuyện quá tải sĩ số lớp 1 đang được giáo dục Hà Nội tìm cách tháo gỡ, chưa có hiệu quả là bao thì với số lượng trẻ vào lớp 1 tăng đột biến như năm nay, quá tải càng chồng chất quá tải. Nguyên nhân được cho là do tình trạng cha mẹ chọn tuổi đẹp sinh con, năm nay trẻ tuổi rồng (2012) vào lớp 1 tăng hơn nhiều so với năm trước.
Một lý do khác là do sự di dân cơ học tại các khu đô thị mới diễn ra quá nhanh, mà trường lớp thì không mở rộng kịp. Theo ước tính, tại Hà Nội có trên 500 dự án Khu đô thị và nhà ở thương mại, khu nhà ở. Hàng loạt dự án được mở ra, bộc lộ bất cập do công tác quy hoạch và xây dựng của nhiều khu đô thị chưa đáp ứng đúng mục tiêu thiết thực, đặc biệt là hệ thống trường học.
Thậm chí, tại nhiều nơi, dù các hộ dân đã chuyển tới sinh sống rất lâu nhưng trường học chưa có hoặc xây dựng với tiến độ chậm, gây quá tải cho các trường lân cận.
Câu chuyện bốc thăm xin học ở các trường công lập ở Kim Văn - Kim Lũ, Linh Đàm vừa rồi gây xôn xao dư luận ở Hà Nội là một ví dụ. Cả phường Dịch Vọng (Cầu Giấy) chỉ có duy nhất 1 trường tiểu học công lập là Dịch Vọng B nhưng hiện phường này đã có khoảng 48 tòa chung cư cao tầng. Năm 2001, đây là trường chuẩn quốc gia đầu tiên của thành phố Hà Nội với sĩ số lý tưởng 30 em/lớp, 4 lớp/khối.
Hiện tại, số lớp đã tăng gấp đôi và sĩ số cũng tăng gần gấp đôi. Có nghĩa là, số học sinh đã tăng gần 4 lần, thế nhưng ngay sau lưng trường, 2 tòa chung cư cao 48 tầng lại sắp hoàn thành, tiếp tục tăng mật độ dân số. Tức là năm sau, áp lực quá tải trường lớp sẽ không những không giảm đi, mà còn tăng thêm.
Ngoài ra, có một thực tế khá phổ biến trong xây dựng các khu đô thị hiện nay, đó là hầu như chủ đầu tư không thực hiện đúng theo quy hoạch được phê duyệt. Danh mục nhà ở thường được ưu tiên xây trước, còn mọi hạng mục khác như trường học chỉ được tính đến khi đã thực hiện xây dựng xong các nhà ở.
Thậm chí sau khi người dân đã chuyển về ở rồi, các chủ đầu tư vẫn cố tình chây ì không xây dựng trường. Trong tình hình như vậy trường công lập phải “gánh” toàn bộ số học sinh mới chuyển tới. Và quá tải là câu chuyện mỗi năm một tăng lên, khó giải quyết hơn.
Dạo một vòng có thể thấy, những trường đang chịu áp lực quá tải sĩ số lớp 1 trên địa bàn Hà Nội hiện nay có thể kể ra như, trường Tiểu học Phan Đình Giót (Thanh Xuân) ban đầu có sĩ số 67 đến 69 em/lớp. Nhà trường đã phải đề xuất tăng lớp học, tăng giáo viên để san sẻ sĩ số học sinh. Trường Tiểu học Nghĩa Đô (Cầu Giấy) có lớp sĩ số lên tới 68 học sinh.
Trường Tiểu học Dịch Vọng (Cầu Giấy) có lớp sĩ số lên tới 60 học sinh. Trường Tiểu học Nguyễn Trãi (Thanh Xuân) là 64-66 học sinh/lớp. Một số trường tiểu học tại khu vực quận Thanh Trì, Hoàng Mai năm nay sĩ số các lớp 1 cũng tăng so với mọi năm. Một số trường có sĩ số từ 64-65 học sinh/ lớp.
Khó khăn cho công tác giảng dạy
Ảnh minh họa |
Các bậc phụ huynh đều hết sức lo lắng khi con em mình phải đến trường trong tình trạng quá tải sĩ số như vậy. Một lớp học có số lượng học sinh gần 70 em, làm thế nào giáo viên có thể nhớ hết mặt hết tên các học sinh, chứ đừng nói đến việc chú ý, kèm cặp từng học sinh cụ thể.
Trong khi đó, năm học đầu tiên trong cuộc đời đi học của một đứa trẻ là năm rất quan trọng. Trẻ vừa thay đổi môi trường để bước vào không gian học tập, cần rất nhiều sự chỉ bảo tận tình, ân cần, chu đáo của thầy cô. Học tập trong điều kiện chỗ ngồi chật chội, mỗi bàn 3 em, trẻ sẽ khó tiếp thu bài vở, kiến thức.
Nhìn từ góc độ khoa học giáo dục, những lớp học quá đông đúc sẽ ảnh hưởng không chỉ khả năng tiếp thu bài vở, mà cả sức khỏe của trẻ. Nhìn sâu xa hơn, quá tải lớp 1 cũng có nghĩa là sẽ kéo theo quá tải ở các lớp học, các cấp học tiếp theo.
Ở một vài trường tiểu học, bài thể dục rèn luyện thể chất giữa giờ chỉ còn chỗ cho một nửa số học sinh. Một nửa số học sinh còn lại sẽ học tiếp giờ thể dục vào hôm sau. Thật là câu chuyện cực chẳng đã.
Phản ứng của Sở Giáo dục Hà Nội ra sao khi phải đối mặt với tình trạng này? Theo chỉ đạo của lãnh đạo Sở, tại những khu có mật độ dân cư đông đúc, các Phòng Giáo dục cần nắm bắt con số học sinh để phân bổ cho đồng đều, tránh trường hợp trường thì sĩ số quá đông mà trường thì sĩ số lại thấp.
Một số trường có sĩ số cao kỷ lục, Ban giám hiệu nhà trường cần tận dụng đến mức tối đa cơ sở vật chất để chia lớp, làm sao giảm sĩ số học sinh mỗi lớp xuống mức thấp nhất có thể. Cố gắng để mọi trẻ 6 tuổi đều được vào học lớp 1. Ở những trường có sĩ số quá đông, cần hạn chế học sinh trái tuyến, nhất là trái tuyến theo hình thức chọn trường chọn lớp mà nhiều phụ huynh đang lựa chọn hiện nay.
Trong năm học mới 2018 - 2019 Sở Giáo dục Hà Nội sẽ triển khai công tác rà soát quy hoạch mạng lưới trường lớp, đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục tiểu học nhằm đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục đào tạo.
Bên cạnh đó Sở cũng kiến nghị UBND TP Hà Nội chỉ đạo các địa phương, nhất là với các quận, khu đô thị và các khu chung cư tăng cường quỹ đất, đầu tư xây dựng thêm phòng học để nhanh chóng giảm sĩ số học sinh mỗi lớp, ít nhất mỗi lớp đạt không quá 45 học sinh/lớp.
Xem ra, bài toán giảm tải sĩ số học sinh lớp 1 còn rất nhiều khó khăn, không thể giải xong trong một thời gian ngắn. Ngày khai giảng đang tới gần, chắc chắn các thầy cô giáo và các em học sinh lớp 1 năm học 2018-2019 bên cạnh niềm vui tới trường sẽ phải vượt qua không ít khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ dạy và học của mình.