Sụt lún đê, nhiều nhà dân bị "nuốt chửng"
Dù vụ việc một đoạn đê sông Mỹ Hà bất ngờ sụt lún đã xảy ra được ít ngày, nhưng người dân xã Hợp Thanh còn chưa hết bàng hoàng. Khắp trong thôn ngoài ngõ đâu đâu cũng bàn tán về việc sụt lún đê làm đổ sập nhà dân. Biết bao nhiêu nguyên nhân được người ta đưa ra, người thì bảo sụt do mạch đất của khu vực, người thì bảo do mối xông làm nên đất đê bị yếu.
Nhiều người cho rằng con đê này trước đây được đắp trên dòng sông nên nền rất yếu. |
Anh Ngô Văn Minh (xã Hợp Thanh) lo lắng: "Tôi nghe nói do có một chiếc giếng được khoan ở khu vực đó nên mới xảy ra vụ việc. Chính chỗ giếng khoan sụt sâu nhất, kéo theo nền đất xung quanh cũng sụt theo. Nghe nói con đê này trước đây được đắp lên từ lòng sông nên nền đất rất yếu.
Đặc biệt hơn, cách đây vài năm chỉ có độ 30 - 40 ngôi nhà, vậy mà bây giờ đã là hơn 100 ngôi nhà mọc lên. Đây là khu vực đất bán trái thẩm quyền, không có sổ đỏ, vì thế họ xây dựng là không đúng quy định của pháp luật. Nhà kiên cố xây dựng trên nền đất yếu thì sớm muộn cũng sẽ xảy ra sụt lún…
Tuy nhiên nguyên nhân đó đó cũng chỉ là phỏng đoán, chỉ là mắt thường nhìn thấy, để tìm ra rõ nguyên nhân thì cần có cơ quan chuyên môn vào cuộc. Chúng tôi là những người dân sống xung quanh khu vực đó đều rất lo lắng, không biết ngôi nhà của mình có nằm trên nền đất an toàn hay không.
Trước đây ở xã khác cũng từng xảy ra vụ việc sụt nhà, hố tử thần nuốt trọn cả ngôi nhà, vì vậy chúng tôi cần câu trả lời xác đáng để bà con yên tâm làm ăn".
Theo quan sát của chúng tôi, hiện trường sụt lún này vẫn còn rất ngổn ngang, như một bãi công trường. đường bê tông trên mặt đê phồng lên, nứt toác, hàng chục ngôi nhà bị ảnh hưởng, trong đó có 3 ngôi nhà bị sụt lún nghiêm trọng. Đặc biệt một ngôi nhà bị hố sâu gần 7 mét "nuốt trọn".
Bà Nguyễn Thị Ngát (xã Hợp Thanh) kể: "Lúc đó tôi đi làm về, vừa đi qua khu vực này nghe tiếng rầm một cái, cứ tưởng là động đất. Chạy ra thì thấy nhà cửa sụt lún cả, tiếng người hò nhau inh ỏi cả một góc trời. Tất cả đều hoảng sợ, lo lắng không biết những ngôi nhà bị sập đó có người hay không. Cũng may là không có ai ở nhà cả, còn một nhà có hai vợ chồng và con nhỏ cũng kịp chạy ra ngoài khi thấy nhà có hiện tượng nứt toác".
Người dân và chính quyền địa phương đang tích cực khắc phục sự cố. |
Bà Nguyễn Thị Mùa bàng hoàng kể lại: "Thời gian xảy ra sự việc vào khoảng 18 giờ, sàn nhà tôi phồng lên khiến chúng tôi tưởng bị động đất. Lúc đó tôi đang trong nhà thì thấy các mạch bê tông, sàn nhà nứt như quả dưa bở rồi nổ bụi. Tôi hoảng loạn chạy ra ngoài thì đã thấy nhà bên cạnh gần như bị cuốn trôi ra sông rồi. Thôi thì cũng may mắn không có ai bị làm sao, của cải mất thì còn làm được ra chứ".
Anh Chu Văn Tuấn (26 tuổi) chủ nhân của một trong những ngôi nhà bị sụt lở nghiêm trọng không giấu được vẻ thất thần. Chiều tối 1 - 5, anh Tuấn đang bế con gái chưa đầy 1 tháng tuổi trên tay thì bỗng nghe tiếng lách tách. Ban đầu anh không hiểu đó âm thanh gì và phát ra từ đâu, anh bế con đi quanh nhà để quan sát. Anh Tuấn hoảng sợ khi phát hiện tường nhà mình đang bị nứt ra, nền nhà phồng lên như quả dưa bở.
"Tôi lúc đó chỉ biết hét thật lớn gọi vợ con chạy ra ngoài. Chỉ vài phút sau nhà tôi nghiêng hẳn và rồi đổ sập mất một phần phía ngoài. Cũng may lúc đó còn đang sớm, chứ nếu là đêm thì không biết vợ chồng và hai con của tôi sẽ như thế nào".
Sau những giây phút hoảng sợ, rồi may mắn thoát chết trong gang tấc, anh Tuấn còn đang phải đối mặt với cảnh nhà mất, nợ nần chồng chất. Vợ chồng anh mới cưới nhau được 3 năm, tích cóp mãi mới được một chút tiền rồi vay mượn người thân lẫn vay lãi để xây nhà. Ngôi nhà mới xây xong cuối năm 2017, vợ chồng và các con của anh mới chuyển đến nhà mới được chừng nửa năm thì xảy ra sự cố.
"Thực sự như hoàn cảnh vợ chồng tôi, vợ thì mới sinh chỉ ở nhà trông con, bản thân tôi đi lái xe tải thuê cũng chỉ được vài triệu một tháng đến sinh hoạt hằng ngày còn gặp rất nhiều khó khăn chứ chưa nói đến chạy tiền trả nợ. Giờ xảy ra cơ sự này chúng tôi không biết sẽ phải xoay xỏa ra sao" - anh Tuấn nói với vẻ lo lắng.
Từ hôm nhà bị sụt, vợ chồng anh phải đưa các con đến nhà ông ngoại (cùng thôn) để tá túc. Anh bảo, cứ nghĩ đến nhà sụt, đến số nợ phải trả là vợ anh lại khóc.
Không may mắn như vợ chồng anh Tuấn là có thể đến ở nhờ nhà ông bà ngoại, 6 mẹ con chị Chu Thị Nghiệm (43 tuổi) đã phải thuê một ngôi nhà nhỏ của một người cùng thôn để ở tạm. Trò chuyện với chúng tôi chị Nghiệm không giấu được những giọt nước mắt.
Chị bảo: "Nhà tôi tuy không to bằng nhà của mấy người hàng xóm nhưng lại bán tạp hóa và đồ nhựa. Thế nên khi nhà bị sụt, nhiều đồ nhựa bị gẫy dập, nếu không thì cũng bị vùi lấp hết rồi. Vốn liếng của cả hai vợ chồng đổ cả vào đó, giờ mất sạch chẳng biết phải làm sao nữa".
Người dân lo lắng vì chưa tìm ra nguyên nhân chính xác của vụ việc. |
Vì hoàn cảnh đông con, kinh tế gia đình khó khăn nên chồng chị Nghiệm phải vào miền Nam làm thuê lấy tiền nuôi các con ăn học. Vì thế hôm xảy ra chuyện chồng chị không có mặt ở nhà. "Hôm đó mấy mẹ con tôi đi đến nhà thờ để làm lễ cầu nguyện. Nhưng vừa đến cửa nhà thờ thì nghe người ta gọi bảo về ngay đi nhà bị sụt mất rồi.
Tôi nghe xong mà bủn rủn hết cả người, chạy mới gần tới nhà mình thì đường tắc vì mọi người đến xem đông quá. Tôi phải quẳng xe đạp vào nhà người quen mới chen được. Lúc nhìn nhà mình bị sụt như thê, tôi gần như xỉu đi. Hàng hóa gần một trăm triệu giờ bị hư hỏng hết rồi" - chị Nghiệm kể lại giây phút chứng kiến nhà của mình bị sụt.
Biển cấm được chính quyền địa phương dựng lên ngay sau khi vụ việc xảy ra. |
Trong số 3 ngôi nhà bị sụt lún thì nhà của anh Nguyễn Văn Quỳnh (32 tuổi) đang trong quá trình hoàn thiện. Anh Quỳnh chua xót: "Chắc chẳng mấy ai đen đủi như tôi, còn chưa được ở nhà mới một ngày thì đã tan tành hết rồi. Trước khi làm nhà, mọi người đã nhắc tôi năm nay không được tuổi nhưng vì nhà chật chội quá đành phải làm".
Trước đây anh Quỳnh ở cùng bố mẹ, tuy nhiên nhà chật chội vợ chồng con cái anh phải ở dưới bếp nhường lại nhà trên cho bố mẹ. Mặc dù miếng đất ở đê gia đình đã mua được hơn 10 năm nhưng vì hoàn cảnh khó khăn chưa thể xây dựng được. Sau khi con cái đã lớn hơn, được sự động viên của gia đình, họ hàng, anh Quỳnh đã quyết định vay mượn để xây nhà ra ở riêng.
"Nhà của tôi bắt đầu đổ đến tầng thứ 2, thực ra cũng chẳng còn tiền mà làm tiếp. Định bụng đổ xong mái tầng 2 là đưa vợ con ra đó ở cũng còn hoàn thiện, trát tường sau. Ai ngờ bê tông chưa kịp khô thì đã xảy ra sự việc đáng tiếc này. Bây giờ tôi cũng chẳng còn cách nào cả, đành ngậm đắng nuốt cay đi làm, tìm cách xây dựng lại".
Sau khi vụ việc xảy ra, ngày 2-5, cơ quan chức năng huyện Mỹ Đức đã tiến hành kiểm tra, khảo sát hiện trường để báo cáo UBND TP Hà Nội có biện pháp khắc phục. Các hộ dân cũng đã tiến hàng tháo dỡ, dọn dẹp, cứu vớt những tài sản còn nguyên vẹn. Ông Nguyễn Văn Duân, Chủ tịch UBND xã Hợp Thanh chia sẻ: Đây là khu vực đất bán trái thẩm quyền, chính vì thế việc xây dựng cũng phải được cấp phép. Khi chúng tôi nhận được thông tin đã đến thông báo thì họ dừng. Tuy nhiên, khi chúng tôi đi họ lại tiếp tục xây dựng, thậm chí có gia đình còn xây đêm hoặc những ngày nghỉ. Chính vì thế việc giám sát đôn đốc gặp rất nhiều khó khăn. Còn về vụ sụt lún trên địa bàn thì chính quyền địa phương đã khẩn cấp đưa ra phương án di dời ngay những hộ dân trong vùng nguy hiểm. Đồng thời phối hợp với các lực lượng chức năng đảm bảo an ninh trật tự. Hiện chính quyền địa phương đã tiến hành khảo sát, đánh giá thiệt hại gây ra cho người dân. Nguyên nhân dẫn tới hiện tượng sụt lún hiện vẫn đang được cơ quan chức năng điều tra làm rõ. Rất may là trong vụ việc này không có thiệt hại nào về người". UBND thành phố giao Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Sở Xây dựng, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các sở, ngành liên quan điều tra, khảo sát xác định nguyên nhân, xây dựng phương án xử lý khẩn cấp khu vực sụt lún để vừa sớm ổn định cuộc sống của người dân, kịp thời ngăn nước lũ sông Mỹ Hà trong mùa mưa bão năm 2018; chỉ định đơn vị triển khai phương án khắc phục sự cố sụt lún… Sở Xây dựng khẩn trương rà soát, xây dựng các trạm cấp nước sinh hoạt tập trung để giảm nguy cơ sụt lún do việc khoan giếng, sử dụng nguồn nước ngầm… |