“Sính” kỷ lục - căn bệnh cần được loại bỏ
Những kỷ lục như chiếc bánh chưng to nhất, chiếc bánh tét dài nhất, tô hủ tiếu to nhất... đáng tiếc chỉ là sản phẩm của tư duy thích phô trương, phô phang mà không tạo ra bất cứ một giá trị đáng kể nào. Những kỷ lục đó cũng không góp phần làm giàu thêm văn hóa truyền thống Việt Nam bao đời nay mà còn gây lãng phí, bức xúc trong nhân dân.
Lễ hội vui không cần kỷ lục
Năm nay, ngành Văn hóa đã có công văn quán triệt về việc tổ chức lễ hội tiết kiệm, lành mạnh, hạn chế rải tiền lẻ, đốt vàng mã. Nghĩa là chúng ta đang hướng tới các lễ hội vui và giản dị, hướng về các giá trị tinh thần, giá trị tâm linh hơn là phô trương hình thức không cần thiết.
Trong tinh thần đó, việc UBND thành phố Sầm Sơn có văn bản đề nghị UBND Tỉnh Thanh Hóa xin được dâng bánh dày có trọng lượng hơn 3 tấn dâng vua Hùng đã vấp phải sự phản ứng gay gắt của dư luận.
Nếu được đồng ý, chiếc bánh dày khổng lồ này sẽ được làm tại Sầm Sơn, tốn công sức của rất nhiều người, sau đó sẽ có lễ rước bánh lên đền Hùng vào đúng ngày giỗ Tổ Hùng Vương 10-3 âm lịch.
Không ai có thể hình dung mùi vị của chiếc bánh sẽ ra sao khi nó được rước đi một đoạn đường dài như vậy, trong thời tiết tháng ba bắt đầu có nắng nóng, nhất là năm nay mùa hạ đến sớm do lập xuân từ khi chưa Tết Nguyên đán. N
gại nhất là khi chiếc bánh được dâng Vua Hùng xong thì chất lượng không còn đủ tốt để nhân dân có thể được “hưởng lộc” mà phải bỏ đi lãng phí, giống như câu chuyện chiếc bánh chưng khổng lồ dâng bàn thờ Quốc tổ ở TP Hồ Chí Minh năm 2016.
Chiếc bánh Tét dài kỷ lục 18m được làm tại TP. HCM năm 2015. |
Rất may là UBND tỉnh Thanh Hóa đã không đồng ý để Sầm Sơn làm ra chiếc bánh dày khổng lồ này. Giả sử nó được làm ra, đây sẽ lại là chiếc bánh dày “kỷ lục” to nhất ở Việt Nam.
Và dư luận lại có cơ hội bàn tán về câu chuyện kỷ lục Việt. Những kỷ lục mà theo nhiều nhà xã hội học nhận định, nó chỉ biểu hiện sự tự ti, mặc cảm trong tư duy của một bộ phận người Việt. Thói muốn hơn người, sĩ diện hão khiến cho họ có ý nghĩ muốn tạo ra cái gì đó thật hoành tráng, to lớn.
Nhưng cái “hoành tráng, to lớn” kiểu bánh chưng to nhất, bánh dày to nhất, bánh tét dài nhất lại chẳng mang lại giá trị gì cho cộng đồng ngoài sự tốn kém, lãng phí, có khi là... mất vệ sinh nữa. Giá như tư duy kỷ lục của người Việt tập trung vào việc phấn đấu trở thành những cá nhân ưu tú, nổi bật nhất trong lao động, nghiên cứu khoa học, sáng tạo các giá trị văn hóa có ích cho cộng đồng thì hay biết mấy.
Vì sao người ta thường hay nhằm vào các lễ hội để nghĩ ra các kỷ lục, mà đôi khi là rất vớ vẩn? Bởi vì lễ hội là nơi thu hút nhiều người. Đấy chính là những đám đông cần thiết để những cái to lớn kỷ lục được công kênh, chiêm bái, được trầm trồ biểu dương, được xuýt xoa khen ngợi.
Đám đông là mảnh đất màu mỡ an ủi vuốt ve cái tôi tự ti, nhược tiểu của một số người, nhất là những cá nhân, đơn vị nghĩ ra cái kỷ lục nào đó và cố gắng bỏ tiền bỏ của bỏ nhân lực làm cho bằng được.
Nhưng cũng còn một lý do khác để “kỷ lục” ra đời, đó là câu chuyện PR tên tuổi, nhãn hàng của một số doanh nghiệp, nhất là khi họ làm Mạnh Thường Quân tham gia tổ chức một lễ hội nào đó. Qua việc tài trợ tạo ra một cái bánh to kỷ lục chẳng hạn, họ khuếch trương tên tuổi của mình, làm lợi cho nhãn hàng của mình.
Bản chất của kỷ lục khi đó chưa chắc đã nằm trong sự thành tâm linh thiêng dâng lên thánh thần, mà có khi đơn giản chỉ là một thương vụ, một sự khoa trương tên tuổi để nổi tiếng, để được nhiều người biết đến.
Chiếc bánh chưng khổng lồ nặng 2,5 tấn dâng bàn thờ Quốc tổ tại Đầm Sen, TP. HCM năm 2016. |
Chữa "bệnh" phải từ truyền thông
Bệnh sính kỷ lục là có thật trong tâm lý người Việt. Thử nhìn lại những kỷ lục nếu không nói là vớ vẩn thì cũng buồn cười, thậm chí phản cảm mà chúng ta đã lập trong vài ba năm trở lại đây mà xem.
Tô hủ tiếu kỷ lục phục vụ 1.000 thực khách làm xong đổ bỏ vì nguyên liệu trương phềnh. Hội Lim thì nhăm nhăm “xác lập kỷ lục lễ hội có nhiều người nhất mặc trang phục quan họ cùng hát quan họ Bắc Ninh”, khiến người ta mắc cười tự hỏi không biết lập kỷ lục như thế này để làm gì.
Rồi kỷ lục phản cảm nhất là “Người gánh nước thuê trong thời gian dài nhất” tại Việt Nam cho cụ ông Nguyễn Đường, 82 tuổi, ở Hội An. Mang sự vất vả, khốn khó của một người ra để tuyên dương và xác lập kỷ lục thì đúng là một sự méo mó trong tư duy không thể không chữa trị. Thậm chí đây đã trở thành một hành xử lệch chuẩn trong xã hội, cần phải được chấn chỉnh.
Thế giới đôi khi cũng trao kỷ lục cho những thứ quái dị, quái gở, nhưng đấy là những kỷ lục vui, mang tính hài hước, và nó tuyệt nhiên không chuyên chở các yếu tố văn hóa truyền thống nặng nề như mình.
Nó là để giải trí, như kỷ lục đi trên dây bằng giày cao gót, kỷ lục nuốt kiếm, kỷ lục bộ râu dài nhất thế giới, móng tay dài nhất thế giới... Nhưng các kỷ lục ở ta thì khác, nghiêm trọng hơn, nặng nề hơn, thường gắn với văn hóa, đặc biệt là văn hóa truyền thống, văn hóa tâm linh.
Việc làm ra những chiếc bánh to nhất, lớn nhất, dài nhất để dâng thánh thần... gây ra một ức chế tâm lý trong đa số người Việt, nhất là trong điều kiện kinh tế còn khó khăn, cuộc sống của nhiều người còn nghèo khổ, thiếu thốn. Hơn thế nữa là những kỷ lục này thường mang theo một tâm lý vụ lợi của một số cá nhân, một nhóm người, nhằm để phô trương tên tuổi. Cá biệt còn có kỷ lục tạo ra từ sự gian dối.
Câu chuyện chiếc bánh dày khổng lồ dâng Vua Hùng trong lễ hội năm 2008 độn toàn mút xốp bên trong là một ví dụ rùng mình ớn lạnh. Vấn đề đặt ra là, người ta tạo ra những kỷ lục như vậy rồi dâng lên Vua Hùng để làm gì? Vì niềm tin tâm linh hay vì tên tuổi của chính họ? Và với một sản vật chứa trong lòng nó sự lừa dối như vậy, liệu niềm tin tâm linh của cả một dân tộc có đang bị lợi dụng hay không?
Tô hủ tiếu đủ cho 1.000 thực khách lập kỷ lục lớn nhất Việt Nam phải đổ bỏ vì nguyên liệu bị hỏng. |
Trước đó đã có kỷ lục về bánh dày rồi, muốn phá kỷ lục đó, bánh dày năm nay đương nhiên phải to hơn bánh dày năm trước. Nếu cứ sính kỷ lục như vậy, có thể sẽ đến lúc chiếc bánh dày trong các lễ hội đầu năm sẽ to đến mức không tưởng. Và càng ngẫm càng thấy vô bổ, vớ vẩn cho một kỷ lục như vậy.
Truyền thông vào cuộc sẽ góp phần vào việc định hướng dư luận, giúp người dân và những chuyên gia có tâm, có tài nói lên tiếng nói của mình. Các cơ quan quản lý, các nhà tổ chức có thể từ đó mà có cơ sở tham khảo, cân nhắc, đưa ra quyết định cho hợp lòng dân, hợp điều kiện kinh tế- xã hội tại thời điểm hiện tại.
Trước khi có ý định lập một kỷ lục nào đó, nhất là những kỷ lục mang tính tầm vóc quốc gia, cần phải được bàn thảo sâu rộng trên truyền thông để đông đảo người dân được đóng góp ý kiến.
Truyền thông tuyên truyền để giúp người dân phân biệt được đâu là những kỷ lục nghiêm túc, tạo ra để hướng con người tới các giá trị nhân văn cao đẹp, đâu là những kỷ lục nảy ra từ lòng tham, từ sự vụ lợi của một số cá nhân, từ thói thích phô trương của người Việt.
Những kỷ lục nảy sinh từ tâm lý thích những cái to lớn phô trương mà không mang lại giá trị tích cực nào, gây lãng phí, phản cảm thì không nên tồn tại. Dư luận sẽ kiên quyết nói không với những kỷ lục kiểu đó. Thiết nghĩ đấy là cách trị bệnh “sính kỷ lục” hiệu quả nhất.