TP Hồ Chí Minh tập trung đánh mạnh “tín dụng đen”
Xách hung khí chém lìa tay để đòi nợ
Giữa tháng 11-2020, Công an quận Bình Thạnh đã khởi tố vụ án “Cố ý gây thương tích”, “Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự” xảy ra trên địa bàn.
Đáng nói trong vụ việc này, một người dân đã bị chém lìa tay khi nhóm người gồm Nguyễn Xuân Vượng (30 tuổi), Hoàng Duy Đảng (27 tuổi), Nguyễn Khắc Tuấn (29 tuổi, cùng quê Thanh Hóa); Huỳnh Trọng Tiến (32 tuổi, quê Quảng Nam); Võ Văn Kỳ (36 tuổi, quê Kiên Giang) và Phạm Văn Quy (20 tuổi, quê Đồng Tháp) đã tới căn nhà ở phường 3, quận Bình Thạnh đòi nợ.
Sử dụng mạng internet và công nghệ cao để hoạt động cho vay lãi nặng. |
Theo thông tin ban đầu, bà H (ngụ phường 3, quận Bình Thạnh) vay của Vượng 7 triệu đồng, mỗi ngày trả 350.000 đồng trong 24 ngày. Trong khoảng một năm, bà H. góp cho Vượng nhiều lần nhưng chỉ được 4 triệu, còn nợ 3 triệu đồng. Cuối năm 2019, Vượng tìm bà H. để đòi tiền, rồi lớn tiếng chửi bới đòi dẹp quán bún của bà H. Lúc này, anh T. (34 tuổi, cháu ruột bà H.) đang ngồi ăn tại quán bức xúc nên lấy gậy đuổi đánh Vượng bỏ chạy.
Tức giận, Vượng gọi điện rủ Tiến, Quy, Tuấn, Hào… tìm tới “tính sổ”. Trước khi đi, Tuấn được Vượng chỉ đạo đến nhà Văn Kỳ lấy hai con dao, một mã tấu mang theo. Vừa tới nơi, cả nhóm thấy chồng bà H. nên đuổi chém khiến người đàn ông hoảng loạn tháo chạy. Sau đó, Vượng lấy dao gõ vào đầu bà H. và yêu cầu phải trả tiền nợ.
Lúc này, anh N (34 tuổi, bạn anh T.) có mặt ở đây liền bị Tiến cầm hung khí xông vào chém. Nạn nhân đưa tay lên đỡ thì bị chém trúng hai tay khiến một tay gần như đứt lìa…
Công an quận Bình Thạnh sau đó truy bắt nhưng băng nhóm này đã bỏ trốn khỏi TP Hồ Chí Minh. Đến tháng 3-2020, Vượng cùng đàn em lại xuất hiện tại TP Hồ Chí Minh tiếp tục cho vay lãi nặng thì bị Công an quận Bình Thạnh bắt giữ.
Cũng trên địa bàn quận Bình Thạnh, đầu tháng 10 vừa qua, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an quận đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can Nguyễn Văn Quang (36 tuổi) và Vũ Ngọc Giang (26 tuổi, cùng ngụ Nam Định) về tội “Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự”.
Trước đó, bà T (45 tuổi, ngụ quận 6, tạm trú đường Võ Oanh, phường 25, quận Bình Thạnh) đã vay nhiều gói nợ của Quang, Giang. Mặc dù đã trả tiền nhiều đợt, trong đó có đợt trả đủ số nợ cả gốc lẫn lãi, nhưng vẫn bị nhóm này liên tục “khủng bố”, tạt sơn chất bẩn vào nhà, đe dọa cả người thân. Qua đấu tranh, Công an quận Bình Thạnh xác định Quang và Giang là hai nghi can có vai trò chính, liên kết với nhau để cho bà T. vay nhiều gói nợ, với mức lãi suất từ 20% - 45%/tháng.
Tối 9-9, nhận tin báo nhóm của Giang đến nhà bà T. đòi nợ, Công an quận Bình Thạnh đã bắt giữ 6 người, trong đó có Quang, Giang. Qua khám xét các nơi cư ngụ của nhóm này, Công an thu giữ nhiều tài liệu thể hiện hoạt động cho vay lãi nặng…
Hình ảnh một vụ tạt sơn, chất bẩn vào nhà. |
Theo Công an quận Bình Thạnh, để khởi tố thành công vụ án này nói riêng cũng như các vụ án tương tự, lực lượng chức năng phải làm rõ được quá trình vay nợ, trong đó có số tiền gốc và tiền lãi, dựa trên cơ sở đó để tính ra được số tiền mà các nghi phạm cho vay, thu lợi bất chính, sau khi đã trừ đi mức lãi suất hợp pháp mà Ngân hàng Nhà nước quy định là 1,66%/tháng. Tuy nhiên, để cụ thể hóa những yếu tố này là không dễ, do quá trình vay nợ giữa chủ nợ và con nợ thường không được thể hiện trên hồ sơ, giấy tờ, đồng thời quá trình trả nợ, đóng lãi cũng không để lại bằng chứng gì.
Để chứng minh toàn bộ quá trình giao dịch giữa hai bên là dân sự hay hình sự, cơ quan điều tra phải áp dụng nhiều biện pháp nghiệp vụ, tính toán chuẩn xác. Chưa kể đa số người đi vay nợ từ “tín dụng đen” thường không dám trình báo, không dám hợp tác với cơ quan Công an nên gây khó cho cơ quan chức năng khi chứng minh hành vi cho vay lãi nặng…
Ưu tiên xử lý “tín dụng đen”, đòi nợ thuê
Theo Công an TP Hồ Chí Minh, từ đầu năm 2020 đến nay, các đơn vị nghiệp vụ, Công an các quận, huyện đã triển khai đồng loạt nhiều biện pháp phòng, chống và trấn áp tội phạm hoạt động “tín dụng đen”.
Công an TP Hồ Chí Minh cũng triệt xóa và mở rộng điều tra băng nhóm cho vay nặng lãi thông qua các ứng dụng (app) trực tuyến cho vay (Doctor app, Vdong, Openvay, Tiennhanh, Vtdong, Movay…).
Thượng tá Trần Văn Phú, Phó trưởng Phòng Cảnh sát Hình sự, Công an TP Hồ Chí Minh, cho biết, trong thời gian qua Công an thành phố đã xử lý rất quyết liệt, mạnh tay với loại hình tín dụng đen cả kiểu cũ và kiểu mới (cho vay qua app). Những đối tượng này chủ yếu từ miền Bắc vào, họ ở chung cư hạng sang hoặc thuê các căn nhà để hoạt động, chia trách nhiệm từng đồng bọn. Ngoài ra, một số đối tượng cấu kết với những người Trung Quốc mở các công ty ở trong nước để hoạt động, vừa cho vay, vừa đòi nợ. Do đó, rất khó để bắt kẻ cầm đầu ở Trung Quốc.
Đại tá Lê Công Vân, Trưởng phòng Cảnh sát QLHC về TTXH, Công an TP Hồ Chí Minh cho biết, hiện nay có 53 công ty có chức năng đòi nợ thuê tại thành phố. Thực hiện nghị quyết của Quốc hội, các công ty có chức năng đòi nợ thuê chấm dứt hoạt động kể từ ngày 1-1-2021.
Nhóm đối tượng chém lìa tay một nạn nhân ở Bình Thạnh. |
“Hiện chúng tôi đang báo cáo với lãnh đạo Bộ Công an sẽ có hướng dẫn thực hiện và thu hồi với giấy phép, giấy cấp về ANTT với công ty đòi nợ thuê. Trên cơ sở đó, Phòng Cảnh sát QLHC về TTXH sẽ báo cáo Ban Giám đốc Công an TP Hồ Chí Minh có kế hoạch tiếp tục thực hiện quản lý để các công ty này không hoạt động trá hình bằng hình thức biến tướng khác”, Đại tá Lê Công Vân thông tin.
Đại tá Nguyễn Sỹ Quang, Phó Giám đốc Công an TP Hồ Chí Minh, cho biết Công an TP Hồ Chí Minh sẽ chuẩn bị ra mắt Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm công nghệ cao. Hiện nay, tất cả tội phạm hiện nay đều có liên quan đến không gian mạng. Xuất phát từ yêu cầu thực tế, Công an TP Hồ Chí Minh đề xuất Bộ Công an cho thành lập Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm công nghệ cao.
Đây được đánh giá là đơn vị chủ công phối hợp với các đơn vị khác để thực hiện phòng chống tội phạm trên không gian mạng và là lực lượng chuyên trách giúp cho Giám đốc Công an thành phố phòng ngừa và đấu tranh về lĩnh vực này có hiệu quả hơn.