Quê nghèo chấn động vụ vỡ nợ hơn 80 tỷ đồng

15:28 16/04/2016
Bằng hình thức huy động vốn rồi cho vay lại với lãi suất cắt cổ, 7 hộ gia đình tại xã Quỳnh Thanh, huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An) đã vay của hàng trăm hộ dân với số tiền hơn 80 tỷ đồng. Đến đầu tháng 4/2016, bất ngờ cả 7 gia đình đều đồng loạt khóa cửa bỏ trốn khỏi địa phương khiến quê nghèo nháo nhác, nhiều gia đình không kiềm chế được đã tìm cách xiết nợ bằng việc tháo dỡ tất cả những gì có thể trong nhà con nợ. Vụ việc đã được cơ quan Công an vào cuộc để điều tra, làm rõ.


Xã Quỳnh Thanh, huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An) những ngày này, đi đến đâu cũng nghe người dân bàn tán xôn xao chuyện vỡ nợ. Những gương mặt thất thần, rầu rĩ ngồi chia sẻ với nhau, động viên an ủi nhau mà nước mắt không ngừng tuôn rơi. Tất cả là do hám lãi suất cao mà nhiều người trong xã đã mang hết bìa đất, tài sản đưa cho các "đại gia" trên địa bàn mượn để sử dụng vào mục đích tín dụng đen. 

Ông Hồ Xuân Tuyên - Phó Chủ tịch UBND xã Quỳnh Thanh cho biết thêm, đến thời điểm này, mọi việc đã tạm thời lắng xuống chứ cách đây khoảng một tuần, nhiều chủ nợ đã điên cuồng đến đập phá nhà cửa, tháo dỡ hết bản lề, cánh cửa  khiêng đi tất cả những gì có thể trong nhà để mong vớt vát lại một phần rất nhỏ trong tổng số tài sản quá lớn đã cho vay mượn.

Những ngôi nhà của các con nợ bị đập phá, lấy hết tài sản để xiết nợ.

Thậm chí, ngày 8/4 vừa qua, anh Hồ Sỹ Thịnh (SN 1977) và vợ là chị Trần Thị Xoan (SN 1981) đã bị các chủ nợ quá khích xông vào nhà đánh trọng thương. Ban Công an xã đã phải đến giải cứu, sau đó đưa đi bệnh viện sơ cứu. Lợi dụng điều này, hai vợ chồng đã bỏ nhà trốn đi biệt tích.

Bà Trần Thị T. (SN 1968), người dân xóm 5, xã Quỳnh Thanh kể trong nước mắt: Gia đình bà làm nông nghiệp, quanh năm bán mặt cho đất, bán lưng cho trời, gần đây có đứa con đi xuất khẩu lao động ở Hàn Quốc, tích cóp mãi được mấy trăm triệu bỏ ngân hàng lấy lãi. Tháng 10-2015, hai vợ chồng Hồ Thị Sáng (SN 1987), Trần Văn Mạnh (SN 1979), trú tại  xóm 7 đến gặp vợ chồng bà tỉ tê hỏi vay, trả gấp 3 lần lãi suất ngân hàng và hứa sẽ thanh toán đều đặn mỗi tháng nên hai vợ chồng đã mủi lòng, đi rút số tiền 400 triệu đồng trong ngân hàng về cho vay, dù chưa đến kỳ hạn. 

Đổi lại, vợ chồng Sáng - Mạnh chỉ ghi cho một tờ giấy vay nợ, hẹn đến khi nào gia đình cần sẽ trả lại. Chưa dừng lại ở đó, hai tháng sau, Hồ Thị Sáng tiếp tục đến nói những lời như rót mật vào tai để bà T. đưa bìa đỏ của gia đình đi "cắm" ngân hàng vay cho Sáng thêm 500 triệu đồng. "Nhìn vợ chồng nhà nó tuy trẻ người nhưng làm ăn phát đạt, nhà cao tầng, xe ôtô bóng loáng nên chúng tôi chẳng mảy may nghi ngờ. Nào đâu, thoắt cái đã trở thành chúa Chổm. Giờ sự việc vỡ lở, ngân hàng đòi siết nhà, cũng chẳng dám nói với con cái, vợ chồng chỉ biết nhìn nhau rớt nước mắt, hối lỗi thì cũng đã muộn màng", bà T. nghẹn ngào.

Một nạn nhân của "tín dụng đen" tại xã Quỳnh Thanh.

Tương tự, gia đình ông Hồ Văn H. (SN 1953), giáo viên về hưu cũng đang rơi vào tình cảnh khốn cùng khi bị bà Phan Thị Truyền (SN 1962), lừa chiếm đoạt trên 2 tỷ đồng. Theo lời kể của ông H., bà T. biết ông H. vừa bán đất được hơn 1 tỷ đồng, cộng với tiền tiết kiệm cả đời người nữa là khoảng 2 tỷ, hai vợ chồng bàn với con cái lập sổ tiết kiệm gửi ngân hàng thì bà Truyền tìm đến tận nhà thuyết phục làm đại lý chăn nuôi thức ăn cho bà để hưởng phần trăm cao ngất ngưởng. 

Thấy ông H. còn hồ nghi, bà này đã dẫn hai vợ chồng đến tận xã Quỳnh Bảng, chỉ vào nhiều đầm tôm ngút ngàn tầm mắt và bảo đó là của mình để thuyết phục. "Chẳng biết bùa mê thuốc lú thế nào mà hai vợ chồng chúng tôi đã gật đầu, mang hơn 2 tỷ đồng cho bà Truyền. Đến lúc sự việc bung bét, tìm đến tận nhà mới hay tài sản duy nhất của bà ta chỉ là ngôi nhà 3 gian cấp 4 tuềnh toàng", ông H. chua chát tâm sự. 

Được biết, cũng với chiêu bài đưa nạn nhân đi xem đất, nhà và trang trại của… người khác, bà Truyền đã khiến nhiều người nhẹ dạ lầm tin đó là tài sản của bà ta, để từ đó dễ dàng vay mượn tiền bạc. Trong đó, đơn cử như ông Hồ Minh T., trú tại xóm 13, xã Quỳnh Thạch, cho bà Truyền vay 2 tỷ đồng, ông Hồ H., trú xã Quỳnh Văn cho vạy 1,2 tỷ đồng và bà Hoàng Hoa C., trú xã Quỳnh Văn cho vay 5,5 tỷ đồng.

Ngoài những trường hợp kể trên, tại xã Quỳnh Thanh hiện còn hàng trăm hộ dân lâm vào khốn đốn khi gom góp tiền bạc ném vào "tín dụng đen". Nhiều gia đình còn mang bìa đất thế chấp ngân hàng cho vay để hưởng lãi, đến nay không có khả năng trả nợ dẫn đến vợ chồng lục đục. Một số người khác huy động tiền của anh em bà con, về cho con nợ vay lấy lãi suất cao, giờ mất trắng nên họ hàng không nhìn mặt nhau. Thậm chí, có gia đình còn không biết bìa đất của mình hiện giờ nằm ở ngân hàng nào nữa.

Ngôi nhà "bánh vẽ" của vợ chồng Mạnh, Sáng xây để dễ bề vay tiền.

Đại tá Trần Thăng Long, Trưởng Công an huyện Quỳnh Lưu cho biết: Vụ việc tín dụng đen dẫn đến vỡ nợ tại địa bàn xã Quỳnh Thanh là có thật và để đề phòng, ngăn chặn những nảy sinh phức tạo về ANTT, Công an huyện Quỳnh Lưu đã cử một tổ công tác kết hợp cùng Công an xã Quỳnh Thanh bám sát địa bàn để trấn an dư luận và đảm bảo ANTT. Theo Đại tá Trần Thăng Long, vụ việc này, cuối năm 2015 Công an huyện đã vào cuộc và có báo cáo gửi cơ quan chức năng. Cụ thể, trên địa bàn xã này có 7 cá nhân tổ chức huy động vốn, cho vay nặng lãi. 

Trong đó, vợ chồng Trần Thị Xoan (SN 1981) và Hồ Sỹ Thịnh (SN 1977), trú xóm 13, xã Quỳnh Thanh, bắt đầu tổ chức thành lập phường hụi từ năm 2009. Đến nay, hai vợ chồng đã nhận tiền gửi của 135 hộ dân với tổng số tiền tự khai là 19,525 tỷ đồng; Trần Thị Thanh (SN 1983) cùng chồng là Bùi Kính (SN 1978), trú tại xóm 9, nhận của 29 hộ với số tiền 9,1 tỷ đồng; Trần Thị Yến (SN 1984) và chồng Nguyễn Bá Triều (SN 1976), trú xóm 7 xã Quỳnh Thanh, nhận của 46 hộ dân với số tiền hơn 5,8 tỷ đồng.

Tất cả những người này đều huy động vốn theo chiêu thức trả lãi suất cho các chủ nợ  2.000 đồng/triệu/ngày rồi cho các con nợ khác vay với lãi suất từ 3.000-5.000 đồng/triệu/ngày. Sau khi tuyên bố vỡ nợ, cả 7 con nợ đều bỏ trốn khỏi địa bàn xã Quỳnh Thanh, với số tiền ước tính hơn 80 tỷ đồng.

Được biết, để dễ dàng thực hiện hành vi lừa đảo, các con nợ đều tự trang bị cho mình vẻ bề ngoài hết sức hoành tráng. Đơn cử như vợ chồng Hồ Thị Sáng và Trần Văn Mạnh, đã xây một ngôi nhà 5 tầng, mỗi tầng đắp nổi những hàng chữ như Cà phê Karaoke Ngoại hạng, "buôn bán trao đổi vàng bạc đá quý", "thức ăn gia súc tổng hợp", "thế giới di động"... Nhờ vậy, hai vợ chồng đã huy động khắp trong ngoài xã được số vốn lên đến khoảng hơn 40 tỷ đồng. Ngoài ra, Sáng còn mượn nhiều bìa đất để thế chấp ngân hàng. Sau khi vỡ nợ, cả gia đình bỏ lại cơ ngơi trốn vào miền Nam. 

Nhiều chủ nợ xót của cất công đi tìm thì phát hiện đang ẩn náu tại xã Tân Tiến, thị xã Lagi, tỉnh Bình Thuận. Tương tự, bà Phan Thị Truyền (SN 1962) với chiêu thức, mỗi khi nhận tiền của chủ nợ, bà đã lấy luôn số tiền này để trả lãi trước một năm khiến ai cũng mê hoặc. Cứ như vậy, một đồn mười, mười đồn trăm, uy tín của bà lên như diều gặp gió. Ngoài ra, bà Truyền còn sử dụng chiêu bài kêu gọi hùn vốn xây dựng đại lý bán thức ăn hoặc xây dựng hồ nuôi tôm để nhận tiền của các hộ ngoài địa bàn xã.

Đại tá Trần Thăng Long cho biết thêm: "Việc cho vay nợ với lãi suất cao tại xã Quỳnh Thanh đã xảy ra trong một thời gian dài dẫn đến vỡ tín dụng kéo theo các vụ việc phức tạp về ANTT. Đây là việc các công dân tự nguyện giao tài sản cho nhau với mục đích thu lợi nhuận, thuộc hành vi hoạt động dân sự, do Bộ luật Dân sự điều chỉnh nên Công an huyện Quỳnh Lưu đã hướng dẫn cho người dân làm các thủ tục gửi đơn lên tòa án dân sự để được giải quyết. 

Trong thời gian đó, Công an huyện cũng đã tham mưu cho UBND huyện Quỳnh Lưu, chỉ đạo xã Quỳnh Thanh không được xác nhận việc mua bán, chuyển nhượng bất kỳ tài sản nào của những người liên quan. Thời gian sắp tới, Công an Quỳnh Lưu tiếp tục thu thập xác minh, khi có đủ căn cứ, dấu hiệu vi phạm pháp luật sẽ tiếp nhận, điều tra, xử lý theo quy định".

"Hoạt động của các đối tượng đứng ra nhận tiền gửi với lãi suất cao đã xảy ra trong nhiều năm gần đây tại địa bàn xã Quỳnh Thanh. Từ tháng 6-2015, do không nhận được tiền lãi và tiền gốc, nhiều chủ nợ đã kéo đến nhà các đối tượng vay tiền để xiết nợ, lấy tài sản, chửi bới, đánh người gây thương tích. Gia đình những người này đã phải đóng cửa bỏ trốn khỏi địa phương hoặc đi ở nhờ nhà người khác", ông Hồ Xuân Tuyên - Phó Chủ tịch UBND xã Quỳnh Thanh cho biết.
Một nạn nhân của "tín dụng đen" tại xã Quỳnh Thanh.
Thiên Thảo

Đối tượng mạo danh là “Trưởng phòng Công an TP Đà Nẵng”, sau đó thông báo số điện thoại của nạn nhân liên quan đến việc làm ăn phi pháp; đồng thời đe dọa, yêu cầu nạn nhân cầm sổ đỏ và chuyển tiền để chứng minh mình không vi phạm. Hậu quả, nạn nhân sập bẫy Công an giả sau 2 lần chuyển tổng cộng mất hơn 2 tỷ đồng...

Tại cơ quan điều tra, Luận khai nhận, 1 quả thận được Luận mua với giá từ 380 triệu đến 450 triệu đồng, sau đó môi giới bán cho người mua có nhu cầu ghép thận với giá dao động từ 1 tỷ đến 1,45 tỷ đồng. Trong khi Luận đang tổ chức ca môi giới ghép thận vào ngày 20/12/2024 thì bị lực lượng Công an phát hiện, bắt giữ.

Liên quan vụ truy bắt đối tượng trộm cắp xe ô tô ở Ninh Thuận, chiều 24/12 Phòng CSGT Công an tỉnh Ninh Thuận cho biết, vừa nhận được thư cảm ơn của ông Võ Tấn Long (SN 1976, trú ở 126 Hải Thượng Lãn Ông, phường Tấn Tài, TP Phan Rang – Tháp Chàm, tỉnh Ninh Thuận).

Đây là ý kiến chỉ đạo của Trung tướng Nguyễn Văn Long, Thứ trưởng Bộ Công an, Tổ phó Thường trực Tổ công tác Đề án 06 của Chính phủ tại Hội nghị triển khai Sổ Sức khỏe điện tử, cấp Phiếu lý lịch tư pháp trên ứng dụng VNeID; triển khai bệnh án điện tử, thúc đẩy kết nối, liên thông dữ liệu giữa Bệnh viện Bạch Mai với Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Ninh và đẩy mạnh triển khai các nội dung của Đề án 06 trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh, chiều 23/12.

Theo truyền thông địa phương, các lính cứu hỏa được cho là gặp khó khăn trong quá trình tiếp cận khu vực hỏa hoạn tại tháp Eiffel. Cơ quan dịch vụ khẩn cấp Paris đã phải sơ tán hơn 1200 khách du lịch đang thăm quan công trình kiến trúc mang tính biểu tượng của Thủ đô nước Pháp. 

Chiều 24/12, Phòng Cảnh sát kinh tế Công an TP Hồ Chí Minh đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, tạm giam đối với Trịnh Thành Đức (SN 1996, biệt danh là Lil Ken) về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản; ra lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú đối với Nguyễn Thị Lan (vợ cũ Đức, SN 1998, ngụ quận Bình Tân) cùng về hành vi trên.

Đăng tải thông tin sai sự thật về vụ việc phóng hỏa quán cafe ở số 258 đường Phạm Văn Đồng (phường Cổ Nhuế 2, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) lên các hội nhóm trên mạng xã hội, chị  H.T.L đã bị Công an quận Bắc Từ Liêm (Hà Nội) triệu tập làm việc và ra quyết định xử phạt hành chính 7,5 triệu đồng về hành vi “cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật”.

Trước những dấu hiệu bất thường liên quan đến việc lập, phê duyệt quy hoạch, thực hiện dự án Cụm công nghiệp vừa và nhỏ Lâm Bình (huyện Lương Tài, tỉnh Bắc Ninh), Thanh tra Bộ Xây dựng vừa có văn bản yêu cầu địa phương này làm rõ, đồng thời có văn bản báo cáo Thanh tra Bộ trước ngày 25/12/2024.

Nam thanh niên khai tên là Nguyễn Trần Huy, SN 2007, trú tại thôn Lê, xã Minh Thanh, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang đang trên đường chở pháo về thì bị CSGT phát hiện, bắt giữ.

Ngày 24/12, tại Công an tỉnh Tuyên Quang, Bộ Công an tổ chức Hội thảo khoa học “Nhận diện xu hướng dịch chuyển của tội phạm và vi phạm pháp luật về an ninh, trật tự lên không gian mạng”. Trung tướng Lê Quốc Hùng, Uỷ viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Lý luận Bộ Công an chủ trì Hội thảo.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文