Sai thì sửa ngay!
Theo đó, Bộ GD-ĐT thừa nhận có một số nội dung chưa phù hợp, gây bức xúc dư luận, đồng thời cho biết đã yêu cầu Hội đồng quốc gia thẩm định SGK Tiếng Việt lớp 1 rà soát, kiểm tra, kết luận cụ thể các nội dung theo phản ánh. Trên kết quả báo cáo của Hội đồng thẩm định, Bộ GD-ĐT, Nhà xuất bản Đại học Sư phạm TP Hồ Chí Minh và tác giả thống nhất tiếp thu tối đa ý kiến góp ý để chỉnh sửa SGK cho phù hợp hơn. Bộ GD-ĐT cũng đã yêu cầu nhà Nhà xuất bản Đại học Sư phạm TP Hồ Chí Minh và tác giả khẩn trương xây dựng phương án chỉnh sửa, hiệu đính kịp thời, thuận lợi cho giáo viên tổ chức các hoạt động dạy học.
Cũng với tinh thần như thế, trước đó, tại cuộc họp giao ban báo chí Ban Tuyên giáo Trung ương, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Hữu Độ còn nói rõ thêm là Bộ GD-ĐT đã chỉ đạo nhà xuất bản phát hành SGK tiếng Việt lớp 1 của bộ sách Cánh Diều in thêm tài liệu chỉnh sửa, bổ sung và phát hành miễn phí cho học sinh và các trường đang sử dụng SGK này.
Ngoài ra, Bộ GD-ĐT đã chỉ đạo các nhà xuất bản, các tác giả của tất cả 5 bộ sách khác nữa cũng rà soát để xem có vấn đề gì cần chỉnh sửa hay không, những lỗi lớn thì phải thay đổi, những lỗi nhỏ, chưa thực sự phù hợp thì có thể điều chỉnh trong quá trình sử dụng.
Nay thì đến lượt Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam (NXB GDVN) có văn bản gửi Bộ GD-ĐT xin chỉnh sửa cả 4 bộ sách lớp 1 mới do NXB này tổ chức biên soạn, gồm: "Kết nối tri thức với cuộc sống", "Chân trời sáng tạo", "Cùng học để phát triển năng lực", "Vì sự bình đẳng và dân chủ trong giáo dục". Tất cả đều là sản phẩm có nhiều "sạn". Trong đó, bộ sách "Kết nối tri thức với cuộc sống" phải chỉnh sửa nhiều nhất, với hơn 37 trang, gồm cả tập 1 và tập 2 SGK Tiếng Việt 1, SGK Giáo dục thể chất 1. Sai hoặc không đảm bảo chất lượng nội dung thì không thể đem ra dạy cho học sinh, phải chỉnh sửa là đương nhiên, không phải bàn cãi, thậm chí tệ quá thì phải bỏ.
Vấn đề là trong văn bản do ông Nguyễn Đức Thái - Chủ tịch Hội đồng Thành viên NXB GDVN, thay mặt NXB này ký gửi Bộ GD-ĐT lại đưa ra đề xuất những điểm xin được chỉnh sửa trong lần tái bản các bản mẫu SGK sắp tới để phục vụ năm học 2021- 2022. Như vậy là, dù là chuyên ngành nhưng NXB GDVN biết sai nhưng vẫn đề xuất để tới sang năm mới sửa. Và điều này đồng nghĩa với việc hàng triệu học sinh sẽ tiếp tục phải học những SGK không chuẩn xác?
Nhưng đó là đề xuất của NXB GDVN - nơi đã sản sinh ra 4 bộ sách cũng ở tầm chất lượng không khác gì SGK Tiếng Việt lớp 1 của bộ Cánh Diều. Vấn đề bây giờ là chờ ở phán quyết của “trọng tài” là Bộ GD-ĐT, mà nói thẳng đây là trách nhiệm của Bộ GD-ĐT.
Nếu Bộ GD-ĐT thực sự vì tương lai con em, vì sự nghiệp giáo dục của nước nhà, thì cũng phải kiên quyết bày tỏ thái độ ít nhất là như đã làm với SGK Tiếng Việt lớp 1 của bộ Cánh Diều. Cụ thể ở đây là phải chỉnh sửa ngay, đồng thời phải in thêm tài liệu chỉnh sửa, bổ sung và phát hành miễn phí cho học sinh và các trường đang sử dụng SGK này.