Nhớ Tết lành, năm mới nơi ven trời Tây Bắc

08:18 27/01/2020
Một năm, người Thái có rất nhiều Lễ hội: Kin pang (lễ cầu mưa, cầu mùa, cầu phúc, cầu lộc cho gia đình và bản Mường); những tháng tiếp theo là các nghi lễ Xên bản, Xên mường (cúng bản, cúng mường, hay là lễ hội cầu an, tưởng nhớ đến các vị thần linh đã khai sáng ra bản mường, cầu cho người dân bản mường được ấm no, hạnh phúc...); tháng 7 có Tết xíp xí (tức 14-7 âm lịch), thờ cúng tổ tiên, thần núi, thần sông đã che chở cho con người); tháng 8, 9, 10 có mừng cơm mới… nhưng quan trọng nhất vẫn là kin Chiêng, tức là ăn Tết.

Xưa kia, người Thái không ăn Tết theo Âm lịch; sau khi giải phóng Điện Biên, người Thái mới cùng nhau tổ chức ăn Tết Âm lịch như người Kinh dưới xuôi.

Ngày Tết, người Thái mổ lợn, mổ gà thờ tổ tiên, ma nhà, ngoài ra còn có bánh chưng, xôi tím, xôi trắng, cá nướng, măng đắng đầu mùa, con sóc, nhộng ong, tất cả các sản vật đầu mùa trên rừng, trên nương, đi tìm đi kiếm về đủ để dâng lên tổ tiên, ma nhà…

Tôi nhớ có năm nhà tôi mừng nhà mới vào đúng dịp Tết. Bố tôi là bộ đội, người Kinh, quê dưới xuôi kết hôn với mẹ tôi là người Thái. Theo phong tục Thái, bố tôi phải đi ở rể ba năm, để ông bà ngoại “kìn heng” (nghĩa là là ăn sức hay phụng dưỡng) trước khi ra ở riêng.

Trong thời gian ấy chàng rể phải chuẩn bị đủ tranh, tre, gỗ, lạt để dựng lên một ngôi nhà sàn. Nhưng do bận công việc nên đến sáu năm sau bố tôi mới lo đủ nguyên vật liệu làm nhà.

Nhờ sự góp sức của các chú bên huyện đội và hàng xóm trong bản, một ngôi nhà sàn với 20 chiếc cột đều tăm tắp đã được dựng lên với chiếc mái cong như mai rùa,  đủ cầu thang hai bên tang quản (giành cho đàn ông, có 7 bậc); tang chan (ở cuối nhà, bên trái dành cho phụ nữ, Chan là phần sàn nhà được nối dài ra ngoài trời, là nơi các mẹ, các chị, các em... thường ngồi chơi lúc nhàn rỗi, thêu thùa, thường có 9 bậc).

Tôi vừa trèo lên trèo xuống cầu thang vừa hít hà mùi gỗ, mùi tranh mới không biết chán. Vừa tỉ mẩn gọt, đẽo chiếc khau cút, bố tôi vừa kể cho tôi nghe về sự tích ngày xửa ngày xưa, mỗi khi chia tay, thường vào cuối tuần trăng, người Thái hẹn nhau, hễ ai đến được vùng đất nào, khi làm nhà thì dựng trên nóc nhà một cái dấu hình mặt trăng khuyết để sau này con cháu nhận ra tình đồng tộc. Do đó người Thái có tình đồng tộc rất lớn, đã là người Thái (Phủ Táy) đều là anh em (pi noọng) hoặc họ hàng (xính cù)…

Những ngày giáp Tết, sớm tối đều nghe thấy tiếng rậm rịch của những đoàn ngựa thồ chở măng khô, mộc nhĩ, gạo nếp, đỗ nho nhe, cam, bưởi, lá dong, giang chẻ lạt… từ Mường Luân, Mường Lói, Mường Nhà ra chợ huyện bán. Rồi lại hối hả thồ muối, vải, quần áo, dầu hỏa trở về… sương mù dày đặc, chỉ nghe thấy tiếng nhạc ngựa rung reng, tiếng chào nhau vội vã và những bước chân hối hả mờ ảo trong sương mù buổi sớm…

Mẹ tôi đeo cái đếp, gọi tôi đi theo, hai mẹ con cứ ngược bờ sông Nậm Núa, đi mãi đến tận Hát Hẹ - một khúc sông nước chảy xiết, trong vắt. Giữa lòng sông có rất nhiều rêu dài, xanh biếc bám vào những hòn đá tròn như trái bưởi. Mấy nam thanh, nữ tú người Thái đang vừa hái rêu (kếp cay) vừa hát đối đáp rộn rã cả một khúc sông.

Mẹ hướng dẫn tôi hái những túm rêu non, ngắn, xanh biếc và bảo rằng ngày xưa ông bà cố rất thích ăn món rêu nướng (cay phò) nên mẹ phải làm món này để cúng ông bà. Cái giống rêu này chỉ mọc vào mùa đông lạnh, khi nước sông trong vắt. Những đám rêu dài xanh mướt phất phơ xuôi theo làn nước như mái tóc mướt dài của người thiếu nữ tung bay theo làn gió vậy.

Chả mấy chốc chúng tôi đã nhặt được lưng đếp rêu xanh mướt. Mẹ bảo “đủ rồi”, đoạn đến một phiến đá to bên bờ sông, đặt mớ rêu lên đó, lấy một hòn đá tròn đập mớ rêu, rồi rũ xuống nước, rồi lại đập cứ thế đến lúc mẹ bảo sạch rồi, không còn cát dính vào nữa. Về nhà mẹ lấy lá dong gói mớ rêu, trộn lẫn gia vị rau húng, sả, gừng, mắc khén, ớt… rồi vùi vào đám tro than trên bếp lửa. Đó là món rêu nướng thơm ngon nhất mà tôi đã từng được ăn.

Sau lễ cúng tổ tiên đêm giao thừa, sáng mồng một Tết nhà tôi bắt đầu đón khách đến ăn mừng nhà mới và ăn Tết. Bác Dọn, Trưởng bản thay mặt khách khứa hát một bài chào mừng (tạm dịch ý): “Khách bản trên đã lại/ Bạn bản dưới đã qua/ Họ hàng đã đầy nhà… /Rau trong chõ đã chín/ Thịt trên mâm đã bày/ Rượu đầy chai đầy hũ/ Cùng mừng vui nhà mới/ Cùng mừng vui Tết lành….”.

Ông chúc bố tôi: “Muốn gì cũng được nhé/ Làm gì cũng thành công/ Trồng lúa thì lúa tốt/ Nuôi trâu thì trâu nhiều/ Làng xóm được ăn nương/ Cả Mường được ăn nhờ….”.

Rồi ông quay sang chúc mẹ tôi: “Úp bàn tay thành bông, thành vải/ Ngửa bàn tay thành đệm lau, thành piêu năm cút(2)/ Hai tay khéo giỏi thổi men nấu rượu/ Tưới vườn rau thì rau tươi tốt/ Vẩy nước vườn hành thì tỏi ngập tàu…”.

Những lời chúc thật cao diệu, có ý tứ, có vần điệu như một bài thơ, tuy ngẫu hứng nhưng cứ như thể được lập trình sẵn vậy, chỉ đợi dịp là tuôn trào ào ạt…Sau lời chúc tụng của khách, tiệc mừng bắt đầu. Bàn tiệc cũng chẳng cầu kỳ, trừ món canh phải dùng bát to, còn các món thịt, cá, măng, rau trộn… đều được bày ra lá dong, lá chuối trải xuống sàn nhà.

Vậy mà thực khách cũng chẳng nề hà, ăn, uống tự nhiên, vui vẻ chúc tụng nhau náo nhiệt. Bọn trẻ con chúng tôi không quan tâm lắm đến tiệc rượu hay những lời khắp mú lẳu pan khẳu (hát ở mâm cơm, mâm rượu), bởi vì dưới sân, ngoài bãi đã rộn rã trống xòe, tiếng hò reo, cổ vũ từ những trò chơi dân gian vang động như giục giã, gọi mời.

Anh Giàng rủ tôi chạy ra bãi cỏ rộng đầu bản, nơi đang có nhiều trò chơi. Anh là người Mông, con bác Sùng Quý Chịa ở tít tận bản Keo Lôm về ăn Tết cùng gia đình. Anh mặc bộ đồ dân tộc Mông màu đen, áo chẽn nhưng quần thì ống rộng thùng thình, được thắt chặt bằng chiếc dây lưng vải đen, 15 tuổi nhưng cao lớn như thanh niên vậy. Anh chơi trò gì cũng giỏi, luôn giành phần thắng như trò Tó sáng (chọi cù), Chặc bai (kéo co), Khí chọ chẹ (đi cà khoeo), Bén nả (bắn nỏ)…

Đến trò Tó tếch (đẩy gậy) anh phải đấu với một thanh niên Thái khá khỏe, giằng co khá lâu. Có lẽ do anh gồng căng mình lấy sức hay sao mà cái dây lưng vải không chịu nổi bỗng bung đánh phựt một cái, chiếc quần rộng thùng thình tuột ngay xuống… lũ trẻ con khoái chí hò reo rầm trời. Vậy mà anh không bỏ cuộc, dồn sức thúc mạnh một cái và giành phần thắng, rồi mới ba chân bốn cẳng hai tay kéo quần chạy ra sau bụi cây chỉnh đốn lại…

Xa quê đã nhiều năm, trải qua nhiều cái Tết ở khắp mọi miền đất nước, nhưng cứ mỗi dịp Tết đến Xuân về tôi cứ đau đáu nhớ về những ngày Tết thuở ấu thơ nơi ven trời Tây Bắc.

Bởi mỗi một vùng quê dù nghèo đến mấy vẫn trở nên giàu có trong suy nghĩ và tình cảm của đứa con xa quê. Có lẽ giá trị cội nguồn luôn thấm đẫm trong tâm thức, chở che, bồi đắp cho mỗi con người. Quê hương mãi là chùm khế ngọt, nơi nuôi dưỡng ký ức và cả hành trang để những đứa con bước vào đời.

Lưu Hồng Sơn

Hội Cựu CAND Việt Nam vạch ra nhiều giải pháp thiết thực nhằm thống nhất trong toàn thể hội viên về nhận thức và hành động, phấn đấu thực hiện mục tiêu giữ gìn và phát huy bản chất tốt đẹp của CAND Việt Nam; đồng thời phát huy nhiệt huyết, trí tuệ, kinh nghiệm, tích cực tham gia các phong trào ở cơ sở, nhất là phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ.

Ngày 7/5, tại trụ sở Liên hợp quốc ở Geneva (Thụy Sỹ), Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Đỗ Hùng Việt sẽ dẫn đầu đoàn đại biểu Việt Nam tham gia phiên đối thoại về Báo cáo quốc gia của Việt Nam về bảo vệ và thúc đẩy quyền con người theo cơ chế Rà soát định kỳ phổ quát (UPR) chu kỳ IV của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc.

Ngày 5/5, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bắt đầu chuyến công du châu Âu, với các chặng dừng chân ở Pháp, Serbia và Hungary. Chuyến đi được đánh giá có ý nghĩa quan trọng trong việc thúc đẩy tổng thể mối quan hệ giữa Trung Quốc với 3 nước nói riêng cũng như với Liên minh châu Âu (EU) nói chung phát triển ổn định và lành mạnh, góp phần củng cố sự ổn định trong một thế giới đầy biến động.

Trong cuộc sống, thiếu vắng đi người cha, người mẹ, đó là nỗi đau không thể bù đắp của những đứa trẻ đang tuổi ăn, tuổi lớn. Với mong muốn mang đến những điều tốt đẹp, xoa dịu nỗi đau cho các em nhỏ mồ côi, giúp các em có thêm nghị lực vươn lên trong cuộc sống, những người mẹ đỡ đầu là hội viên của các cấp Hội phụ nữ trong Công an tỉnh Lạng Sơn đã dang rộng vòng tay yêu thương, nhận chăm sóc, nuôi dưỡng và giúp đỡ nhiều em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn.

Ngày 6/5, theo nguồn tin riêng của phóng viên, Công an tỉnh Thanh Hoá đang tích cực điều tra nguyên nhân dẫn đến cái chết bất thường của 2 mẹ con trong ngôi nhà đang cháy xảy ra tại phố Kiều Đại 2, phường Đông Vệ, TP Thanh Hoá.

Ngày 6/5, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Quảng Ninh cho biết, cơ quan này vừa ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, lệnh bắt tạm giam đối với Phạm Thị Thanh Huệ (SN 1982; trú tại thôn 8, xã Quảng Chính, huyện Hải Hà) để điều tra về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Ngày 6/5, Cục CSGT cho biết, Cơ quan CSĐT Công an huyện Yên Châu (Sơn La) đã ra Lệnh bắt người trong trường hợp khẩn cấp để điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật đối với lái xe đầu kéo vi phạm nồng độ cồn mức kịch khung đi không đúng phần đường gây tai nạn khiến 1 người chết, 7 người bị thương.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文